Lập Trình Viên II (36)

Một cảm giác ái ngại tương đối lủng củng, làm tôi thấy rất không thoải mái; vừa cười vừa nhăn mũi, tôi bảo anh Ngạn:

— Về chuyện ổ cứng, thì em nghĩ là không.



*
*     *


— Cảm ơn anh. — Bước qua bậu cửa, anh Ngạn nói với người đàn ông trung niên mặc bộ quần áo sẫm màu, giống như quần áo "âm lịch", nhưng trông dày dặn, ngay ngắn, và đĩnh đạc hơn, tôi đoán là y phục theo kiểu Tàu.

Trời đang đổ mưa lớn... là mưa "to", (tôi bắt đầu bị ảnh hưởng từ vựng ở đây, Mai Phương đã phải nhắc nhẹ tôi: "Để ý đấy!"), — đang là gần cuối mùa mưa ở Sài Gòn, — người đàn ông này đã vội vã chạy ra, cầm ô che cho chúng tôi, tôi thấy ông đang thật sự lo chúng tôi bị ướt, trong biểu hiện quan tâm của ông, tôi hoàn toàn không nhận thấy một chút khách sáo nào.

Chuyện này tương tác với hệ thống "để ý" của tôi ngay, có lẽ vì đây là nhà hàng, — những người phải làm đi làm lại những công việc mang tính chức năng, đa phần đều giống máy nhiều hơn giống người.

— Chú Phiên. Đường tới đây... — anh Ngạn gập qua gập lại bàn tay trong không khí, nhún vai, cười.

— Tới rồi hả? Mưa lớn quá ha! Ngồi đi! — Người đàn ông đang ngồi ở chiếc bàn tròn kê gần như đúng giữa gian quán vừa cẩn thận đậy lại chiếc vung nồi, vừa ngẩng lên, vui vẻ nhìn anh Ngạn theo kiểu gặp người quen, nhìn tôi theo kiểu gặp người chưa quen nhưng cũng không hẳn là lạ, và vui vẻ chìa tay mời chúng tôi.

Người này ăn mặc cũng giống người kia, nhưng mới và phẳng phiu hơn, — có thể là phẳng hơn thật, cũng có thể là do chất vải khác. Mái tóc ngắn nhưng vẫn rất đen, khuôn mặt tròn nhưng vẫn khúc chiết; đặc biệt, cặp mắt đen, trong, sinh động, cái nhìn rất nhanh, và sống mũi dọc dừa, với hai cánh mũi rõ nét, — những cái đấy cơ hồ dễ làm cho người khác chú ý. Người đứng tuổi mà mắt như thế thì xác định đúng tuổi là tương đối khó, chỉ ang áng được trong một khoảng tương đối rộng — từ bốn đến năm mươi.

Chú Phiên lại nhìn anh Ngạn, rồi quay sang tôi:

— Phi Long đây hả, nè, Long à, dê ở đây là ngon nhất Sài Gòn đó...

— Sao ở đây ít khách quá vậy? — Anh Ngạn tủm tỉm cười, ngoái cổ nhìn quanh, ngắt lời.

Thật ra ở đây không phải ít khách, mà đúng là không có khách: ngoài chúng tôi ra, chỉ có người cầm ô ban nãy, giờ đang lúi húi làm gì đó đằng sau quầy, và một người nữa ngồi ở góc trong cùng, quay lưng ra, nhưng hình như đang lúi húi tính toán sổ sách gì đó, chắc không phải thực khách, cũng không có vẻ lý gì đến chúng tôi. Gian quán rộng, ở diện tích trung tâm có một chiếc cột vuông to, — thân cột ốp gỗ sáng màu và có viết nhiều chữ Tàu màu đen, — và dăm chiếc bàn tròn cỡ bốn người ngồi; dọc theo — theo hướng cửa vào — hai bên tường, kê những bàn vuông nhỏ cho hai người ngồi. Đèn đóm tắt cả, chỉ có một bóng đèn công xuất khiêm tốn, có chụp tròn rộng bằng vải màu cổ vịt sẫm, treo cao quá đầu một người đứng, thẳng phía trên mặt bàn chỗ chúng tôi ngồi; và chiếc đèn bàn ở chỗ người đang ngồi "làm việc" ở phía trong.

