Động cơ vĩnh cửu (12)

Buổi sáng có người đến gọi anh ra sân kho chữa máy, chị bảo anh sắp về, tôi ngồi chờ anh và “nghiên cứu” lại giáo án.


Lẽ ra tôi nên về ngay, về rồi đến, hoặc nhân tiện rẽ qua đâu đó lát quay lại; nhưng mặc dù trong đầu suy nghĩ rất rõ ràng như thế, hai chân vẫn đưa tôi vào nhà và đặt tôi xuống “góc học tập” và để tôi ngồi đấy chờ anh. Và tất cả sự mâu thuẫn “thân — ý” này tôi cũng ý thức được rất rõ ràng, và có cái gì đấy cứ nhủn ra trong bụng tôi, — tôi biết có cái gì rất không ổn. Đúng hơn, tôi biết rất rõ cái không ổn ấy là cái gì — vì không thể không biết cái ấy, nhưng còn có một cái gì ấy khác — chính cái này mới không rõ — đã âm thầm tác động và đặt tôi vào tình trạng biết cũng như không, và tệ hại nhất là mặc dù nó không thể hoàn toàn giữ được các ý nghĩ của tôi, nhưng nó đã giữ chân, giữ tay tôi theo một cơ chế nào đó bí hiểm nhưng lại vô cùng lợi hại, làm cho tôi cứ ngồi ì thúc thủ, y như đang nằm ì ra ngắm cái phào trên trần nhà, nghĩ là nó bằng thạch cao, hơi vui và hơi sợ nghĩ là nó có thể rơi trúng vào lưng mình, hơi háo hức và hơi sốt ruột lắng nghe tiếng nước xối róc rách trong buồng tắm. Tôi ngồi như Dương Văn Minh ngồi chờ giải phóng.


Tôi còn nhớ Giăng-giắc Rút-xô trong một khảo luận về giáo dục đã đưa ra ví dụ về một cái cây bị chắn không cho mọc thẳng lên; nó bèn mọc cong đi; rồi khi bỏ cái chắn, thì chỗ cong vẫn tiếp tục cong, nhưng đoạn sau, nó lại tiếp tục mọc thẳng. Lúc những bông hoa xuất hiện bên khung cửa sổ thì tôi thấy mình mọc thẳng ở ngay đằng sau người cắm hoa.


Và, có lẽ thế, tôi vẫn còn chưa ở đấy, thì người ấy, vẫn chưa quay lại, đã biết là lúc đấy tôi sẽ phải ở đấy.


Lúc chị quay lại, thong thả quay lại, tôi không thấy chị ngạc nhiên chút nào, chưa nói giật mình hay sửng sốt. Mắt chị đơn giản nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi — vẫn luôn nghĩ là mình sẽ bối rối lắm nếu bị đôi mắt này nhìn thẳng và gần và đơn giản như thế — ngạc nhiên thấy mình với một cảm giác dễ chịu sâu xa xâm chiếm dần và nhanh, đơn giản nhìn thẳng vào chúng. Rồi tôi lập tức hiểu là suốt trong những ngày này, thực ra tôi vẫn luôn nhìn vào chúng như vậy, — kể cả những lúc tôi ở bên cô giáo, — và đã không có cách quãng trong sự chuyển tiếp từ cái nhìn trong tâm tưởng ra cái nhìn quang học bây giờ.


Mắt đã trong mắt đến như thế rồi, thì chuyện những thứ vật lý trong nhau chỉ còn là sự tự động triển khai. Tôi đã đưa bàn tay tôi nắm lấy bàn tay chị, hay chị đưa tay chị nắm tay tôi? Bàn tay tôi — độc lập với tôi — đã tự động nắm lấy bàn tay chị, hay bàn tay chị — không liên quan đến chị nữa — tự nắm lấy tay tôi? Hay là cả hai — tôi và chị? Hay là cả hai bàn tay? Là tôi, là chị, là hai bàn tay, hay là có cái gì đó đang âm thầm vặn chúng tôi, vặn tay chúng tôi?


