Ai tư vãn

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

AI TƯ VÃN

(Ngọc Hân công chúa)


Vua Quang Trung yêu quý Ngọc Hân bởi sắc đẹp và tài năng. Vua băng, Ngọc Hân có bài thơ "Ai tư vãn" khóc chồng. Sau, nội bộ lục đục, triều Tây Sơn mất. Ngọc Hân và hai con phải đổi danh tính vào Quảng Nam sống lẫn trong dân, không lâu sau, bị phát hiện bị bắt. Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh. Hai con bị thắt cổ chết (Kỷ Mùi 1799).(Các triều đại Việt Nam — 1995)

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo

Trước thềm lan, hoa héo ron ron.

Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,

Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.


Nỗi lai lịch dễ hầu than thở

Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?

Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...

Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!


Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.

Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,

Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.


Trăm ngàn dặm quản chi non nước;

Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.

Sang yêu muôn đội ơn trên,

Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.


Lượng che chở, vụng lầm nào kể.

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.

Dẫu rằng non nước biến dời,

Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.


Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,

Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.

Miếu đường còn dấu chưng thường,

Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.


Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế

Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi

Non Nam lần chúc tuổi trời,

Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.


Những ao ước trập trùng tuổi hạc,

Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.

Nào hay sông cạn, bể vùi,

Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.


Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.

Xiết bao kinh sợ, lo phiền,

Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.


Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,

Phương pháp nào đổi được cùng chăng?

Ngán thay, máy Tạo bất bằng,

Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.


Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,

Kể sum vầy đã mấy năm nay?

Lênh đênh chút phận bèo mây,

Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?


Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,

Biết cậy ai dập nỗi bi thương?

Trông mong luống những mơ màng,

Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.


Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,

Ngỡ hương trời bảng bảng còn đâu:

Vội vàng sửa áo lên chầu,

Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.


Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,

Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.

Vội vàng dạo bước tới nơi,

Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa!


Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,

Mặt rồng sao cách gián lâu nay,

Có ai chốn ấy về đây,

Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành?


Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,

Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.

Kiếp này chưa trọn chữ duyên,

Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.


Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,

Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!


Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,

Công đức dày, ngự vận càng lâu;

Mà nay lượng cả, ơn sâu,

Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.


Công dường ấy, mà nhân dường ấy,

Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?

Rộng cho chuộc được tuổi rồng,

Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.


Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,

Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.

Tưởng lời di chúc thiết tha,

Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.


Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,

Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,

Quyết liều mong vẹn chữ tòng,

Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.


Con trứng nước thương vì đôi chút,

Chữ tình thâm chưa thoát được đi,

Vậy nên nấn ná đòi khi,

Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;


Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,

Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,

Theo xa thôi lại theo gần,

Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.


Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,

Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!

Mơ màng thêm nỗi khát khao,

Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?


Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,

Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai?

Xưa sao sớm hỏi khuya bày,

Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.


Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,

Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?

Xưa sao gang tấc gần chầu,

Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.


Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,

Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.

Nửa cung gẫy phím cầm lành,

Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!


Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,

Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.

Não người thay, cảnh tiên hương,

Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.


Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,

Thấy mênh mông những nước cùng mây,

Đông rồi thì lại trông tây:

Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.


Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,

Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.

Nọ trông trời đất bốn phương,

Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.


Cậy ai có phép gì tới đó,

Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,

Này gương là của Hán cung

Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.


Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,

Bụng ai hoài vội ghẻ vì đâu?

Xin đưa gương ấy về chầu,

Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.


Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,

Nỗi sinh cơ có thấu cho không?

Cung xanh đang tuổi ấu xung

Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương?


Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm

Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,

U ơ ra trước hương đài,

Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.


Trong sáu viện ố đào, ủ liễu

Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê

Long đong xa cách hương quê,

Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.


Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ

Cất chân tay thương khó xiết chi.

Hang sâu nghe tiếng thương bi,

Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.


Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,

Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?

Càng trông càng một xa vời,

Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?


Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,

Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.

Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,

Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.


Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,

Cánh hải đường đã quyện giọt sương.

Trông chim càng dễ đoạn trường

Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.


Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?

Phút giây bãi bể nương dâu,

Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?


Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,

Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.

Mấy lời tâm sự trước sau,

Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

Lập Trình Viên II (18)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tan học, lúc ra đến ngoài vỉa hè phố lớn, trời đẹp, quần áo đang đẹp, lại thấy có vẻ có nhiều cảm xúc lộn xộn trong lòng, tôi định rủ Cla-ra ra bờ sông I-a-u-da dạo chơi, có thể sẽ hôn nhau, — quả thật tôi thấy trong cảm giác của tôi với Cla-ra ngày hôm nay có một số thứ có vẻ là lạ, — thì bỗng có một âm thanh quen thuộc vẳng đến bên tai, làm cho tôi bất giác giật thót cả mình, và chợt bàng hoàng khôn tả.


Tôi đưa mắt nhìn thì thấy ngay chiếc xe mẹc-xi-đít màu vàng cát, to, nặng, và khỏe ấy.


A-nhi-a thỉnh thoảng vẫn lái nó đến đón tôi như vậy.


Hẳn là không phải A-nhi-a rồi, nhưng tôi vẫn giật mình. Tôi hơi cúi người xuống, giơ tay chào cô Ma-ri-na, rồi bảo Cla-ra:


— Mẹ chị A-nhi-a. Mai gặp nhá!


Tôi hơi lưỡng lự, không biết có nên thơm nó một cái hay không, rồi thôi.


Cô Ma-ri-na cứ ngồi im, nhìn tôi bằng ánh mắt sâu thăm thẳm, một lát cười bảo:


— Đẹp trai ghê!


Rồi mới cho xe chạy.


Tôi hỏi:


— Chúng ta đi đâu?


Cô bảo:


— Đến phòng thu.


Cái mích-xơ trộn tiếng ở phòng thu phải to gấp mấy lần cái của anh Va-lô-đi-a ở nhà văn hóa. Tôi đứng sau một cái khung to đóng khung hai lượt kính trắng dày cách nhau tương đối xa, xem cô Ma-ri-na đánh đàn cùng với một bác béo tròn đầu hơi hói, chơi một cái đàn côn-tờ-ra-bát phải to gần bằng người bác ấy, và một bác nữa gày gò có mái tóc bạch kim chải gọn rất đẹp, đánh một cái ghi-ta điện có thùng và cùng màu cánh gián với cái đàn của bác béo, không biết có phải là cố tình "đồng phục" không; đánh đàn trong phòng thu, nên hai bác đều mặc thoải mái, sơ mi không cắm thùng và quần âu sẫm, — bác béo mặc áo trắng, bác kia áo màu ghi nhạt.


Bản nhạc nghe lạ tai, tôi thấy ngang ngang, chỉ hơi thích tiếng đàn bát một chút.


Xong việc ở phòng thu, cô Ma-ri-na đưa tôi đến một cái nhà hàng rất rộng rãi, có nhiều cột cao hình vuông, ở chân và gần đỉnh cột có những hoa văn cổ kính trang trí, các bàn ăn đều phủ khăn trắng muốt, những người phục vụ đều đi giày đen bóng lộn, mặc quần đen, áo vét trắng, và thắt nơ đen; nhưng chỗ này không toát lên vẻ sang trọng, mà lại tương đối nhốn nháo, có phần giống, mà còn vui vẻ hơn cả nhà ăn sinh viên; các bàn ăn đa phần đều được bày trong những khoang có vách ngăn thấp bọc giả da màu đỏ nâu, vừa là vách vừa là tựa ghế ngồi luôn; nhưng đồ ăn và tác phong phục vụ thì lại đúng là sang trọng.


Cô Ma-ri-na thì rõ là khách quen, không chỉ là quen nhà hàng, mà giống như quen với tất cả những người ở đây, — không chỉ khách hàng, mà cả những người phục vụ.


Có một bác tuổi chắc đã phải ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu, chủ yếu là muối, nụ cười niềm nở và rất nhẹ nhàng dường như luôn nở trên môi, trông hết sức lịch lãm và khả kính, ra đón, thân mật chào hỏi, đưa chúng tôi đến bàn ăn, giới thiệu hôm nay có sò tươi và thịt nướng tác-ta, rồi đứng chờ cô Ma-ri-na gọi món; bác cười với tôi, gọi tôi là "chàng trai"; tôi thấy bác giống với một nghệ sĩ, một người đồng nghiệp của cô Ma-ri-na, hơn là một người bồi bàn; tôi muốn hỏi cô về chuyện này, nhưng tự nhiên lại cảm thấy ngại, nên thôi.