Chú Phiên tuyệt không có vẻ lúng túng, chỉ khẽ nhún vai, đưa tay mở hé vung nồi — loại nồi đất có cán cầm hình ống tròn rỗng cũng bằng đất, đặt trên hỏa lò đất đang cháy đỏ, như ở mọi quán lẩu dê:

— Người đời đâu phải ai cũng biết ăn ngon. — Chú đưa tay cầm chai rượu ở trên bàn. — Nào, làm ly đi!

Chai cũ, — là vỏ chai cũ, đổ rượu khác vào, — chén cũ, rượu nặng, cũng là rượu trắng, nhưng hơi sốc so với vốt-ka, và vị có lẽ hơi nhạt so với quốc lủi.

Chú Phiên nhấc hẳn vung nồi, để qua một bên, trong ánh đèn sáng yếu, một làn hơi trắng dày đặc phả ngược lên từ miệng nồi, khoảng không trên mặt bàn tức thì tràn ngập một hương vị mặn mà; anh Ngạn nghển cổ, chăm chú nhòm vào nồi nước đang sôi lọc bọc, rồi gắp một nạm những cây trông giống như cây hành xanh (nhưng chắc không phải vì trông mập mạp hơn, nhất là lá dày dặn hơn, và bẹt dí, chứ không tròn ống như lá hành xanh), — được bày riêng trên một chiếc đĩa trắng tinh hình ô-van dài, đặt bên cạnh một chiếc đĩa rộng trên có vài thứ rau khác, — chắc để cho thêm vào; chú Phiên đã thò đũa, gắp ra một khúc thịt to, trông mềm mềm, bốc hơi nghi ngút, tiếp vào bát tôi:

— Nè, ăn luôn cho nóng.

Nóng thật, và thật may là tôi chỉ cắn một miếng nhỏ, nếu không, chắc tôi đã phải nhè hết ra!

Tôi rướn cổ, nuốt "khống" thêm một nuốt to, nhìn miếng thịt trong lòng bát:

— Đây... có phải thịt dê đâu ạ?!

Giọng chú Phiên giống như đang chủ trì hội thảo khoa học:

— Treo dê, nhưng bán chó! Ăn như vậy mới mang tính triết lý chớ.

Ban chiều, anh Ngạn tìm tôi ở văn phòng, bảo:

— Hết giờ làm đợi anh, đi ăn lẩu dê.

Tôi chưa kịp hỏi gì, anh đã vỗ vai tôi một cái, rồi đi ngay. Nhưng cuối giờ tôi không đợi anh, — anh đến hơi sớm nên phải chờ tôi tắt máy tính. Không thấy Mai Phương, rồi lại không thấy chiếc Tô-yô-ta màu nòng súng, tôi đã thấy lạ, nhưng cũng không hỏi; lúc đấy trời chưa mưa, hai anh em vẫy được chiếc tắc-xi ở đầu phố, đi vòng đi vèo mãi, đoạn cuối qua toàn những phố nhỏ và bẩn — một phần vì đang mưa, — mới đến được đây.

Tôi nhìn chú Phiên, rồi ngửa bàn tay trái ra, ngón trỏ tay phải lần lượt đếm từ trái sang phải:

— Chả, hấp, dồi, dựa mận, xáo,.. — hết ngón tay trái, tôi chuyển sang tay phải, — xào lăn,..

Tôi gõ gõ ngón trỏ trái lên ngón vô danh phải:

— Còn một món nữa, cháu chưa được ăn, cũng không biết đích xác là món gì... Nhưng khả năng là tiết canh, không thì là giò, chứ lẩu chó cháu chưa từng nghe.

— Ờ... — Chú Phiên cười. — Dân Bắc Kỳ thứ thiệt, vốn coi không ai hiểu chó bằng mình. — Chú phẩy tay. — Mà phải. Tôi đâu ráng cầm đèn chạy trước ô-tô, đây là lẩu chó Cao Ly.

Tôi hỏi, nhân thể:

— À, trong Nam mình có nấu giả cày không chú?

