Báo đã đăng, rồi bị gỡ (002): Formosa!


Bài đã bị gỡ bỏ: Bộ Tài nguyên - Môi trường: Formosa thừa nhận tự ý xây toàn bộ đường ống xả thải. Bài báo này đăng trên báo Dân Trí lúc 18:03 ngày 06/05/2016, nhưng khoảng 2 tiếng sau đã bị gỡ bỏ khỏi trang mạng, nhưng được Google lưu lại ở đây: Google's cache. Xin được đăng lại tại đây để hầu bà con.
 
Phiên bản đầu tiên của bài này, người ta gọi: ông Phó Tổng giám đốc Formosa là "Đồng chí Phó Tổng giám đốc Formosa".
Dân trí :
Bộ Tài nguyên - Môi trường: Formosa thừa nhận tự ý xây toàn bộ đường ống xả thải


Thế Kha thực hiện
6-5-2016
Đoàn thanh tra đã phát hiện sai phạm đầu tiên của Formosa (Ảnh: V.D)

“Nói về sai thì hôm qua tôi đã làm việc với ông Phó Tổng giám đốc Formosa, ông ấy thừa nhận rồi: Toàn bộ đường ống của họ là tự ý xây, không có thiết kế cơ sở xây dựng. Thứ hai nữa, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phê duyệt quy hoạch này cũng không có đoạn ấy” - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường trả lời PV Dân trí.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, chiều nay 6/5, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa - ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đã trả lời PV Dân trí về những kết quả điều tra bước đầu.


Phóng viên: Thưa ông, dư luận đang băn khoăn trước việc tại sao Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh ban đầu được phê duyệt theo hướng đưa nước thải ra sông Quyền, hòa vào nước sông rồi mới đổ ra vịnh Sơn Dương, nhưng sau đó (năm 2013) Bộ Tài nguyên và Môi trường lại điều chỉnh phương án, nước thải được chuyển bằng cống ngầm đổ ra vịnh Sơn Dương? Ngoài ra, trả lời báo chí, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút, nhưng trong chuyến thị sát thực địa vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lại khẳng định, hệ thống ống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép?

Ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường): Theo cơ sở pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường cũng như luật khác quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là căn cứ để cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai một dự án hoặc cấp giấy phép xây dựng, đầu tư. Tức là, nó là biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa, là căn cứ. Nếu đảm bảo môi trường rồi thì cho triển khai dự án ấy. Như dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A trước đây, ĐTM cho thấy giải pháp bảo vệ môi trường không đảm bảo thì xác định luôn không thông qua, không được triển khai dự án đấy.

Thứ hai, tôi có vào Hà Tĩnh rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan không chỉ đến môi trường mà còn là Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp nữa. Theo quy định, sau khi ĐTM được duyệt, chủ dự án phải có thiết kế cơ sở các công trình của dự án, trong thiết kế cơ sở đó có công trình bảo vệ môi trường. Lúc ấy họ phải trình cơ quan có thẩm quyền để thẩm tra thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế cơ sở của dự án. Ví dụ như chúng ta xây cái nhà phải có thiết kế nhà, rồi gửi lên cơ quan cấp phép xây dựng để họ thẩm tra, thấy đảm bảo quy hoạch thì mới cho phép xây dựng. Thiết kế ấy là căn cứ để cơ quan cấp phép xây dựng hoặc UBND tỉnh cấp phép xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Trước tháng 3/2013 có nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư xây dựng. Hồi đó chắc là coi đó là trách nhiệm của doanh nghiệp nên để doanh nghiệp tự thiết kế cơ sở và gửi lên cơ quan cấp phép xây dựng thôi. Thiết kế cơ sở ấy theo nghị định cũ, có câu “đối với dự án nằm ngoài khu đô thị thì chủ dự án tự quyết định thiết kế cơ sở và có thể lấy ý kiến các cơ quan liên quan nếu cần”. Chính vì thế nên Formosa nói rằng theo Luật Đầu tư xây dựng thì hệ thống ống xả ra ngoài biển không cần phải báo cáo. Họ sai như thế.

Sau này từ vụ thủy điện Sông Tranh, Chính phủ thấy rằng những công trình liên quan đến thiết kế môi trường ấy phải thẩm tra, thẩm định và có Nghị định 15/2013. Lúc ấy công trình của toàn bộ nhà máy thép Formosa phải được thẩm định thiết kế cơ sở và Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở. Nhà nước chúng ta chỉ quản lý về thiết kế cơ sở thôi, còn thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công thì chủ doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.

