Hà Nội - Cây và Phố

HÀ NỘI — CÂY VÀ PHỐ
(Đỗ Phấn)

Đã nói đến cây ở phố thì dĩ nhiên là cây trồng có chọn lọc, — cây mọc tự nhiên trong thành phố có lẽ chỉ vài cây si, cây bồ đề ban đầu mọc ký sinh trên những cây khác, sau đó dần tiêu diệt cây chủ để thế chỗ. Hà Nội là nơi trồng khá nhiều loại cây đặc biệt không có mặt trong rừng tự nhiên của Việt Nam, và việc lựa chọn cây trồng cũng biến đổi theo hướng thời thượng trong từng giai đoạn.

Kể từ khi người Pháp chọn Hà Nội làm thủ đô Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1902, họ đã có những quy hoạnh cây trồng trên phố một cách khoa học. Đó là những phép tính rất cầu kỳ dựa trên hai dữ kiện chính: đặc tính của cây trồng và việc hòa nhập của nó với cảnh quan, — đơn giản thế thôi nhưng để cùng lúc đạt được cả hai yếu tố này lại chẳng dễ, và không phải lựa chọn nào của người Pháp cũng cho ra kết quả lâu dài. Chính vì thế, nhiều con phố với những hàng cây nổi tiếng từ thời ấy còn lại đến ngày nay khá ít. Người ta vì những lý do nhất thời chạy theo phong trào bí mật nào đó đã điềm nhiên thay đổi dung mạo phố phường bằng những loại cây khác.

Những cây sấu già nua u mấu trên những con đường Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... ngày mới tiếp quản 1954 đã in sâu trong ký ức người Hà Nội cùng thời, — cành lá non tơ cuối xuân điểm xuyết những chùm hoa trắng muốt đầu hạ, sáng sớm tỏa mùi hương chua dịu nhẹ phiêu bồng trong sương mù, gặp cơn mưa rào hoa rụng xuống mặt đường như rắc muối, những tán lá um tùm sẫm chợt ngả vàng cuối thu bời bời rụng xuống quanh những gốc cây bề thế trầm mặc gan góc.
Con đường Lò Đúc nổi tiếng với hàng cây sao đen chót vót rậm rì, — ban ngày con phố ấy cũng tối hơn nơi khác. Ngọn cây lênh đênh những cánh cò hạ xuống lúc nhập nhoạng: nơi ấy thập kỷ sáu mươi còn được gọi là “bang cò ỉa”, — mặt đường lúc nào cũng trắng xóa cứt cò, tiếng cò gọi nhau khàn đục trên vòm cây âm u tối tạo không gian vắng vẻ đến bất ngờ giữa phố xá náo nhiệt bên dưới.
Phố Quang Trung và đường đê Yên Phụ xanh mát màu ngọc bích mùa xuân với hai hàng cây cơm nguội già nua mốc thếch. Trẻ con nhí nhoáy trèo lên vặt quả non chơi ống phốc, ống xì đồng tự chế bằng tay tre lấy ngoài bờ sông Hồng, cũng có đứa cho vào miệng nhai chát sít lại phì ra cười rũ rượi. Mùa đông, cây cơm nguội trút lá chỉ còn mớ cành li ti như những nét bút điêu luyện ai đó múa lên nền trời đan cài cánh én liệng.
Phố Lý Thường Kiệt với hai hàng hoa phượng chạy dài suốt từ cửa Trường Đại học Tổng hợp ra đến đường Nam Bộ, mùa hè rực đỏ như chiếc khăn choàng diêm dúa vắt suốt chiều dài con phố; tiếng ve trong lùm hoa cũng hừng hực như lửa nhói lòng. Con phố Thợ Nhuộm nhỏ hẹp với những biệt thự kín cổng cao tường nằm khuất sau những chùm hoa bằng lăng tím ngát tháng năm, — cái sắc tím đã làm nên tên tuổi riêng mình con phố ấy. Không thể không nhắc đến con đường Nguyễn Du ngạt ngào hoa sữa tháng chín, những ngày mưa dầm hương thơm thấm đẫm mặt đường quấn quít bước chân người...

Từ thập kỷ tám mươi trở lại đây, cây cũ Hà Nội bắt đầu hao khuyết đi nhiều, — vì bão, vì sâu mọt. Người ta phải thêm vào những cây mới. Đã có lúc là cây xoan tây trồng chỉ một năm đã rườm rà cành lá. Cái cây ngớ ngẩn vô duyên này có sức sống rất mãnh liệt, — trồng đâu và mùa nào cũng sống, ra hoa trắng phớ, mọc quả vàng ươm. Hình như cây này được trồng theo tư duy lấy quả như hồi năm 1960 cải tạo công viên Thống Nhất, — người ta đã trồng rất nhiều nhãn trong ấy, nhưng tiếc thay, trèo me trèo sấu vặt quả là trò chơi bất tận của lũ trẻ Hà Nội, nhìn thấy quả nhãn non còn khó nói gì đến thu hoạch.

Thập kỷ chín mươi là cuộc đổ bộ ào ạt của cây bằng lăng. Nó có thể trám vào chỗ bất kỳ cây cũ nào vừa đổ xuống. Và những con đường mới mở rộng dĩ nhiên cũng bằng lăng. Những con đường lớn Giải Phóng, Kim Mã trồng bằng lăng chỉ như nhà mặt phố có chậu cây cảnh thấp tè lòa xòa vào mặt người đi đường. Giờ thì bằng lăng không còn là đặc sản làm nên tên tuổi của con phố Thợ Nhuộm nữa rồi, — nó có mặt ở hầu khắp mọi con phố. Đầu hè, cả thành phố tím hoang mang đến lạc đường. Chẳng biết những cây hoa ban mới trồng trên phố có bị lây màu tím từ bằng lăng sang hay không, — ở trên rừng nó vẫn trắng. Hà Nội rồi sẽ tím suốt hoa ban, hoa bằng lăng từ tháng hai cho đến tháng sáu, — mong rằng cái màu thủy chung ấy sẽ làm giảm bớt những cuộc chia tay trong thành phố.

Vài năm nay cây mới liên tục được bổ sung vào phố, — những cây lạ hoắc! Gỗ mỡ, bàng Đài Loan. Cây mỡ vừa trồng đã được thay bằng cây lát hoa. Toàn những cây còn quá nhỏ để biết hình dạng thẩm mỹ của nó thế nào, — đành phải chờ thôi. Nhưng những giường tủ gỗ lát sang trọng thập kỷ sáu bảy mươi người ta đã vứt đi từ hai chục năm trước.

Cây trồng trên phố buộc phải thay đổi theo nhà cửa mọc lên mỗi ngày?

Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc đã trở thành còi cọc bé nhỏ bên cạnh những nhà cao mấy chục tầng, — cò vạc trốn biệt không bao giờ còn héo lánh. Đường xá rộng ra làm cho những cây bằng lăng, hoa ban, xoan tây trở nên quá nhỏ. Những cây sấu, xà cừ, phượng vĩ hình như đã quá già, — hàng năm gãy đổ rất nhiều, — chẳng biết thành phố đã chuẩn bị những gì để thay vào đấy?


Phố vẫn âm thầm ngày ngày mọc lên, giờ đã cao hơn tất cả mọi cây cối trên đời, — cây chò nghìn năm tuổi trong rừng Cúc Phương nếu đem về phố cũng chỉ cao lưng lửng tòa nhà Lotte mà thôi.

6-2017

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...