Ôi, Thiên Nga ở Hà Nội!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Mac Văn Trang

Ôi, THIÊN NGA! 

Chiều qua có việc đi trên đường Nguyễn Du, liếc sang hồ Thiền Quang, thấy khá đông người dạo chơi, ngắm đàn Thiên nga, gợi lên cái gì đó thật mới mẻ, thú vị. Thế là mình liền “ghé dô”, hòa vào không khí thanh bình nơi đây.

Hồ Thiền Quang, nhiều người Hà nội “cũ” vẫn gọi là Hồ Ha- le, đó là do thời Pháp thuộc, con đường này, người Pháp đặt là rue Halais, nên Hồ gọi theo tên phố. Nay đường Nguyễn Du càng trở nên thơ mộng bởi Hồ Thiền Quang xinh đẹp có đàn Thiên nga bồng bềnh và thoang thoảng mùi hoa sữa mỗi khi se lạnh mùa Thu - Đông tới...

Mình đi nhiều nước châu Âu, đến các sông, hồ vào mùa hè thường thấy rất nhiều Thiên Nga, Vịt trời, Hải âu... tự nhiên, rất thích thú. Mùa đông khi tuyết băng bao phủ, chúng thường di trú về nơi ấm áp, khiến cảnh càng thêm lạnh lẽo, vắng lặng...

Nhớ buổi tối tháng 5, đi dạo cùng ông bạn ra bờ sông Du-Nau ở Viên (Áo) thấy Vịt trời, Thiên Nga cứ nằm ngủ la liệt trên bờ sông, liền tò mò đến gần xem đám Thiên nga ngủ nghê thế nào, thế là bị nó đuổi. Hóa ra ban ngày rất thân thiện với người, nhưng lúc ngủ nó không muốn bị quấy rầy, hay cũng cảnh giác...


Ngắm đàn Thiên nga ở Hồ Thiền Quang đang tung tăng, thấy vui vui, “ừ nhỉ, mình cũng chẳng kém gì Tây”! Mấy người đang vẫy vẫy đàn Thiên nga và chụp hình. Mình cũng giơ máy lên, thì thấy đàn thiên nga như đang sợ hãi vội bơi nhanh đi...

Nhìn ra thì thấy có người đang đi xuồng máy lùa bọn chúng. Mình hỏi một bác ngồi câu cá, bác bảo:

- Hết giờ rồi thì bảo vệ phải lùa về chuồng thì mới trông được chứ. Ối dào, có mấy con ngỗng trời, nghe đâu mua mãi bên Tây về nuôi, tốn kém bỏ mẹ. Hồi mới đầu, phải mấy chục người canh gác suốt ngày đêm, nay thì, đâu chỉ còn hai bảo vệ ngày, hai bảo vệ đêm...

- Bảo vệ khỏi bị kẻ xấu bắt trộm, nhưng bảo vệ sao được, khi nó bay đi mất?

- Ô hay, người ta phải có biện pháp khóa cánh để nó vỗ cánh mà không bay lên được, chứ để nó tự do thì có mà giống anh đi mua vịt giời à?

Chắc đàn Thiên nga đã được huấn luyện quen rồi, nên người bảo vệ cứ cho xuồng chạy chầm chậm phía sau là chúng ngoan ngoãn bơi về phía “chuồng”. Khi chúng qua “cổng”, người bảo vệ kéo “cổng” lên và chúng bị nhốt trong đó.


Á khẩu với đề Văn 2018

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


(Phiên bản: dao_hoa_daochu)

Chu Mộng Long

Á KHẨU VỚI ĐỀ VĂN 2018

Mấy ông bà hiểu biết về văn chương đang á khẩu với câu 1 của phần Làm văn: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay”.

Anh Đỗ Ngọc Thống và chị Trịnh Thu Tuyết nói, nếu học sinh không bị nhồi sọ bởi sự quanh co dối trá, cứ luận thẳng tuột rằng, tiềm lực đã hết, chất xám bị chảy máu, tài nguyên bị xâm chiếm, tàn phá và vét sạch, còn đâu mà đánh thức, liệu có bị điểm liệt không?

Tôi nghĩ, không chỉ bị điểm liệt mà còn bị nghi ngờ, theo dõi, kết tội như là thù địch, phản động.

Có kết tội tôi thì tôi vẫn nói to: Chỉ có thể đánh thức tiềm lực rác thải!

Riêng tôi á khẩu luôn với câu 2: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”.

Trước đấy, bà xã tôi có cho xem mấy đề thi thử trước khì thi. Đề ra theo dạng so sánh. Chẳng hạn, so sánh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa với Liên trong Hai đứa trẻ để thấy được cách nhìn hiện thực và nhân đạo của Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam; hoặc so sánh bức tranh thiên nhiên trong Tây Tiến với thiên nhiên trong khổ thơ cuối của bài thơ Tràng giang để thấy được cái nhìn thẩm mỹ của Quang Dũng so với Huy Cận…
Lúc đó, tôi không á khẩu mà á đù. So sánh con bò với con vịt để thấy sự khác nhau, rằng thì là bò có bốn chân, còn vịt thì có hai chân?

