Tết xưa, Tết nay

TẾT XƯA, TẾT NAY
(Đỗ Phấn, 24/1/2017 — cuoituan.tuoitre.vn...)


Minh họa: Bích Khoa
Gần nửa thế kỷ trước, khi Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, lũ trẻ Hà Nội được quay về thành phố học tiếp chương trình phổ thông. Cũng chỉ là học ở những trường loanh quanh ven nội. Trong thành phố vẫn chưa mở lại trường học.
Năm học khai giảng vào tháng 9-1969 ở các trường ngoại thành đông nghịt trẻ con Hà Nội. Nhiều trường phải mượn thêm những căn nhà bỏ không trong làng làm lớp học cách xa hiệu bộ. Như thế đã là quá hạnh phúc sau bốn năm học ở các miền quê xa xôi.
Cái Tết đầu tiên đó là niềm vui tuyệt đỉnh của cả người lớn và trẻ con. Không còn cảnh các phụ huynh phải lẽo đẽo xe đạp đi tiếp tế thực phẩm.
Không còn cảnh Tết nhất tù mù ngọn đèn dầu trong những xóm làng heo hút. Lũ trẻ sau bốn năm rèn luyện ở nơi sơ tán đã trưởng thành, có thể quán xuyến việc nhà, thay phụ huynh đi xếp hàng mậu dịch mua tiêu chuẩn Tết, chuẩn bị nồi bánh chưng cùng mẹ.
Đứa lớn vo gạo đãi đỗ. Đứa nhỏ rửa lá, quét nhà trải chiếu chuẩn bị nơi ngồi gói bánh chưng. Cả nhà quây quần bên chiếu gói bánh vào chiều 28 Tết. Bà mẹ gói chính, con lớn cắt lá, con nhỏ dùng bát múc gạo và đậu rồi tí toáy ngồi tập gói bánh chưng con.
Khi bánh chưng đã xếp vào nồi là lúc bọn con trai lớn chế tạo đồ chơi. Bên bếp lửa, chúng nung những que sắt đỏ hồng khoan nòng chiếc súng gỗ đã tỉ mẩn gọt trước đấy hàng tháng trời. Súng gỗ được cắt gọt theo hình súng lục xem trong truyện tranh do họa sĩ quân đội Huy Toàn vẽ.


Phần gây nổ là chiếc đầu van xe đạp. “Kim hỏa” là cái đinh 5 phân đóng vào đoạn búa đập phía đuôi súng cắt rời. Sợi dây thun cắt ra từ săm xe đạp làm lực đẩy cho búa nện. Súng được nhồi que diêm trước tiên bịt vào đầu van xe đạp. Kéo búa đẩy căng thun vào khớp. Ngón cái lẩy búa cho bắn vào thuốc pháo gây ra tiếng nổ đì đẹt vui tai.
Những đứa trẻ gia đình khá giả hơn đi tìm mua pháo, pháo đùng, pháo bánh, pháo tép, pháo xiết. Tất cả được tháo rời cho vào căng một bên túi quần.
Cứ trông túi quần của bọn trẻ thì có thể biết được tình hình kinh tế gia đình chúng. Trẻ em gái tìm mua bóng bay, cắt hoa giấy dán lên cánh tủ.
Người lớn lên chợ hoa rước về một cành đào, mang về đốt gốc, buộc dây nắn nót cắm vào chiếc lọ độc bình to nhất nhà. Mua thêm bức tranh khắc gỗ Hàng Trống vẽ Lý ngư vọng nguyệt để thay cho bộ tranh Tố nữ đã phai màu sau mấy năm đóng cửa đi sơ tán.
Ngày Tết, các bà các mẹ tập trung nấu nướng suốt ngày. Kiên nhẫn và tỉ mỉ. Thực phẩm khan hiếm chỉ ngày Tết mới có đủ để tổ chức nấu nướng đàng hoàng. Ngâm măng lưỡi lợn thật kỹ. Thịt thủ lợn mua được gấp đôi tiêu chuẩn trong tem phiếu đủ để gói cho cả nhà một cây giò xào mộc nhĩ tươm tất.
Thịt lợn lọc ra khi gói bánh chưng nấu nồi thịt đông. Cá diếc ướp riềng, gừng, thịt ba chỉ kho một nồi lớn. Chiều ba mươi, cỗ cúng ông bà phải nấu nướng rục rịch từ trưa. Cắt tiết con gà cúng bắc lên bếp luộc trước.
Gọt củ, thái rau, băm thịt gói nem rán. Ngày này bếp gần như không bao giờ tắt lửa. Gà luộc xong là đến chõ xôi gấc, đến bát măng nấu chân giò, bát miến nấu lòng gà. Chảo nem rán được làm cuối cùng. Tất cả các món làm đến đâu bày lên bàn thờ đến đấy... Xong việc, ông bố ăn mặc chỉnh tề thắp hương lễ trước. Vợ con ông ấy nối đuôi đứng vái các cụ và chờ cho hết một tuần hương mới lễ tạ.
Lũ trẻ được ăn uống mấy ngày Tết thỏa thích mà không phải đúng giờ như ngày thường. Ăn xong rủ nhau ra bờ hồ đốt pháo, nô đùa. Quần mới, áo hoa rực rỡ trong nắng đông se lạnh. Tiền mừng tuổi có vài đồng trong túi rủ nhau mua hạt dẻ, lạc rang nhấm nhách cắn...