Môi chị, — đầy đặn và mọng đỏ, chắc là môi “trái tim”, nhưng tôi không thể nói gì lắm về chuyện này, căn bản tư duy hình học của tôi trước giờ vốn vẫn không thật hiểu lắm cách so sánh “môi — trái tim”, — hơi hé mở — trông tự nhiên, nhưng chắc không tự nhiên, vì lúc chúng tách nhau ra, tôi nghe có tiếng thở khẽ, nhưng hơi gấp, — lúc chúng tôi chạm vào nhau, để lộ màu trắng hạt gạo nếp sống của mấy chiếc răng cửa. Lúc ấy tôi đã có một cảm giác rất lạ lùng với ý nghĩ là từ trước tới giờ sao tôi đã chưa hề nghĩ đến chuyện có những người mà tôi rất quen và thường gặp, mà không hề nhận ra là mặc dù đã quen như vậy nhưng hóa ra tôi chưa bao giờ sờ vào họ, và ngay sau đây chắc tôi sẽ lập ngay ra một cái danh sách những người mà tôi chưa bao giờ sờ vào, và ở lần gặp đầu tiên kế tiếp, tôi sẽ chủ động sờ vào họ. Mũi tôi ngập ngụa mùi của tiếng thở ấy, mùi của tóc, mùi của da, mùi nồng nồng thông thường và không thông thường đang toát lên theo một cách thông thường và không thông thường từ một người đàn bà đang thông thường và không thông thường... — nói chung không thông thường thong thả hơn, và dần đều hơn, và có lẽ đậm đà và đúng bản chất hơn, so với bọn con gái nếu cũng ở trong bối cảnh này, — và chắc hẳn là cả những mùi cũng như vậy nhưng của chính tôi, và tôi không thể phân biệt được đấy là của tôi hay của chị. Tôi cao hẳn hơn chị, và tôi cúi xuống.


Một người cúi xuống, — động tác ấy có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, hay có thể nói theo cách khác, là có thể có nhiều nguyên do khác nhau khiến cho một người cúi xuống: mệt mỏi, người ta cũng cúi xuống; buồn, người ta cũng cúi xuống; đồng ý, người ta cũng cúi xuống; nhận lỗi, người ta cũng cúi xuống; khó xử, người ta cũng cúi xuống; nhìn lại mình, — vật lý và không vật lý, — người ta cũng cúi xuống...


Sẽ không bao giờ tôi biết được cụ thể đấy là cái gì, nhưng vào lúc cúi xuống ấy, ánh mắt tôi đã thoáng “nhìn” — cũng sẽ không bao giờ tôi biết được cụ thể đấy là nó thực sự đã nhìn thấy, hay nó chỉ cảm thấy, hay nhìn thấy trong tâm tưởng — xuống bàn tay tôi đang chặt chẽ nâng niu bàn tay chị.


Nâng như thế, thì cúi xuống tôi chỉ nhìn thấy bàn tay trái của chị. Nhưng vì bàn tay phải ấy là bàn tay tôi, cho nên tôi vẫn nhìn thấy nó.


Và có những điểm khác biệt hoàn toàn không hề khó nhận ra, nếu không muốn nói là lồ lộ ra, giữa bàn tay — dù là tay trái — một người đàn bà — dù là đàn bà — vẫn quen làm — chắc là từ nhỏ — những công việc vật lý, thật, cụ thể, đơn giản, bằng tay; và bàn tay — dù là tay phải — một cậu đàn ông — dù là đàn ông — không quen, mà nói là không biết cũng không sai nhiều, làm — cũng từ nhỏ — những công việc vật lý, thật, cụ thể, đơn giản, bằng tay.


Con Nga bạn thân nhất của tôi bảy tuổi đã yêu. Còn tôi mãi tới năm mười tuổi mới bắt đầu ve vãn một đứa. Nó lớn hơn tôi. Vú nó to và mềm mại, tôi và nó đều thích. Lúc hứng chí tôi hay bảo nó: “Ai bóc mà nên trắng, ai day mà nên tròn thế?” — Tôi và nó lại càng thích thú hơn. Nhưng bướm nó đã có lông. Một lần nó vạch ra cho tôi xem. Tôi bảo: “Mày bẩn quá!” Rồi tôi bỏ nó. Rồi phải đến mấy năm liền, tôi tránh cả bọn chúng nó. Cứ đứng, ngồi gần bọn con gái đấy, tôi lại thấy kinh kinh. Cho đến lúc tôi hiểu ra là tất cả bọn nó đều phải “bẩn” thế cả. Sau này nó lấy chồng, chồng nó đụt, mà hình như toàn đeo bao cao su vào ngón tay, hoặc ngón chân, cho nên chúng nó đẻ liên tục. Thỉnh thoảng gặp nó, thấy nó lôi thôi nheo nhóc quá, tôi lại bảo nó: “Đừng dỗi tao nữa nhá, hồi ấy tao sợ thật.” Rồi có bao nhiêu tiền, tôi lại móc hết ra cho nó: bọn con gái tây ham chơi, kể cả những đứa con nhà giàu, không hiểu sao vẫn rất thích những thằng đi chơi tiêu bằng tiền mặt, nên tôi luôn mang theo tương đối, quen rồi; trông thấy nhiều tiền, tôi thấy mắt nó mừng rỡ thật chân thành; nhưng nghe tôi nói, mặt nó vẫn đỏ bừng, đến tận đầu tai. Bọn này, công nhận rất buồn cười!


