Hồi học cấp 3 ở Thanh Hóa, tôi học môn địa với một thầy giáo già người Huế, bao giờ gần kết thúc tiết học thầy cũng “hồi ức” mấy phút về Huế. Thầy hay mặc cái áo măng tô màu xám dài trùm gối, và đấy là một trong những “giáo cụ trực quan” của thầy, bởi khi nói về mưa Huế, thầy hay giơ cái áo ra: Mưa Huế dai dẳng nhưng dễ chịu, chỉ ướt lớp lông của cái áo này thôi.
Ba tôi người Huế nhưng không bao giờ ông “hồi ức” về mưa, mà ông hay nói về nắng Huế, dưới cái nắng đổ lửa của Huế, thay vì đi đò Thừa Phủ thì ông đã chạy bộ qua cầu để tiết kiệm mấy xu tiền đò.
Mưa Huế ám ảnh tôi từ những tiết dạy “ngoài lề” của thầy như thế.
Cho đến khi về Huế, thì trời ạ, té ra mưa Huế nó không thế. Người ta nói “dài như mưa Huế” là rất chính xác.
Tôi học trên tầng 2 khách sạn Morin bây giờ. Những cơn mưa mờ cầu Trường Tiền, bạc xanh những cái lá long não trên đường Lê Lợi và nõn trắng dòng Hương lững lờ trong mưa.
Nhưng ấn tượng nhất là các cô gái Huế chạy mưa. Khi cơn mưa đã sầm sập sau lưng, như lẽ thông thường thì các cô gái sẽ phải chạy, ít nhất cũng rảo chân để tránh, nhưng các cô học trò Hai Bà Trưng, Quốc Học thì khác. Vẫn cặp ôm trước ngực, vẫn áo dài trắng lúc này đang cuộn tơi bời trong gió, và bước chân vẫn chậm rãi khoan thai thế, như không hề có cơn mưa đang đuổi sau lưng, như không hề vần vũ gió và mây đen, như không hề có một câu thúc nào, chỉ vẫn những bước chân dịu dàng an nhiên tự tại.
Tôi nhớ một giáo sư văn học nổi tiếng từ Hà Nội vào thỉnh giảng cho chúng tôi, khi đứng ở cửa sổ nhìn thấy cảnh này đã thốt lên: Đây chính là đặc sản Huế. Đẹp và ấn tượng. Ông xuýt xoa: cái dáng đi dưới mưa của các nữ sinh Huế nó bộc lộ thái độ sống của người Huế trước thiên nhiên, nó chính là bản chất cái đẹp Huế.
Bây giờ hiện đại rồi, chắc chả còn cảnh nữ sinh Huế áo dài trắng đi bộ ôm cặp sách lững thững men theo hàng long não run rẩy trong mưa ngày nào nữa?
Nghe nói đang có người ở Huế đề xuất tận dụng mưa Huế để tổ chức các tour du lịch mưa. Huế chưa kịp làm thì Đà Lạt đã làm, mấy hôm nay đang làm, cũng chưa biết mức độ thành công đến đâu, vì mưa ở đâu thì cũng như nhau, nhưng hàng long não ánh lên trong mưa, những tà áo dài quấn quýt dưới mưa, những bước chân tưởng như vô định dưới mưa, mái tóc thề nghiêng trên vai trong gió… thì hình như chỉ Huế mới có.
Pleiku nơi tôi sống cũng đang mùa mưa.
Pleiku nơi tôi sống cũng đang mùa mưa.
Gần như cả tháng nay rồi, mưa như nghiêng vò trút nước. Mưa khiến người ta không còn lãng mạn được nữa. Không thể lãng mạn thì người ta… kết tội mưa. Nào là mưa khiến đập thủy điện vỡ, khiến các hồ đầy nước phải xả lũ, và dân lãnh, nhà cửa của cải chắt bóp cả đời ào phát trôi sạch. Và đơn giản nhất là trong từng nhà, mưa khiến quần áo, dẫu có máy giặt trợ giúp, không khô, nhiều thứ mốc lên…
Là cái tâm thế sống chung với mưa không có, người ta đối phó. Càng đối phó thì càng… thua, bởi mưa là việc của giời, còn việc sống chung và lãng mạn nó lên để hài hòa là việc của người.
Cũng đang có những lo lắng, sự lo lắng có cơ sở hẳn hoi, ấy là do biến đổi khí hậu, do chính con người tác động, mùa mưa có nhiều xáo trộn. Mưa ít hơn, cả lượng mưa và thời gian mưa.
Không mưa thì lại còn nguy hơn là mưa dầm dề. Rồi lại sẽ nháo nhào lên cho mà xem.
Lúc ấy thì con người lại trần trùng trục ra mà nhớ mưa, nỗi nhớ tuyệt vọng như tôi đã từng tuyệt vọng hồi còn học cấp 3 ở Thanh Hóa: bao giờ thì được thưởng thức mưa Huế, và may thay nỗi nhớ ấy của tôi tưởng như tuyệt vọng nhưng rồi đã không tuyệt vọng vì sau năm bảy lăm tôi đã được về quê.
Nhưng bây giờ, ngồi trong một quán cà phê ở Pleiku, mưa bạc trắng bên ngoài, tôi lại nhớ mưa Huế da diết. Ngồi trong mưa nhớ mưa, nỗi nhớ ấy vừa huy hoàng vừa cổ tích…
(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...