Chuyện NHẬU của dân ta

Phải nói thật là, tôi biết nhậu và cũng... chịu nhậu. Nhiều hôm thèm nhậu cũng gọi điện tứ tung, và cũng nhiều hôm phải tắt điện thoại hoặc... nói dối qua điện thoại để... trốn nhậu. Đã từng huênh hoang khoe 4 ngày đi 7 tỉnh miền Tây mà không gục, đã từng huếnh hoáng rằng đi xuyên các tỉnh cực bắc uống rượu bằng bát mà không say. Nhưng cũng đã từng cay đắng thú nhận, có lúc, chỉ nghĩ tới, chỉ ngửi thoang thoảng, là đã say nhào đầu...
Gần như biết mọi món ăn đặc sản các miền, đồng nghĩa với biết gần hết thức uống các vùng. Chứ sao, Việt Nam ta từ bao giờ chả biết, ăn là phải đi kèm uống. Vào nhà hàng bây giờ, sau khi gọi món, thì đàn ông, đương nhiên sẽ được phục vụ bia hoặc rượu. Còn phụ nữ, cũng đương nhiên, là nước, nước gì cũng được, nhưng phải là nước. Thường là nước ngọt, không thì nước suối đóng chai. Tất nhiên không kể các bà các cô uống... bia luôn cho tiện. Có lần tôi thắc mắc: Không biết tự bao giờ, thói quen uống nước, đi kèm ăn cũng các bà các cô. Hỏi  xong bị mắng ngay: Bình đẳng mà, đàn ông uống được thì đàn bà cũng uống. Tất nhiên không uống rượu bia thì uống nước, thế thôi. Các cụ bà xưa thì không thế. Các cụ ông vẫn uống rượu như... bây giờ, nhưng các cụ bà không có ly nước ngọt hay nước mưa bên cạnh. Các cụ chỉ xơi canh. Xong cơm mới uống nước.
Cái cách uống thì... muôn hình vạn trạng, nhưng thông thường, đa phần, rất đông là, người Việt đã uống là phải say, đã ngồi vào bàn là phải ép, là phải trăm phần trăm. Dư lại vài giọt trong ly là không xong, là phải... uống lại, cho kỳ hết. Nên có ông sáng chế ra kiểu, uống xong xòe tay ra úp ly vào tay, trên tay vẫn khô nguyên thì mới được công nhận là... đã uống.
Giờ ở đâu ra cái lối uống lon riêng, nơi gọi đá bổng, đá riêng... đại loại là ngồi vào bàn là uống bia... ôm, mỗi người một chai/ lon, hết từng đợt thì lại bỏ đợt mới lên. Nhưng uống đều thế nó... buồn, thế là có đoạn từng cặp mời riêng. Là phải lấy một lon/ chai mới, chứ không đụng tới lon “tua” trên bàn, làm sao thì làm, phải chia đôi được lon/ chai ấy. Ôi giời cách uống lon riêng ấy cũng... thần thoại lắm. Dễ nhất là chia ra ly, 2 ly bằng nhau. Dễ nhì là anh uống trước anh uống sau, uống trước phải căn sao cho đúng nửa lon, để nghiêng cái lon phía đầu nhọn cái nắp xuống dưới, nước không tràn ra là đủ/hoặc quá 50/ là được. Nước mà chực chảy ra là phải cầm lên uống thêm cho đến lúc để mà nước không chảy nữa mới thôi. Khó nhất là cầm cái lon kín mít thế, căn thế nào đấy, lấy móng tay bấm một phát ở giữa lon, rồi ngửa cổ bú vào cái chỗ vết tay bấm ấy, lon bia đặt ngang trên miệng, như đang thổi kèn Acmonica. Sau đấy để đứng lon bia lên, nước không chảy qua chỗ bấm là đủ 50%.
Ngày xưa, mỗi cuộc nhậu thường phải có chủ xị để... điều hành cuộc nhậu cho công bằng và... trật tự, dù chả bao giờ các cuộc nhậu có thể công bằng. Có rất nhiều kiểu uống, nhưng dã man nhất là kiểu không được để ly chạm bàn, tức là cứ liên tục xoay vòng. Muốn thế dùng loại ly có chân nhưng lại đập cái chân đi để ly không thể đứng được, cứ thế nằm trên tay các... xị viên, để... ấm hơi người.