Công việc của chú Mi-khai-in dạo này phải đi đi về về nhiều; lần này phải cuối tuần chú mới về. Cả buổi tối, cô Ma-ri-na có vẻ vui, cười nhiều, nhưng lúc tôi đã lôi cái giường xếp vào ngủ trong phòng A-nhi-a, thì cô gõ cửa, rồi vào ngồi xuống bên cạnh tôi.


Im lặng một lát, cô mới bảo:


— Cháu không hỏi gì về nhạc.


Tôi lúng túng, phần thì không thật hiểu ý cô, phần thì vì nếu hiểu theo cách tôi đang hiểu, thì đúng là tôi sẽ lúng túng thật; cô cười vẻ không được vui, nói tiếp:


— Không giống như lúc đến Nhà Hát Lớn.


Thỉnh thoảng tôi được đến Nhà Hát Lớn — và A-nhi-a, và Phi Long — xem cô Ma-ri-na biểu diễn cùng dàn nhạc; tôi chợt nhớ, là lúc về tôi vẫn luôn hỏi cô nhiều thứ về dàn nhạc, về tác phẩm, về nhạc sĩ...


Tôi cảm thấy như có lỗi, nhưng chưa kịp nghĩ ra gì để nói, thì cô Ma-ri-na đã thở dài:


— Cháu còn nhớ bản công-xéc-tô của Phê-lích Men-đen-dôn không?


Tôi gật đầu, — tất nhiên là tôi nhớ.


Tôi nhớ như in hình ảnh cô Ma-ri-na đứng một mình trước cả dàn nhạc, chiếc váy dài tím thẫm như màu trời đêm, mái tóc đen mượt mà xõa xuống trên hai bờ vai trần trắng mịn màng; bác nhạc trưởng ngẩng mái đầu bạc phơ khẽ nâng hai bàn tay lên, nhún nhẹ một cái, dàn nhạc dây mở đầu bằng một hợp âm trong và mềm mại nhưng hơi âm u; cô Ma-ri-na nâng cây vĩ, và giai điệu ngân lên da diết...


Bỗng tôi rất sợ cô Ma-ri-na sẽ nghĩ là tôi gật đầu nhưng thật sự lại không nhớ, hoặc không nhớ lắm bản công-xéc-tô cung Mi Thứ này, nên tôi vội vàng giơ một tay lên, ngón cái cầm vào ngón trỏ, vẽ lên vẽ xuống, và khẽ ngân nga đúng đoạn mở đầu da diết ấy.


Cô Ma-ri-na nhìn tôi, mỉm cười, nhưng lại thở dài ngay:


— Hôm nay là bài hát ru của Xtờ-rau... Ri-chát Xtờ-rau. Nhưng chơi theo kiể... phong cách... — cô nhìn xuống sàn, cắn môi, — Viêu lông Jazz Cổ điển Cờ-rox-âu-vờ.


— ...


— Họ bảo nhạc đấy dễ bán. Và... còn quảng bá được nhạc cổ điển đến với đông đảo mọi người.


— Cháu đã đọc về chuyện này, hình như viết là "nghệ thuật vị nhân sinh".


— Cô nghĩ "nhân sinh" thì nên tiến hóa, không nên... ngược lại.


— Nhưng nhiều người biết thêm, thì là "tiến" mà cô.


— Nhưng đấy không phải là nhạc cổ điển.


Tôi thấy ái ngại lắm, nhưng như tôi bây giờ, thì biết gì mà ý kiến đây?


Chúc tôi ngủ ngon, ra đến cửa, cô Ma-ri-na còn quay lại, bảo:


— Nếu có Phi Long ở đây, những chuyện như thế này, nó sẽ diễn đạt lại cho cô cháu mình nghe bằng một cách rất đơn giản đấy.


Vừa nói, cô vừa đưa mắt nhìn nhanh khắp căn phòng; tôi vội vàng nhắm tịt mắt lại.


Đúng như chủ định ngủ giường xếp của tôi, tôi lại mơ thấy họ. Nhưng chỉ mới một ngày, mà Phi Long không hiểu sao trông bộ dạng lại có vẻ như đang rất là mệt mỏi; anh nói với tôi những chuyện gì đó về "con người vị con người" và "con người vị nhân sinh", giữa chừng tôi đã hoảng hốt nhắc lại — gần đúng — lời cô Ma-ri-na:


— Nhưng đấy không phải là con người.


Và giật mình tỉnh giấc.


Buổi sáng, tôi đi học, cô Ma-ri-na còn dặn với theo:


— Đim-mớt-trờ-ka, nhớ không được gọi thày Ra-đi-ôn là "giai chuyên ngữ" đấy!


Thày Ra-đi-ôn dạy chúng tôi môn tiếng Anh...


(Còn nữa)

Lập Trình Viên II (17)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

— Tiếng Chuông Đầu đấy, Đim-ma! — Thằng Giê-nhi-a nhìn tôi, mắt sáng lên, nghiêng ngón tay chỉ chỉ về phía cửa sổ.


Nó không nhắc, nhưng ở đấy thằng Phê-đi-a đã lấy lại cái ống nhòm từ tay thằng Mê-chi-a, và chìa nó về phía tôi. Tôi đón lấy cái ống nhòm thì nó nói, vẻ rất hài lòng:


— Là đại ca, anh Đim-ma đấy!


Ở dưới kia, chị Ai-đa đang nói:


Quyền rung Tiếng Chuông Đầu Tiên của năm học mới được trao cho nam sinh lớp Mười Một "A" Đờ-ra-gun-nốp Đờ-mi-tờ-ri và nữ sinh lớp Một "B" Xam-mô-khin-na Na-ta-sa.


Anh Đim-ma — cùng tên với tôi — là một thần tượng của học sinh trường tôi. Ngoài chuyện học rất giỏi, anh còn là đội trưởng bóng đá, là một quán quân giải đấu võ xam-bô toàn Nga dành cho thanh thiếu niên, và tôi phải công nhận ở anh đúng là toát lên đầy đủ phong độ của một người anh lớn.


Cái ống nhòm này là ống nhòm quân sự hẳn hoi, nên lúc anh Đim-ma bước ra khỏi đội hình lớp Mười Một "A", thì tôi có thể quan sát rất rõ, thấy những ánh mắt ngưỡng mộ — nhất là của các chị lớn — đang hướng về phía anh.


Tóc ngắn như tóc bộ đội, người cao, cân đối, thẳng như một ngọn bút, bước đi trầm ổn của một người có võ công, anh Đim-ma mặc quần âu, vải quần hơi bóng, chững chạc, đứng li, màu xám rất sẫm; áo sơ-mi trắng tinh, vải áo bay bay, phẳng phiu, măng-sết cài trịnh trọng; cà-vạt lụa sọc chéo "xám nhạt — ngà ngà"; giày hơi giống giày tôi.


Đúng là một người đàn ông đẹp!


Ngay phía trước bậc tam cấp dẫn lên khoảnh thềm hẹp — bục chủ tọa hôm nay — ở cửa ra vào tòa nhà trường tôi đang có một cái giống như cái giá để đặt chậu cảnh trong nhà: cao gần đến hông, ba chân bằng ống sắt tròn thanh mảnh sơn màu hồng nhạt uốn cong cong cách điệu, mặt tròn phẳng, mỏng, to gần bằng đĩa xúp, trên phủ một tấm khăn đăng-ten nhỏ màu trắng, bên cạnh — chắc buộc vào gốc chân bàn — có một quả bóng bay màu hoa đào treo lủng lẳng. Trên mặt giá là một mớ vải lộn xộn, bù xù như xúp-lơ, một mớ nhưng chia làm hai nửa hai màu đỏ-trắng phân minh.


Không giống lắm, nhưng mớ xúp-lơ ấy vẫn gây được cảm giác "hoa", lại có cả đăng-ten trắng, nên anh Đim-ma, dù không mặc com-lê, nhưng vừa đến đứng bên cạnh cái giá thì lập tức trông rất giống chú rể. Anh đưa mắt nhìn, rồi nở một nụ cười rất là thân thiết, — có một cô bé xinh ơi là xinh tay trái cầm một kẹp sách vở, tay phải cầm một bó hoa rất to và rực rỡ nhiều màu, đang tung tăng chạy đến.


