Lập Trình Viên II (11)

Nhưng hôm nay mới là mùng một tháng Chín, lá vàng chỉ lác đác, còn xa mới đến lúc lỡ cây rung thì chúng sẽ đổ xuống ào ào.


Nền trời trong xanh, nhưng ở phía có lẽ là tây nam lại đang có một bãi mây mỏng trắng xám lộm cộm vảy tê tê. Không thấy mặt trời đâu, nhưng thấy nhiều nắng. Gió thổi mạnh, nhưng không đều, nên thốc thốc. Trong không khí lửng lơ vẫn còn sương mù loang loãng.


Cảnh vật vào lúc sáng sớm mùa thu thế này có dáng vẻ rất giống như bọn con gái lớn hơn tôi một chút lúc mới ngủ dậy ở trại hè. Lúc ấy thân thể chúng nó đang thỏa mãn, khoan khoái, và xộc xệch một cách thuần vật lý, còn trí não thì đang đần đần đúng theo tình trạng bản năng, và thể hiện rất rõ ra mặt.


Đa số chúng nó — không phải tất — đều sẽ trông cưng cứng, máy móc, và khôn hơn, khi đã chính thức bước vào một ngày sống, chiến đấu, lao động, và học tập. Và thực sự thì tôi cũng không biết lúc nào tôi thích chúng nó hơn nữa, nhưng trong cái lúc vừa ngủ dậy kia, đúng là đã phải có cái gì đó — mà tôi cũng không xác định rõ được là cái gì — đã gây cho tôi một cảm giác rất là thích thú, trừ một chuyện là lúc ấy người chúng nó rất hôi.


Trời này quần áo thật tiện.


Ngoài đường có người mặc áo khoác mỏng, có người mặc áo khoác ấm, có người mặc áo phông cộc tay.


Có thể bản chất của thời tiết nó đúng là có thể như vậy. Mà cũng có thể là cảm nhận của con người về bản chất của thời tiết vào khoảng thời gian này nó bị lung tung như vậy.


Khách du lịch ở trên phố thì thường mặc áo khoác ra đường, rồi du lịch một hồi bức lên thì cởi ra buộc ngang lưng. Tôi ghét lối ăn mặc lôi thôi lếch thếch này. Mà nói chung tôi không thích khách du lịch. Bất kể ăn mặc thế nào, tôi trông họ vẫn luôn lôi thôi!


Đã từ một lúc nào đó, một cách tự nhiên, tôi mặc gì đều là do một tay A-nhi-a chăm chút. Đi ngoài phố, tôi thường hay bắt gặp ánh mắt của các chị thanh niên lớn nhìn tôi, — mặc dù họ lớn hơn tôi, nhưng đấy là ánh mắt của con gái, khi nhìn thấy một người con trai đẹp. Chị A-nhi-a tôi là một người rất biết thế nào là mặc đẹp.


Đến đầu phố nhỏ, và gặp một đường phố lớn cắt ngang, thì gió thổi đều hơn; đã nghĩ mình sẽ đi bộ đến trường, nên chân tôi tự động rẽ phải.


Mặc dù biết nhiều bài hát và thơ về mùa thu hơn, nhưng Phi Long lại không thích mùa thu bằng các mùa kia.


Đã có một buổi chiều thu, vào trước lúc hoàng hôn, gió khe khẽ và mát, và vẫn còn nắng, nắng yếu thôi nhưng lấp lánh, tôi đã nằm ngủ ngon lành trên thảm lá vàng rộm, dày và êm và thơm, ở dưới gốc một cây phong mọc trên bờ một hồ nước nhỏ trong vắt; cây phong này già và thấp, và có tán lá xòe ra thật rộng, và phải dày lắm nữa, — trước đó, — vì trên cây những chiếc lá phong năm cánh cũng đã vàng hết rồi, nhưng chưa rụng, vẫn cứ che kín, chỉ để hở trời ra rất lác đác. Chỗ đấy là ở trong một khu rừng thưa, một trong những điểm cuối đầy tâm đắc trên một lộ trình "ngoại ô muôn năm" của anh Xéc-giô. A-nhi-a ngồi cạnh tôi, ngắm lũ vịt bơi dưới hồ, thỉnh thoảng lại vuốt nhẹ tóc tôi; một lát thì Phi Long đến, ngồi ngược lại với chúng tôi, dựa vào lưng A-nhi-a; rồi tôi ngủ. Lúc tôi thức dậy — nhưng vẫn nằm yên — thì hai người họ vẫn ngồi nguyên như cũ. Không biết họ vừa nói chuyện gì, không biết có dỗi nhau không nữa, nhưng tôi nghe giọng A-nhi-a dường như không được thoải mái:


— Công tử không còn hào hứng nhiều với "ngoại ô muôn năm" nữa rồi ư?


