Lập Trình Viên II (20)

Nhưng nếu bây giờ "sự may mắn bỗng rơi đâu mất" ngay giữa lúc còn đang học ở trường, thì sẽ phải làm sao?!


Phi Long có lần nói việc học cũng giống như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi.


Rốt cuộc thì tôi đã hiểu là mình vẫn chưa thể học được như thằng Phê-đi-a, và khổ nhất là tôi lại hoàn toàn tin là kết quả như vậy không phải là do khả năng của tôi không bằng nó.


Nếu cái đích tôi đặt ra không phải thằng Phê-đi-a mà là thằng Giê-nhi-a, thì có thể đã đi một nhẽ. Đằng này...


Tôi đã cố thật khách quan để nghĩ về chuyện suy nghĩ của mỗi người đều sẽ thiên vị mình, và lại khổ nhất là sau khi đã nghĩ đi nghĩ lại như vậy, tôi vẫn tiếp tục khẳng định là chẳng có lý nào mà khả năng của tôi lại không bằng được thằng Phê-đi-a.


Tôi cũng biết là Phi Long vẫn gọi kiểu suy nghĩ như vậy là suy nghĩ "đệ quy", và cho rằng cách suy nghĩ ấy thật khó mà chính xác. Nhưng bản thân Phi Long thì lại chính là người tôi thấy hay "đệ quy" nhất.


Và anh thì lại rất ổn.


Hơn nữa kể cả cứ cho là có thiên vị hay đệ quy gì gì đi, thì ở đây vẫn rành rành một hiện thực thật chi tiết: xuất phát điểm tôi là một thằng dốt điển hình giữa một bầy toàn bọn giỏi.


Ngay cả một người lớn mà bị như vậy thì cũng hoàn toàn rõ ràng là sẽ dễ mặc cảm hơn là vẫn sẽ loay hoay tìm cho ra cách nào đó để tự sướng, nữa là một người chưa lớn lắm.


Tôi phải tin ngược lại mới đúng, nếu như thật sự "thiên vị" và "đệ quy".


Còn nếu vẫn tin không ngược lại, thì sẽ dẫn đến thực tế là tôi đang làm theo cách sai; hoặc — tệ hơn (?) — đúng, nhưng phải còn lâu mới biết được là đúng.


Tình trạng vất vả mà không biết là vất vả đúng hay vất vả sai này không chỉ xấu hơn rất nhiều so với sự hào hứng và quyết tâm lúc ban đầu, mà thật sự là thê thảm hơn so với tất cả những sự chán nản mà tôi đã từng trải qua.


Nó gây ra một cảm giác bải hoải từ rất sâu trong lòng, yếu đuối, băn khoăn, bán tín bán nghi, nôn nao, bất ổn, nó buộc người ta phải nghĩ, và càng nghĩ lại càng thấy khó chịu hơn.


Khó chịu đến nỗi, mặc dù vẫn hoàn toàn ý thức được như thế là không thể chấp nhận, là đúng ra trong trường hợp nào cũng không được phép, là kể cả lúc A-nhi-a và Phi Long không ở đây... nhưng lại vẫn không thể mà cưỡng được, tôi bắt đầu chán học.


Chán quá, thì tôi bỏ học.


Điểm tốt vớt vát, là tôi vẫn phải tìm cách để bỏ học.


Tôi xuống phòng y tế của trường và gặp chị Ga-lin-na, hoặc bác Vác-va-ra, chủ yếu là chị Ga-lin-na, — tùy theo phiên trực; — bác Vác-va-ra là bác sĩ, còn chị Ga-lin-na là y tá, đều từ bệnh viện "187" của thành phố; và tôi biết một cách để cặp nhiệt độ lên hơn ba mươi bảy độ.


Cách này đơn giản mà rất hiệu quả.


Tôi kẹp cái cặp nhiệt độ vào nách bên trái, trèo lên giường, nằm nghiêng cũng về bên trái, đè mạnh một chút và tập trung thở sâu — lúc thở ra thì nén hơi, vận lực một chút — liên tục về phía lồng ngực bên ấy.


Chỉ hơn mười phút, và tôi sẽ là một người ốm chân chính, có xác nhận y tế hẳn hoi.