Em là Na-ta-sa, học lớp Một "B".


Na-ta-sa mặc một chiếc váy ca-rô, ca-rô to xám-tím-đen sẫm màu, váy ngắn trên đầu gối một ít, vải dày và mềm, xếp nhiều nếp rộng theo chiều dọc; quần tất trắng; áo dạ mỏng màu đen ngắn gấu và ngắn tay, cúc cài phía sau; trong mặc áo trắng, cổ áo bẻ rộng ra bên ngoài áo dạ; trên mái tóc vàng óng buộc hai bím vểnh lên vẫn dài quá vai của em thắt hai chiếc nơ to, rộng, trắng, trong, lượn sóng và xòe ra như hoa mẫu đơn, bềnh bồng; lúc chạy đến gần, em còn nhún chân nhảy lên một cái nhẹ, giống như đang nhảy chơi lò cò ở trong sân, đà thêm mấy bước, đưa hoa và sách vở cho chị Ai-đa cầm hộ, rồi mới đến đứng cạnh anh Đim-ma và cái giá để xúp-lơ.


Na-ta-sa đứng còn chưa đến ngực anh Đim-ma, nên lúc em đưa tay lên mặt cái giá, thì anh phải cúi người xuống để giúp em gỡ gỡ cái xúp-lơ. Đúng vào khoảnh khắc ấy, cái khuôn hình ấy, — giống như nó đột nhiên tự động dừng lại một mình, trên nền những cái khác vẫn tiếp tục trôi, nhấn một cái, rất rõ ràng trong tiêu điểm của chiếc ống nhòm quân sự, — đã khiến cho lòng tôi vô cùng xao xuyến.


Quả thực tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi "Tiếng Chuông Đầu Tiên" nào mà lại đẹp như hai người này.


Chính là Sự Ngây Thơ Trong Sáng với ánh mắt đầy tin tưởng đang ngước lên nhìn một người đàn ông thông minh và vững vàng!


Các "anh Đim-ma" Tiếng Chuông Đầu ở trường cũ của tôi, tôi nhớ là đều ít nhiều ẻo lả.


Cái xúp-lơ hóa ra là hai cái nơ to, — một đỏ, một trắng, có khi không rộng bằng, nhưng cánh ken dày hẳn hơn nơ trên tóc Na-ta-sa, — được buộc vào cuống của một cái chuông đồng nhỏ xinh.


Na-ta-sa hớn hở quay mặt về phía các bạn em, tay phải em giơ lên, chiếc chuông đồng lấp lánh trong ánh nắng; anh Đim-ma cúi xuống, bằng động tác rất đẹp chắc chỉ có thể gặp ở những vận động viên, nhẹ nhàng nâng bổng em lên, rồi đặt em ngồi trên một bờ vai mình; Na-ta-sa ngoan ngoãn quàng tay trái ôm lấy cổ anh, — chỉ thiếu chút nữa tôi đã vỗ tay.


Anh Đim-ma bước đi, chiếc chuông nhỏ trong tay Na-ta-sa ngân lên...


Đấy là Tiếng Chuông Đầu Tiên!


Sân trường tôi nhỏ, các lớp đứng viền theo ba cạnh của một hình chữ nhật hơi dài và bẹt, bục chủ tọa nằm ở giữa cạnh thứ tư — cạnh dài. Hai anh em họ đi vòng ngược chiều kim đồng hồ, duyệt theo đội hình các lớp, tiếng chuông trong trẻo, lập thể, vui vẻ chạy theo bước chân; tôi ít nhiều thấy tiếc vì mình đã không ở dưới ấy.


Đi một vòng, anh Đim-ma lại đứng lại cạnh cái giá ba chân, chị Ai-đa đã chạy đến, kiễng chân "hơi to", chĩa cái mi-crô tới gần quả chuông, phóng to những âm thanh ngân nga sau cùng.


Rồi anh Đim-ma lại nhẹ nhàng đặt Na-ta-sa xuống, đón lấy xúp-lơ từ tay em, để lại trên giá, rồi anh chìa tay về phía chị Ai-đa, chị lấy cho anh bó hoa và kẹp sách vở của Na-ta-sa, anh hơi nhún người xuống, động tác thật duyên dáng, giống như tặng lại hoa cho Na-ta-sa, em đón lấy hoa, cười và nhìn vào mắt anh, anh dắt tay em về lớp, đến chỗ em đứng ban nãy — ở hàng đầu, — anh mới đưa lại sách vở cho em.


Đẹp quá!


Lúc anh Đim-ma trở về hàng ngũ của lớp mình, tôi thấy có một chị tóc đen và dày, xõa đầy vai, đôi mắt to, lông mày sắc sảo, tay cầm một bông hồng nhung to như bông thược dược, ghé sát vào tai anh nói gì đó, cử chỉ rất là thân thiết, anh Đim-ma cười hiền lành.


Ở trường cũ của tôi, các anh "ẻo lả" toàn cắp nách các em, và đi đứng trong một tư thế vẹo vọ, hết vòng thì anh về chỗ anh, em về chỗ em. Trước đây tôi chả để ý chuyện này, nhưng giờ thì sự so sánh tự động phải xuất hiện.


Trong suốt "Giờ Học Hòa Bình" — giờ học đầu tiên của một năm học, — ý nghĩ của tôi cứ tiếp tục quẩn quanh với "Tiếng Chuông Đầu Tiên", với hình ảnh anh Đim-ma và em Na-ta-sa.


Tôi sẽ phải cố học nữa, nhất định phải tề danh được với cỡ như thằng Phê-đi-a mới được.


Anh An-tôn tôi hồi trước không đi thi đấu bao giờ, nhưng thi thoảng anh cho đi chơi cùng, thì tôi biết anh tôi thật sự là một võ lâm cao thủ. Nhưng anh không kịp — và hình như còn không muốn — dạy gì cho tôi. Nhưng cũng chính anh đã bảo với tôi là Phi Long cũng biết võ; tôi hỏi, thì Phi Long kể là hồi trước có theo học môn võ Vĩnh Xuân. Nhưng tôi thấy môn này động tác có phần ẻo lả, nên không mấy hứng thú, nghĩ là chắc nó chỉ phù hợp với tạng người thuần châu Á như Phi Long thôi.


Tan học, lúc ra đến ngoài vỉa hè phố lớn, trời đẹp, quần áo đang đẹp, lại thấy có vẻ có nhiều cảm xúc lộn xộn trong lòng, tôi định rủ Cla-ra ra bờ sông I-a-u-da dạo chơi, có thể sẽ hôn nhau, — quả thật tôi thấy trong cảm giác của tôi với Cla-ra ngày hôm nay có một số thứ có vẻ là lạ, — thì bỗng có một âm thanh quen thuộc vẳng đến bên tai, làm cho tôi bất giác giật thót cả mình, và chợt bàng hoàng khôn tả...


(Còn nữa)

Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa Xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa Xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa Xuân.


Ới ời người em gái xoã tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa Xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn? Chàng trai kia yêu mùa Xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời? Mà thiếu phụ ở chân trời góc biển yêu mùa Xuân có phải vì đấy là mùa xanh lên hy vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?


Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng, ước mơ, nhưng yêu nhất mùa Xuân không phải là vì thế.


Mùa Xuân của tôi — mùa Xuân Bắc Việt, mùa Xuân của Hà Nội — là mùa Xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xăm có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...


Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó — có lẽ là sự sống!


Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm mầu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh; anh có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống, "mở quả mứt" phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu "lấy may"; anh có thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút, đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bênh cạnh cầu Trời khấn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được một người chồng xứng ý như... anh vậy.


Ấy đấy, cái mùa Xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.


Cùng với mùa Xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào chứ không còn tê buốt căm căm nữa.


Y như những con vật nằm thu mình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng "sống" lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.


Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ Tổ Tiên làm cho lòng anh ấm lạ lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.


Đẹp quá đi, mùa Xuân ơi — mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa Xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng. Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mát.


Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa Xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhụy hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột.


Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm "hóa vàng" và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.


Các con lại đi học cả rồi. Dưới nhà, người làm ngồi nhắc lại chuyện Tết với nhau "tiền mở hàng được tất cả mười hai đồng" và "đánh tam cúc thua mất ba đồng". Một cảnh thanh bình thú vị diễn ra thấp thoáng ở ngoài vườn, sân gác.


