Trung Quốc Đại Lục liên tiếp xảy ra vụ việc đột biến rút tiền gửi ngân hàng, vụ mới nhất
liên quan đến Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu (Ảnh chụp màn hình video)
Người TQ đổ xô đi rút tiền ngân hàng:
Đêm tối trước khủng hoảng?
Ngân hàng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thí điểm hạn chế rút tiền mặt số lượng lớn ở ba tỉnh và thành phố. Ở Trung Quốc Đại Lục đã liên tục xảy ra vụ việc đột biến rút tiền gửi ngân hàng, bất chấp ĐCSTQ nhanh chóng vào cuộc bác tin đồn cũng như cho an ninh bắt người, đông đảo cư dân mạng vẫn tấp nập bình luận. Chuyên gia chỉ ra các ngân hàng của ĐCSTQ đang gặp vấn đề thiếu tiền mặt nghiêm trọng, đang đứng trước hàng loạt nguy cơ sắp bùng nổ.
Nhiều hãng truyền thông đồng loạt loan tin, ngày 6/11 Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu (Yingkou Coastal Bank) tại tỉnh Liêu Ninh vì bị tin đồn gặp khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khiến số lượng lớn người gửi tiền đồng loạt rút tiền. Trước đó một tuần cũng xảy ra cảnh tương tự tại Ngân hàng Thương mại nông thôn Y Xuyên ở Lạc Dương tỉnh Hà Nam, một cư dân mạng đã bị bắt giam vì tung tin ngân hàng này phá sản.
Nguồn tin cho biết, chính quyền thành phố Dinh Khẩu sau đó đã ra thông báo rằng, “Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu có nguồn tiền dồi dào”, “Mọi người không tin vào tin đồn”, “Tất cả các dịch vụ đang hoạt động bình thường”. Văn phòng Công an thành phố Dinh Khẩu cũng công bố thông tin đã bắt giữ 9 người vì tung tin thất thiệt trên mạng internet gây kích động mọi người.
Đột biến rút tiền gửi tại Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu ở Liêu Ninh. Đã bắt vài người tung tin đồn. Hiện nhiều vụ việc tương tự xảy ra trên khắp nước. Toàn là do có người tung tin thất thiệt?
Nhận định về thông tin này, trên tờ Epoch Times, Giáo sư Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken Đại học Nam Carolina chia sẻ, “Liên tiếp xảy ra đột biến rút tiền gửi ngân hàng tại Lạc Dương tỉnh Hà Nam và Dinh Khẩu tỉnh Liêu Ninh, thời điểm này ĐCSTQ lại ra kế hoạch thí điểm hạn chế rút tiền mặt số lượng lớn ở Hà Bắc và Chiết Giang, rõ ràng có vấn đề rút tiền nên ĐCSTQ bắt đầu chuẩn bị ứng phó, cho thấy đã báo hiệu làn sóng sụp đổ quy mô lớn của ngân hàng”, “Khủng hoảng tài chính của Trung Quốc có thể đã cận kề thời điểm bùng phát”.
Theo truyền thông của ĐCSTQ, vào ngày 5/11 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc thực hiện Quản lý tiền mặt số lượng lớn ở tỉnh Hà Bắc, tỉnh Chiết Giang và thành phố Thâm Quyến (Dự thảo lấy ý kiến công khai)”. Thông báo cho biết, việc thử nghiệm quy chế đăng ký rút tiền sẽ được thực hiện tại Hà Bắc, Chiết Giang và Thâm Quyến, nghĩa là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài khoản công vượt quá 500.000 RMB (nhân dân tệ) và việc sử dụng tài khoản cá nhân vượt quá 100.000 RMB.
Thiếu hụt dòng tiền?
Theo Reuters hôm 7/11, theo dữ liệu của Reuters, số dư nợ của trái phiếu do Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu phát hành là 10,93 tỷ RMB. Trong đó có hai loại chứng chỉ tiền gửi liên ngân hàng sẽ hết hạn vào ngày 8/11, cụ thể là CD025 và CD026 của Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu với quy mô lần lượt là 250 triệu RMB và 120 triệu RMB.
Một bài viết đăng trên Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) tại Đại Lục vào ngày 5/11 cho biết, theo một phán quyết mới đây của tòa án, do vấn đề tài sản của một thành viên thuộc Tập đoàn Quốc tế Hoa Quân (Huajun Holdings Group), vốn một cổ đông của Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu đã bị tòa án niêm phong. Một công ty niêm yết tại Hồng Kông thuộc Tập đoàn Quốc tế Hoa Quân là cổ đông lớn thứ hai của Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu. Bài viết này hiện đã bị gỡ bỏ.
