Thụy My
Khi Anh trao trả Hồng Kông ngày 01/07/1997, thế giới lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó có thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Tuổi trẻ Hồng Kông kiên cường xuống đường phản đối Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, ngày 24/05/2020. © REUTERS/Tyrone Siu
Le Figaro hôm nay chạy tựa «Việc làm, bằng cấp: Giới trẻ, nạn nhân gián tiếp của virus corona». Các kỳ thi bị hoãn, kỳ thực tập hủy bỏ, hy vọng ký hợp đồng làm việc tan biến… Các thanh niên dưới 25 tuổi bị lãnh đòn từ đại dịch, khi bước vào một thị trường lao động đang chao đảo.
Libération dành trang nhất và bốn trang trong cho «Lời kêu gọi của nhân viên y tế: Thưa ông tổng thống, lời nói suông chưa đủ». Tương tự, «Bệnh viện: Một big bang để làm bật tung xiềng xích» là tít lớn của Les Echos.
La Croix có cái nhìn bao quát với chủ đề «Thay đổi thế giới», bắt đầu loạt bài gợi lên những hướng mới để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang trải qua. Le Monde đặt vấn đề «Ngoại giao: Hồi kết của quyền lực mềm Mỹ?».
Liên quan đến châu Á, tất cả các báo Pháp hôm nay đều có bài viết về Hồng Kông. Le Figaro cho biết «Hồng Kông: Hàng ngàn người biểu tình thách thức Bắc Kinh», La Croix báo động «Người Hồng Kông đưa ra lời kêu cứu SOS với toàn thế giới». Libération mô tả «Người Hồng Kông nắm lấy cơ hội cuối cùng để bảo vệ tự do», còn Les Echos nhận xét «Tại Hồng Kông, hành động thô bạo của Bắc Kinh lại thổi bùng cơn giận dữ của đường phố».
Cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do
La Croix cho rằng, khi hàng ngàn người biểu tình hôm Chủ nhật 24/05/2020 chống lại luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, người dân Hồng Kông muốn gởi đi cùng lúc hai thông điệp: «Sẽ chiến đấu đến cùng» và Chúng tôi cần có sự ủng hộ của mọi người».
«Hồng Kông độc lập», «Hãy chiến đấu cho tự do», «Quang phục Hồng Kông», «Các vị không thể giết hết tất cả chúng tôi, người Hồng Kông sẽ không bao giờ bỏ cuộc»… Đó là những khẩu hiệu được các báo Pháp ghi nhận.
Trong đám đông có cả trẻ em, những cặp vợ chồng trẻ và người cao niên, họ bày tỏ sự phẫn nộ trước đạo luật được coi là cây đinh mới đóng vào cỗ quan tài Hồng Kông, ngày càng ít tự do hơn.
Một nữ sinh viên nói với Libération: «Trung Quốc bắt các khuôn mặt dân chủ để gây tác động đến chúng tôi, nhưng họ không chịu hiểu rằng phong trào không có người cầm đầu và giới trẻ căm ghét chế độ Bắc Kinh». Một người khác nói thêm: «Chúng tôi không làm gì được trước chế độ cộng sản, nhưng ít nhất cũng phải nắm lấy cơ hội cuối cùng này để bảo vệ quyền tự do biểu lộ ý kiến trên đường phố».