Tương Lai
…gợi lên điều này để nói rằng, những ám ảnh quá khứ với những bài học xương máu lại đang len lỏi trong những thách đố gay gắt cho những bước đi tới của đất nước ta hôm nay…
Cuộc nói chuyện qua điện thoại với anh Đào Xuân Sâm khơi dậy trong tôi mông lung những kỷ niệm. Hơn tôi gần một giáp, ông già ngoại 90 xuân ấy giọng vẫn sang sảng. Như thường lệ, tuần nào anh cũng gọi cho tôi để hỏi thông tin vì mắt của anh sau khi mổ thì không đọc được nữa. “Mù mắt nhưng đừng để mù bộ óc cậu ạ, nói cho mình có thêm gì mới đáng nghĩ không”. Tôi cười, mới thì nói sao hết được, thôi nói chuyện cũ đi. Chuyện mới xin dành lần sau. Mấy ngày này tôi lại nhớ đến Tế Tiêu, vùng đất cổ xưa “Sơn Nam Thượng” quê anh, nơi mẹ tôi sơ tán tránh B-52 quá. Đã hơn 40 năm, chính xác là 44, đêm 26.12 đứng trên cánh đồng làng nhìn về bầu trời Hà Nội chớp sáng mà lòng quặn đau.
Ngày 15 tháng 12, Lê Đức Thọ và Kissinger chia tay nhau tại sân bay Le Bourger (Paris). Ngày 16 tháng 12, Kissinger họp báo tại Washington DC đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài đàm phán. Tối 18 tháng 12, khi Lê Đức Thọ vừa về đến nhà (sau khi ghé qua Moskva và Bắc Kinh) thì những trái bom đầu tiên từ B-52 trong Chiến dịch Linebacker II rơi xuống Hà Nội.
19-12, hai chiếc B-52 đã bị bắn rơi ngay trong đêm đầu tiên. Ngày 20.12.1972 The New York Times có dòng tít lớn: “Mỹ có nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá”. Còn trước đó một ngày, hãng AP đưa tin ngày 19.12.1972 “một quan chức cao cấp của Nam Việt Nam cho rằng cuộc tiến công trở lại vào vùng trung tâm của Hà Nội và Hải Phòng là để khuyến khích chúng tôi… việc này chứng tỏ Mỹ không bao giờ bỏ rơi chúng tôi”. AP nhắc lại lời ông ta vào tháng 8.1972 rằng “Mỹ hãy ném bom cho tan nát miền Bắc Việt Nam”. Tờ L’Humanité bình luận: “Ngay như trước đây, trong chiến tranh thế giới thứ 2, ngay cả Dorio cũng không dám đề nghị Đồng Minh tàn phá Paris. Thế mà nay Thiệu lại mong Mỹ ném bom tàn phá đất nước mình!”.
Đêm 19.2 ấy, tôi ngồi trong căn hầm ở 8 Lý Thường Kiệt Hà Nội có cửa hầm thông sang nhà số 6 của chị tôi mà tôi tạm chuyển từ căn phòng 9m2 ở tầng 2 của 36 Lý Thường Kiệt về ngủ nhờ để có hầm trú ẩn. Hai ngày sau, tôi phóng xe đạp về Vân Đình, qua đò trên sông Đáy về Tế Tiêu ở Mỹ Đức. Dòng người Hà Nội vẫn chảy theo nhiều hướng tỏa về nhiều vùng của Sơn Tây, Hà Tây, Hòa Bình. Gọn gàng có, nhếch nhác có. Trên những gương mặt bình tĩnh nhất cũng không giấu được nỗi lo âu. Vẫn có những lay lắt: chả nhẽ chúng không chừa cả ngày Noel?
Xin gợi lại vài tư liệu lịch sử: Ngày 5 tháng 12, Nixon điện cho Kissinger: “Hãy để một chỗ hở ở cửa cho cuộc họp tiếp. Tôi có thể sẵn sàng cho phép ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ ngơi đó”. (Richard Nixon 1978. The Memory of Nixon. London: Grosset and Dunlap, pp. 730, 734). Phải chăng “thời gian nghỉ ngơi này” là ám chỉ đến tia hy vọng nhỏ nhoi của những người đang trên dòng người sơ tán kia vê “chả nhẽ chúng không chừa cả Noel”!