Ra nước ngoài rồi nhìn về nhà mới thấy Việt Nam mình nhậu hoành tráng như thế nào. Mấy lần tôi đi nước ngoài đều phải... chủ động mang rượu đi theo, bởi ở bển, thứ nhất là không được uống rượu (tùy từng nước quy định hạn chế hoặc cấm tiệt), và kèm theo đấy là rượu rất đắt. Chai chất lượng tương đương Vodka Hà Nội sang đến Sigapore là hơn triệu, và ở Ấn Độ còn đắt hơn nữa. Một số khách sạn, nhà hàng bên ấy cấm uống rượu, nhưng vỏ quý dày có móng tay (Việt) nhọn. Rượu được đổ vào chai nhựa xách xuống nơi ăn, rót vào ly cối như đang uống nước suối, khi uống cấm khà, mà mặt phải hơn hớn như đang uống nước suối. Nhìn những bữa uống rượu khốn khổ như thế vừa buồn cười vừa thương dân Việt mình. Chưa hết, ở những nơi cho phép uống rượu thì lại mang nguyên phong cách Việt vào, ấy là... hô. Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, hình như cái chuyện chụm cả bàn lại rồi đồng thanh hô: một ha ba... dô, một hai ba dô... là từ sinh hoạt đoàn. Từ hô một lần, giờ phải hô đồng thanh đến mấy lần rồi mới hắt ly vào miệng. Một anh bạn dạy ở Đại học quốc gia Lào một hôm nửa đêm điện cho tôi với giọng rất khó chịu bảo: tôi đang chịu trận ông ạ. Dân Việt sang khánh thành cái sân vận động bên này, toàn quan chức, thế mà cũng chụm lại một hai ba dô. Không thể tưởng tượng được văn hóa kiểu gì lạ thế, còn đâu thể diện quốc gia. Các giáo sư ở đại học quốc gia Lào đổ xô hết ra cửa sổ để... xem như xem kịch.
Nhậu giờ nó thành... nhu cầu chính đáng. Bằng chứng là trong quy định tiếp khách, có hẳn mục chỉ được uống loại gì loại gì, nên mới có chuyện cơ quan kia lấy hóa đơn tiếp khách, tính trung bình mỗi người uống... 20 chai nước khoáng trong bữa ăn. Thì nó phải chịu trận thay cho bia hoặc rượu ấy mà.
Rồi có chuyện khoe... rượu. Một thời phải là rượu ngâm “con”mới oách. Hầu như tất cả các loại con lưng quay lên trời đều ngâm rượu được hết. Loại to như cọp, gấu, hươu, nai thì hoặc nấu cao hoặc ngâm 4 cái chân, cái bộ đồ nghề sung sướng, cái hà nàm (bào thai), còn loại nhỏ như bìm bịp, rắn, bổ củi, sâu chít, tắc kè... thì ngâm tuốt, từ sống lổm ngổm đến sấy khô rồi ngâm... Sau thấy loại này càng uống càng... yếu (người ta ngày một ly, đằng này mỗi lần đi nguyên cả thẩu chục lít, không yếu mới lạ), người ta chuyển sang các loại “cây”, có cỏ. Càng kỳ hoa dị thảo càng quý. Là toàn tự nói là quý lắm, bổ lắm, hoành tráng lắm, mọi nhẽ lắm... khi rót ra mời khách chứ cũng có ai xác nhận đâu. Mỗi lần rộ lên loại gì quý là sau đấy loại ấy bị tuyệt diệt, người ta đào cả khu rừng lên để “thu hoạch” từ thân lá cành cho đến rễ...