Sau khi hoàn công công trình xong thì theo quy định của Luật Xây dựng, chủ dự án phải lập hồ sơ hoàn công. Hồ sơ hoàn công này phải gửi cho Bộ Công thương - cơ quan thẩm tra thiết kế cơ sở trước đây xem xây dựng có đúng theo thiết kế cơ sở đã thẩm tra hay không. Vừa rồi Bộ Công thương đã có kiểm tra nhưng chưa có biên bản thông báo việc này.

Sau khi nghiệm thu hoàn công công trình xong - hoàn công do chủ dự án và nhà thầu lập - phải có báo cáo cơ quan thẩm tra thiết kế cơ sở. Hiện nay Bộ Công thương chưa có ý kiến.

Về nguyên tắc Formosa chưa được hoạt động. Đấy là tôi phân tích về mặt luật.

Về vấn đề môi trường. Môi trường chỉ là một căn cứ nhỏ trong việc cho phép hoạt động hay không thôi. Vấn đề trước đây điều chỉnh ĐTM và vừa rồi Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân có phát biểu, về mặt khoa học trên thế giới thì nếu đưa nguồn thải càng xa, có độ khuếch tán càng rộng thì khả năng gây ô nhiễm càng giảm. Trước đây định thải ra sông Quyền nhưng nếu thải sông Quyền thì ô nhiễm còn nguy hại nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thải ra biển.

Về phía Bộ, chúng tôi thấy rằng về mặt khoa học trên thế giới người ta xả thải ra ngoài biển, khả năng pha loãng môi trường tốt hơn. Sông Quyền là sông nhỏ thôi, vừa rồi Hà Tĩnh lại ngăn đập lấy nước nên sẽ không có nước, nếu thải ra đó thì nó sẽ thành sông chết. Việc chuyển từ sông Quyền ra biển, về mặt khoa học và kỹ thuật thì hoàn toàn có thể xử lý được, cả thế giới người ta làm thế rồi. Cái đó là tốt, không có vấn đề gì.

Hồ sơ điều chỉnh đánh giá về môi trường cũng dựa trên các nguyên lý, mô hình, đánh giá rằng nếu thải ra ngoài ấy thì họng xả chìm dưới đáy biển 12m thì khả năng khuếch tán nguồn thải rộng hơn, phạm vi ảnh hưởng ít hơn; Bộ Công thương cũng nói là đảm bảo an toàn về giao thông, hệ thống nổi ảnh hưởng tới giao thông đi lại, tất nhiên đó là lý do thôi. Việc cho điều chuyển ấy hoàn toàn phù hợp về kỹ thuật và khoa học.

Nhưng chỉ có điều thế này: Chủ dự án làm hệ thống này nằm trong nhà máy, không thuận lợi cho kiểm tra, giám sát và không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Anh Hà (Bộ trưởng Trần Hồng Hà - PV) nói thế là hoàn toàn phù hợp. Anh Hà cũng nói là không phải bốc nổi tất cả đường ống ngầm lên, mà cửa xả nước thải theo Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường ấy phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc tiêu thoát nước để kiểm tra, giám sát. Họ có thể xả nước trên bề mặt, có thể ở một cái hồ trước khi xả ngầm thì không có vấn đề gì. Tức là phải để cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước bất kỳ lúc nào đều có thể đến kiểm tra đột xuất. Mục tiêu của luật là thế. Anh Hà nói rằng cửa xả nước thải sau xử lý phải thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, nhưng trạm quan trắc của Formosa lại đặt bên trong thì bây giờ phải đặt nổi lên, có hồ nước trước khi xả ngầm.

H1 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Vũng Áng vừa qua (Ảnh: Tiến Hiệp)

Theo giấy phép xả thải mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp cho Formosa và thực tế xả thải hiện nay tại nhà máy này, đặc biệt là việc xả ngầm như vậy có phù hợp, có đúng không?

Xả ngầm không vi phạm, phù hợp về kỹ thuật nhưng doanh nghiệp đã làm không đúng theo luật. Nói về sai thì hôm qua tôi đã làm việc với ông Phó Tổng giám đốc thì ông ấy thừa nhận rồi: Toàn bộ đường ống của họ là tự ý xây, không có thiết kế cơ sở xây dựng. Thứ hai, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phê duyệt quy hoạch này cũng không có đoạn ấy.