Bảo là nóng ư? Không. Bảo là rét ư? Không. Thời tiết lúc đó kì lạ lắm: rét vẫn còn vương trên ngọn xoan đào, nhưng đất ở ngoài vườn khô ráo, sạch bong, mịn màng như thể đất rừng Đà Lạt sau một đêm sương, và, qua những kẽ lá chòm cây, có những bông hoa nắng rung rinh trong bể nước.


Đêm xanh biêng biếc, tuy chưa có mưa dây, những nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: mặc dầu vẫn phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hồi cuối Chạp.


Người vợ bắt đầu thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm trên ghế trắc "mua tự bên Tàu về" để đem ra phơi dưới nắng Xuân, trên một cái chiếu mầu khô nỏ. Mi môn, quần màn, với quần áo Tết của vợ chồng và các con sẽ được phơi như thế chừng ba nắng để rồi đem cất vào trong tủ có trải sẵn rễ "hương bài" để cho quần áo thơm ngát và khỏi "nhậy".


Ấy đấy, thương người đàn bà Bắc như thế đấy. Sạch cứ như lau như ly, cẩn thận từng ly từng tí. Và càng thương hơn nữa là khi ta thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhầu nếp lụa.


Giản dị thay cái đẹp của ngày Xuân lúc đó! Ở trong nhà, cái đẹp không còn phải tạo bằng đèn nến sáng trưng, bằng mi môn quần màn, rực rỡ bằng hoa lá tưng bừng trong khói hương trầm nghi ngút, mà ở ngoài đường người ta cũng không còn bị choá mắt hay say lòng vì những áo nhung trơn mướt, những giầy đinh xoè cánh phượng bay bay hay những dải khăn "san" khéo biết lựa màu bay đùa trước gió như thể tơ trời vậy.


Không. Cái đẹp lúc này là cái đẹp thành thực, hồn nhiên, mộc mạc, cũng như người đàn bà, con gái đẹp không phải vì quần áo, vì son phấn, mà chính vì cái chất đẹp ở trong người tiết ra.


Từ mùa đông qua Tết cho đến hôm nay, quần áo giấu mất hết cả thân hình đều đặn, núng nính, nõn nường của người vợ bé nhỏ có đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót. Hôm nay, chợt thấy đôi mắt trong hơn, làn da thắm hơn và đôi vai màu ngà hằn qua tấm áo lụa văn, người chồng cảm thấy như mới lại được gặp một cái gì đã cách biệt lâu lắm và tuy ngồi cách xa nhau mà tưởng như vợ mình thơm ngát mùi hoa cau.


Đẹp như thế mới là đẹp, yêu đến thế mới là yêu!


Cái đẹp của ngày Tết phủ áo nhung tím, quàng khăn lụa màu, dận lên giầy nhung đen, đâu có thể so sánh được?


Ai cũng có thể bị huyễn hoặc vì vàng son, ai cũng có thể mê say nhất thời những cái lông nheo giả uốn cong lên như đào chiếu bóng, những cái vú nhân tạo bằng cao su bơm, những cái điệu bộ nhân tạo đi vắt va vắt vẻo, những mái tóc "mượn" của các mỹ viện, những mùi thơm vương giả... Nhưng rồi có một lúc người xế bóng sẽ thấy rằng cái đẹp của quê hương ta là cái đẹp của cỏ biếc, xoan đào, hương thơm của ta là hương thơm của cau xanh, lúa vàng chứ đâu phải cái đẹp của con mắt xếch vẽ xanh, của tấm mini mời mọc "tí ti thôi nhé", của đôi môi tô theo kiểu Mỹ trông như môi người chết trôi; mà cũng đâu có phải là hương thơm của dầu thơm "Santalia", "Kiss Me" hòa với hơi người tạo thành một mùi thú vật đang kỳ "con nước".


Ở đây, từ tháng một, trời nắng chói chang, làm cho đôi mắt mờ, đầu nhức, lúc nào người đàn ông cũng được "rửa mắt" bằng những cái vai đẹp hớ hênh, những cái lườn hây hây, hồng hồng, hay những cặp đùi mờ mờ nửa trắng nửa đen, thành thử ra... hết, không có gì mà "cảm" nữa, ví có gió Xuân thì cũng khó mà làm cho hồ ao chuyển mình được.


Chao ôi, mệt quá, người đàn ông mệt quá! Đã mệt vì kiếm tiền, lại mệt vì trác táng, mệt vì nịnh bợ, ví chăng có thấy gió Xuân lay động cành hoa, long lanh cặp mắt của người vợ nao nức niềm trăng ý nhạc thì cũng đành phải uống thêm vài ly rượu ngâm hổ cốt, tắc kè và rất nhiều khởi tử... Yêu thương không còn là một nghệ thuật, không còn là làm thơ có bằng, có trắc, có vần, có điệu.


Lòng đã nóng như thiêu, nhà lại thấp, bức cứ điên lên. Có tiền lắp cái máy lạnh cho đời thêm tươi một chút, nhưng dù thế nào đi nữa thì thơ sáng tác cũng chỉ là một thứ thơ tự do, thơ văn xuôi, không có vần có điệu, vì đôi khi có vần có điệu thì cũng là cái thứ vần thứ điệu lem nhem, lỉnh kỉnh. Nào đâu những buổi hoàng hôn lành lạnh, quấn quít tơ hồng; nào đâu những đêm trăng êm mướt như tơ, mái tóc ai xõa trên gối đầy những bông sao rụng; nào đâu những tiếng tiêu, tiếng nhạc của trời tình bát ngát hoa hương, mến thương nhịp thở ái ân thường vẫn thấy viết trên những báo Xuân, sách Tết?


Trên các nẻo đường nắng chói chang ở đất này, người ta chỉ thấy những người đi vội vã, chán chường mệt mỏi. Dậy từ tờ mờ sáng mà tưởng như đã hết ngày rồi. Xới vội một bát cơm ra đĩa với khô, vừa ăn vừa lo công việc. Con cái muốn làm gì thì tùy, bố mẹ còn bận đi lo tiền.


Một cô xách "bóp" da cừu dừng lại ở đường Chợ Cũ ăn mấy cái bì cuốn "nhắm" với một ly đá lạnh; một ông, nhân ngày Xuân tươi đẹp, "bao" vợ và con, mua ba trái dưa hấu bổ ra ăn cả nhà, mặt mũi "tèm lem"; lại một bà, thương chồng con vất vả quanh năm, bưng về cả một liễn cary Chà mở tiệc thưởng Xuân ăn với rất nhiều bún kèm thêm một vài ổ bánh mì dài như cây đòn gánh.


Ăn như thế mà khát thì uống một ly chanh muối hay chén đậu đỏ bỏ rất nhiều nước đá; ai muốn mát ruột mà lành thì uống một chén "sinh sâm" hoặc một ly sữa đậu nành, còn các cô gái dậy thì, ăn thịt nhiều xót ruột, mua một vài đồng "tầm ruột" hay "cốc" chấm mắm nêm ớt, ngon đáo để, giòn rau ráu.


Tháng Giêng ở miền Nam ngà ngọc có một vẻ đẹp "ly kỳ" làm cho người ta háo hức, khiến cho cổ họng khô teo, muốn uống nước cả ngày, uống rồi lại khát, khát rồi lại uống, mồ hôi vã ra như thể là mình "thoát dương".


Nhưng mà sướng,


Sướng là vì nhà nào, dù kiết xơ kiết xác đến đâu cũng có một tủ lạnh để vài ba chai nước lọc, một cái radio, một cái tivi hò hét những vũ điệu điên cuồng khiến cho ông vía, bà cụ, chàng trai, cô gái đều rên rú cả lên, muốn "vặn mình xà" nhảy vũ điệu "cha cha cha" rồi thoát y vũ như trong "sô" Trương Minh Giảng. Tươi quá, trẻ quá. Quả là một giai đoạn "đang lên". Nhưng tại làm sao tất cả những sinh khí tươi trẻ, đang lên đó không làm khuây khỏa được lòng người sầu xứ luôn luôn mong cho đất nước tiến triển vượt bực, mà trái lại lại làm cho y rầu rĩ hơn, nhớ thương hơn những tháng Giêng Bắc Việt đã qua rồi?


Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để. Chiều chiều, đứng ở nhà Khai Trí Tiến Đức, nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám mây xanh đông đảo những người đi lễ trong ngôi đền Ngọc Sơn trắng toát, anh cảm thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng người hiện ra huyền ảo ở dưới làn nước xanh mơ.


Qua Ngõ Hồ là đền Hàng Trống có tiếng là "hương ngát của trời"; quá ra đến Hàng Vải là đền Quan Phước, ai mất người, mất của đến cầu xin thì thấy; từ đó ngược lên, ra lối Tòa án là chùa Quán Sứ — ờ, chắc bây giờ mấy cây thông bách tán ở trước cửa chùa đã lớn lắm rồi đấy nhỉ! Thế rồi là chùa Dâu, chùa Kim Cổ, đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc thờ ông thánh đồng đen, chùa Bà Đá, chùa Liên... trời! Biết bao là chùa đẹp, biết bao nhiêu cảnh nên thơ, biết bao nhiêu người đi lễ cầu con, cầu của!


Trước đây, tháng Giêng ở Bắc là tháng người ta chỉ dành ra để trước là lễ Phật, sau là lễ tiên tổ ông bà. Người sống cảm thông với người chết trong tháng ấy, lấy tâm tư mà nói chuyện với nhau, lấy đạo lý mà khuyên bảo, dạy dỗ nhau cách nào cho vẹn đạo làm người, chớ có thấy giàu mà ham, chớ vì sang mà bỏ nghĩa, chớ vì cầu an mà làm tôi mọi cho người ngoài.


Từ xưa, Bắc Việt có bao giờ là một miền giàu có? Ai cũng phải ăn nhịn, để dành; lúc nào cũng phải lo đối phó với ngoại xâm chỉ rình bóp cái cổ họng của Đông Dương trước nhất; không năm nào không lo bão tố, lụt lội, hạn hán, mất mùa... Nhưng lạ lắm, cô Ba à, tại sao tôi thấy người Bắc lúc nào cũng bình tĩnh, trầm mặc, sẵn sàng "chơi" lại những thử thách của trời trong khi vẫn sống một đời sống nội tâm phong phú, nhất là người đàn bà Bắc, sao cũng lo gánh vác giang sơn nhà chồng, cũng lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng cho con, cũng hai sương một nắng mà có vẻ như không "đầu tắt mặt tối" như người đàn bà ở trong đây? Ở trong đây, người ta vội quá: người tử tế lo vội vàng để kiếm sống đã đành, ngay các cô tứ thời lấy ngoại kiểu "ngồi lên đống tiền" cũng vội; các xe hơi chạy vội, cái kèn xe bóp vội, xoa mạt chược cũng vội, và nếu đôi khi có tập uống chén trà Tàu, bắt chước ngâm bài "Hoàng Hạc" cũng cứ vội luôn.


Bây giờ, ngồi mà nhớ lại, tôi không thể nghĩ được rằng tháng Giêng ở Bắc có những sự vội vàng, vất vả não nề đến như vậy. Người ta sống đúng như cái sống do các bậc quân tử Tàu chủ trương: sống đầy đủ, có thiếu một chút cũng không sao; làm việc cho mình, cho xã hội nhưng vẫn có thì giờ đi thuyền trên đầm thơm hát bài "Hái Sen" một mình; buôn tần bán tảo ở đô thị, thôn quê nhưng vẫn dành thì giờ đi chợ kiếm một món ăn ngon cho chồng, rồi đến ngày rằm mồng một vẫn rảnh rang đi lễ cầu cho sống lâu, giàu bền, dân an, quốc thái và có hội hè gì vẫn sửa nếp áo mới, tô đôi má cho hồng để cùng với chồng vui chơi thưởng thức.


Từ ngày mồng bốn tháng Giêng, ở các làng vùng Bắc bắt đầu mùa quan họ.


Hát cho lở đất long trời,

Cho giời biết mặt, cho người biết tên.

Hát từ chợ Phủ hát lên,

Hát suốt Tỉnh Bắc qua miền Tỉnh Đông.

Hát sao cho cạn dòng sông,

Cho non phải lở cho lòng phải say.


Người vợ bảo chồng:


— Anh đã biết hát ví rồi. Lối hát này, trai gái hát quanh năm, tát nước hát, giã gạo hát mà dún đu cũng hát. Hát quan họ khác thế: lối hát này chỉ có riêng trong những ngày hội mùa Xuân, trai gái hát cầu vui, nhưng có nhiều làng còn tổ chức hát thờ thần, trao giải. Muốn vào hát giải, trai gái phải biết năm giọng rất khó hát là Tình Tang, Đường Bạn, Hữ La, Xuống Sông, Lên Núi... Hay lắm! Nhất niên nhất lệ, tội gì bỏ sót một buổi nào...


Vào ngày chín tháng Giêng, làng Nội Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (tục gọi là làng Nếnh) có rước thần kể hạnh, hát đúm nhưng mê nhất là trò kéo chữ.


Những tay cờ, dưới hiệu lệnh của một vị chỉ huy, chạy ngang dọc ngược xuôi thành một hàng chữ có ý nghĩa. Những chữ này phải làm lễ xin thánh ban cho, chứ không phải muốn dùng chữ gì cũng được. Có năm là "Phong đăng hòa cốc", có năm là "Thiên hạ thái bình".


Nhưng mê nhất là hát tuồng. Bây giờ ở đây tuồng cải lương và kịch được công chúng ưa xem, nhưng riêng tôi thì cứ ra Giêng, ngày trước, thế nào vợ chồng cũng phải đi xem tuồng cổ, để nhân dịp đó bói tuồng xem năm mới làm ăn ra thế nào rồi đến lúc tan hát ra về, vợ chồng dắt tay nhau đi nhởn nha dưới bóng trăng bàn luận về vai trò Khương Linh tá đóng thật tài, hay Quan Vân Trường qua ngũ quan trảm lục tướng trông ghê quá...


Cuối tháng Giêng có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc, chỉ chừng mười giờ tối thì trăng mọc cao lên đỉnh đầu.


Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: sáng nhưng không đẹp lộng lẫy như trăng sáng mùa thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng một. Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỷ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình. Ánh trăng lúc ấy không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy, mình cảm như thấy mình bay trong không gian vô bờ bến.


Nằm trên cái giường tre ngoài vườn kê dưới một gốc lan tây thơm phức, mình nghe rõ ràng có tiếng trăng thủ thỉ thì thầm. Ở nhà ngoài, vọng vào câu chuyện của mấy cô hàng xóm. Không, vào tháng Giêng, người Bắc Việt ít có giải trí nghèo nàn trong rạp hát, nhà xinê hay tiệm nhảy: một bà nói chuyện mới đi lễ chùa Trầm về, xin được một cây xăm "thượng thượng"; một cô khác trịnh trọng đưa biếu người chị em thân một gói quà Thiết Quan Âm của ông bác vừa ở Trùng Khánh về ăn Tết; một bà khác nữa giở hộp trầu ra, vừa nhai vừa cuốn theo lối "sâu kèn" những điếu thuốc lá ta ướp hoa ngâu.


Vào khoảng nửa đêm, thành phố im lắng. Có mấy hạt mưa Xuân bắt đầu. Người chồng đóng cửa lại, vào nhà. Không khí lại càng thân mật thêm lên. Chắt chiu trong mười mấy năm trời, kể từ lúc còn hai bữa cơm đèn cho đến bây giờ có đồng ra đồng vào, người vợ đêm Xuân cảm thấy con tim có cánh, rót hai li rượu nhỏ mầu trăng cùng đối ẩm với người chồng lấy nhau từ lúc hãy còn nghèo túng. Nầy, trầu vàng, vỏ tía ngon đáo để, hay là ta ăn một miếng, rồi bói một quẻ Kiều đầu năm xem xấu tốt ra sao hãy đi ngủ, hở mình?


Chao ôi, đến cái thú bình dân nhất là ăn trầu, ở đây người sầu xứ cũng thấy không ưng ý. Suốt cả tháng Giêng, cau đắt, bảy tám đồng một quả, cố mua mà ăn vẫn cứ cứng quèo quèo. Hầu hết phải ăn bằng cau khô. Mà càng ăn như thế thì lại càng nhớ những miếng trầu ngày Xuân ở Bắc, ăn với miếng cau "tiên đầm" ngọt cứ lừ đi. Ngồi đánh tam cúc hay rút bất với nhau, những người bạn của chồng xưa nay ăn trầu vẫn kêu cay đắng thấy vợ bạn nhai ngon quá cũng "xin" một miếng ăn cho ấm người, mà cũng là để lấy may vì "mười bốn ván liền rút toàn nhị tống cửu, tam tống bát".