Nhưng chú Phiên đã ngồi ngửa vào tựa ghế, khoanh hai tay trước ngực, nhìn tôi, kiểu nhìn như đang đọc sách; rồi chú vừa cười một nụ mím môi, vừa nhướng mắt một cái:

— Giả cày!.. Bình sinh là lợn, bỗng làm việc như chó! Hà... — Chú nhìn mặt bàn, rồi lại nhìn tôi. — Hôm nay tôi nhờ cậu Ngạn mời cậu cất công tới đây, thiệt đúng là muốn thỉnh giáo một chuyện "lợn — chó" vậy đó. — Chú chìa bàn tay, cười xòa. — À, còn đây là cày thiệt, chuyện ngắn mà dài, mình vừa ăn vừa nói.

Cày này, có là không thiệt, thì cũng rất ngon, anh Ngạn và tôi cũng chẳng hề khách khí.

— Thiệt tình mà nói, tôi hỏi cậu một câu là đủ. — Ba chén rượu cùng cạn một lượt, chú Phiên vừa rót một vòng mới, vừa bắt đầu (chắc là) câu "chuyện ngắn mà dài" của chú. — Nhưng tôi không hỏi vậy được, dù là hỏi vậy, còn đỡ mất thời giờ của cậu.

— ...

— Nhưng mai này, lỡ như nhớ lại... thì cách hỏi độc lai độc vãng đó sẽ khiến cậu nhớ tôi như một gã khôn ngoan. — Chú cau mũi một cái. — Nên tôi sẽ kể từ đầu.

Chú đưa ngón tay trỏ vạch qua vạch lại về phía cửa vào:

— Thành phố này... Cậu hẳn nghe người ta nói, là hòn ngọc Viễn Đông?

— Cháu đọc thấy, nhưng mà...

— Hẳn rồi, — chú Thiên cười xòa ngay theo tôi, — không phải giờ. Vậy họ có kể... nó ra sao không?

— Cháu nhớ khái niệm thôi, chứ hoàn toàn không hình dung.

— Phải rồi. — Chú Thiên gật đầu. — Ngay cậu Ngạn cũng đâu biết. Khi nó còn là hòn ngọc Viễn Đông thiệt, thì tôi còn bé. Nơi lấp lánh nhất hòn ngọc khi đó là... ca-xi-nô gron-đơ mòn-đờ, sòng bạc Đại Thế Giới, một trong những sòng... mà có thể nói luôn là sòng bạc lớn nhất Đông Dương.

"Nó là một khu tổ hợp chơi bời, đủ mặt nhà hàng, sân khấu, vũ trường, quán xá... Còn đánh bạc thì khỏi nói: chơi kiểu Việt, Tây, Tàu... không gì không có. Chủ xị là các tay tổ từ Hồng-kông, Ma-cao qua. Cả ê-kíp từ phát hỏa, hồ lỳ, cắm sườn... À, phát hỏa là chia bài, hồ lỳ là chung chi, cắm sườn là quan sát..."

— Những người này... — Cứ ngắt nhỏ câu chuyện thế này, đúng không phải tác phong thông thường của tôi, nhưng chủ đề này mới bắt đầu, thì cảm nhận của tôi, tôi thấy ngay là đang giống y như lúc đọc chưởng Kim Dung; bất giác hai bàn tay tôi xòe rộng hết mười ngón, khom khom hướng vào nhau để tìm cách diễn tả. — Cơ cấu tổ chức của họ như thế nào ạ?

Chú Thiên nhìn tôi, tủm tỉm, chắc là giấu một nụ cười to hơn:

— Cả tiền lẫn cơ hội đút tiền vô túi đều công nhiên ra đó, cụ thể, sờ sờ trước mắt, ngay giữa đám đông; dễ hiểu là mọi bản năng bất chính đều được khơi dậy tới tối đa. Nên là phải coi lẫn nhau: phát hỏa coi khách chơi, hồ lỳ coi phát hỏa, cắm sườn coi hồ lỳ, cắm sườn lớn coi cắm sườn nhỏ... Lại còn... những điểm quan sát bí mật, ở đó những tay cựu lừa đảo, chuyên gia về các ngón gian lận, lương trả cao ngất, túc trực với ống nhòm quân sự trong tay.

Chú dừng lời, thấy tôi đã có vẻ hài lòng với đáp án, chú mới tiếp:

— Cả đám người đó đều được đào tạo chuyên nghiệp, có nghề, bài Tây thì có đầm Tây, bài Tàu thì có xẩm Tàu, thứ thiệt, tuyển từ chính quốc, để đứng bàn phục vụ khách chơi.

