Lập Trình Viên II (12)

Tôi giật mình đứng sững lại.


Trước mặt tôi đang là những bậc quen thuộc trên một cầu thang rộng rãi nhưng không cao lắm, dẫn lên một sảnh trống; cứ đi tiếp theo sảnh này, là sẽ đến chỗ đứng chờ hai chiếc thang máy to; vào thang máy, bấm số bảy, là sẽ lên đến chỗ bác A-mô-nốp làm việc.


Đây là lối lên văn phòng khoa của A-nhi-a và Phi Long; hai người họ cũng hay học và lang thang ở các bậu cửa sổ trong tòa nhà này nhất.


Bất giác, tai tôi như đang nghe thấy những câu hát hùng tráng:


Tôi lê bước qua Châu Phi,

Tôi cất cánh như chim đại bàng,

Tôi đã ở Châu Mỹ,

Và đã bơi đến Châu Úc.

Tôi đã lang thang trong sương mù,

Và đã tìm thấy câu trả lời:

"Tốt nhất Quả Đất

Chỉ có mỗi một khoa!"


Không có khoa nào tuyệt vời hơn

Không có khoa nào tuyệt vời hơn...


Là bài "Khoa" Ca của A-nhi-a, Xéc-giô, A-li-ô-sa, Kốt-xchi-a, và Phi Long, — phỏng theo một bài hát của ban nhạc Xmốc-ki.


Ban nãy lúc ra khỏi ký túc xá, tôi rẽ phải, rồi đến đầu phố, lại rẽ phải. Tiếp theo cứ đi thẳng một lèo, đến gần bờ sông I-a-u-da, là sẽ đến trường tôi.


Nhưng đi được một đoạn, quá quen rồi, nên chân tôi lại tự động rẽ phải, vào đây, — tòa nhà, và cả khu nhà này, một trong những khu nhà học chính của trường Phi Long, nằm ngay bên con đường tôi đang đi, hay chính xác hơn, chắc phải nói là con đường này đang đi qua địa phận của trường đại học.


Tôi đứng ngơ ngẩn mất một lúc. Lác đác, đã có các thày cô giáo, các anh chị sinh viên, — hoặc nghiên cứu sinh, thực tập sinh, cộng tác viên... — khoác túi, khoác ba-lô, xách cặp khóa số... hối hả đi lướt qua hai bên tôi, đều vội vội, và không ồn.


Một chỗ rất là thân quen, nhưng rốt cuộc thì tôi — hiện tại — vẫn không thuộc về nó.


Quay trở ra, tôi cứ cắm đầu đi miết, nhưng chắc là đã quen chân, có cữ, nên lúc ngẩng lên, thì bên kia đường đã đúng là mặt nhà hai tầng đỏ quạch chạy dài, mái nhà sơn màu xanh lá cây, — một trong bốn khúc dài bằng nhau của một khối nhà chạy viền theo cạnh của một hình vuông rất to, khép kín, là tổng dinh của Quân khu Thủ Đô. Đi qua hết chiều dài dãy nhà bên đường ấy thì ở bên này, nhìn sang phải, hơi thụt vào so với mặt vỉa hè, trông thấy một đoạn hàng rào sắt thanh mảnh cao khoảng ba mét, làm bằng những thanh sắt dọc hình tròn, thẳng, sơn màu ngọc bích; ở gần giữa — hơi lệch qua phải — hàng rào, có mở một khoảng trống không có song sắt, làm cửa ra vào.


Bước qua cửa này thì trước mặt là một lối đi rải nhựa đường mịn chạy thẳng băng, bằng phẳng và tương đối rộng rãi; bên trái là một sân bóng rổ quây trong hàng rào sắt xanh, đồng bộ với kiểu hàng rào ở lối vào, mặt sân màu giống — nhạt hơn một chút — màu hàng rào, các vòng tròn ba mét sáu — giữa sân và trong khu vạch ba điểm — màu đỏ gạch cua viền trắng.


Còn ở bên phải, là một ngôi trường mà ở đó có rất nhiều học sinh giỏi toán và lý, ngôi trường mà nhiều phụ huynh ở thành phố này sẽ rất muốn cho con mình được học — và học được — ở đấy.


Ngày xưa A-nhi-a học trường này.


Và năm ngoái chị đã lo lắng thu xếp cho tôi về học ở đây. Trường này học khó hẳn hơn ở cái trường cũ ba vạ của tôi, nhưng năm ngoái tôi đã cố theo bằng được, còn sang năm nay thì đã nhoi được lên vào số những đứa khá.


Tôi là em của A-nhi-a và Phi Long, cho nên về lý mà nói thì tôi phải học được — và phải thuộc loại giỏi nhất — ở bất kỳ trường nào.


