Ký ức Tết quê (Đoan Ngọ - 5/5)


KÝ ỨC TẾT QUÊ (TẾT MÙNG 5 THÁNG 5 - ĐOAN NGỌ) 
 
Nguyễn Văn Trường

Quê tôi, ngoài cái tết nguyên đán còn mấy cái tết theo khí, tiết trong năm. Tết nào cũng có tích dễ nhớ và gắn liền với đời sống con người. Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 đặc trưng và được mọi người nhớ đến bởi những món ngon bánh trôi, bánh chay.

Tết mùng 5 tháng 5 - Tết đoan ngọ cũng nuôi trong tôi bao nỗi nhớ và gợi lại cho tôi bao ký ức tuổi thơ. Nhớ và thích nhất cái tết này là ba chị em tôi được bà nội và mẹ nhuộm móng tay, móng chân bằng một thứ lá có tên là "lá móng". Lá móng thường được bà hoặc mẹ mua ở chợ từ sáng hôm trước (mùng 4 tháng 5), đến chiều bà nhắc các con, các cháu rửa chân tay và móng cho thật sạch. Tối hôm ấy, lá móng cũng được rửa sạch, giã dập trong một cái bát sứ rồi cứ rúm từng rúm nhỏ lá móng đã giã dập đặt gọn trên 10 móng tay, 10 móng chân và gói kín lại bằng một lá khác. Chẳng hiểu sao có năm bà còn kiêng để lại 1 móng. Qua đêm, sáng mùng 5 tháng 5, khi ngủ dậy, mấy chị em có đủ bộ móng tay, chân mang màu nâu đỏ, hoặc nâu sẫm. Mấy chị em làm nail ngày nay gặp các các bà, các mẹ thì thất nghiệp luôn.


Tết mùng 5 tháng năm đến, khiến tôi không sao quên được tục "khảo cây", cây nào không ra quả thì một đứa ôm gốc cây, một đứa cầm dao nói dọa: "Cây! nếu sang năm không ra quả sẽ bị chặt!". Tôi ra oai như vậy cũng được bà và mẹ gọi dậy từ sớm để làm.

Bà và mẹ còn kể, buổi trưa ngày mùng 5 tháng 5, ai mà gặp rắn thằn lằn thì cả năm gặp may, và ai không may bi lẹo mắt (y học gọi là bị chắp mắt) thì lấy hạt cơm giẻo dán lên chỗ bị lẹo và hô thần chú: cái lẹo mày néo hạt cơm, cái lẹo thì mất, hạt cơm thì còn. Con trai hô 7 lần, con gái hô 9 lần rồi ném bỏ hạt cơm đi. Cái lẹo sẽ dần bay mất.

Tết mùng 5 tháng 5, ngày nay vẫn còn phổ biến là tục "giết sâu bọ". Tục này làm tôi nhớ nhất nhưng không thích lắm. Chị em tôi được bà và mẹ gọi dậy từ sớm để ăn một quả chua. Mùa này sẵn có quả mận, muỗm xanh, chanh... Mỗi đứa phải ăn một quả từ lúc dậy. Không hiểu tại sao các cụ gọi thế là "giết sâu bọ". Bên cạnh những quả chua, cả nhà tôi còn giết sâu bọ bằng rượu nếp cái do chính tay bà, hoặc mẹ tôi làm lấy. Rượu nếp cái là kết quả của quá trình ủ men, hạt cơm nếp được thổi từ gạo nếp cái hoa vàng, hoặc nếp cẩm, sau đó ủ men khoảng 3-4 ngày tùy theo thời tiết, cơm nếp ủ men tạo thành rượu ở trạng thái nguyên hạt, mọng nước rượu. Nước rượu nếp sánh đặc, có vị cay của rượu, thơm của nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm. Cái rượu nếp được bà ủ trong một cái rá tre, lót lá chuối, hay lá sen (ngày nay lót bằng túi ni-lông), nước rượu đặc sánh vàng (nếp hoa vàng), sánh đỏ thẫm (với nếp cẩm), ăn nếp cái và uống nước này thơm, ngon, bổ và thật thích thú, tuy nhiên chúng tôi không được ăn, uống nhiều vì rất dễ say. Tôi thích giết sâu bọ bằng rượu nếp hơn là ăn quả chua. Có lẽ ngày nay tôi uống được răm, ba chén rượu cũng là do tôi được ăn rượu nếp cái và uống nếm rượu nước của ông bà tôi làm ra thời trước.

Tết mùng 5 tháng 5 ở quê tôi cũng đánh dấu thời điểm thu hoạch một mùa vịt. Nhiều nhà nuôi được đàn vịt vì tận dụng mùa mưa, ếch nhái sinh sản đầy đồng, lúa chiêm rụng xuống làm thức ăn tự nhiên cho vịt. Những con vịt lớn nhanh, phát triển sớm sẽ được hứa hẹn đúng ngày tết mùng 5 tháng 5 để "Khai giàng". Khai giàng chỉ dùng cho cho việc mổ những con vịt đầu tiên trong đàn. Vịt bầu cho ta nhiều thịt nhưng lớn chậm nên mùa thu hoạch vịt bầu muộn hơn.

Tết mùng 5 tháng 5 và tết mùng 10 tháng 10 là hai tết mừng gạo mới, tết này thực chất đánh dấu một giai đoạn gặt hái xong xuôi. Tổng kết một vụ lúa thu hoạch. Vụ chiêm là mùng 5 tháng 5 chỉ có gạo tẻ. Vụ mùa là mùng 10 tháng 10 có cả tẻ, cả nếp. Theo phong tục quê tôi, mọi nhà trong làng ăn mừng cơm gạo mới, tẻ có, nếp có. Với tết này, các nhà có con gái lấy chồng làng tất thảy đều mang biếu bố mẹ răm ba đấu gạo ngon. Có tẻ mang biếu tẻ, có nếp mang biếu nếp. Tuy nhiên, tết này đang bị mai một quên lãng vì cái chính là các giống lúa mới cho thu hoạch hầu hết sớm hơn 2 cái tiết này nhiều (để người nông dân quê tôi tranh thủ thêm vụ khoai, đậu...), thứ nữa vì điều kiện sống khấm khá hơn, người dân làng tôi cũng thay đổi lúa mới, gạo ngon thường ngày, ít người còn khái niệm tết vì gạo ngon lúa mới nữa.

Hằng năm, cứ đến những tết dân gian, truyền thống này khiến tôi nhớ đến bà nội, nhớ đến mẹ tôi da diết. Những người trực tiếp nuôi cho tôi những nỗi nhớ, những ký ức mãi mãi không bao giờ quên.

NVT
 

(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...