"Người ta, đói thì kiếm quán ăn, khát thì tìm quán uống, còn tham tiền thì tới sòng bạc; đói thì bỏ tiền mua đồ ăn, khát thì bỏ tiền mua đồ uống, còn tham tiền thì bỏ tiền ra để mua một cuộc đỏ đen. Nhưng không giống cơm ăn nước uống, cuộc đỏ đen là thứ đồ mà ăn uống vào sẽ chỉ khiến người ta thêm đói khát, — theo cả nghĩa đen. Vì một người bước vô sòng bạc, thì thứ nhất là sẽ đối đầu với một hệ thống những công thức toán học xác suất với các tỷ lệ hoàn toàn bất lợi với mình, thứ nhì là sẽ đối đầu với cả một bộ máy lừa đảo chuyên nghiệp và có tổ chức..."

Nhận thấy ngay biểu hiện của tôi, chú Phiên phẩy tay:

— Đâu có cờ bạc chuyên nghiệp lại không... bịp? Cậu tin tôi... Khơi dậy lòng tham ở người khác, là bắt đầu lừa đảo rồi; mọi chuyện lừa đảo đều bắt đầu như vậy. Nhưng dù biết không biết, một khi đã bước chân vô sòng, do đâu thì không rõ, nhưng ai ai cũng mang một niềm hy vọng tự kỷ ám thị lạ lùng hết nói về sự may mắn. Tham mà! Phật dạy chớ tham, sân, si, — cậu thấy, tham vẫn là đầu bảng.

Chú Thiên xòe hai tay, nhún vai một cái, cười xòa, rồi lại có bộ dạng nghiêm túc ngay:

— Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Con bạc có nỗi khổ của con bạc, thì sòng bạc cũng có nỗi khổ của sòng bạc. Nói như một chủ sòng ở Látx Vê-gátx: "Ngày nào cũng có cả triệu người tìm đủ mọi cách để lấy tiền của chúng ta!"

"Ở nhà băng cũng vô khối tiền, nhưng tiền giữ trong két, mở trộm két nhà băng là phạm pháp. Giả sử giờ nhà băng đem két tiền đặt ra giữa sảnh, khóa két bằng một cái khóa to, rồi mời mọi người mua vé để tìm cách mở khóa, mở được thì cứ việc lấy hết tiền, — thì đó chính là sòng bạc. Làm chủ nhân cái két như vậy thì có lo không? Trên đời liệu có loại khóa không thể mở được?"

Về chuyện này thì tôi có một hình dung tương đối rõ. Tôi đã được học về các thuật toán mã hóa dữ liệu: mọi dữ liệu mã hóa đều có thể giải mã được, chỉ là mất bao lâu. Nên tôi bất giác gật đầu, nhưng chú Thiên cũng nhận ra ngay đấy là gật đầu "tu từ", nên chú cũng gật đầu với tôi. Rồi trên khuôn mặt tuyệt không có nét mù mờ nào của chú thoáng một chút đăm chiêu. Tôi tranh thủ khoảng dừng, vội vàng trở lại với ý nghĩ của mình "tất cả những chuyện thú vị này có liên quan gì đến mình nhỉ?"; nhưng tôi vẫn tiếp tục chưa tìm được đường đi cho nó, thì lại phải dừng lại, để theo dõi tiếp "những chuyện thú vị":

— Sòng bạc Đại Thế Giới hôm đó, bàn Xì Phé có một con bạc thua đậm. Con bạc thua đậm thì khi nào không có, nhưng gã này đã thua tới hai mươi ngàn mà vẫn tưng tửng như không... à, vàng khi đó cỡ ba ngàn một lượng. Thua mà kiểu như vầy thì hiếm có. Nên sòng bài, các yếu nhân hữu trách, đều tập trung theo dõi cuộc đấu Xì Phé.

"Đến lúc tiền tố lên tới năm trăm ngàn, thì cả những người không có trách nhiệm cũng tự cảm thấy căng thẳng. Đại Thế Giới khi đó, ngày có tới vài ngàn người vô, thâu vào cỡ triệu, nộp thuế năm trăm, bỏ túi năm trăm.

