(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Trước hết, xin bạn đọc và anh Trọng thông cảm cho thói quen xưng hô khó sửa của tôi, vì tôi vẫn coi anh Trọng như là em, là học trò của mình thời xưa, lúc anh học cấp III và tôi thì dạy cấp III (khác trường) của những năm đầu thập kỷ 1960. Hơn nữa về tuổi đời và tuổi Đảng thì tôi đều hơn anh đến nửa giáp kia mà! Nên chi tôi coi đây là những lời tâm sự anh em, thầy trò thôi, như là chuyện trong nhà, đừng có vội “chính trị hóa” vấn đề!
Chả là hôm rồi tôi xem VTV đưa tin về Hội nghị TW 11, có trích đọc lời bế mạc của anh, trong đó anh nói rất rõ về sự kiên quyết của Đảng trong vấn đề nhân sự cho TW khóa XII. Kiên quyết không để lọt vào TW những người có các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,.. Anh đã liệt kê ra khá đầy đủ, khá nhiều và rất đúng các sự hư hỏng đó. Tôi định thử đếm số lượng, nhưng may quá đúng lúc ấy trên mạng lại có bài của LAV cũng đề cập đến nội dung này, tác giả đã có công đếm được đến 24 cái đồ dơ bẩn ấy. Tôi thật sự tâm đắc về sự thành thật đó của anh, và nhất là thái độ kiên quyết đó của anh! Nhưng tôi cứ tự suy ngẫm mãi về hiện tượng này, và tự nhiên cứ bật ra rất nhiều các câu hỏi, đại loại như: Anh đã nêu đúng sự thật về những hư hỏng, biến chất của Đảng chưa? Đó là hiện tượng, còn bản chất là cái gì, nguồn gốc sâu xa của chúng là gì, ở đâu? Anh nhặt ra những cái rác rưởi đó từ các đảng viên thường như chúng tôi hay từ các đồng chí đang ngồi trước mặt anh trong hội nghị? Anh nêu ra như thế để làm gì? Hình như cử tọa của anh không chút rung động, họ hoàn toàn vô cảm? Liệu các đồng chí (cấp cao) của anh có đồng tình với anh thật lòng không? Anh và BCT của Đảng có cách gì để thực hiện “sự kiên quyết” đó, hay chỉ “đánh võ mồm” để mị dân? Sao anh đã biết rõ những tha hóa đó mà vẫn cứ nói tốt về bản chất của Đảng (trí tuệ, đạo đức, văn minh, đại diện cho lợi ích dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân,..) không chút ngượng mồm? Và vì vậy anh vẫn khẳng định chỉ có Đảng (CSVN) mới đủ uy tín, đủ năng lực, đủ trí tuệ,.. để lãnh đạo đất nước tiếp tục đi đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”? Xem ra thì hình như các anh đang diễn kịch với nhau và với dân, chứ không phải nói ra để mà làm?..
Và vì vẫn coi anh như học trò ngày xưa, nên tôi xin nói thật với anh câu này: Sao anh ngu lâu thế? Còn dân thì họ bảo anh là loại bảo thủ đẳng cấp quốc tế đấy, và họ còn đánh một cái dấu hỏi to tướng là cái con gì nó đang đứng núp đàng sau cái tư duy bảo thủ ấy của anh? Với học hàm, học vị là GS, TS, mà xem ra trình độ tư duy khoa học của anh quá thấp, ngay trong lĩnh vực mà anh được coi là giỏi nhất thiên hạ! Chả nhẽ anh không nhìn ra mối quan hệ rất hữu cơ giữa chất lượng cán bộ cấp chiến lược của Đảng với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng? Anh cầm chịch Đảng bao lâu nay mà không nhìn rõ sự hư hỏng đến ghê rợn về nhân cách của đảng viên, trước hết và nặng nề nhất là của cán bộ cấp cao? Đó là một sự suy thoái toàn diện và có tính hệ thống! Đó là một sự suy thoái có tính quy luật, và anh thừa sức để chỉ ra cái quy luật đó, nhưng không dám nói ra, dù chỉ nói với nhau trong TW!
Càng nghe anh nói thì dân và đảng viên thường chúng tôi càng chán các anh, càng mất dần niềm tin vào Đảng, bởi Đảng không như ngày xưa, không phải là cái gì đó xa vời, siêu nhiên, mà Đảng hiện nay là chính các anh! Cái Tâm và cái Tầm của Đảng ngày càng thấp bé đi, tầm thường hơn, so với yêu cầu, so với kỳ vọng của dân! Vì thế các anh đang phải sống nhờ vào quá khứ, núp bóng bác Hồ và các thế hệ cha anh đã hy sinh, phải dựa vào sự dối trá, che giấu sự thật!
Anh mới nêu hiện tượng mà không dám chỉ ra bản chất, không dám chỉ ra quy luật phát triển, không dám nói đền một tương lai u ám, bế tắc - nếu không chịu thay đổi?