Lại chợt nhớ có đề tài khóa luận cho sinh viên mà tôi từng ngồi hội đồng: So sánh những đứa trẻ trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách với chị em Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Tôi không thèm đọc. Khi ra hội đồng, tôi chỉ hỏi: có phải những đứa trẻ trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đi theo cách mạng, còn chị em Liên trong Hai đứa trẻ chưa đi theo cách mạng không? Y chang. 

Năm trước lại có đề tài luận văn thạc sĩ: So sánh Cho một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh và Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain. Tôi không ngồi trong hội đồng nhưng theo dõi từ đầu đến cuối trên màn trình chiếu. Rằng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh viết bằng tiếng Việt, còn tác phẩm của Mark Twain viết bằng tiếng Anh. Nhân vật trẻ em của Nguyễn Nhật Ánh nói tiếng Việt và có tâm hồn Việt, còn nhân vật trẻ em của Mark Twain nói bằng tiếng Anh và có tâm hồn Mỹ. Sau đó tác giả có so sánh về hiện thực thế kỷ thứ 19 và hiện thực thế kỷ 20, 21, so sánh hai thể chế tư bản và xã hội chủ nghĩa. Y chang như dự đoán.

Đặc khu Vân Đồn và bài báo của Tân Hoa Xã

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đọc một bài báo không chỉ là đọc nội dung bài báo. Mà nếu để ý chúng ta sẽ biết được nhiều điều đằng sau bài báo đó. Đơn giản là mỗi bài báo đều có một tiểu sử, một lịch sử riêng của nó.

Đọc bài báo chúng ta còn biết được người viết báo và toà soạn báo. Biết tác giả hiểu đề tài tới đâu, tại sao tác giả lại viết, và tại sao toà soạn lại chọn đăng đề tài đó và bài đó trong vô số đề tài khác nhau và có thể viết bằng các hướng khác nhau.

Đăng đề tài đó thì có lợi gì, và cho ai? Toà soạn báo càng uy tín thì càng nghiêm ngặt trong việc chọn đăng bài. Vì vậy mỗi bài báo họ đăng đều có một thông điệp đằng sau đó chứ không hẳn là chỉ đăng tin.

Mỗi bài báo cung cấp một góc nhìn khác nhau đối với một sự kiện, mà đôi khi để hiểu hết sự kiện đó chúng ta cần đọc nhiều bài báo khác nhau, đặt trong các bối cảnh, để từ đó mới có một góc nhìn đầy đủ. Và nếu chỉ có đọc một bài báo thì nếu suy xét chúng ta sẽ vấn vương với nhiều dấu hỏi. Vì vậy mà đọc một bài báo còn giúp người đọc đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu hơn về sự việc.

Riêng với bài báo của Xinhua (Tân Hoa Xã) về đặc khu Vân Đồn, chúng ta trước hết đọc nội dung bài báo rồi sau đó sẽ là lời bình. Nội dung của bài báo Xinhua để trong phần Phụ lục dưới cùng (1).

Tại sao chúng ta lại để tâm tới Xinhua? Đơn giản là vì Xinhua là cơ quan truyền thông lớn nhất và ảnh hưởng nhất của Trung Quốc. Nó là một tờ báo và một cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch của Cơ quan Thông tấn Xinhua là một Uỷ viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xinhua là một cơ quan cấp bộ trực thuộc chính quyền trung ương của Trung Quốc. Xinhua có trang web chính là www.news.cn/english, và có ba cơ quan trực thuộc là Reference News (là tờ báo phổ biến chủ yếu trong nội địa), CNC World (là tờ báo tiếng Anh), và xinhuanet.com (là tờ báo đăng nội dung về đặc khu). Nói như vậy để thấy tin đăng trên xinhuanet là một tin được duyệt xét kỹ, tuân theo kỉ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc, có uy tín, và chắc chắn là có một thông điệp nghiêm túc chứ không phải đơn thuần là thích thì đăng.


VỀ NỘI DUNG

Bài báo đăng ngày 9/12/2016, tức cách đây gần 2 năm, gồm có 6 đoạn và nội dung chính của 6 đoạn lần lượt như sau:


1. Cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây đặc khu Vân Đồn, phía bắc tỉnh Quảng Ninh, trước năm 2030, theo báo chí trong nước.


2. Quảng Ninh đã huy động được gần 1,8 tỉ đô-la Mỹ để đầu tư vào hạ tầng. Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng cơ quan quản lý đặc khu Quảng Ninh, được báo Tuổi Trẻ trích lời, nói.