Bây giờ, đâu còn những cốc rượu, những miếng trầu, những đêm rút bất say sưa như thế nữa? Đâu còn những chén hạt mít vợ mời chồng nhấp men tình, đâu còn những buổi họp bạn đến một hai giờ sáng — vì không có giới nghiêm — rồi quay ra ăn bánh chưng rán với cá kho, giò thủ, và tráng miệng với chè đậu đãi, uống trà mạn ướp sen?


Người khách xa nhà nằm ngửa mặt lên trần, mơ lại những ngày Xuân đã mất và cảm như tất cả những cái vui đẹp, say sưa đó thuộc vào một tiền kiếp xa xôi.


Không. Y không phải là một người hèn nhát, nhưng mang trong mình một lúc tới bảy tám biệt ly, quả là có lúc y buồn quá cũng muốn chết đi cho rảnh. Không có lý nào y lại khóc với lòng! Y cố nhắm mắt để ngủ thì đến gần sáng bỗng mơ mơ màng màng thấy ở cửa đi xuống vườn, nơi rặng chuối, có bóng một người đàn bà đẹp, mặc áo xanh, bước qua cửa sổ vào viện sách.


Đêm tháng Giêng ở Sài Gòn nóng quá, có khi gần sáng mà người nằm ngủ hãy còn lã chã mồ hôi. Bóng người đàn bà đẹp cúi xuống lau trán cho người mê ngủ. Và bỗng nghe thấy như xa, như gần ở bên tai:


— Thường tình, ai cũng ưa hiện tại bởi vì hiện tại chờ đợi những đổi thay, hứa hẹn những tương lai hứa hẹn, thế mà làm sao anh cứ băn khoăn mãi với quá khứ làm gì? Hay là tại sầu nhiều chăng, giận nhiều chăng?


Người sầu xứ, trong cơn mơ thiêm thiếp, phảng phất thấy hình bóng của người đàn bà mặc áo xanh đó quen quen, mà nghĩ mãi vẫn không biết là ai. Đó là một người quen biết thực, trong đời sống thực? Hay là hình ảnh của một mùa Xuân đã chết, của một cái đẹp đã mờ xa, một mối tình chung thủy nhưng não nùng, ai với ai cùng xây một mộng ước mơ nhưng bị trời bắt phải lìa nhau lúc sống?


Người đàn bà mặc áo xanh lại nói:


— Vui và buồn ở đời là tuần hoàn cả. Tất cả bí quyết của sự sống là biết tin tưởng và đợi chờ, vì tin tưởng và chờ đợi thì cái gì mà chẳng đến? Anh đọc sách có còn nhớ chuyện Pygmalion không? Đó là một nhà điêu khắc có tài ở trên một hòn đảo xanh biêng biếc giữa đại dương thần thoại. Pygmalion đem hết tâm hồn tạc nên một pho tượng đẹp, tượng nữ thần Galatée, đẹp quá, đẹp vô cùng là đẹp, đến nỗi chính mình lại say mê tác phẩm của mình. Nhưng người đẹp chỉ là một vật vô tri, hiểu đâu được tình cảm não nùng của nhà nghệ sĩ? Pygmalion than khóc ngày đêm và, ngày đêm, khấn nguyện được có một người vợ đẹp tuyệt trần như pho tượng. Thì một sớm kia tiếng khẩn cầu thần đến tai thần Vệ nữ. Và bà thần này — vốn giống đa tình, thương người đồng điệu — đã hóa phép cho pho tượng Galatée thành ra người thực để cho "chàng" và "nàng" chung sống với nhau.


Người đàn bà đẹp mặc áo xanh nói tới đó thì vòng tay ta khép lại, làm cho trăng non ở ngoài cửa sổ cũng phải thẹn thùng.


Đôi mắt đẹp lung linh sầu. Ta thấy như cả một mảnh vườn thơm ngát hương cau nghiêng xuống mé giường xô lệch.


Em yêu ơi, sống là tin tưởng và chờ đợi, nhưng biết rằng mái tóc người ta có còn xanh mãi được chăng?


(Thương nhớ mười hai — Vũ Bằng)

Lập Trình Viên II (16)

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Giê-nhi-a là "Cậu Bé Vàng" ở trường tôi.


Cậu Bé Vàng, dù là vàng ở đâu, thì trước hết đều phải đẹp trai.


Giê-nhi-a có mái tóc vàng óng mượt mà, xõa đến vai, và một khuôn mặt rất là khả ái, với một lúm đồng tiền xinh xinh bên má phải, khóe miệng có duyên, hay cười, nụ cười hồn nhiên và cuốn hút, — cái này, những sự duyên dáng này, đúng là danh phó kỳ thực, vì "Giê-nhi-a" vốn là một cái tên chung, có thể đặt cho cả con trai và con gái.


Gặp một thiếu niên như vậy, quả thật rất khó mà không có thiện cảm.


Nhưng nếu chỉ xét về đẹp trai, thì tôi cũng thừa sức có thể là Cậu Bé Vàng ở đây; và đấy chính là điểm khác biệt ở trường này so với nhiều trường khác, nhất là cái trường cũ của tôi.


Cậu Bé Vàng ở đây là phải học giỏi, — giỏi nhất hoặc thuộc loại giỏi nhất. Và giỏi ở trường này thì mặc định gần như đồng nghĩa với giỏi Toán.


Và Giê-nhi-a là đứa giỏi Toán nhất ở đây. Nhất lớp, nhất khóa, và — hầu như — nhất (nếu so sánh tương đương) trong mọi mối tương quan khác: lịch sử của trường, năm trên, năm dưới...


Nhưng nếu chỉ xét về đẹp trai và học giỏi, thì thằng Phê-đi-a hoàn toàn cũng có thể là Cậu Bé Vàng được.


Tuy không giỏi "ngắt hẳn ra một quãng" như thằng Giê-nhi-a, nhưng Phê-đi-a cũng là một thằng cứng cựa, — bảo là cứng cựa nhất trong số những thằng "tốp 2" chắc cũng không ngoa.


Nhưng ngay cả sự đần độn cũng có rất nhiều kiểu, thì sự thông minh chắc còn phải đa dạng hơn. Và thông minh theo một phong vị nhẹ nhàng, duyên dáng, tự tại, giống như thằng Giê-nhi-a, thì tôi nghĩ là cực hiếm.


Nhưng tất cả những cái rất là cao nhã đó, thế nào đó, lại cùng nhau gây ra một cảm giác mong manh rất rõ ràng, mong manh đến độ có thể gây lo lắng — ít ra là — cho những ai mà quan tâm.


Hay là tất cả những gì đích thực đẹp đều phải như vậy?!


Tôi tuyệt đối sẽ không "chọn", nhưng nếu có một thằng bạn như thằng Phê-đi-a thì quả thật là sẽ thấy thoải mái hẳn hơn trong mối quan hệ bạn bè đó...


Thằng Giê-nhi-a nhoẻn cười, và tôi lắng tai nghe; giọng thày I-go giống như lúc người nói đang nói đến một chuyện vui:


Tiếng Chuông Đầu Tiên, hôm nay quả thật sẽ chỉ có tiếng chuông đầu tiên! Sẽ không có tiếng chuông thứ hai, thứ ba... Giờ học sẽ bắt đầu và kết thúc theo thời gian của các cô, các thày, và các em.


Bọn ở dưới sân đua nhau ồ lên.


Không, không phải chúng ta muốn thay đổi gì trong phương pháp dạy và học ở trường ta. Thật sự chúng ta đang cùng nhau làm rất tốt. Mà liên quan đến chuyện này, ngày hôm nay tôi sẽ có một tin vui, và một tin chắc là vừa vui vừa hơi buồn một chút: vui với đa phần những người ở đây, tôi đoán vậy, và buồn... cho bác Bô-rít!


Bác Bô-rít làm bảo vệ ở trường tôi.


Bọn ở dưới lại láo nháo.