— Sao lại nghĩ thế, tiểu thư?


— Em nhìn thấy thế.


— Nhìn thấy thế nào? Kể anh nghe đi!


— Hơi ngơ ngác, nhiều lúc như không để ý đến chung quanh, rồi lại như bị giật mình... Em biết anh hay nghĩ ngợi, nhưng những lúc nghĩ ngợi khác thì ngơ ngác với giật mình đều nhẹ hơn, và nếu nhìn vào mắt em thì anh không thế.


— Chắc là thế thật... Lần này đến mùa thu, tự nhiên anh thấy suy nghĩ của anh nó cứ quẩn vào một chỗ. Anh nghĩ lại thì thấy trước đây chắc cũng đã như vậy, nhưng cảm giác chỉ mơ hồ; còn lần này rất rõ.


— Chỗ ấy thế nào?


— Chỗ ấy... đều là những ý nghĩ rất... rất là về mình. Nó cứ luẩn quẩn kiểu gì ấy, anh không thích kiểu đấy, nên là cứ nghĩ ngợi... Mà nghĩ kiểu này, thì lô-gích là càng nghĩ sẽ lại càng luẩn quẩn hơn. Nhưng anh không dứt ra được...


Tôi nghe A-nhi-a cười khẽ:


— Em kể anh nghe thêm chuyện nữa, nhưng đừng thất vọng đấy.


— Ừ.


— Em... Thực ra mùa nào em cũng luôn nghĩ ở chỗ mà anh bảo là luẩn quẩn ấy.


— H... Em khác, em là con gái.


A-nhi-a lại cười, nhưng lại thở dài một cái, rồi nói, giống như nói sang chuyện khác:


— Trước mắt nhiều người thì Xéc-giô là một tên nghiện máy tính cóc cụ, nhưng chúng ta, cả Xéc-giô, thì đều hiểu là cơn nghiện của Phi Long còn trầm trọng hơn Xéc-giô nhiều. Em biết anh luôn muốn viết những đoạn cốt mà không thể sửa cho tốt hơn được nữa, anh vẫn gọi là cốt... Lã thị... cái gì...


— Cốt "Lã thị Xuân Thu", mà... đấy là cả anh và Kốt-xchi-a.


— Cho nên cùng một bài học, cùng là điểm xuất sắc thôi, nhưng mắt mũi hai người cứ càng ngày thì lại càng thâm quầng lên như thế. Nhưng Phi Long với Kốt-xchi-a thì có phải máy tính đâu... Anh lại giật mình đấy à?


Hình như Phi Long giật mình thật, — tôi nghe thấy tay anh chợt khua mạnh xuống những chiếc lá phong.


— Anh có thể xóa chương trình; — A-nhi-a tiếp; — nếu có xuộc-cốt, anh có thể sửa lại chương trình theo ý mình; nhưng ngay cả có tất cả các xuộc-cốt, thì anh cũng có "như ý" được không?


— Anh mong tiệm cận, anh cũng biết... nên anh mới nói là "mong".


— Mà Phi Long với Kốt-xchi-a, kể cả là giống như chương trình máy tính đi, thì cũng phải là những chương trình vô cùng phức tạp; với cả chương trình thì có tự sửa cốt được đâu?..


— Cái đấy thì chưa chắc, đã nói vô cùng phức tạp mà?


— Anh đang yêu đấy chứ?


— Ừ, yêu ghê gớm lắm.


— Anh sửa chương trình, có lúc chỉ muốn sửa chỗ này, nhưng vô tình lại làm ảnh hưởng đến chỗ khác, có khi đến cả hệ thống đấy, chuyện ấy không bao giờ lường được, thế có sợ không?


— Không... sửa chương trình không nhất thiết là cứ phải phát triển hay tối ưu cái gì đó. Có thể đơn giản... có một cái chương trình vì sao đó có thể bị thay đổi, và mình muốn giữ nó lại như trước...


— Ra là vậy!.. — A-nhi-a ngắt lời Phi Long, tôi lại nghe chị thở dài một cái, nhưng giọng chị nói thì hình như lại giống như đang reo vui. — Cơ mà... như thế liệu có phải là hợp lý không?..


Giống với câu hỏi tu từ. Nhưng rồi tôi lại thấy chị băn khoăn:


— Nhưng mà này... công tử tâm sự hay quá, cho nên chuyện này...


Tôi giật mình đứng sững lại...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...