Hồi tôi đang còn kinh chúng nó, tôi được tặng sinh nhật một cái lồng bẫy của Việt Nam. Tôi lang thang mang lồng Việt Nam ra các công viên tây — thực ra những công viên này giống với vườn hoang hay rừng thưa hơn. Lồng bẫy có hai tầng. Tầng dưới có một con chim con sặc sỡ tôi mua ở cửa hàng động vật. Tầng trên tôi cài nhiều hoa, nhất là hoa tử đinh hương, và đặt một nửa quả chuối Công-gô nhập khẩu vàng ươm bóc dở thơm tho. Tôi treo lồng lên một cái cây có nhiều hoa đẹp rồi núp ở gần đấy hồi hộp đợi chờ.


Lũ chim kéo đến, bay lượn, đậu lên các cành cây, chuyện trò, đùa giỡn, trêu chọc nhau, cảnh tượng hết sức vui sướng và rộn ràng. Và rồi, kìa... có một con chui vào lồng ăn chuối...


“Phập!” — Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ...


Tôi reo hò mang chim về nhà. Chim bắt được tôi nhốt vào các lồng khác nhau mà lúc đầu thì tôi mua lần lượt còn sau thì mua sẵn dự trữ, và treo lung tung trong nhà. Hơi vướng víu, và còn bẩn nữa, nhưng tôi là con một, được chiều chuộng lắm.


Chắc bây giờ tôi sẽ vẫn tiếp tục bẫy chim, nếu như không có một lần, có một con chim nhỏ nhưng trông như người lớn bị sập bẫy. Nó có bộ lông nhiều màu nhưng không sặc sỡ, cái mỏ nhỏ nhọn hoắt cứng cỏi, và đôi mắt to, đen, giận dữ. Lúc tôi reo mừng chạy đến thì bộ lông đẹp của nó đã bề bộn, tan tác, nhiều chiếc lông nhỏ bóng mịn đã rụng rơi bên trong lồng. Nó nhỏ bé và yếu hẳn hơn so với nhiều con khác tôi bẫy được, nhưng trông nó tuyệt nhiên không có vẻ nhớn nhác hốt hoảng như bọn kia. Hình như khóe miệng nó tứa máu. Nó cứ đâm bổ vào nan lồng cứng, bật trở lại, lại xông vào...


Không biết đấy có phải là sự yếu đuối không, hay là một cái gì khác, cho đến bây giờ tôi vẫn không biết, nhưng lúc đấy tôi đã mở lồng cho nó bay ra. Tần ngần một lúc, tôi thả nốt cả con chim mồi, rồi, vẫn tiếc cái lồng đẹp, tôi không bẻ gãy, mà quăng nguyên nó ra giữa hồ nước trong. Tối hôm ấy tôi thả hết lũ chim ở nhà.


Về sau tôi mới biết là chuyện con chim nhỏ bị sập bẫy này sẽ mãi mãi không bị tôi quên đi như nhiều chuyện, nhất là chuyện tôi chơi, khác. Nhiều lúc, lẽ ra đã phải vội vàng lên giường, thì tôi cứ mặc kệ bạn đấy, đóng cửa ngồi trong buồng tắm, buồn bã, sụt sịt, cho đến lúc mắt đã ráo hoảnh mới thôi. Thậm chí bọn nó đã đồn nhau là tôi đã bắt đầu phải dùng thuốc; tôi cũng chả giải thích gì.


Nhưng cái bàn tay ấy thì hoàn toàn không thật giống như “bướm lông” và “chim dũng cảm” ngày xưa. Thực ra, có một cái gì đó sâu xa ở trong tôi, — dù vẫn không biết là gì nhưng tôi luôn vô cùng biết ơn, — đã hết sức cố gắng để nâng nó lên thành một thứ như thế. Và với thứ ấy, tôi đã có thể ghé xuống một bên tai chị, và thì thầm: “Em thật sự xin lỗi...”