Đêm 12 tháng 12, Chánh văn phòng Nhà trắng Heizman thừa uỷ quyền của Richard Nixon gửi một bức điện cho Kissinger, trong đó có đoạn viết: “Chúng ta cần tránh làm bất cứ điều gì có vẻ như là chúng ta phá vỡ thương lượng một cách đột ngột. Nếu xảy ra tan vỡ thì phải làm như là do họ chứ không phải do chúng ta. Trong bất cứ trường hợp nào, Hoa Kỳ không được chủ động cắt đứt cuộc nói chuyện. Chúng ta cần yêu cầu hoãn cuộc họp để tham khảo thêm”. (Henry Kissinger, 1979. À la Maison-Blanche, 1968-1973. Paris: Ed. Fayard).
Mở cuộc Tổng tập Hồi ký được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề tặng ngày 27.9.2006 đã có dịp kể, đọc lại trang 1149: “Sáng 22 tháng 2, tôi đến trận địa tiểu đoàn 77 tên lửa ở Chèm đang trong tư thế sẵn sang chiến đấu cao. Sau khi nghe báo cáo về chiến công bắn rơi B-52 đêm trước, tôi vào trong xe…. Siết chặt tay từng đồng chí, tôi trao đổi, bàn bạc, động viên các chiến sĩ cố gắng tìm thêm cách đánh tối ưu, diệt thêm nhiều B-52 của địch… Ở một tiểu đoàn tên lửa khác, khi tôi đến thăm, anh em báo cáo là đang phải sửa chữa vũ khí, khí tài. Về sau mới rõ vào thời điểm tôi đến, đơn vị đã có lệnh chuẩn bị chiến đấu. Vì muốn bảo vệ tôi, anh em đã nói dối. Biết vậy, nhưng không nỡ phê bình. Việc này gợi nhớ lại một ngày trước đó, đi thăm một trận địa phòng không thì máy bay địch tới khi xe đang chạy trên đê sông Đáy. Chỉ kịp cho xe dừng lại, tôi và các đồng chí cùng đi nằm ép xuống mặt đường cạnh thân đê. Địch phóng mấy quả tên lửa Srai vào một trận địa tên lửa gần đấy rồi bay thẳng. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Sự việc chỉ có thế thôi mà mấy hôm sau vài hãng thông tấn phương Tây đưa tin tôi bị tử thương vì bom B-52. Mấy nhà báo Pháp đến sứ quán ta ở Paris xin tiểu sử của tôi. Các đồng chí Ba Lan và một số sứ quán ta ở nước ngoài nửa tin, nửa ngờ, điện về hỏi xem hư thực. Sau này tôi còn được biết một số đồng chí ta bị giam cầm, khi nghe tin ấy đã bí mật tổ chức truy điệu tôi trong nhà tù”.
Rõ ràng là, mục tiêu mà Hoa Kỳ đặt ra trong chiến dịch Linebacker II là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng, trong đó phá hủy đến mức tối đa những mục tiêu quân sự chọn lọc tại vùng lân cận của Hà Nội/Hải Phòng. Linebacker II loại bỏ rất nhiều các hạn chế trong các chiến dịch trước đó ở Bắc Việt Nam, ngoại trừ cố gắng để “giảm thiểu nguy hiểm cho dân thường tới mức có thể cho phép mà không ảnh hưởng hiệu quả” và “tránh các khu giam giữ tù binh, bệnh viện và khu vực tôn giáo”. (Marshall L. Michell III, 1997. Clashes: Air Combat over North Vietnam, 1965-1972. Annapolis: Naval Institute Press, p. 271).
Mục tiêu của Linebacker II cũng vẫn là mục tiêu của Linebacker nhưng với cường độ, sức công phá và mật độ lớn đến mức khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ, đồng thời tỏ rõ cho Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Hoa Kỳ đã cố làm hết trách nhiệm bảo vệ Việt Nam Cộng hòa, thay vì rút lui mà không chiến đấu. Cũng trong ngày 14 tháng 12, Nixon gửi một tối hậu thư cho Hà Nội: trong 72 giờ đồng hồ để quay lại ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam. (Chronology: How Peace Went off the Rails. Time, Vol. 101, Issue 1, tháng 1, 1973, 23).
