Nguyễn Quang Duy
‘Make’ có chữ k (ca hay cờ) không phải ‘made’ chữ d (dê hay dờ) nhen các bạn.
‘Make in Vietnam’ là tiêu đề của Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức, tại Hà Nội ngày 9/5/2019 vừa qua, với hơn 1.000 khách mời đại diện chính phủ và doanh nghiệp tham dự.
Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: “Nếu Việt Nam cứ tập trung gia công, lắp ráp, giấc mơ hưng thịnh, hùng cường của đất nước rất khó có thể trở thành hiện thực.”
Qua bài viết trên Trí Thức Trẻ “Góc nhìn lạ đằng sau ‘MAKE IN VIETNAM’ của Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng”(*) có thể hình dung được tiêu đề này thực sự là gì.
Chiến lược mới?
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc và Bộ trưởng Hùng cùng giải thích ‘Make in Vietnam’ như sau: “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất tại Việt Nam.”
Qua lời giải thích này thoáng nghĩ đến trường hợp Facebook. Với ý tưởng kết nối xã hội, chỉ sau 15 năm hoạt động, Facebook đã thống lãnh thị trường truyền thông thế giới với 2,3 tỷ người thường xuyên sử dụng, lợi ích của Facebook bạn đọc hầu như đã rõ.
Facebook do đó là sản phẩm: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Mỹ, Mỹ làm chủ công nghệ và chủ động trong việc phục vụ người sử dụng khắp thế giới (ngoại trừ Trung cộng)”.
Trung cộng chặn Facebook không cho người dân sử dụng, nhưng có mạng xã hội Weibo một sản phẩm: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Trung cộng, Trung cộng làm chủ công nghệ và cho người Trung cộng sử dụng”.
‘Make in Vietnam’ dành cho ai?
Nhưng theo lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì ‘Make in Vietnam’ được chia làm ba nhóm doanh nghiệp khác nhau: (1) sáng tạo (2) thiết kế và (3) sản xuất.
Với nhóm thứ nhất ông Hùng cho biết những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo, theo ông số lượng doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm (tương tự trường hợp Facebook).
Nhóm thứ hai gồm những doanh nghiệp dùng công nghệ đã có sẵn của nước ngoài, về thiết kế lại làm ra sản phẩm, ‘Make in Vietnam’ đa phần nhắm vào đối tượng này.
Việt Nam hiện cũng muốn bắt chước Trung cộng xây dựng mạng xã hội riêng để: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”.
Còn nhóm cuối cùng là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu được chia thành hai nhánh gồm: doanh nghiệp công nghệ ICT truyền thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp... và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ như Vingroup và Viettel.
Chiến lược công nghệ Ấn Độ
‘Make in India’ là một sáng kiến được chính phủ Ấn Độ thực hiện từ tháng 9/2014 với mục tiêu rất rõ ràng là khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: