Nguyễn Trần Sâm
Trong mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu tiền của thấm đẫm mồ hôi nước mắt của các tầng lớp lao động đã đổ ra để tiến hành những cuộc cải cách rầm rộ trong giáo dục. Không biết bao nhiêu giấy mực đã tốn để bàn về việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng chục quan chức cao cấp, hàng trăm nhà quản lý giáo dục và các giáo sư, tiến sỹ, nhà báo, nhà văn,… đã viết những bài rất hay ho về lĩnh vực cốt tử này.
Có những người còn đề cập đến những vấn đề cao siêu như “triết lý giáo dục”, cao siêu đến mức hình như đa số những người nói đến cụm từ đó cũng chưa rõ nó là cái gì, nó có vai trò gì trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta, và cần bao nhiêu thập niên với bao nhiêu ngàn tỉ để tìm ra nó.
Với hiểu biết của một người lao động bình thường, kẻ viết bài này xin mạo bàn về một “nền giáo dục tử tế”, một khái niệm không có trong khoa học nào. Và tôi xin nói rõ cái tôi gọi là “nền giáo dục tử tế” đó là gì.
Xin thưa, đó là nền giáo dục đáp ứng được những yêu cầu hết sức bình thường. Nói ngắn gọn là nó đào tạo được những con người tử tế, tức là có những phẩm chất cơ bản sau: có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác (riêng với cha mẹ, thầy cô và những người cao tuổi còn phải biết lễ phép, nhưng không tuân theo những đòi hỏi phi lý và phi pháp), có năng lực lao động để đem lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho chính mình và xã hội (có kiến thức và kỹ năng tốt hoặc đạt yêu cầu về nghề nghiệp), có ý thức tôn trọng pháp luật (nhưng không tuân theo vô điều kiện những luật lệ phản động, lạc hậu). Trong lịch sử các dân tộc phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa,… người ta đã diễn đạt những yêu cầu đó bằng những khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Chỉ thế là đủ. Chỉ có điều ở thời đại ngày nay, đừng lồng vào những khái niệm đó những nội dung như trung thành tuyệt đối với một cá nhân hay nhóm người nào.
Người tử tế không thể xoen xoét nói những điều nhân nghĩa nhưng trong hành động thì chỉ làm và sẵn sàng làm mọi việc vì quyền lợi bản thân, kể cả chà đạp lên quyền lợi người khác, kể cả lợi dụng quyền lực để đàn áp dân lành. Người tử tế không thể là kẻ bợ đỡ, liếm gót những kẻ có quyền lực, đem tiền đi mua bằng cấp, chức tước, dùng chức tước bòn rút tiền bạc và thành quả lao động của người khác. Người tử tế không thể bắt hàng triệu người phải theo mình, phục vụ mình, tôn thờ mình như thánh. Người tử tế không tự nhận mình là người thông thái nhất, là đỉnh cao trí tuệ.
Muốn đào tạo được thế hệ trẻ thành những con người tử tế, trong gia đình và nhà trường, đại đa số người lớn (cha mẹ và thầy cô) phải là những con người tử tế. Đội ngũ quan chức trong ngành giáo dục phải là những con người tử tế. Những người định ra đường lối giáo dục phải là những con người tử tế. Cả xã hội phải là xã hội tử tế. Con cái không thể thành người yêu lao động, nếu cha mẹ trí trá, luôn tìm cách tránh trớ để đỡ phải làm việc thật sự tích cực. Học trò không thể kính thầy và ham học, nếu thầy cô thường xuyên làm những việc như soạn giáo án bằng cách cóp thứ có sẵn trên mạng, viết những bản thành tích điêu, cho điểm khống để lấy thành tích,… thậm chí tìm cách bòn rút tiền bạc của cha mẹ học trò. Nhưng chính thầy cô cũng không thể làm gương cho học trò về cách sống tốt, nếu thường xuyên bị cấp trên bắt phải làm những việc giả dối và ngu xuẩn hàng ngày, hoặc những việc không xấu nhưng bất khả thi. (Hãy về các trường học, hãy tìm cách tâm sự được với các thầy cô với tư cách bình đẳng chứ không phải với tư cách quan trên, quý vị sẽ thấy người giáo viên thời nay bị chính ngành giáo dục bắt phải làm những việc vô nghĩa và điêu toa như thế nào.)
Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu những người có quyền định ra sách lược giáo dục là những người không hiểu về giáo dục và chưa từng thực sự làm người học trò phải vật lộn với từng môn học, là những người nói “xây dựng xã hội học tập” nhưng bản thân mình không bao giờ cầm đến quyển sách. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu bộ máy quản lý giáo dục gồm toàn “cánh hẩu”, không có những người dám đấu tranh quyết liệt vì cái đúng, và không có những quan chức hàng đầu dám chấp nhận và khuyến khích những ý kiến trái chiều. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu “dự án” này, “đề án” nọ chỉ là những trò chia chác. (Dù quý vị có đưa ra những bản thanh toán, hóa đơn chứng từ kín kẽ đến đâu, dù người dân có hoàn toàn bất lực trong việc đưa ra chứng cứ về sự gian lận, thì ai cũng vẫn hiểu quá rõ rằng tất cả chỉ là những trò ảo thuật ma mãnh.) Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu vẫn còn những trò “thi đua” nhảm nhí, trong đó những kẻ mà ai cũng biết là dốt nát năm nào cũng được công nhận là “giáo viên giỏi”, “chiến sỹ thi đua”, trong khi những người có năng lực thực sự lại không bao giờ “đủ tiêu chuẩn” để được thừa nhận. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư được đào tạo và trao bằng cấp không phải do năng lực, mà chỉ để đủ chỉ tiêu số lượng. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu trường học, đặc biệt là các cơ sở đào tạo từ đại học trở lên được mở ra tràn lan và tùy tiện…
Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đến một quý ông thứ trưởng giáo dục mà đi viết một “bài báo” như dưới đây*. Không thể có nền giáo dục tử tế, khi một quan chức hàng đầu của ngành này nói mà không ai hiểu ông ta nói gì (kiểu như: “Phương pháp đọc sách của tôi gồm ba bước: tập luyện, tu luyện và tinh luyện” – Ô trời ôi!).
Không thể có nền giáo dục tử tế khi tất cả những thứ gọi là cuộc vận động học theo cái này cái nọ gây lãng phí ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, trong khi người ta thừa hiểu rằng nó chỉ có tác dụng ngược: nhân rộng sự giả dối, điêu toa, làm con người đổ đốn thêm. Không thể có nền giáo dục tử tế khi môn học được coi là quan trọng nhất để xây dựng “con người mới” lại là một thứ “học thuyết” cổ hủ, hão huyền. Không thể có nền giáo dục tử tế khi việc đánh giá con người không dựa trên hệ thống giá trị phổ quát mà nhân loại đã xây dựng nên, mà dựa vào những giá trị phù phiếm và thói bợ đỡ, xu thời.
Chừng nào những con người bất hảo còn chi phối ngành giáo dục và những trò nhiễu nhương kể trên còn được dán những cái nhãn mỹ miều, thì bất kỳ cuộc đổi mới hay cải cách nào cũng đều vô tác dụng. Thậm chí những cuộc cải cách đó chỉ làm giáo dục càng xuống cấp thêm. Và tất cả những góp ý, hiến kế của những người tâm huyết đều vô ích!
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
...................
*Bài của ông nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo
DÂN GIÀU, DÂN MẠNH, DÂN THÔNG THÁI
Nguyễn Kỳ
Chúng ta đang phấn đấu vì mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Dân giàu là mục tiêu tối cao.
Toàn dân đoàn kết “thi đua yêu nước diệt giặc đói khổ” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, “xóa đói giảm nghèo”. Chỉ trong vòng 10 năm, từ một, hai trăm đô la, dân ta đã đưa tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người lên 1.200 đô la vào năm 2010, đồng thời phấn đấu “xóa đói, giảm nghèo”, nâng cao dần mức sống nghèo khổ vì một khoảng cách giàu – nghèo phù hợp với chủ nghĩa xã hội. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển! Bình quân đầu người vài nghìn đô la đang ở trong tầm tay dân ta!
Lịch sử đã sang trang. Cách mạng khoa học công nghệ đang tiến rất nhanh. Thế giới chuyển sang lấy tri thức làm nguồn lực phát triển chủ yếu. Cơ may cạnh tranh và phát triển bền vững của Quốc gia cơ bản dựa vào sự giàu có về trí tuệ của toàn dân tộc.
“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “một dân tộc nghèo”.
Dân dốt là dân yếu, dân nghèo.
“Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết, phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ ”(1).
Không cam tâm chìm đắm trong dốt nát nghèo nàn! Phải trở thành “dân mạnh, nước giàu”, “dân giàu, nước mạnh”, “dân tộc thông thái”! Phải quyết chí lấy tự học, độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự tìm và tự tạo ra tri thức, làm giàu trí não và nhân cách của ta mà thắng nghèo nàn lạc hậu! Phải là dân mạnh dân giàu về trí tuệ – dân thông thái!
Toàn dân đoàn kết “thi đua yêu nước diệt giặc dốt nát” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu “dân mạnh, nước giàu”, “dân giàu, nước mạnh”, “dân thông thái, dân tộc thông thái, xã hội thông thái, giàu mạnh”.