Chính vì cái mục tiêu “không ảnh hưởng hiệu quả” nên cái chủ trương “giảm thiểu nguy hiểm cho dân thường tới mức có thể cho phép” đã dẫn đến, như chính báo chí Mỹ đưa tin, bom trải thảm đã phá sập cả dãy phố Khâm Thiên, sát hại 287 dân thường, làm bị thương 290 người, 178 đứa trẻ trở thành mồ côi, trong đó có 66 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn khiến 30 bác sĩ, y tá và 1 bệnh nhân bên trong thiệt mạng. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2.200 người (George Herring 1979. America’s Longest War. New York: John Wikey & Sons, p. 248) trong đó con số tại Hà Nội được thống kê là 1.318 người (“North Vietnam Says 1,318 Dead in the Raids on Hanoi”, New York Times, tháng 5, 1973, tr. 3). Chiến dịch này đã phá hoại nặng nề nhiều cơ sở vật chất, kinh tế, giao thông, công nghiệp và quân sự ở miền Bắc Việt Nam nhưng mục tiêu cốt lõi là làm thay đổi được lập trường của lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đã không đạt được (“North Vietnam Says 1,318 Dead in the Raids on Hanoi”. New York Times, tháng 5, 1973, tr. 3.)
Như vậy là, theo George Herring, tại chiến dịch này, Hoa Kỳ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ là pháo đài bay B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971. (George Herring 1979. America’s Longest War. New York: John Wikey & Sons, p. 248).
Trong Hồi ký, Henry Kissinger, cho biết ngày 6/1/1973, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris, phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận vào tháng 10/1972.
Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị đình trệ do Hoa Kỳ từ chối ký kết. Hoa Kỳ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này có nghĩa rằng mục tiêu chủ chốt của Mỹ khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II đã tan thành mây khói. Trong cuốn sách Từ Tòa Bạch Ốc đến dinh Dinh Độc Lập (TPHCM: Trẻ, 1990) của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L Schecter có dẫn ra lời của John Negroponte, chuyên viên của Kissinger về Việt Nam: “Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ” (tr. 203).
Vì sao mà phải nhượng bộ vậy?
Từ tháng 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không đặt vấn đề: “Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Sau mấy tuần, câu trả lời đã được đưa ra:
Phương án 1: - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1-2% (trên tổng số B-52 tham chiến của Mỹ);
Phương án 2: - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;
Phương án 3: - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.
Quân chủng Phòng không - Không quân loại trừ Phương án 1, quyết tâm đạt Phương án 2 và vươn tới Phương án 3 và rồi Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu Phương án 3. Trong 12 ngày đêm mùa Đông năm 1972, tỷ lệ B-52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc, Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc).
Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce vào tháng 6/1973 đã nói rõ: “Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất… Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa để hạ máy bay”. (VietNamNet, 03/12/2012)
Để hiểu thêm nhận định này, cần phải nhớ lại bối cảnh cực kỳ phức tạp và tế nhị của Việt Nam trong mối quan hệ căng thẳng Xô-Trung. Mỗi nước lớn đều vì lợi ích của chính họ trước hết. Với sự lèo lái của Henry Kissinger, cuộc đến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon và Thông cáo chung Thượng Hải do Nixon và Chu Ân Lai ký đã mở đường cho Mỹ ném bom Miền Bắc trong bối cảnh sự rạn nứt Xô-Trung trở thành xung đột. Ấy vậy mà Việt Nam phải làm sao có được sự giúp đỡ của cả Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khi mà họ đang là đối thủ của nhau. Chỉ nói đến tên lửa và máy bay của Liên Xô đến Việt Nam một phần lớn phải quá cảnh qua Trung Quốc đã là chuyện tưởng như không thể!
Chỉ nói riêng vũ khí, khí tài quân sự thì thời điểm năm 1972, SAM-2 là loại tên lửa phòng không duy nhất có trong trang bị của quân đội ta. Được sản xuất vào giữa thập niên 1950, đến thời điểm năm 1972, SAM-2 đã tỏ ra khá lạc hậu. Khi đó, Liên Xô đã thay thế loại tên lửa này bằng những hệ thống SAM-4, SAM-5, SAM-6 có tính năng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do chính sách hòa giải với Mỹ, Liên Xô đã không viện trợ những loại tên lửa mới này cho Việt Nam. Một vấn đề khác liên quan là việc hai hệ thống SAM-3 của Việt Nam không kịp tham chiến. Được Liên Xô viện trợ cho khối Ả Rập từ năm 1969 nhưng mãi tới năm 1972, Liên Xô mới đồng ý viện trợ SAM-3 cho Việt Nam. Nên nhớ rằng, chính sách của Liên Xô là ưu tiên khối Ả Rập hơn và không viện trợ vũ khí mới cho Việt Nam để tránh gây căng thẳng với Mỹ, cũng như tránh bị Trung Quốc sao chép công nghệ.
Đấy là chưa nói đến Mỹ đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới để hạn chế tối đa, dẫn đến vô hiệu hóa các vũ khí, khí tài mà quân đội Việt Nam có thể sử dụng để ngăn cản các cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52. Chẳng hạn như, trong cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” năm 1967, Israel đã tịch thu được hơn 20 hệ thống SAM-2 nguyên vẹn của Liên Xô bị quân Ả Rập bỏ lại khi rút chạy, nhờ vậy Mỹ đã nắm được tường tận chi tiết của hệ thống này. Năm 1969, đến lượt một hệ thống radar cảnh giới P-12 của Ai Cập bị Israel bắt giữ nguyên vẹn. Toàn bộ kết quả phân tích cũng đã được chuyển giao cho Mỹ. Như vậy đến năm 1970, các loại radar phòng không chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam đều đã bị Mỹ nắm bắt, và Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả. Với một loạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, không quân Mỹ tự tin rằng hệ thống phòng không của quân đội Việt Nam sẽ không thể chống trả được. Mỹ tin rằng B-52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của phòng không - không quân Việt Nam. Cuộc tập kích của B-52 vào miền Bắc Việt Nam sẽ chỉ như “một cuộc dạo chơi” với tổn thất ở mức tối thiểu!
Hiểu thêm những điều này để càng thấy rõ xương máu của các chiến sĩ và nhân dân ta trong một cuộc chiến không cân sức giữa biết bao những toan tính lợi ích của các nước lớn là đau đớn và uất hận đến thế nào cho thân phận một nước nhỏ trong trùng điệp những mưu mô được khoác ra ngoài những tấm áo sặc sỡ!
Một mặt khác, càng thấy sâu sắc hơn bản lĩnh của con người Việt Nam ta một khi lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc, một dân tộc chưa hề chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực xâm lược nào được khởi động. Có lẽ phải mượn lời Kissinger để diễn đạt ý này: Năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris, Henry Kissinger là quan chức cấp cao Mỹ có chuyến thăm miền Bắc Việt Nam. Người đón ông ta không ai khác chính là Cố vấn Lê Đức Thọ. Đến thăm Bảo tàng Lịch sử, Kissinger được hướng dẫn viên đọc cho nghe bốn câu thơ của Lý Thường Kiệt Nam quốc sơn hà… Sau khi được nghe dịch lại ý bài thơ, Kissinger đã bình luận: “Đây chính là Điều 1 của Hiệp định Paris”. Khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, ông ta đã thốt lên: “Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!”.
Ấy thế mà sau hơn bốn thập kỷ, bóng ma Kissinger lại đang ám ảnh thế giới. ABC News cho biết: “Trump dành sự kính trọng đặc biệt đối với Kissinger và rất cám ơn ông ấy đã chia sẻ ý tưởng với Trump”. Trong thông cáo báo chí về sự kiện, nhóm chuyển giao quyền lực của Trump nói: “Tổng thống tân cử Trump và tiến sĩ Kissinger đã biết nhau nhiều năm và đã có một cuộc gặp lớn. Họ thảo luận về Trung Quốc, Iran, Nga, EU và nhiều vấn đề khác”. Kissinger nói với Tập: “Chúng tôi hy vọng chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung đi lên với cách thức ổn định và liên tục”. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Tập lẫn Kissinger đều bị sốc bất ngờ: Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn! Thế nhưng rồi, Kissinger đã dùng bài diễn văn ở Oslo để mô tả Donald Trump “là tính cách chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ”.
Đừng quên là trước đó, tại Na Uy và trên thế giới đã có nhiều lời phản đối sự hiện diện của ông ta. Theo các báo châu Âu, giới phản đối nhắc lại “các tội ác chiến tranh” của ông Henry Kissinger ở Việt Nam, Campuchia, Đông Timor, và Nam Mỹ. Họ đòi đem ông ra xử thay vì mời đến phát biểu tại Diễn đàn Giải Nobel Hòa bình. “Ông ta cần bị đưa ra tòa, như một tội phạm chiến tranh” Herman Rojas, thân nhân của những nạn nhân thời kỳ độc tài Pinochet tại Chile nói với trang NTB. Còn Richard Falk viết trên trang Global Rearch rằng “Kissinger đã dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến tội ác hình sự của các chính phủ nước ngoài nhằm vào thường dân nước họ…”; “Chính quyền Hoa Kỳ đã tung ra đợt Ném bom Giáng Sinh để gây sức ép lên Hà Nội, và cũng để ủng hộ cho đồng minh tham nhũng ở Sài Gòn thấy là nước Mỹ không từ bỏ họ. Lê Đức Thọ, về phía mình, đã coi việc xấu xa đó [của Hoa Kỳ] làm lý do để không chấp nhận Giải Nobel Hòa bình, trong khi Kissinger thì chấp nhận nhưng cũng không đến dự lễ trao giải”.
Lịch sử đi những bước thật oái oăm. Gần đây, với cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu phụ tá của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mô tả lại những năm cuối của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ông Hưng bày tỏ sự ngạc nhiên rằng một nước dân chủ như Hoa Kỳ lại để một nhân vật như Kissinger gần như làm chủ chính sách với Việt Nam Cộng hòa. Ông gọi đó không khác gì một dạng “độc tài”. Ông nhắc lại một câu của Kissinger về dân chúng miền Nam khi nghe tin Đà Nẵng thất thủ: “Sao chúng không chết phứt đi cho rồi?” (Why don’t these people die fast?) để mô tả tính cách nhân vật này. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết ông có một tập hồ sơ mật của Dinh Độc Lập gồm hàng chục bức thư Nixon gửi cho Thiệu, từ trước hòa đàm Paris cho đến khi Nixon rút lui khỏi Tòa Bạch Ốc.
Đây là những điều mà chỉ có vài ba người biết, ông Thiệu cũng không cho Quốc hội hay Chính phủ Việt Nam Cộng hòa biết. Theo tiến sĩ Hưng, phụ tá cho ông Thiệu và giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch hồi đó, thì chỉ trước khi rút lui, chừng một tháng trước ngày Nam Việt Nam sụp đổ, tập hồ sơ đó mới được ông Thiệu trao cho ông. Tiến sĩ Hưng đã choáng váng bởi ngôn ngữ rất tàn bạo của các lá thư mà phía Tổng thống Hoa Kỳ, mà theo ông là do Henry Kissinger soạn, gửi cho ông Thiệu. Ông cũng nhắc rằng Thiệu rất băn khoăn về những điều bí mật hay thậm chí ép buộc ông ta mà phía Hoa Kỳ nêu ra và còn bắt ông ta không được nói cho ai. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho BBC biết rằng ngay từ năm 1971, khi lần đầu tiên gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và được hỏi là “Giáo sư làm việc nhiều năm tại Hoa Kỳ, vậy người Mỹ nghĩ thế nào về tôi và Việt Nam Cộng hòa” thì được trả lời “Thưa ngài, người Mỹ đã bỏ ngài rồi”.