Trước cửa trường tôi lúc này đang ồn. Rất ồn!


Vì đối với bọn trẻ con thì nói to hay nói bé, hay hét, thì đơn giản đều là việc phát thành tiếng cái cảm xúc tự nhiên trực tiếp ở trong người ra thôi, chứ nói chung thì bọn nó chưa biết cách điều chỉnh âm lượng. Mà ngày như ngày hôm nay thì ở đây có rất nhiều trẻ con, và trẻ con hôm nay thì đứa nào cảm xúc tự nhiên ở trong người cũng đều cực kỳ là hưng phấn, kích động, và phập phồng.


Không hưng phấn, kích động, và phập phồng sao được?


Khi mà đã háo hức trông đợi nhiều ngày, đã thấp thỏm suốt từ tối hôm qua, đã vùng dậy từ sáng sớm hôm nay, mặc vào bộ đồ mới tinh, thơm phức, phẳng phiu, đẹp đẽ, sắp sẵn, bộ đồ chững chạc và trịnh trọng như một người lớn; ôm lấy một bó hoa rực rỡ và to tướng, và đi đến trường học của mình, và đấy là "Tiếng Chuông Đầu Tiên", là lần đi đến trường đầu tiên trong cả một cuộc đời.


Nối lửng lơ vuông góc vào gần góc bên trái mặt tòa nhà chính năm tầng sơn màu vàng đã cũ của trường tôi là một cái nhà hộp hai tầng hẹp chạy dài; tầng hai của nó nối vào tầng hai — và có mặt gạch xây để trần và sơn cùng màu với — tòa nhà chính; còn tầng dưới, ốp gạch men màu xanh thủy quân lục chiến từng viên cũng to đúng bằng viên gạch xây nằm ngang, mở ra hai cái cổng chui hình chữ nhật tương đối rộng đi xuyên qua vào trong sân trường; cái nhà hộp này còn kéo dài quá khỏi hai cổng vào này thêm một đoạn nữa, rồi thấp tụt xuống chỉ còn cao một tầng rưỡi, và tiếp tục kéo dài thêm một khoảng gần bằng độ dài từ đầu kia đến chỗ tụt xuống, rồi lại nối vuông góc vào một tòa nhà khác to cũng gần như — và đứng đối diện với — tòa nhà chính, nhưng tường ốp đá men lốm đốm trắng xám và đen đen.


Bọn lớp một ôm hoa tới tấp lướt qua tôi, đua nhau đổ vào sân trường. Tôi đang đứng ngẩn ngơ — nói gì thì nói, mấy tháng mới gặp lại một cảnh thân thuộc cũ, cũng khó nói là không có chút bồi hồi — cạnh gốc cây quét vôi trắng mọc giữa vỉa hè, ở phía trước, hơi chếch sang bên phải hai cái cổng chui, vừa nhòm vào trong sân trường, vừa nghĩ là cách đi đứng của bọn lớp một này trông thật là buồn cười (trên mặt đất bằng, mà chúng nó đi, đứa nào cũng giống như đang bước lên bậc thang), thì có hai bàn tay mát và mềm, nhưng có phần thô bạo bịt chặt lấy mắt tôi, và có người nói ngay bên tai tôi theo kiểu cố phồng cổ ra làm cho giọng nói trầm xuống và hơi ò ò:


— Đoán được thì tha!


Nó chạy đến để bịt mắt tôi thô bạo như thế, thì gió ùa đến theo đà chạy cũng nhiều, nên nó còn chưa kịp bịt, thì ngửi mùi ùa đến ấy, tôi đã biết nó rồi, nhưng tôi không chơi "đoán được thì tha", mà chỉ rút tay trái vẫn đang đút trong túi quần ra, rồi giơ thẳng về trước mặt — cho xa, — bảo:


— Có muốn ăn kẹo Xờ-ních-cớt thì tự khai đi!


Tôi là em Phi Long, và Phi Long vừa qua đây học thì kết A-nhi-a luôn, từ đó một mực thùy mị nết na trong các mối quan hệ khác giới khác, nhưng dù không tán tỉnh ai, anh vẫn là người tương đối hiếu động — một cách tự nhiên — trong các mối quan hệ ấy, cho nên tôi vẫn bắt chước được ở anh ít nhiều, kiểu như sô-cô-la luôn nằm sẵn chầu chực đợi chờ trong túi này.


Nó vừa bỏ tay để "tha" thì thỏi Xờ-ních-cớt loại to đã vòng lại ngay trên vai tôi, nó vớ vội lấy sô-cô-la của mình, còn tôi quay lại nhìn nó.


Và giật mình...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...