Tường trình buổi làm việc với an ninh A87 ngày 19/6/2018

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Một mình Đào Tiến Thi tự viết biểu ngữ, biểu tình một mình ở chợ cóc gầm cầu gần nhà.

Đào Tiến Thi
19 - 6 - 2018

TÔI ĐÃ PHẪN UẤT

Chiều nay (19/6/2018) tôi được hai em A87 (An ninh Văn hoá - Thông tin - Truyền thông) mời gặp. Cũng xin nói luôn là từ nhiều năm nay, tôi thuộc diện “quản lý” của họ, nên đã thành định kỳ, khoảng 3 - 4 tháng họ lại gặp tôi một lần, để làm gì thì tôi cũng không rõ lắm. Lần này chưa “đến kỳ” nhưng vì có cuộc biểu tình một mình của tôi hôm nọ và do “tình hình phức tạp” nên họ cần gặp. 


Mở đầu tôi nói luôn: “Mọi lần anh vẫn sẵn sàng gặp các chú khi các chú mời, với cả hai tư cách: tư cách của công dân đối với cơ quan chức năng (tư cách chính) và tư cách người “quen” khi các chú mời uống nước, trò chuyện (tư cách phụ). Tuy nhiên lần này anh đang rất bức xúc và thấy không có gì để nói với Đảng này, Nhà nước này nữa, cần bắt anh lúc nào thì cứ bắt thôi, cái này anh sẵn sàng chấp nhận từ lâu rồi (tôi đọc lại câu “Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy/ Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn” - 2 câu thơ của Phan Châu Trinh mà tôi lấy làm lòng và đã đọc cho họ nhiều lần), vậy hôm nay chỉ còn do nể mà anh tiếp các em ở tư cách thứ hai thôi”. 

Các em bảo: “Anh hãy bình tĩnh lại, chúng em rất lắng nghe ý kiến của những người như anh”. 

Tôi nói (đại ý): “Các em lắng nghe nhưng ở chính cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước có lắng nghe đâu. Luật Đặc khu (ĐK) đầy nguy hiểm cho an ninh đất nước còn Luật An ninh mạng thì vi hiến và có hại cho sự phát triển, nhưng dân phản đối đến thế mà vẫn cố tình bắt ép Quốc hội thông qua (đến nay một cái chỉ tạm dừng, một cái đã thông qua), lại còn đàn áp dã man các cuộc biểu tình. Kinh khủng nhất, tởm lợm nhất là dùng truyền thông để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ những người yêu nước. Bất cứ ai phản đối cũng trở thành “phản động”, “thế lực thù địch”. Xin nói với các em là: thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân bỏ tù, đày biệt xứ hoặc đưa lên máy chém hàng nghìn người nhưng chưa bao giờ họ vu cáo, bôi nhọ những người yêu nước, người cách mạng cả. Nhà cầm quyền dùng truyền thông để vu cáo, bôi nhọ người yêu nước với mục đích gì ngoài việc gieo rắc sự sợ hãi để cuối cùng 2 luật được thông qua?”

Các chú phân trần: “Biểu tình là quyền công dân. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đi biểu tình đều tốt. Vụ Bình Thuận là vụ phá hoại, trong đó có thế lực xấu xúi giục…”. 

Cả nước xuống đường ngày 10/06/2018

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Bauxite Việt Nam tổng hợp

Lần đầu tiên sau 43 năm có một sự kiện Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Hà Nội, Nghệ An… đều đồng loạt cất vang “Không Trung Quốc, Không đặc khu!”, “An ninh mạng, Bịt miệng dân!”. Đây mới thật sự là ngày “thống nhất đất nước” và ngày mà người dân thật sự được “giải phóng” bằng sự giải phóng chính mình khỏi nỗi sợ hãi chế ngự bám chặt trong trí não hàng chục năm. Đây cũng là ngày mà chế độ phải sửng sốt trước những hô vang “Đả đảo bọn bán nước”, “Đả đảo cộng sản bán nước”, “Đả đảo Việt gian”. Lần đầu tiên, người dân đã đàng hoàng và đầy dũng khí gọi đích danh những kẻ rắp tâm luồn cúi ngoại bang và manh nha đưa voi về dày mả tổ. Đây sẽ là ngày mà chế độ nhận ra một thực tế: họ bị mất niềm tin nhiều như thế nào. Họ cũng phải thừa nhận một “thách thức” mà họ vĩnh viễn không bao giờ đạt được: “Bán nước” không dễ chút nào. Xin cám ơn tất cả cô bác và anh chị đã xuống đường ngày hôm nay. Xin cám ơn những giọt mồ hôi, và cả máu, đã đổ xuống ngày hôm nay. Xin nghiêng mình cám ơn tất cả!