Theo ông Hưng, khi ấy ông Thiệu đã tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng những gì diễn ra sau đó đã chứng minh rằng quyền lợi của Hoa Kỳ là rút quân và chấm dứt sự dính líu vào Nam Việt Nam, bất kể hậu quả cho chế độ Sài Gòn và dân chúng miền Nam ra sao. Thậm chí, theo ông Hưng, trước đó, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1965 đã chỉ đặt tiêu chí “xây dựng dân chủ, thịnh vượng cho nhân dân miền Nam’ ở mức 10%, so với các mục tiêu lớn hơn là ‘tránh một thất bại làm bẽ mặt cho Mỹ” (70%) và “giữ miền Nam Việt Nam khỏi rơi vào tay Trung Quốc cộng sản” (20%). Ông cho rằng cuộc rút chạy đáng ra có thể được thực hiện tốt hơn, không gây ra đau thương đến như vậy cho hàng triệu người Việt Nam và hàng vạn người Mỹ.
Vậy đó! Và rồi hôm nay, không phải là “bóng ma” mà là một Henry Kissinger bằng xương bằng thịt đọc diễn văn về Hoa Kỳ và hòa bình thế giới sau bầu cử tổng thống ở Mỹ (The U.S. and World Peace after the Presidential Election)! Dư luận phương Tây chú ý đến cuộc gặp của Henry Kissinger với tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây. Sau đó, Kissinger cũng đã đi Bắc Kinh với tư cách thượng khách của chính quyền Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đáng quan tâm là Kissinger luôn được tiếp đón như thượng khách tại Trung Quốc. Ông ta có những bài thuyết trình thu hút nhiều người nghe ở Bắc Kinh, ở Thượng Hải. Và không chỉ thế. Kể từ cuối thập niên 1970 đến nay Hãng tư vấn Kissinger Associates là nơi đại diện của các công ty Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Trung Quốc.
Thế giới bao la, nhưng cũng lại rất chật hẹp để dễ tìm thấy lại những vở kịch bi hài từng chi phối đường đi nước bước của những quốc gia, những dân tộc dưới sự thao túng của một số nhân vật lịch sử sống rất dai mà có lẽ Henry Kissinger là một trong số đó.
Nhắc đến ông ta vì cái dấu ấn tội ác của những mưu ma chước quỷ mà ông ta đã bày vẽ ra in quá đậm trong đời sống của một đất nước phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh kéo dài với xuơng máu của nhiều thế hệ Việt Nam. Mà nhắc đến ông ta cũng là vì ông ta là một biểu tượng của đường lối ngoại giao nước lớn dùng các nước nhỏ như những quân cờ trong cuộc chơi giữa họ. Nên nhớ rằng Kissinger là cố vấn đối ngoại của gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon. Ngay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng là người rất hâm mộ ông ta.
Gợi lên điều này để nói rằng, những ám ảnh quá khứ với những bài học xương máu lại đang len lỏi trong những thách đố gay gắt cho những bước đi tới của đất nước ta hôm nay. Không có một ý chí sắt đá dám đánh và biết cách đánh thắng một đối thủ lớn hơn hẳn mình về tiềm lực quân sự và tài chính và để từ đó mà dám hun đúc một bản lĩnh dũng cảm sáng tạo thì không thể có chiến thắng của Hà Nội mười hai ngày đêm đánh tan cuộc không kích chiến lược B-52 của Mỹ. Đây không là niềm tự hào của riêng ai. Đây là niềm tự hào Việt Nam, của tất cả những người Việt Nam dù trong thời điểm đó hay ngay bây giờ đang trên những nẻo đường khác nhau, đều có thể cảm nhận được điều này.
Câu nói của một nhà văn hóa Pháp, Eduard de Penguilly, người đã nói với tôi trong một hội thảo khoa học tại Viện Xã hội học về “Truyền thống và hiện đại”: “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” thường gợi lên trong tôi những xao động dữ dội mỗi lần nhớ về những kỷ niệm như hôm nay.
Chỉ cần có một sự trung thực tối thiểu đối với lịch sử cũng đủ để hiểu rằng, những phủ định sạch trơn những gì mà trí tuệ và xương máu Việt Nam đã tạo dựng được là một loại tội ác.
