Mất bản đồ Thủ Thiêm: Quan địa phương to hơn Thủ tướng?

Trần Hồng Phong

Mấy ngày qua, báo chí và dư luận cả nước rầm rộ đưa tin về một vụ việc kỳ quái lạ thường chưa từng có trong lịch sử quản lý Nhà nước. Đó là việc UBND TP. HCM loan báo đã làm thất lạc Bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) tỷ lệ 1/5.000 năm 1996, đến nay sau hàng chục năm vẫn... chưa tìm thấy! Điều đáng nói Bản đồ này là do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996, có giá trị quan trọng, là cơ sở để xây dựng và phát triển theo quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xác định các vấn đề về quyền lợi của người dân trong khu vực bị giải toả phục vụ Dự án. Tuy nhiên, lại xuất hiện thông tin cho thấy "tấm bản đồ thất lạc"đã được thay thế bằng một bản đồ khác do UBND TP. HCM ký năm 2005. Hay nói khác đi, vụ việc có dấu hiệu cho thấy quan địa phương "to hơn" Thủ Tướng!

<< Bìa sách "Tấm bản đồ thất lạc" của tác giả Đặng Thanh phần nào cho thấy vai trò, ý nghĩa quan trọng của tấm bản đồ (ảnh minh hoạ)

Được biết Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính thức theo Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 với các nội dung chính: quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha. Kèm theo và không tách rời Quyết định là Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000. Thời điểm này, Thủ Thiêm vẫn thuộc H.Thủ Đức, chưa thuộc Q.2 như hiện nay.

Theo báo Thanh Niên:

Từ năm 2009, người dân thuộc các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh thuộc Q.2, TP.HCM bắt đầu khiếu nại về việc đất của họ nằm ngoài ranh giới Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, được quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn bị thu hồi từ giai đoạn 2002 và 2005. Người dân liên tục yêu cầu chính quyền Q.2 và sau đó là UBND TP.HCM đưa ra các căn cứ pháp lý trong việc thu hồi đất phục vụ Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Do phía Nhà nước không được đáp ứng về thông tin một cách minh bạch, đầy đủ nên từ năm 2014, từ việc khiếu nại, một số hộ dân đã chuyển sang tố cáo, cho rằng chính quyền địa phương cấu kết nhau nhằm thâu tóm, chiếm đoạt đất đai. Nhiều hộ dân đã khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan T.Ư, Thanh tra Chính phủ; sau đó Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo UBND TP.HCM phối hợp với nhiều bộ, ngành T.Ư giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.

Việc người dân khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài là do chính quyền cơ sở chưa đáp ứng được các yêu cầu về thông tin pháp lý trong thu hồi đất đối với người dân. Cụ thể, người dân yêu cầu các cơ quan chức năng TP.HCM đưa ra bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, vì đây là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đô thị tại địa phương, cũng như xác định ranh giới nằm hay không nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã không đưa ra được bản quy hoạch gốc này mà dẫn chiếu từ nhiều quy định khác. 

Trong khi đó, cùng với việc Bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996 nói trên đã lẳng lặng biến mất từ khi nào, do ai - KHÔNG AI BIẾT (!?) - thì trên thực tế sau đó đến ngày 27/12/2005, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6565/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua ký, điều chỉnh diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hướng mở rộng hơn do với phê duyệt của Thủ tướng năm 1996. Chưa hết, tại điều 2 Quyết định 6565 còn nêu rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ”.

Như vậy, tức là theo UBND TP.HCM, thì Quyết định 6565 của UBND TP.HCM có giá trị "thay thế", đồng nghĩa với việc huỷ bỏ giá trị pháp lý một văn bản của cấp trên là Thủ tướng Chính phủ! Việc này là bất hợp lý và không đúng với quy định của pháp luật. Không đúng với trình tự, quy trình ban hành văn bản pháp luật - quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(Ghi chú: theo báo Thanh Niên, việc UBND TP.HCM ban hành QĐ 6565 căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Văn bản số 1642 ngày 24.11.2003, do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Cho dù việc này là đúng sự thật, thì cũng không làm thay đổi bản chất "quan địa phương to hơn Thủ tướng").

Rồi đây có lẽ những vấn đề liên quan đến việc vì sao tấm bản đồ thất lạc sẽ được làm rõ, tìm đến địa chỉ trách nhiệm là cá nhân nào, có tiêu cực hay không? Tuy nhiên, ít nhất đã có thể lý giải những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân là có thể hiểu được và có cơ sở.

Đất đai luôn là miếng mồi ngon nhất, khiến biết bao nhiêu người "lao vào" và trở thành tỷ phú (bao gồm cả cán bộ công chức). Nhưng mặt trái là đã đẩy biết bao gia đình vào cảnh mất nhà, mất đất, cuộc sống khó khăn, bấp bênh - vì bị chiếm, giải toả đất một cách bất công, trái pháp luật, thậm chí chà đạp lên pháp luật.

Pháp luật về đất đai của Việt Nam hiện nay đã trao quá nhiều quyền lực, thậm chí là đặc quyền cho phía các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương. Đây là một trong những "kẽ hở" để các chính quyền địa phương có thể chiếm đoạt quyền lợi/đất đai của người dân - nếu nguyên ê kíp cả chính quyền, hoặc đặc biệt là những quan cấp to nhất - là người xấu, chưa thấm nhuần tư tưởng đạo đức.

.....

Bài liên quan:



(Bài viết của tác giả Bình Luận Án)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...