Trước hết là tin vui: Trường ta mới được trang bị, vừa kịp chuyển giao xong, và đã đưa vào vận hành một trung tâm máy tính điều hành hiện đại nhất so với các trường khác ở thủ đô.


Theo như tiếng ồn ở dưới, thật sự cũng khó phân biệt sắc thái vui buồn trong phản ứng của những người nghe.


Còn đây là tin tiếp theo: Do một lỗi nhỏ mới phát sinh trong phần mềm hệ thống ở trung tâm máy tính mới, hệ thống chuông của trường ta hiện không hoạt động được...


Thằng Phê-đi-a lại còng người xuống, vịn một tay lên sàn, ôm bụng cười. Thằng Mê-chi-a, và nhiều đứa khác ở dưới sân, thì cười thành tiếng; có đứa, nghe giọng thì là con trai, lớp bé, hưng phấn không kìm được, còn cười thành tiếng hét: "Ha ha..."


Tôi vừa nói là "nếu", bởi vì quan hệ giữa tôi với cả hai thằng Giê-nhi-a và Phê-đi-a đều không ở mức để nói được là "có một thằng bạn", — cả với Cla-ra cũng vậy.


Chuyển về học ở trường này, thì tôi bị lép vế nặng. Rất nặng!


Nhập trường phát, tôi biết ngay mình là thằng dốt nổi bật ở đây. Lúc chuyển trường, tôi đã ý thức rất rõ là nếu vẫn tiếp tục học ở trường cũ, thì tôi sẽ rất khó mà vào được trường đại học của các anh chị tôi, nhưng đến trường mới được ba hôm, đi học về, tôi gần như đã khóc.


Anh Xéc-giô đã rất ngạc nhiên — tò mò nữa, — nhướng mắt nhìn tôi, gãi đầu, bĩu môi:


— Hồi trước anh đi học lúc nào cũng quanh quẩn ở cuối lớp... — Nhìn nhìn anh A-li-ô-sa, cười nhạt. — À... giờ vẫn thế.


Còn anh A-li-ô-sa đặt một bàn tay lên vai tôi, bóp mạnh một cái, bảo:


— Họ có lập trường của họ, ta có chủ trương của ta. Đứng một mình, đi một thân, mới là hảo hán.


Anh Kốt-xchi-a thì đang ngồi trước một bàn đầy sách, chỉ ngoái cổ lại:


— Cứ học hết sức thôi em, lo gì!


A-nhi-a không nói gì, chỉ vuốt vuốt tóc tôi, rồi nhìn Phi Long. Phi Long đang nằm hút thuốc trên giường, nhổm người ngồi dậy, nheo nheo mắt như đang đọc gì đó ở trong mắt tôi, rồi cười, không thành tiếng nhưng tương đối rộng:


— Anh ôn thi đại học, hì hục ngồi học thuộc lòng hết cả quyển sách giáo khoa, — anh giơ tay, ngón trỏ và ngón cái duỗi thẳng song song, điều chỉnh, tả độ dày quyển sách; bất giác cau mày, nuốt nước bọt, vẻ vô cùng khó chịu, — đỗ rồi vẫn còn thấy nhục, một nỗi nhục nhân văn. Nhưng qua đây, vừa bước chân vào lớp, nhìn thấy chị A-nhi-a đang ngồi chơ lơ ở hàng cuối, một mình một bàn, đúng là cái gì... à "ngồi một mình, chơ lơ một thân" đấy, thì anh lập tức tin là trên đời có cả Chúa lẫn Phật, hốt nhiên đại giác đại ngộ, muôn nỗi nhục ê chề phút chốc tiêu tan, còn tiếc ngày xưa đã không được học thuộc lòng thêm vài quyển nữa...


— Tối nay ăn gì nhỉ, Xéc-giô ơi? — A-nhi-a đã đứng lên, vừa ngoái nhìn cái tủ lạnh, vừa hỏi cắt ngang, vừa cười, nghe thấy câu cuối, quay lại cau mày, nhưng vẫn cười.


Nhốn nháo như là vô ưu như vậy, nhưng kể từ hôm sau, cứ ban ngày tôi đi học về, thì ban đêm Phi Long lại lôi sách vở của tôi ra, rồi tự ngồi "học" một mình. Khoảng hơn một tuần, thì anh bảo tôi:


— Anh đã vẽ được một cái lưu đồ liên quan đến việc học ở trường của em, em thử theo đó mà làm xem, và từng chỗ tự thấy thế nào thì bảo anh để cùng sửa. Trước hết cứ phải tìm cách để có điểm số tốt đã, phải tập giải thật nhiều bài tập để luyện kỹ năng, chị A-nhi-a đang tìm thêm sách bài tập cho em.


Nhưng người đầu tiên đưa thêm sách bài tập cho tôi là thằng Phê-đi-a.


Thằng Phê-đi-a có khuôn mặt trắng hơn mức bình thường, có lẽ do hai nguyên nhân chính: thứ nhất là bẩm sinh da nó đã trắng và mịn màng như da con gái, và thứ hai là nó cớm nắng rất nặng.


Tóc, lông mày, lông mi, và mắt nó đều có màu hạt dẻ, tương đối sẫm. Tóc dày, mềm, không xõa thoải mái đến vai như thằng Giê-nhi-a, chỉ cợp gáy và phủ kín tai, rẽ ngôi lệch hơi nhiều, ở bên trái; mái lượn sóng, bồng bềnh; lông mày đậm như vẽ, mâu thuẫn với nước da; mi dài nhưng thẳng, hơi đơn giản; mắt rất trong, "trắng — hạt dẻ" phân minh, quầng thâm thường trực, và nó nhìn cái gì cũng có vẻ như vừa nhìn vừa nghĩ ngợi.


Cả hai thằng Giê-nhi-a và Phê-đi-a đều thuộc loại dài rộng, nhưng thằng Giê-nhi-a thanh thoát, còn thằng Phê-đi-a — dù cớm nắng như thế — trông như một cái khung chắc chắn.


Và vẻ ngoài ấy đồng thuận với tính cách của nó.


Hai thằng này học với nhau từ bé; theo những ghi chú bạ đâu viết đấy bằng — chắc thế — bất kỳ loại bút nào đang ở gần tay, với nội dung cả "chuyên môn" lẫn trêu chọc, trong quyển sách bài tập, thì hai thằng dùng chung sách, và chắc chúng còn nhiều quyển như thế nữa.


Cla-ra thì — khởi đầu — chơi với Phê-đi-a và duy trì một mối quan hệ "mày — tao" rất là bình đẳng.


Còn thằng Mê-chi-a thì hệt như phải lòng hai thằng kia, và cam tâm tình nguyện làm nô tỳ cho chúng.


Cách xử sự đơn giản và rõ ràng, đầy chất chuyên môn, của thằng Phê-đi-a, cùng với những chi tiết tế nhị rất tự nhiên ở thằng Giê-nhi-a, đã khiến tôi trở nên gần gũi với bọn nó hơn là với những đứa khác. Nhưng ngay cả thế, thì giữa chúng tôi vẫn tồn tại một khoảng cách có thể là không hề rộng, hẹp thôi, nhưng cảm nhận lại rất hiện hữu.


Và chuyện này không khó hình dung.


Vì ở đây tôi là thằng dốt, và là một thằng dốt muốn vươn lên.


Cảnh huống như vậy thì khó kiểu gì hòa hợp được một cách tự nhiên với xung quanh, nhất là tất cả chúng tôi đều không phải người lớn, — tôi không nghĩ người lớn ít mặc cảm hơn, nhưng cái gì quen hơn thì cũng sẽ quen ứng phó hơn...


— Tiếng Chuông Đầu đấy, Đim-ma! — Thằng Giê-nhi-a nhìn tôi, mắt sáng lên, nghiêng ngón tay chỉ chỉ về phía cửa sổ...


(Còn nữa)

Lập Trình Viên II (15)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chắc là bọn lớp một sắp được giáo viên chủ nhiệm dắt ra.


Thằng Phê-đi-a đưa tay sờ sờ các túi áo, rồi chỉ chỉ vào cái ba-lô đang nằm cạnh tôi ra hiệu; tôi đẩy cái ba-lô trượt trên sàn qua chỗ nó; nó mở ra lục lọi, móc ra một bao thuốc lá vuông và bẹt, màu đỏ sậm cổ kính, — là thuốc Đân-hin.