Ra khỏi nhà chị, tôi bước gấp gáp. Tôi quý mến anh... và ham muốn chị. Lúc này tôi vừa có cảm giác thật vui, mặc dù tôi biết là tôi đang cố làm phồng nó thêm lên, chứ thực chất nó cũng không thật nhiều như vậy; lại vừa đang rạo rực hết cả ruột gan: tôi nhìn thấy tôi đang bế chị lên... Hai chân tôi đã tự động chạy từ lúc nào không biết: một là... khoảng cách luôn là cái sự ngại hàng đầu đối với một người muốn đi đến — hay quay trở lại — một chỗ; hai là... — chắc vậy — như các bác sĩ vẫn thường khuyên bọn rối loạn cường dương: “hãy tập thể thao”.


Không đến mức như ở vào chính cái thời khắc bấn loạn ấy, nhưng sau này, mỗi khi nghĩ đến chị, ruột gan tôi vẫn còn tiếp tục nhộn nhạo. Chuyện này thật sự chỉ hết hẳn khi năm năm sau, tôi gặp lại chị ở Hà Nội. Hai anh chị đã bán bớt đất, vườn, ra đấy thuê nhà, chị mở một cửa hàng bán đủ thứ từ dầu gội đầu, nước mắm, cho đến bánh cốm; bán buôn cũng tốt; còn anh lúc ấy đã học được mấy năm đại học.


Chỉ năm tháng, tôi sẽ có một buồng gan mới. Mười ngày hoặc hai tuần, tôi sẽ có một cái lưỡi mới. Hai mươi năm, tôi sẽ có một quả tim mới. Hai hay ba tuần, tôi sẽ có một lá phổi mới. Mười năm, tôi sẽ có một bộ xương mới. Hai đến bốn tuần, tôi sẽ có một làn da mới. Nhiều nhất sáu năm, tôi sẽ có một mái tóc mới. Cùng lắm là ba ngày, tôi sẽ có một cỗ lòng mới...


Hình như chỉ có bộ não và cặp mắt là sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời.


Các tế bào tạo nên tôi đang âm thầm thay mới với tốc độ không đồng đều. Và nếu chúng đồng đều với tổng thời lượng như chúng không đồng đều, — tức là nếu tính trung bình, — thì chỉ sau mười năm, tôi đã hoàn toàn biến mất, và ở "đấy" sẽ hiện ra một người hoàn toàn khác.


Và năm năm — sẽ tức là một nửa đời người.


Năm năm, thừa đủ để biến một thiếu nữ thành một bà già. Chị thì chưa thành bà già, nhưng gặp lại, tôi thấy chị không khác gì những bà bán hàng khác. Mắt chị vẫn mở to nhìn tôi, nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác gì với cái nhìn của các bà bán hàng. Lúc ấy cửa hàng đông, chị đảm đang và vui tươi. Tất cả những cái đấy tôi biết là đều có nét đẹp. Nhưng căn bản trong tôi vẫn luôn có hình ảnh một người đàn bà trẻ đẹp mặn mà đang tỉa hoa trong một khu vườn đẹp ở nông thôn.


Nhưng vẫn có hoa. Trong nhà, ba bông hồng tươi tắn vẫn cắm trong lọ — đúng cái lọ “phố cũ” ấy — lặng lẽ bên khung cửa sổ.


Năm năm, cuối cùng thì thật ra có thật không?


Lúc ra về, nhìn vào mắt chị, tôi biết là giữa cái nhìn của tôi lúc đến và cái nhìn của tôi bây giờ, lúc đi, đã có nhiều sự thay đổi, và chị đã muốn như thế, chị mong là sẽ như thế, và bây giờ chị đã biết là nó đã như thế, và trong lòng chúng tôi đều đang có cùng một cảm giác thật ấm áp. Bất giác, tôi lại nắm tay chị; chắc chị cũng biết là tôi sẽ làm như thế; tôi không còn thấy tôi bế chị, nhưng tôi thấy bàn tay ấy thật gần gũi và thân thiết.


“Nhật Linh,


Xa em quá và xa lâu quá. Nhưng xa là xa, dù là một dặm hay là một ngàn dặm thì cũng đâu khác gì — đấy là sự an ủi tuyệt vời đối với một người sẽ phải chuyển tàu chợ chuyển xe hàng và bay mười mấy tiếng đồng hồ thì mới có thể được nhìn thấy em. Nếu điều này sẽ làm em vui: anh đang y hệt như một chàng hoàng tử hành hương, nhọc nhằn với hạt đậu trong giày, đói và lạnh y như hai chữ Trinh Trắng — hay như bất kỳ một Đức Hạnh nào...


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...