RỬA và THĂM...

Rửa nó có từ thời xưa. Xưa gọi là khao, khao làng, ăn khao. Nhưng nó chỉ lác đác, khi có việc trọng mới khao.

Thời bao cấp, đói khổ, sinh ra cái nạn rửa. Cái gì cũng kiếm cớ rửa, thực ra là một cách kiếm cớ nhậu, chính xác là bữa ăn tươi. Nó là từ việc khao chức, khi thành rửa thì nó rửa tuốt, từ quần áo mới đến giày mới tất mới, chứ xe mới nhà mới là đương nhiên. Nhà ai cân được con lợn, cũng thường lấy lại cái thủ, bộ lòng mời bà con đến rửa.

Trong ngạch có quân hàm, như luật bất thành văn, cứ lên lon là rửa.

Ban đầu thì nó nhẹ nhàng, đơn giản, ấm cúng, mang tính chất gia đình, bạn bè thân quý, hoặc là ra quán cóc nào đấy, hoặc tự làm lấy ở nhà...

Rồi không biết tự lúc nào, người ta đặt ở nhà hàng. Ngày càng lớn, càng nghiêm trọng, thậm chí có thiệp hoặc giấy mời đóng dấu hẳn hoi.

Lý do thì đủ: Lên chức, lên lon, đón sếp mới, tiễn sếp cũ... có người chỉ... xoay lại cái bàn hoặc thay cái ghế ngồi cũng... rửa.

Nó lan ra nhiều việc khác, mà hay gặp nhất là đám cưới và đám ma.

Rất nhiều người nhận thiệp cưới mà cứ mắt chữ O mồm chữ A vì không biết người mời cưới là ai? Hỏi mãi mới biết là bác ấy làm bên... tổ chức hoặc một cơ quan cấp trên. Và bác ấy lấy danh sách của tổ chức hoặc sổ lương ra mời. Tất nhiên khách được mời không phải dân đen rồi. Khoản này cánh công chức cấp lãnh đạo phòng trở lên hay được “hưởng”. Và đến lượt họ, họ cũng làm thế với những người liên quan. Nên có chuyện, đi đám cưới con ông giám đốc Văn hóa ngoài đối tượng “chính thống” ta sẽ gặp rất nhiều người không quen nhưng... liên quan, như các doanh nghiệp quảng cáo, karaoke... những người mà muốn hoạt động thì phải xin giấy phép. Các ngành khác cũng thế, chả kém cạnh gì?...

Đám ma cũng y như vậy, nhưng có nhiều chuyện còn bi hài và đau xót hơn nữa, bởi đám cưới thì có thể chuẩn bị được, còn đám ma thì làm sao mà chuẩn bị. Thế mà vẫn có những cái đám ma khiến nhân dân phải lên tiếng, bởi họ thấy “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” dù họ biết nghĩa tử là nghĩa tận, và người nằm xuống chả có lỗi gì, có chăng là tại người sống! Những người sống đã… tận dụng đám mà người thân để mưu lợi cho mình.

Không chỉ “rửa”, tiếp khách cũng là một tai họa không nhỏ. Các cơ quan nhà nước đều có khoản chi tiếp khách, nhưng nó chả thấm vào đâu, vậy nên phải... tính. Tôi nhớ hồi nhỏ, ba mẹ tôi đi công tác, đều có những cái tem gạo trong ví, đến đâu là xuống căn tin báo cơm, mỗi xuất 2,25 lạng kèm mấy hào gì đấy. Khách, chủ nhà cùng ăn cơm tự báo ở bếp tập thể. Giờ mà như thế là bị đánh giá là coi thường khách ngay. Tùy loại khách. Có khách đưa ra nhà hàng, có khách kêu nhà hàng nấu sẵn đưa về trụ sở. Và phần lớn là đặc sản. Rượu cũng phải loại xịn chứ làng nhàng là bị chê. Chuyện tiếp khách vừa rồi khá sôi nổi trên báo chí, mà tiêu biểu là một cơ quan lớn ở tỉnh nọ phải làm tờ trình xin cấp thêm mấy trăm triệu trả nợ tiền tiếp khách.