Cái cách nhậu từng nơi cũng khác nhau. Dân Bắc thích uống rượu buổi sáng, để rồi cứ lơ mơ cả ngày mới sướng. Khi ăn thì họ uống rượu với đồ khô như mực nướng, lạc rang, hoặc món xào trước, đến khi đủ rồi thì bắt đầu mới ăn cơm với canh. Tôi cho đây là kiểu uống rượu khôn mà dại. Khôn là uống như thế rất ngon. Nhưng dại là nó phá dạ dày kinh khủng. Dân Miền Trung thì vừa ăn vừa uống. Bày ra tất cả, uống xong thì ăn cũng xong. Đến lúc uống không ăn được nữa thì nước canh là mồi rất vĩ đại. Dân Nam thì ăn xong mới... nhậu. Tôi từng được mời nhậu, thấy người ta mang cơm với lẩu với cá kho ra chén trước, làm 2 bát xong dọn đi, bày rượu với khô với trà đá ra và... chiến. Trong ba kiểu thì kiểu anh Trung có vẻ khôn nhất. Anh Nam dại nhất, bởi no rồi uống rượu rất khó vào. Là nói chung thế chứ mỗi vùng miền đều có người này người kia, không ai giống ai hoàn toàn. Hồi về Cà Mau tôi chứng kiến sáng sớm mấy anh hai bày rượu ra ngay trước sàn nhà chào buổi sáng rồi. Thi thoảng đi trại sáng tác có mặt đủ anh tài Nam Trung Bắc tôi đều phải mang cái kinh nghiệm vặt kia ra để dung hòa các mâm nhậu không thì thế nào cũng có vài cuộc cáu nhau.
Cái cách có được cuộc nhậu cũng... khổ chứ chả sướng gì. Cứ chiều chiều là đi ra đi vào xem có... ai gọi không. Hoặc ngồi tần mần cái điện thoại để tìm đứa hợp cạ gọi. Có hồi còn phải gài độ nhau để có cuộc nhậu, dân Tây Nguyên gọi là... bắt Fulro. Là tìm cách gì đấy, gạ gẫm, dọa nạt, tỉ tê... để ai đấy mời mình. Thế mà đến khi uống lại... trốn từng ly, trốn từng cái long đền (uống không cạn, còn lại một lóng bia hoặc rượu trong ly như cái Long đen (long đền)).
Đứng về mặt nhậu đông người thì cứ phải tôn anh Hà Nội đứng đầu, thứ nhì đến Hồ Chí Minh. Tức là các bãi bia ngàn ngạt. Người đông như quân Nguyên, thế mà lạ, nhân viên vanh vách nhớ, đố bàn nào lẫn. Mà lạ, trong cái xu hướng ngày càng phải sang, vào toilet xịn như vào phòng VIP, có cả nhạc và ảnh (khỏa thân của ông Thái Phiên copy trên mạng) và những lời chúc... tè ngon, thì cái ly uống bia hơi Hà Nội vẫn mấy chục năm không đổi. Có người lý sự, uống ly khác không ngon. Nhưng mà nói cho chính xác, đồ đệ của bia hơi Hà Nội đang ngày càng ít. Rất nhiều người bạn tôi, chiều bạn mà vào các bãi bia ấy, nhưng vào rồi lại kêu bia chai hoặc lon uống. Và ngay các bãi bia thì cũng đã có những buồng riêng, buồng VIP, dành cho khách VIP, không thích chen vai ngoài... bãi.
Những tai nạn, tệ nạn và... vấn nạn do rượu, từ rượu không cần phải kể ra đây bởi hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe cũng đọc trên báo. Và lạ là, ai nghe ai đọc xong cũng rùng mình, nhưng rồi lại tiếp tục thản nhiên, rằng không phải mình, không liên can gì đến mình. Có những cuộc uống rượu xong gục chết ngay tại chỗ, hoặc chết từ từ, hoặc gây tai nạn, hoặc nạn do mình gây vân vân đủ kiểu. Giờ cảnh sát giao thông đang quyết liệt đo nồng độ cồn của lái xe, anh nào uống rồi mà vẫn ôm vô lăng là a lê hấp, 18 triệu, không bàn cãi. Có đối phó tiêu cực thì cũng... cưa đôi, cũng vẫn xót hơn bị hoạn. Vậy nên các bãi nhậu buổi chiều vãn hẳn. Buổi trưa thì đã có lệnh công chức không được rượu bia rồi, nên “phong trào” đang có cơ lắng lại. Tất nhiên cưỡi tắc xi đi nhậu cũng là một phương án được ưa chuộng. Nhưng đang đi xe mình lái, lên tắc xi, thấy nó không đã, nên nhiều anh chọn phương án... nhậu ở nhà.
Tôi viết bài ở tại khoa hồi sức cấp cứu ngoại của bệnh viện Quy Hòa cơ sở 2 tại thành phố Quy Nhơn, xung quanh tôi rất nhiều người bị tai nạn giao thông mà phần lớn là... do rượu bia. Nằm nhìn họ và... viết bởi thấy có mình và bạn bè mình thấp thoáng đâu đó...


(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...