Mạnh Kim

1. Từ biểu tình trên mạng đến biểu tình trên đường

(Cảm nghĩ về cuộc Tổng Biểu Tình toàn quốc ngày 10/6/2018 phản đối thông qua Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh Mạng)

Hoàng Hưng

Suốt từ chiều thứ Bảy 9/6 cho đến trước 8 giờ 30 sáng 10/6/2018, trên con ngựa sắt già rảo nhiều vòng quanh các khu vực trung tâm Sài Gòn, nhìn lực lượng an ninh dày đặc hàng ngàn người cùng hàng trăm xe bắt người, hàng trăm rào thép gai lưu động rải khắp các ngã tư trong vòng bán kính hàng cây số quanh trung tâm, những quảng trường và nhà hàng vắng ngắt, những bãi gửi xe đóng cửa… tôi không tin là có thể nổ ra biểu tình, dù là nhỏ!

Vậy mà, khoảng 8:30, phép lạ xảy ra! Các nhóm bắt đầu tập họp theo một mật lệnh nào đó! Nhóm trên đường Nguyễn Du bắt đầu di chuyển và lực lượng trấn áp lao vào xô đẩy trong tiếng còi rít điên cuồng! Trong khi đó, nhóm đứng trước tượng Đức Bà bắt đầu giơ lên những khẩu hiệu, bích chương nhỏ trong tiếng hô “Get out, China!”, “KHÔNG đặc khu, KHÔNG an ninh mạng!”, “Cho thuê đất là bán nước!”… Chạy ra vòng ngoài, thấy ngay nhóm đứng trước Diamond Plaza trên đường Lê Duẩn giơ biểu ngữ và hô khẩu hiệu còn khí thế hơn nữa, giọng một phụ nữ xướng lên rất hùng tráng!

Tôi càng không thể ngờ từ những nhóm nhỏ ấy, đã hình thành các đoàn biểu tình lớn kéo đi dọc nhiều đại lộ, qua Dinh Độc Lập, Lãnh sự quán Mỹ… và chỉ chịu bị chặn gần Lãnh sự quán Tàu Cộng trước hàng rào kiên cố của cảnh sát và luỹ thép gai.

Lên mạng, càng bất ngờ khi biết ở nhiều nơi khác trong thành phố như công viên Hoàng Văn Thụ kẹt cứng đường vào sân bay, và rất nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang… cả những nơi chưa từng biết đến biểu tình như Phan Rí… đều nổ ra biểu tình. Mãi cho đến… bảy giờ tối, trong khi tôi viết những lời này, tiếng hô vẫn vang lừng trên mạng từ Phan Thiết, Phan Rí, Sài Gòn! Vậy là lần đầu tiên sau 1975, có cuộc TỔNG BIỂU TÌNH TOÀN QUỐC kéo dài suốt ngày, gồm hàng vạn người!

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: ĐỒNG Ý LÀ BÁN NƯỚC !

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Trần Thị Thảo
31-5-2018

Hơn 8 giờ sáng hôm nay ngày 31/5, tôi sang thăm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đồng thời hỏi ý kiến của cá nhân cụ về việc chính phủ cho thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất 99 năm ở mỗi đặc khu này để xem cụ đánh giá như thế nào.

Để cho khách quan và minh bạch, tôi mời cả chị giúp việc đồng thời cũng là người cháu họ xa với cụ ra cùng nghe. Rất chậm rãi cụ Vĩnh nói :

" Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với việc thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất 99 năm với 3 nhận định như sau :

- Vị trí của 3 đặc khu vô cùng quan trọng, với 3 vị trí rải đều trên phần lãnh thổ VN cả mặt Đông Bắc, mặt Đông và mặt Tây Nam như vậy thì quốc gia nào thuê 99 năm đều có thể khống chế được toàn bộ vùng đất, vùng trời, vùng biển của VN.Đặc biệt là Vân Đồn. 

- Trước khi đưa ra kế hoạch này thì người hoạch định nó đã có tính toán kĩ càng về giá trị kinh tế, quốc phòng,...chưa? Có công khai cho toàn dân biết và đã lấy ý kiến của dân chưa? Nếu chưa thì đó là việc làm khuất tất. 

- 99 năm nữa thì những người quyết định cho thuê đất 99 năm đã chết từ lâu rồi, vậy ai là người chịu trách nhiệm nếu 3 đặc khu đó làm ăn không hiệu quả hoặc cả 3 đặc khu đó vĩnh viễn rơi vào tay nước khác.

- Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người đồng ý thì đều là những kẻ bán nước."

Cám ơn cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, một trái tim nhân hậu, một người con của dân tộc VN vô cùng yêu quê hương đất nước và căm ghét giặc ngoại xâm. Kính chúc cụ sống thật lâu để đóng góp thêm nhiều tiếng nói chính trực cho sự trường tồn của đất nước.


(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)