Một thời mực tím

Ngày xưa viết thư thường là trên giấy kẻ ô li, mực tím rịm, nhà có điều kiện thì mua mực về pha, có cả bột hoặc viên, còn không thì... hạt mùng tơi bóp ra thay mực. Thư viết xong lại còn nghĩ ra cách gấp sao cho... nghệ thuật, nhiều khi gấp xong không biết cách mở nữa. Ngoài bì (đa phần là tự gấp lấy) phía trên ghi họ tên địa chỉ người gửi, phía dưới họ tên địa chỉ người nhận như thông thường thì hay có thêm 2 câu "lạc khoản" bên trái bì thư "Xa xôi tình cảm dạt dào/ Nhờ anh bưu điện gửi vào tận tay". Tôi nhớ và bảo đảm có đến 70% bì thư có dòng chữ này. Có mấy ông bưu điện rỗi, và nghịch nữa, lấy bút đề phía dưới "Thư này ông đếch chuyển ngay? Để xem tình cảm chúng mày ra sao?"

Ở thành phố thì có giấy pơ luya, loại này có vẻ sang hơn giấy ô li nhưng ai mà viết được là thuộc loại đẳng cấp rồi, vì nó không có kẻ dòng. Một phương pháp viết cho thẳng được bày cho nhau: đặt tờ Pơ luya lên tờ giấy kẻ dòng, xong béng. Tuy thế nó không bao giờ tăm tắp như giấy có dòng kẻ được.

Bộ đội thì được cấp tem, mỗi tháng mấy cái đấy, ghi rõ trên ấy là tem quân đội, để nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, trong không khí hồ hởi của những ngày vừa sau năm 1975 có bài thơ “Con tem quân đội” nổi tiếng. Và có hòm thư cho từng đơn vị để giữ bí mật chứ không ghi công khai như người thường. Có anh kia tên Nguyễn Đăng, vợ ghi ở bì thư:

Em hậu phương Trần Thị Mộng Lụa
Thương mến bay tới anh: Nguyễn Đăng Hòm
Thư 341 MT 225.

Làm đơn vị tìm mãi không ra anh nào là anh... Hòm.

Hồi ấy dân báo chí văn chương, chả hiểu ai cho phép, nhưng cứ gửi bài cho báo thì có quyền ghi ở góc dán tem: Thư không phải dán tem. Thế mà nó vẫn tới. Hồi tôi cũng từng tổ chức cuộc thi sáng tác cấp tỉnh, trong thông báo ghi rõ: Bài vở xin gửi về... Thư không phải dán tem. Và lạ nhất là bưu điện chả thấy thắc mắc gì, lâu lâu lại chuyển về một bó bài dự thi...

Và nhờ những lá thư viết tay như thế mà sau này có những cuốn sách nổi tiếng, như “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ Quốc”, “Thư vào Nam”, Những bức thư của Mác và Gien Ny” vân vân...

Sau thời kỳ dán tem và phong bì bằng cơm hạt miết mỏng thì đến một cuộc nhảy vọt ngoạn mục để đưa nhớ thương đến với nhau nhanh hơn mà không... tốn cơm và sờ cái phong bì nó không lổn nhổn cục, thậm chí bong tè le hết ra...

Ấy là dán keo trực tiếp vào phong bì và tem.

Trước khi cái việc hết sức tiện lợi, thông minh và hiện đại này được thực hiện, báo chí có đến nửa năm để... cãi nhau. Bên nói khí hậu Việt Nam không xài loại bôi kem được, bởi nó sẽ tự dán lại trước khi được sử dụng. Bên lại giễu bảo sẽ có nghề mới là ra bưu điện đứng để... le lưỡi liếm bì thư lấy tiền. Và chỉ sau đấy chừng năm thì những con tem và chiếc phong bì đầu tiên ra đời có keo bôi sẵn, chỉ việc... liếm hoặc lấy tay nhấp nước dán là xong...

Thì nó lại ít được sử dụng, vì thời đại vi tính ra đời.

Đầu tiên là những cái thư điện tử (Email). Ôi giời tiện vô cùng. Viết thư kiểu này nó bớt sướt mướt hơn, đại loại không có kiểu giữa trưa nóng nhễ nhãi viết thư mà lại tả đêm trằn trọc không ngủ được, nghe ếch nhái ễnh ương kêu, nghe sương rụng lộp bộp và... nhớ, bèn dậy viết thư, bởi gõ giờ nào nó lưu ngay lúc ấy có mà phịa đằng trời.

Và tất nhiên là hết mực tím nhớ thương.

Sau này thì hàng loạt ứng dụng nữa ra đời, ví dụ các loại tin nhắn. Nó khiến con người thực dụng, hết văn vẻ mơ mộng, mà trực diện luôn. Ví dụ: Làm gì đó. Chơi thôi. Tối gặp nhau nhé. Ở đâu. Chỗ cũ. Ok. Thích ăn gì không? Gà rán đi. Rồi kem. Rồi cà phê cuối cùng.

Đại loại thế, trực tiếp ngay và luôn, chứ xưa, thư gửi đi hồi hộp chờ thư đến, phải cả tuần lễ nếu hanh thông. Lại có người viết thư tỏ tình, thả vào thùng rồi, sợ quá, muốn lấy lại không gửi nữa, bèn ngồi đấy, chờ bưu tá mở thùng lấy thư thì... xin lại. Cũng không dễ, phải chứng minh đấy là thư của mình hết mồ hôi mới run rẩy nhận về được. Giờ nhắn tin: Anh yêu em. Ok nhé. Ok luôn. Thế là xong. Có đứa còn chơi tiếng Anh: I Love You. Thế mà cũng vẫn nhận được câu Yes mới tài. Và rồi thế cũng nên duyên nên phận. Tất nhiên cũng có cực đối lại là có đứa ôm hoa thắp nến quỳ ở sân trường rồi quay clip tung lên mạng, 3 đứa đồng ý thì 2 đứa quay mặt đi hoặc không xuất hiện. Ngày xưa ít kiểu tỏ tình như thế bởi... không có mạng, không quay được clip đưa lên mạng, nó phí... công tỏ tình kiểu công khai ấy đi.

Thời kỳ đầu, điện thoại cục gạch, kể cả email chưa có font chữ việt, viết không dấu còn bi hài nữa. Hồi lấy lâu lâu cư dân mạng lại được đọc những cái thư, thật cũng có, mà chế cũng có, về chữ không dấu, đại loại như: Em dang o truong, anh den ngay, muon qua roi, nho mang theo bao (Em đang ở trường, anh đến ngay, muộn quá rồi, nhớ mang theo báo)... 

Thời công nghệ thông tin nên chữ cũng xấu khủng khiếp luôn. Nên tôi rất nể các cô giáo viết chữ đẹp. Bút giờ rất ít được dùng, cũng chả dắt trên túi ngực cho oai nữa, nên thất sủng.

Cũng chả biết cách gì hay hơn. Nhưng giờ, có khi ngồi ăn cơm với nhau, 4 người 4 cái điện thoại, và, thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau, người ta có thể... nhắn tin. Tất nhiên khi đã nhắn tin thì không phải là nói chuyện nữa, mà là chỉ những câu lệnh đơn giản, tiện thì có tiện nhưng mà cứ thấy thiếu thiếu cái gì?

(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...