"Con bạc quốc tịch Tân Gia Ba... à, là Sinh-ga-po, còn phát hỏa là một tay cứng cựa, cao thủ mời từ Hồng-kông. Cuộc chơi kết thúc khi con bạc Sinh-ga-po lật bài Thùng Phá Sảnh và hốt gọn của Đại Thế Giới hơn triệu đồng.

"Con bạc ung dung lên tắc-xi rời sòng.

"Xe chạy được một quãng, thì ách lại bên đường. Cửa sau mở, hai người vận đồ lính, đầu đội bê-rê, ập lên xe từ hai phía. Xe lại chạy, qua kênh; tới một địa điểm nằm sát dạ cầu chữ Y, về phía nam, xe quẹo trái, rẽ vào một cổng lớn có ba-ri-e và lính gác; ba-ri-e mở lên, xe vào khoảnh sân trước một ngôi nhà hai tầng nhưng rất cao, mái lợp khum khum, sảnh có hai cửa vòm cao rộng, nom bề thế ghê lắm.

"Con bạc bị lôi xềnh xệch ra khỏi xe. Trước mặt y là tay phát hỏa Hồng-kông, và một người nữa."

Người mà đã kể chuyện này cho chú Phiên nghe — vì chú Phiên bảo lúc ấy chú còn bé — hẳn phải là một người kể chuyện rất hay. Tôi thấy chú Phiên cũng bị cuốn hút vào câu chuyện mà chính mình đang kể, kể một cách say sưa:

— Người này vóc đậm và chắc nịch như tá điền, tóc rễ tre ủi cao bằng tông-đơ, lại đeo kính trắng, coi hệt một bác nông dân đang coi nhật trình thì khách tới vội chạy ra đón. Nhưng trên bản mặt chân chất, hơi cục mịch của y, không khó nhận ra những nét bặm trợn. Y lại vận đồ nhà binh và đeo lon đại tá.

"Chính là Lê Văn Viễn, Bảy Viễn, tướng rừng Sác chiêu hồi. Cậu có nghe chưa?"

— Chú nói thì cháu nhớ loáng thoáng là đã nghe tên thôi, mới cả... — Tôi thấy rụt rè, hơi ngượng; trong trường không dạy, ở miền Nam, cụ thể mọi người đã đánh Pháp đánh Mỹ thế nào, mặc dù là học sinh giỏi môn Sử, nhưng hình dung của tôi quả thực là chả đâu vào đâu cả. — Có phải ô...ng này trước là tướng... cướp?

— Chính thị. Y là giang hồ theo kháng chiến, rồi bỏ kháng chiến về thành đầu Tây, được phong tá, rồi phong tướng. Làm đại tá Tây rồi, y vẫn quen làm tướng cướp. Sòng Đại Thế Giới chính là y được vua Bảo Đại chống lưng, thầu lại, thiệt ra là ăn cướp, từ tay Lâm Giống, để làm con bò sữa nuôi bộ đội Bình Xuyên của y. Lâm Giống là xì thẩu Ma-cao, đã phát dương quang đại sòng Đại Thế Giới từ đầu, dưới tay y có cả trăm cao thủ Thiếu Lâm, nhưng đám Bình Xuyên của Bảy Viễn có tiểu liên, lựu đạn, lại được Pháp giao cai quản an ninh Sài Gòn — Chợ Lớn, tức là nắm quyền sinh sát.

"Tại tổng hành dinh ở chân cầu chữ Y của Bảy Viễn có một hồ nước, trồng tràm, đước, và nuôi cá sấu, — cá sấu hoa cà chính hiệu rừng Sác, là giống bò sát lớn nhất. Bảy Viễn đang hầm hầm lệnh cho lính thộp cổ gã Sinh-ga-po ném xuống hồ, thì tay cố vấn của y là Năm Tài tất tả chạy đến.

"Ra gã cao thủ Sinh-ga-po này là khách mời của đám lão bản Chợ Lớn. Ý họ là mâu thuẫn bài bạc thì nên giải quyết trên sới bạc.

"Chuyện này là phải lẽ, theo luật giang hồ.

"Bảy Viễn bá đạo nhưng rất trọng nghĩa khí giang hồ, nên chỉ rút súng ngắn, nhè ngay ót tay phát hỏa Hồng-kông nổ luôn một phát."

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...