Anh mới nêu ra cái ý tưởng “kiên quyết” mà không đưa ra các giải pháp khả thi để hiện thực hóa cái ý tưởng đó?
Anh chẩn đúng các bệnh của Đảng nói chung thôi, nhưng lại không dám chỉ ra các loại đối tượng đang mang bệnh, dễ nhiễm bệnh, nhất là các con bệnh cụ thể? Nghe anh nói, người dân có thể hiểu là toàn bộ BCH TW, trong đó có BCT, BBT đều không mắc bệnh? Vậy thì các con bệnh cần phải chữa trị là ai đây?
Anh nêu ra cái ý tưởng “kiên quyết” ấy thì mới chỉ được coi là ý chí của riêng anh, chứ chưa phải là quyết tâm chính trị chung của toàn Đảng?...
Vì vậy, tôi đánh giá sự thành thật của anh mới đạt được một góc nhỏ, chưa được nổi 50% sự thành thật cần có, bản lĩnh chính trị của anh còn đang khuyết trống, méo mó, chưa xứng tầm! Và dân chúng tôi không tin cái “sự kiên quyết” đó sẽ thành sự thật, Đảng sẽ càng rối, nước sẽ càng suy!
Đôi lời tâm sự chân tình với anh với mục đích vừa là góp ý riêng cho anh, vừa là đóng góp chung cho việc Dân việc Nước. Anh hãy cứ tự hạ mình xuống như một cậu học trò thuở nào đó mà suy ngẫm lời một người thầy, chắc cũng có được điều bổ ích đấy! Chúc anh mạnh khỏe và luôn sáng suốt!
Tháng 5 năm 2015
Hữu Đậu
Tác giả gửi BVN
CHUYỆN MỚI - Dự án sân bay Long thành đã một lần đưa ra Quốc hội thảo luận, chưa thông qua. Vừa rồi hội nghị TW Đảng lần 11 (tháng 5- 2015) có nêu ra, chuẩn bị trình Bộ Chính trị xem xét và sẽ đưa ra Quốc hội biểu quyết. Trong lúc Bộ Giao thông đã đầu tư nhiều công sức thuyết minh dự án thì một số nhà khoa học làm phản biện vạch ra nhiều sai lầm, nhiều tác hại và kiến nghị chưa nên làm. Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực sân bay nên không dám lạm bàn những vấn đề liên quan đến kỹ thuật và kinh tế, chỉ xin liên hệ một vài chuyện cũ về mặt xã hội.
CHUYỆN CŨ 1- Sân bay Tân Sơn Nhất
Sân bay Long Thành cách Tân Sơn Nhất 40 km. Lý do được nêu ra của dự án là sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích trên 800 ha đã trở nên quá chật hẹp mà không thể mở rộng, vì đất dự trữ chỉ còn khoảng 38 ha.
Khi Pháp làm sân bay năm 1930 thì diện tích quy hoạch là trên 1500 ha, trong đó gần 1000 ha là đất dự trữ. Trước năm 1975 sân bay đã được mở rộng vài lần và diện tích đất trống cũng còn nhiều trăm ha. Thế số đất ấy mọc cánh bay đi đâu mà nay chỉ còn chút xíu? Thì ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 sân bay do quân đội quản lý, đất chung quanh sân bay đã được Quân đội lấy gần 200 ha làm sân gôn và vài trăm ha khác được chia lô, cấp cho các sĩ quan làm nhà. Việc làm ấy không biết có được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chính phủ, có thông qua Quốc hội hay không. Việc này mang lại lợi ích to lớn cho một số cán bộ quân đội và làm thiệt hại nặng nề cho dân tộc, cho đất nước. Hiện nay người ta hay nói đến “nhóm lợi ích”, phải chăng đây cũng là thuộc loại “lợi ích nhóm”.
Thanh tra Đảng, Nhà nước và Quốc hội có ai biết và quan tâm đến việc này không, có biện pháp gì xử phạt những kẻ chỉ vì lợi ích cục bộ nhóm mà làm thiệt hại cho đất nước, có biện pháp gì để ngăn ngừa những việc làm tương tự hay không? Có nhiều ý kiến cho rằng nếu lấy lại được sân gôn và một phần đất đã bị quân đội chiếm dụng thì Tân Sơn Nhất có thể mở rộng đủ đáp ứng nhu cầu trong vài chục năm tới mà chưa cần làm sân bay Long thành tốn trên 13 tỷ USD.
CHUYỆN CŨ 2- Thủy điện Sơn La
Khi thiết kế Thủy điện Sơn La vào năm 1990 có đưa ra 2 phương án để so sánh: đập cao và thấp (đập cao có cao trình đỉnh ở mức 295 m, đập thấp có đỉnh ở mức 230 m). Nhà nước đã tổ chức vài chục cuộc hội thảo với nhiều ngàn chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để thảo luận. Kết quả của các hội thảo là: 1- Vạch ra, tổng hợp các ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án; 2- Khi lấy ý kiến nên chọn phương án nào thì hình thành hai phái cao và thấp với lực lượng gần ngang nhau;