Độc bộ kỳ chiêu này, vào lúc vui vẻ đem ra khoe, hẳn là anh Xéc-giô tuyệt đối đã không nghĩ là sẽ có lúc tôi đem ra dùng thật, — giống như anh ngày xưa, và còn theo một cách có hệ thống hẳn hơn, đến nỗi có lần chị Ga-lin-na đã xuýt bắt tôi phải ra bệnh viện nằm.


Tôi vừa chực nhổm dậy, chưa kịp nói gì, thì cô Ma-ri-a đã đặt tay lên vai tôi:


— Phải rồi, cuối tuần trước em nghỉ ốm. Em đã khỏi hẳn chưa?


— Dạ... rồi ạ. — Tự nhiên tôi lúng búng, không lưu loát được như mọi khi.


Và tôi lập tức hình dung chuyện đang xảy ra.


Sự vắng mặt vài hôm đúng vào một khoảng thời gian cụ thể nào đó, của một học sinh hay nghỉ ốm và thuộc loại tương đối mờ nhạt trong lớp, xét từ nhiều góc độ, khó phủ nhận là sẽ khó nhớ hơn so với lịch giao bài kiểm tra.


Và đây là cô Ma-ri-a, chứ không phải thày Ra-đi-ôn.


Cô Ma-ri-a lại quay sang dãy bàn bên kia, cô gọi:


— Xu-li-man-nốp-va.


Cái Đi-na Xu-li-man-nốp-va đứng dậy, mũi hơi hếch và môi hơi cong, nên trông nó giống búp-bê, nó rụt rè xo vai, tròn mắt nhìn cô giáo, hơi nghiêng đầu sang bên phải, rồi lắc lắc mái tóc nâu quăn tít và xõa vai. Cô Ma-ri-a nhắc nó:


— Em nói thành lời, để các bạn cùng nghe.


— Dạ, nhưng... — cái Đi-na rụt rè — cô không thông báo ạ, cô Ma-ri-a Va-xi-lép-na.


Cô Ma-ri-a nhìn nó chăm chú, rồi lại bước từng bước chầm chậm về phía bảng viết, bàn tay trái cô đưa lên đẩy gọng kính trên sống mũi, rồi chuyển sang bóp cằm; đến trước bảng viết, cô từ từ quay lại, tay vẫn để ở cằm, ánh mắt phân vân.


Đột ngột, cô hơi giơ tay lên và chém xuống, tay phải đồng thời cũng làm một cử động tương tự, cô nói như nổi cáu, nhưng khó phân biệt là cáu với học trò, với chính mình, hay là — có lẽ thế — với tất cả câu chuyện này:


— Nhưng không thể đột nhiên nhớ sai như thế!!


Nhưng cô lại im lặng ngay — nói là lặng lẽ có khi đúng hơn, — rồi nửa như để chứng minh với chúng tôi, nửa như để tự giúp chính mình, cô cứ vừa cố nhớ, vừa chầm chậm lặp lại — bằng động tác — những gì mà theo trí nhớ của cô thì đã phải diễn ra vào hôm thứ Sáu:


— Tôi còn nhớ rất rõ... đồ thị hàm số trên bảng... rồi tôi đi đến cạnh cửa sổ, đứng ở đây, đúng như thế này...


Cô đứng đấy, nhìn bảng viết, nhìn xuống sàn...


Và bằng một động tác dứt khoát, cô nhìn thẳng vào chúng tôi:


— Rõ ràng tôi đã nói rồi mà!


Lập tức bọn nó lại nhao nhao ngay lên như một cái chợ:


— Chưa đâu ạ...


— Đúng là chưa ạ...


— Cô chưa nói thật mà, cô Ma-ri-a Va-xi-lép-na...


Ánh mắt cô Ma-ri-a bất ngờ chậm chạp lại, rồi trĩu xuống. Và cũng chậm chạp như ánh mắt, cô đưa cả hai tay lên gỡ cặp kính trắng ra, mắt cô chớp, lại chớp, rồi cô nhìn xuống cuối lớp, và giọng nói của cô giống như mệt mỏi:


— Lu-ka, em hãy nói xem.


Thằng Lu-ka khẽ thở dài, nhìn cô giáo, rồi cứ giữ nguyên mắt nhìn như thế, nó thong thả đứng lên...


(Còn nữa)


Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ)

http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...