— Lấy của bố. — Nó nói, giơ bao thuốc lên, nhìn Cla-ra; thấy không bị phản đối, nó xé viền giấy bóng, mở ra, rứt mảnh giấy bạc, vo viên cả giấy bạc và giấy bóng, nhìn quanh, vứt vào trong ba-lô, rồi chìa bao thuốc về phía tôi.


Tôi nghiêng bàn tay trái về phía nó, lắc đầu. Thằng Giê-nhi-a thì đã tự động đặt sẵn một ngón tay trỏ trước môi.


Thằng Phê-đi-a cắn một điếu, lại lục ba-lô, lần này lấy ra một cái bật lửa màu vàng nhàn nhạt nhưng hắt ra những tia lấp lánh rất trong, phấn khởi khoe:


— Díp-pô xịn đấy.


Nó bật một cái, có lửa ngay; nó cầm cái bật lửa đang cháy khua loạn lên trong không khí, lại khoe:


— Bật quạt cũng không tắt.


Rồi mới châm thuốc.


Thấy nó gày hẳn đi, và hơi tái, tôi định chờ cho nó hút xong hơi thuốc, rồi sẽ hỏi về "vụ hè" của nó; nhưng có lẽ nó đã đọc được cái cách tôi nhìn, nên nó vừa phun khói mù mịt, vừa nhìn xuống, quẹt quẹt lưng mấy ngón tay trái dọc theo người mình, cười tự trào, rồi nghểnh cổ lên, hơi nghiêng qua phải, ngón trỏ tay trái búng khe khẽ vào bên cổ, chỗ gần dưới quai hàm, rồi bảo:


— Đợt rồi uống kinh quá! — Nó nhăn mặt, lắc lắc đầu. — Căn bản về một cái làng. Ở mấy chỗ đấy bây giờ đít-xcô-tếch mọc như nấm, bọn như... còn bé hơn mình đêm nào cũng đến đông như kiến, đú đởn, rượu bia bét nhè. — Nó liếc mắt. — Giê-nhi-a, mày mà về đấy thì thành "nữ tu sĩ".


— Không có công an à? — Cla-ra đang bóc thỏi kẹo sô-cô-la, hỏi.


— Thi thoảng. Mỗi lần lại lùa một mớ về đồn; toàn choai choai chưa đến tuổi; có lần có thằng ôn... mới mười một tuổi, nôn be bét ra cả đồn công an, khai là cháu uống có hơn ba lít bia...


Cla-ra cười thành tiếng; thằng Phê-đi-a nhìn thỏi sô-cô-la, thở dài:


— Cla-ra lại làm tốn thời gian và tiền bạc của Đim-ma rồi.


Cla-ra lườm nó, nhưng không nói gì; nó tiếp:


— Bọn doanh nhân bảo "Thời gian là tiền". Cla-ra là "tiền" bình phương. Bọn hiền triết bảo "Tiền là căn nguyên của mọi sự xấu xa". Cla-ra là "căn của sự xấu xa" bình phương. Cla-ra chính là "sự xấu xa".


Nó phì ra cười hụ hụ... Cả bọn — cả Cla-ra — cười theo, nhất là thằng Mê-chi-a (đã quay lại hóng chuyện), nên thằng Phê-đi-a lại chỉ ra cửa sổ, nghiêm giọng nhắc nó:


— Mày, trực nhật đi chứ!!


Nó nhắc thằng kia thế, chắc chủ yếu là để đánh trống lảng, tránh phản ứng trực tiếp của Cla-ra; Cla-ra chỉ bình luận:


— Đúng là văn hóa đít-xcô làng!


Thằng Giê-nhi-a chợt hỏi tôi:


— Đim-ma, trường chị A-nhi-a có sinh viên Bun không?


— Có, sao?


— À, vừa kiếm được cả bộ mười mấy tập "Trên từng cây số"... Đê-a-nốp ấy, nhưng toàn tiếng Bun.


— Sao lại mười mấy, cả bộ phải hai mươi mấy... hai mươi sáu tập chứ? — Cla-ra xen vào.


— Hai phần. Chỉ có phần một, mà... hình như phần này mới hay. — Giê-nhi-a bảo; rồi như chợt nhớ ra, nó hỏi. — À này, Cla-ra, Đê-a-nốp với A-lanh Đê-lông ai đẹp trai hơn?


— Không ai đẹp bằng A-lanh Đê-lông hết! — Cla-ra gần như không nghĩ ngợi, lắc đầu tuyên bố luôn.


Nhưng cũng đắn đo:


— Đê-a-nốp... — Nó đắn đo thêm một tí, rồi lại lắc đầu. — Không, không bằng A-lanh Đê-lông được!


Thằng Phê-đi-a nhả một hơi thuốc, rồi khẽ lẩm nhẩm theo lời một bài hát:


A-lanh Đê-lông nói bằng tiếng Pháp...


Còn thằng Giê-nhi-a cúi đầu, đưa tay trái lên, ngón cái tì vào thái dương, ngón út hơi vểnh lên, mấy ngón kia miết nhè nhẹ vào trán (động tác quen thuộc của nó), và nói như tự nói với mình:


— Sao nhỉ?.. Mình lại thấy Đê-a-nốp đẹp hơn.


Thấy Cla-ra chỉ nhún vai, tôi xen vào:


— Đại ca A-lanh Đê-lông đẹp giai, nhưng toàn ăn cắp, với cướp, giết... Còn thiếu tá Đê-a-nốp thì lý tưởng, chính nghĩa...


Thằng Giê-nhi-a vừa gật gật, thì thằng Phê-đi-a đã bắt ngay lấy lời tôi:


— Ừ, A-lanh Đê-lông toàn cướp hiếp giết, thế mà... — Nó cười nửa miệng, đưa mắt xeo xéo nhòm Cla-ra.


Cla-ra nhìn lại nó, hình như định nói gì, rồi lại thôi, chắc chưa tìm ra lý lẽ; nên tôi đỡ hộ:


— A-lanh Đê-lông đẹp giai như thế, nhưng nếu lại vào những vai thuần tốt, thì sẽ không thật hấp dẫn, nhất là với khán giả nữ. Cứ phải đẹp, phải dễ thương, phải ga-lăng... nhưng lại phản diện, cướp, giết... nội tâm xung đột... lại... bị bắn chết...


Đúng lúc ấy thằng Mê-chi-a — đang ngoan ngoãn "trực nhật" theo chỉ đạo của thằng Phê-đi-a — hớn hở reo lên:


— Thày I-go đấy!


— Mở hẳn cửa ra! — Thằng Phê-đi-a lại "chỉ đạo", mặc dù nó cũng đang ngồi ngay đấy.


Thằng Mê-chi-a vội vàng — nhưng rất cẩn thận — đặt cái ống nhòm xuống sàn, rồi xăng xái đứng lên mở rộng cả hai lần cửa kính trong và ngoài vẫn đang mở he hé. Ở ngoài vẳng vào — rõ hẳn hơn — một giọng nói dễ làm liên tưởng đến hình ảnh một sĩ quan quân đội với gương mặt sạm khói súng, quân phục cũ bạc màu nhưng tề chỉnh, thân hình gày guộc và dong dỏng cao, đang ít nhiều thọ thương, hoặc thọ bệnh vì gian khổ, đang trực tiếp chỉ huy đánh giặc trên chiến trường khói lửa, — như có thể gặp trong những bộ phim kinh điển về Chiến tranh Vệ Quốc.


Các em thân yêu, các thày cô đáng kính, các bậc phụ huynh, và các vị khách thân mến. Hôm nay là ngày tuyệt vời. Chúng ta lại ở đây, cùng nhau, trên mảnh sân nhỏ thân thuộc của trường chúng ta. Những ngày hè vô tư lự và nhiều âm hưởng đã ở lại sau lưng rồi, giờ các em đến đây, đã được nghỉ ngơi, tươi mới, cháy nắng, và đã lớn lên một năm nữa...


Thằng Giê-nhi-a đưa mắt nhìn tôi; trong đôi mắt màu dưa chuột muối — giống mắt Cla-ra, nhưng nhiều màu xanh hơn — trông như mắt trẻ con của nó ánh lên những tia sáng lấp lánh.


Giê-nhi-a là "Cậu Bé Vàng" ở trường tôi...


(Còn nữa)