Khổ một nỗi, các việc như thế đều lấy từ công quỹ. Mà công quỹ thì không có khoản chi, vậy nên, kế toán là người chịu trận. Tôi biết có những kế toán cứ cuối năm là méo mặt đi mua phiếu đỏ. Và ngay tiếp khách, để hợp thức hóa việc vi phạm quy định không tiếp rượu bia, mỗi người chỉ được tiếp một số tiền nhất định thì bèn phải nghĩ ra, một là tăng số lượng khách, phịa ra tên để đưa vào chứng từ. Đoàn khách có 5 người thì phải phịa thành 5 chục. Và hai là kê số lượng nước ngọt và nước suối, đến nỗi có vị khách trong một bữa tiếp phải chịu uống đến... 20 chai nước suối.

Nói chung là trăm phương nghìn kế để... tự chuyển biến, tự làm hư mình. Bởi, đám cưới đám ma rình rang thì nó rõ ràng là vụ lợi rồi. Ngay tiếp khách, mấy người tiếp thật tình bằng tấm lòng của mình, như ngày xưa mời về nhà ăn cơm uống rượu. Phải được cái gì sau đấy họ mới tiếp hoành tráng thế. Tất nhiên trong việc tiếp khách, cũng phải thấy, cũng có nhiều chủ nhà... lâm thế, không thể không tiếp, đã tiếp không thể không sang trọng, có nhiều ông chủ nhà vừa tiếp khách mà vừa run như giẽ vì phải tính mai lấy tiền đâu trả nhà hàng.

Cái việc thăm tết chúc tết nó cũng từ mỹ tục trở thành hắc tục. Cứ sát tết là trong kế hoạch của văn phòng đưa ra bao giờ cũng phải có mục: Thăm tết. Tất nhiên chủ yếu là cấp dưới thăm cấp trên. Hàng ngàn kiểu thăm. Ban đầu thì rụt rè, sau quen dần, chưa đi thăm được là áy náy, bứt rứt. Đến nhà, hoặc cơ quan, hàng xóm và nhân viên cơ quan ấy đều biết là anh đi đâu, làm gì. Nhưng rồi đi nhiều quá, kệ, chả ngại nữa, cứ sầm sầm vào, đưa xong việc, ra đi tiếp...

Nên việc Bộ Chính trị vừa ban hành “Quy định về một số việc cần làm ngay để góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng Đảng và tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” là rất chính xác dù nhiều người nói là... hơi muộn. Và năm nay, thủ tướng cũng quyết liệt trong việc nghiêm cấm cấp dưới đi tết cấp trên, các tỉnh không về Hà Nội, để bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ phải nói vui là, tắc xi Hà Nội năm nay thất thu, khiến nhiều người, nhất là nhân dân, thấy vui, thấy các lãnh đạo Đảng và Chính phủ nắm rất rõ vấn đề và ra tay giải quyết, triệt để và cương quyết.

Bởi, nói thật, nó diễn ra lâu quá, nhiều quá, nhiều người thấy nó bình thường rồi. Nguy hiểm nhất là cái bất thường nhưng nhiều người lại coi là bình thường, nhưng vẫn còn những người biết ngượng. Họ thấy nó lố bịch quá, phản cảm quá, vật chất quá, tóm lại là, cán bộ mà như thế thì hư quá. Dân biết, nhưng biết chỉ để mà biết. Chúng ta đã quá chai lỳ trước những bức xúc của dân, nhiều cán bộ sống xa hoa bên cạnh dân mà bỏ ngoài tai những gì dân nghĩ, dân nói về họ. Và vì thế mà quy định của Bộ chính trị và chỉ thị của thủ tướng đã khiến nhân dân vui mừng, khiến niềm tin của nhân dân trở lại. Tết này, nhiều việc bất bình thường đã trở lại bình thường, và chúng ta hy vọng, sự bình thường sẽ mãi mãi là bình thường... 




(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...