Dưới ánh sáng soi đường chỉ lối của tấm gương con người xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh, dân thông thái biết cách tự chăm lo vun đắp cái vốn quý nhất của mỗi con người và của dân tộc giống nòi là sức khỏe và trí tuệ, trên cơ sở đáp ứng tốt bốn nhu cầu sinh tồn và phát triển cơ bản của con người là khỏe, học, làm, sống: biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tầm vóc nên người cao khỏe; biết cách tự học hành sáng tạo suốt đời; biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự mình đi tìm lấy chân lý, “tự do phục tùng chân lý” (2); sống hạnh phúc, văn minh.
Biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, “tự do phục tùng chân lý” mới là dân thông thái!
Học hàm học vị, chức trọng quyền cao chỉ có giá trị đích thực khi thuộc về con người “biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo”!
Dân thông thái – “dân mạnh” “dân giàu” về trí tuệ. Trí tuệ Việt tạo ra mọi chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trí tuệ Việt đưa đất nước quá độ vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có dân thông thái.
Dân thông thái vừa là chủ thể vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu đưa dân tộc ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa từng có trong lịch sử đòi hỏi mỗi người cán bộ lãnh đạo – quản lý của Đảng và Nhà nước phải thật sự là một con người thông thái ưu tú, có bản lĩnh “độc lập suy nghĩ – điều hành dân chủ sáng tạo”, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh vào thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức phát huy dân chủ, độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng và mọi năng lực sáng tạo, “đem tài dân, sức dân, của dân” phục vụ cho dân ta – trẻ em cũng như người lớn, người dân cũng như người lãnh đạo – ai cũng biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo nên người thông thái.
Mỗi nhà giáo là một con người thông thái mẫu mực – tấm gương bốn tốt: “cao khỏe, tự học hay, dạy sáng tạo, đạo đức tốt”, có bản lĩnh dạy sáng tạo, hướng dẫn cho trò ngay từ bậc tiểu học tập dượt độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, tìm tòi, khám phá, tự học hành, tự rèn luyện, tự do sáng tạo, tự mình tìm lấy kiến thức, tự mình khám phá ra chân lý, “tự do phục tùng chân lý”, nên người thông thái. Mỗi học sinh sinh viên tích cực chủ động tham gia phong trào thi đua bốn tốt: “Sức khỏe tốt. Tự học hay. Làm sáng tạo. Sống văn minh” với những tiêu chí cụ thể đáp ứng đúng nhu cầu độ tuổi.
Mỗi thành viên gia đình phấn đấu làm một thành viên bốn tốt của “gia đình thông thái bốn tốt” :- Biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe – Biết cách tự học hành sáng tạo. Trẻ em có trình độ giáo dục theo độ tuổi – Người lớn có tay nghề sau trung học, lao động giỏi, có sáng kiến, sáng tạo – Sống cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.
“Gia đình thông thái bốn tốt” hội tụ các phong trào kinh tế – xã hội lớn của đất nước thành nơi con người tự học hành sáng tạo suốt đời nên người thông thái là tế bào của một xã hội thông thái. Với 90% số hộ là gia đình thông thái bốn tốt, cả nước trở thành một xã hội thông thái.
Xã, phường cần phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế, phổ cập giáo dục theo độ tuổi, xây dựng đời sống văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi, xóa hộ nghèo, xây dựng gia đình thông thái bốn tốt Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là một thành viên bốn tốt và phấn đấu cho mọi thành viên gia đình đều đạt tiêu chí bốn tốt. 90% số hộ là gia đình thông thái bốn tốt làm nên “xã, phường thông thái bốn tốt”.
Doanh nghiệp thông thái – cơ sở của kinh tế tri thức – cần xây dựng đội ngũ “ công nhân thông thái bốn tốt ”: – Biết cách tự chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường; – Biết cách tự học hành sáng tạo, đạt trình độ trung học và tay nghề sau trung học; - Biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, lao động giỏi, có sáng kiến, sáng tạo; - Sống cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.
Người lao động trí thức hóa ở trình độ giáo dục sau trung học là con người của kinh tế tri thức.
Xã hội thông thái – xã hội mà ai cũng biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự học hành sáng tạo suốt đời nên người thông thái có tay nghề sau trung học – vừa là một “xã hội học tập hiện đại”, vừa là một “xã hội tri thức” giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Muốn có chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta phải đoàn kết thi đua diệt giặc đói giặc dốt cho dân giàu, dân mạnh, dân thông thái, xã hội thông thái, giàu mạnh.
Dân dốt là dân yếu, dân nghèo.
Dân thông thái là dân mạnh, dân giàu.
Xã hội thông thái, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
Dân tộc thông thái, độc lập, tự do, xã hội chủ nghĩa!
NK
(Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...