*
*     *

Nếu nói chỉ số hạnh phúc chỉ căn cứ trên các tiêu chí ăn, mặc thì trẻ con bây giờ sung sướng gấp nhiều lần cách đây nửa thế kỷ.
Nhưng chúng có thật sự hạnh phúc không là điều người lớn còn phải bận tâm. Những đứa trẻ tiểu học hì hục đeo chiếc cặp sách nặng sáu bảy cân đến trường chẳng làm cha mẹ an lòng.
Ngày thường đi học thêm từ lớp 1 đến tận lớp 12. Càng lớn, mật độ học thêm càng dày. Những đứa trẻ trở nên cáu bẳn hoặc buồn bã chỉ có mỗi trò chơi duy nhất là chiếc iPad dùng để cười nói một mình.
Không có bậc phụ huynh thành phố nào đủ can đảm cho đứa con 10 tuổi của mình ra đường mà không đi theo kèm cặp. Và kết quả là không thể khác. Nghỉ Tết, chúng cũng chỉ biết cắm mặt vào tivi hoặc iPad mà thôi.
Người lớn đã không còn đủ thời gian và sức lực chăm sóc việc chơi của chúng. Điều này diễn ra từ khi đứa trẻ lọt lòng cho đến hơn chục năm sau.
Trẻ con không thiết tha gì đến việc ăn. Bởi vì người lớn cũng quên không dạy chúng cách ăn và thưởng thức món ngon. Cũng chẳng đứa nào mong một bộ quần áo mới. Cả năm trẻ muốn lúc nào là người lớn sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức.
Người lớn ở đô thị bây giờ cũng giản lược cái Tết cổ truyền. Không mấy nhà bày vẽ mua sắm nấu nướng ly kỳ nữa, vì chính người lớn cũng không muốn ăn. Con gà cúng luộc lên để tủ lạnh đến thâm sì mang vứt.
Bánh chưng mốc meo quên không lấy trên bàn thờ xuống cũng chung số phận. Giò chả tiếc của mang rim nước mắm lắt lay thêm vài bữa rồi bỏ. Hoa quả cúng vái xong cũng để đến ra giêng mang ra thùng rác.
Chẳng phải thị dân không biết tiếc tiền. Tết nhất bây giờ đang ở buổi giao thời của truyền thống và hiện đại. Vẫn phải mua bán, nấu nướng và cúng kính như một nghĩa vụ chưa thể bỏ qua. Nhưng tâm lý nghỉ ngơi, du lịch đã bắt đầu nở rộ.
Vậy là mất tiền mua, mất công nấu nướng xong, nhiều nhà cũng bỏ đấy đi chơi. Thế là thành vòng tròn dằn vặt của mong muốn và mất công, mất của và lãng phí.
Rồi thị dân cũng sẽ làm quen với cách sinh hoạt Tết nhất mới mẻ này. Giống như nghe tiếng pháo giao thừa trên tivi hơn hai chục năm nay.
Mọi đổi thay đều có mặt hay mặt dở, nhưng con người luôn hướng tới hạnh phúc của mình. Nếu quả thật “Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh / Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” là hạnh phúc của người Việt thì Tết cổ truyền cũng sớm quay lại mà thôi.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...