Ông Tạ Điền cho biết, các ngân hàng địa phương khác nhau ở Trung Quốc luôn có vấn đề về tỷ lệ nợ và tỷ lệ nợ xấu quá mức, trường hợp chứng chỉ tiền gửi ngân hàng lớn như vậy vẫn chưa dừng lại, nhưng hiện nay vấn đề này không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất của ĐCSTQ: “Cho dù số chứng chỉ tiền gửi khổng lồ này hết hạn, họ vẫn có thể tìm cách giải quyết vấn đề trong hệ thống, chuyển tiền qua tài khoản điện tử không liên quan đến tiền mặt, dù nợ xấu nhiều thì Ngân hàng Trung ương của ĐCSTQ cũng có thể giải quyết bằng cách in thêm tiền.”
Ông cho rằng vấn đề lớn hơn mà ĐCSTQ hiện nay phải đối mặt là tình trạng thiếu tiền thực sự, đó là vấn đề thiếu hụt dòng tiền: “Rõ ràng, chắc chắn những vấn đề này không phải vô căn cứ, cho nên mới xảy ra đột biến rút tiền gửi, một khi tình trạng hoảng loạn này lan rộng sẽ bùng phát đột biến rút tiền gửi ở khắp Đại Lục, cho thấy ĐCSTQ đang gặp rắc rối lớn. Do đó, ĐCSTQ vừa vội vàng bác tin đồn và vừa bắt giữ người, mục đích ngăn chặn tình hình từ khi manh nha, thực chất lo ngại chính của ĐCSTQ liên quan nhiều hơn đến dòng tiền.”
Theo ông Tạ Điền, vấn đề mất khả năng thanh toán và thiếu tiền mặt tại các ngân hàng Trung Quốc đã rất nghiêm trọng, blockchain và tiền kỹ thuật số do ĐCSTQ đưa ra trước và sau Hội nghị Toàn thể lần 4 là để giải quyết tình trạng thiếu tiền, họ cho rằng có giải pháp cho vấn đề.
ĐCSTQ trước ngưỡng cửa phá sản và sụp đổ hoàn toàn?
Vấn đề đột biến rút tiền gửi tại Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu đã gây bùng nổ tranh luận trong cư dân mạng. Nguồn tin từ trang thông tin thuộc công ty Netease trong vài phút đã nhiều lần dao động lượt bình luận trong khoảng 50.000 đến hơn 70.000 lượt.
Trên Epoch Times, luật sư Chúc Thánh Vũ (Zhu Shengwu) tại Đại Lục cho biết, những bình luận thông tin này của Netease chưa bị kiểm duyệt là rất có ý nghĩa, “Qua những bình luận này có thể hiểu được suy nghĩ thực sự của người dân Trung Quốc về ĐCSTQ và đất nước.”
Nhiều bình luận cho thấy cư dân mạng lo lắng nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ, cho rằng nên sớm có chuẩn bị cho tình huống tồi tệ, như chú ý giữ ngoại tệ mà đặc biệt là Đô la Mỹ, vàng, lo ngại bất động sản có thể là thứ vô nghĩa nhất, nên chú ý lưu trữ thực phẩm….
Cũng có nhiều cư dân mạng bình luận bằng khuôn mặt cười và để lại lời nhắn: “Cố lên! Bắt đầu”. “Bắt đầu!” “Bắt đầu! Sự khởi đầu của sự sụp đổ.”
Ông Tạ Điền cho rằng, có thể ĐCSTQ đang ở trước nguy cơ phá sản và sụp đổ toàn diện, “Dân chúng đã không ai còn tin ĐCSTQ, không có cách nào để thuyết phục được mọi người tin họ, vốn dĩ từ ban đầu ĐCSTQ được thành lập từ lừa dối và bạo lực”. “Một khi dân chúng không tin Chính phủ thì cũng không tin vào các ngân hàng của Chính phủ. Thực tế đây là thảm họa đối với hệ thống ngân hàng.”
Ông Chúc Thánh Vũ cũng nhận định ĐCSTQ thực sự như đang ngồi trên thùng thuốc súng, “Không phải người Trung Quốc Đại Lục không biết, chẳng qua mọi người khó khăn để lên tiếng phản kháng, từ năm 2012 - 2013 khi Weibo chưa bị kiểm soát chặt chẽ đã bùng nổ làn sóng nguyền rủa ĐCSTQ trên Weibo, khi đó hình ảnh của ĐCSTQ mới bắt đầu sụp đổ, còn đến giờ thì đã hoàn toàn sụp đổ.”
Xem thêm:
Người dân Hồng Kông kêu gọi nhau đồng loạt rút tiền khỏi Ngân hàng Trung Quốc
Người TQ đổ xô đi mua vàng, rút tiền khỏi ngân hàng và thị trường chứng khoán
(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...