Hiềm một nỗi, cũng vì đã có quá nhiều những tội ác từ những nhân vật, những đường lối, chính sách sai lầm phản bội lại sự nghiệp cao cả của những người đã ngã xuống, gây nên sự phẫn nộ ngày càng lớn khiến đã làm phôi pha hay vùi lấp đi niềm tự hào về “khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” đó. Xin nhắc lại một ý đã viết trong “Mênh mông thế sự 57”: “Với những ai từng cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cứu nước càng xúc động nhớ lại quãng đời chiến đấu với những đồng đội đã hy sinh, trong lòng càng dâng trào sự phẫn nộ vì sự nghiệp thiêng liêng của mình đang bị phản bội. “Lòng tự hào, tự tôn dân tộc” nếu có, thì chính là được khơi dậy từ sự phẫn nộ đó”.
Vì, cũng đã có quá nhiều những lời nói dối, những bịa tạc, bịp bợm biến cái giả thành cái thật khiến người ta dễ dàng quay lưng lại với cái thật đích thực! Không lạ khi không thiếu những “sự thật” được đưa ra nhằm chống lại những “sự thật” từng được đóng dấu chính thống đang được những người nhẹ dạ cả tin tung hô mà không cần bất cứ một sự phân tích tỉnh táo, cẩn trọng nào! Và rồi, những quá khích, cực đoan đang mọc lên như nấm sau cơn mưa. Ấy thế mà đối diện với một bối cảnh mới có quá nhiều những sự kiện bởi những kích cỡ quá tầm đối với của những đầu óc xơ cứng bởi những giáo điều ẩm mốc cũng như những thiển cận, nôn nóng cảm tính bốc đồng, lại đang cần một sự tỉnh táo của trí tuệ và bản lĩnh biết nhận ra “trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu do địch gây ra vẫn có thể phát hiện ra được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp: đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52” như các chiến sĩ quan trắc bộ đội phòng không đã “vạch nhiễu tìm thù” để bắn rơi B-52.
Đã quá chậm để thấy ra được những rác rưởi đang làm ùn tắc nhịp chảy của dòng sông cuộc sống. Những đầu óc thức thời phải biết và dám chỉ ra những rác rưởi ùn tắc đó để khơi dòng cho cuộc sống đi tới. Trong tôi bỗng thoáng hiện ra dòng sông Đáy trong vắt chưa bị ô nhiễm của vùng Tế Tiêu quê anh Đào Xuân Sâm, nơi mẹ tôi sơ tán B-52 buổi ấy, nơi tôi đứng trên cánh đồng bên sông lòng quặn đau nhìn về bầu trời Hà Nội cháy đỏ rực bởi đạn phòng không bắn B-52.
Và rồi, cũng những người Hà Nội can trường đó đã vui vẻ, hồ hởi chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama đến ăn bún chả ở phố Lê Văn Hưu cũng như từng thân thiện bắt chặt tay Thượng nghị sĩ Jonh McCain bên hồ Trúc Bạch khi ông đến Việt Nam với tư cách là một người hết mình cho việc lập lại quan hệ bình thường, đòi hủy bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.
Con sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng, mà đâu chỉ một con sông quê đang quằn quại này. Cái giá phải trả cho một công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa hỗn loạn vì sự kém hiểu biết và vì những tật bệnh của một thể chế toàn trị là quá đắt. Đắt đến tàn nhẫn, phi lý, hơn nữa là vô luân. Chẳng nhẽ cứ phải chấp nhận như một định mệnh sao? Rồi ai đó sẽ hạch: “Con sông quê này có Formosa đâu mà cá cũng chết”!
Đúng, rất nhiều những con sông quê hương “nước gương trong soi tóc những hàng tre” không hề cần những Formosa. Những con sông từng tắm mát tâm hồn Việt Nam không thể bị đầu độc mãi được. Những kẻ đầu độc cuộc sống rồi sẽ như rác rưởi nhất thời ứ dồn lên trên mặt nước làm ùn tắc dòng sông cuộc sống nhưng rồi sẽ như những bèo bọt tan đi trong dòng nước cuộn chảy. Chảy đi sông ơi. Tôi nhớ có xem một cuốn phim hay đọc một cuốn sách có cái tên như thế. Vâng, đúng vậy, chảy đi sông ơi!
Ngày 25.12.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...