Ông Phó Tổng giám đốc cũng rất cầu thị, nói rằng đã đầu tư vào đây lớn, không có ý định gian trá. Chúng tôi đã thống nhất, họ sẽ điều chỉnh thiết kế cơ sở lại, sẽ lấy một phần nước thải sau xử lý đưa vào một cái bể nhỏ để nuôi cá trước khi thải ra hệ thống thoát nước mưa trong khu công nghiệp để xem như thế nào. Họ đang thiết kế rồi.

Việc thứ hai, họ đang lập các phương án để trạm quan trắc tự động ở bên ngoài hàng rào, bất kỳ ai cũng có thể quan sát; trạm quan trắc tự động có hồ thật to để bất kỳ ai cũng giám sát được và có camera theo dõi. Theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đang cho kiểm chuẩn hệ thống quan trắc online và sẽ truyền dữ liệu trực tiếp về Tổng cục Môi trường.

Bây giờ họ tâm phục khẩu phục rồi.

Thưa ông, cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước việc toàn bộ đường ống của Formosa là tự ý xây, không có thiết kế cơ sở xây dựng, khi Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phê duyệt quy hoạch này cũng không có chi tiết ấy?

Về nguyên tắc thì ngành xây dựng phải đi thanh tra, kiểm tra, không phát hiện ra thì trách nhiệm của các ông ấy, còn môi trường thì chỉ làm về môi trường thôi, không làm được việc của xây dựng.

Thẩm định thiết cơ sở hiện nay giao cho Bộ Công thương thẩm định, nhưng cấp phép xây dựng thì Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng - họ cũng có bộ phận xây dựng.

Vậy trách nhiệm chính trong việc không phát hiện sự việc này kịp thời thuộc về Bản Quản lý khu kinh tế Vũng Áng?

Trong lĩnh vực xây dựng có thể Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng, thẩm định thiết kế cơ sở là Bộ Công thương.

Nhưng sau khi phê duyệt ĐTM chả lẽ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không kiểm soát, giám sát việc xây dựng đường ống xả thải đó?

Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 bộ luật là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Quản lý tài nguyên nước. Luật Bảo vệ môi trường quy định, sau khi hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, bàn giao, nghiệm thu môi trường để đưa vào hoạt động thì phải có thiết kế cơ sở của Bộ Công thương thẩm tra, đánh giá. Làm theo đúng thiết kế cơ sở thì lúc ấy mới vận hành thử. Theo Luật Bảo vệ môi trường là được vận hành thử trong vòng 6 tháng. Nếu trong 6 tháng ấy mà gây sự cố môi trường, gây ô nhiễm thì phải dừng, cải tạo nâng cấp lên.

Nếu trong 6 tháng vận hành thử mà đạt thì họ mới gửi hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt. Vừa rồi họ có gửi lên Bộ rồi nhưng xảy ra sự cố như vậy, chúng tôi đang đi kiểm tra nên chưa xem xét việc ấy.

Tức là họ đang hoạt động thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường, xem công trình bảo vệ môi trường có đạt hay không. Họ họat động thử từ cuối năm 2015 đến giờ mới được 4 tháng.

Có thể coi đây là sai phạm đầu tiên của Formosa mà Đoàn thanh tra phát hiện?

Họ chỉ có mỗi nhà máy điện hoạt động hơi sớm, từ tháng 9/2015 là hơi quá thời hạn, còn tất cả các công trình đều đang trong giai đoạn vận hành thử. Các nhà máy chính luyện gang, luyện thép của họ đã hoạt động đâu.

Xây đường ống như thế là không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, sai với Luật Xây dựng.

Khi phát hiện sai phạm như thế này, Đoàn thanh tra có kiến nghị ngay tới Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ ngành liên quan phương hướng xử lý, khắc phục?

Hôm nay họ đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh để xin ý kiến điều chỉnh thiết kế cơ sở đấy. Chắc ngày mai tôi ký biên bản triển khai thì sẽ đề cập vào nội dung ấy.

Xin cảm ơn ông!
Công khai kết quả kiểm tra Formosa cho nhân dân được rõ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Song song với việc thành lập các đoàn kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ thành lập Hội đồng liên ngành để cuối đợt kiểm tra sẽ đánh giá báo cáo kết quả của các tổ kiểm tra. Kết thúc quá trình kiểm tra, chúng ta sẽ công khai thông tin để người dân được rõ”.


(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...