Nhạc nhẹ xa rời thi ca, - hệ lụy thẩm mỹ giới trẻ hôm nay

Sẽ còn xuất hiện nhiều ca khúc nhạc nhẹ tân thời Việt Nam với lối ca từ mất hoàn toàn thi tính. Cơ bản, chúng ta không thể chống lại sức mạnh của một thời đại được quyết định bởi số đông là người trẻ.

KHI NHẠC NHẸ XA RỜI THI CA
(Văn Đoàn)

Với sự ra đời của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, các nền tảng chia sẻ video tự quản, các hãng đĩa truyền thống và lừng lẫy đã lui dần vào hậu trường khi các nghệ sỹ có thể tiếp cận khán giả trực tiếp hơn, chủ động hơn. Và sự giao thoa mạnh mẽ, tốc độ của các vùng văn hoá cũng đã tạo nên một thời đại mà âm nhạc đại chúng ít đặc trưng riêng hơn bởi sự ảnh hưởng lẫn nhau theo thiên hướng xu thời.

Thế hệ sáng tác mới của V-pop (vốn dĩ ra đời từ khoảng thập niên 90 trở lại đây) đã chịu rất nhiều ảnh hưởng từ các vùng văn hoá lấn át như Bắc Mỹ hay Hàn Quốc. Họ lớn lên trong tràn ngập thông tin, nội dung giải trí nhập khẩu từ các khu vực đó và dần dần thấm đẫm nó.

Khi sáng tác, họ không thoát khỏi những ảnh hưởng quá lớn kia, tạo ra cả một sự thay đổi rất lớn về diện mạo của nhạc nhẹ Việt Nam hiện đại. Điển hình chính là sự dịch chuyển về cách sử dụng ca từ. Nếu các thế hệ đi trước mạnh về những ca từ nên thơ hơn thì thế hệ hôm nay lại sử dụng ca từ trực diện hơn, nhiều khi tạo cảm giác khó nghe với những ai bảo thủ.

“Đến khi nào anh mới bớt suy nghĩ nhở? Đến khi nào em mới biết bỏ thuốc nhở? Người mà em yêu em còn chia tay được theo anh thuốc lá đã là gì? Thì chẳng qua em đang chưa muốn thôi anh, anh đâu cần quan tâm làm gì?”. Đó chính là đoạn đối đáp trong ca khúc “Em bỏ hút thuốc chưa?”. Nó lập tức trở thành “từ khoá thời thượng” trong một khoảng thời gian không dài.

Ngày xưa, thế hệ trước cũng không hiếm lần đưa hình ảnh điếu thuốc lá vào ca khúc như một minh họa cho sự cô đơn, những phút suy tư. Ví dụ như câu “Hãy chiều anh lần cuối/ Hút chung điếu thuốc đây/ Rồi mai ta cách xa/ Nhớ em trong khói bay” (Phạm Hoàng Dũng) hay câu “Bài hát, tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên/ Bài hát, tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn” (Thanh Tùng). Rõ ràng, thi tính trong lời bài hát Việt ngày trước mạnh mẽ hơn thời nay rất nhiều.

Có người cho rằng thế hệ V-pop đương đại ảnh hưởng nhiều không khí âm nhạc Bắc Mỹ, trong khi thế hệ đi trước lại ảnh hưởng nhiều từ châu Âu lục địa và âm nhạc châu Âu lục địa vẫn giàu thi tính hơn. Điều này không sai nhưng không hẳn các bản hits của Bắc Mỹ là không có thi ảnh mặc cho cách dùng ngôn ngữ quá thẳng thắn. Bản “Darkness” của Eminem, một rapper ngôi sao lừng danh của Mỹ cũng có những câu rất giàu tưởng tượng và thi ảnh:  “Và anh lại đơn độc nơi đây/ Chẳng thoát khỏi cái hố vực này/ Như thể ngàn bức tường cứ bủa vây/ Em chẳng cứu chuộc được anh đâu...”.

Âm nhạc chính là một tiếng vang tiêu biểu của thế hệ. Và thế hệ thì được hình thành từ môi trường giáo dục, giao tiếp mà họ nhận được. Ở đây, mối liên hệ giữa sức hấp dẫn của môn văn trên giảng đường với văn hoá của thế hệ cần được nhắc lại lần nữa, vì khó ai có thể xoá sổ nguyên nhân rất cơ bản này.

Sẽ còn xuất hiện nhiều ca khúc nhạc nhẹ tân thời Việt Nam với lối ca từ mất hoàn toàn thi tính. Cơ bản, chúng ta không thể chống lại sức mạnh của một thời đại được quyết định bởi số đông là người trẻ. Nhưng chúng ta cần phải nhắc lại, âm nhạc vốn được định nghĩa là một thứ giàu “lyric-harmonic” (thi ca - hoà thanh) mà tất cả các giáo trình âm nhạc hàng đầu đều đề cập tới. Khi âm nhạc rời xa thi ca, đó là lúc chúng ta nên bắt đầu mối lo về những thế hệ bắt đầu khô cứng đi, thực dụng hơn, đánh mất ngôn ngữ nhiều hơn và chỉ tôn thờ đúng một thứ ngắn ngủi: tính xu thời.


(Bài viết của tác giả Unknown)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...