PGS.TS. Bùi Hiền. Ảnh: internet. |
(Chu Mộng Long)
Ba ngày nay tôi bận công tác tận biên giới Việt - Cam, không theo dõi mạng được. Trước đó tôi đã thấy một bạn share bài viết của PGS.TS. Bùi Hiền, tôi chỉ cười vì... không lạ.
Trong Hội thảo Ngôn ngữ ở Việt Nam - hội nhập và phát triển tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, vào buổi sáng tại phiên thảo luận chung ở Hội trường 13, có một PGS hói đầu không được ban điều hành chọn báo cáo chính thức đã đứng lên phát biểu về việc cải tiến chữ quốc ngữ để hội nhập và phát triển. Lý do đúng như bài viết của ông Bùi Hiền. Tôi bật cười, vì đây không phải lần đầu tôi được nghe giới ngữ học ở Việt Nam đề xuất.
Buổi chiều, tại tiểu ban ở Hội trường 13, PGS.TS. Lê Đức Luận (ĐH Đà Nẵng) nhắc lại ý kiến của vị đại biểu buổi sáng về sự cấp thiết cải tiến chữ quốc ngữ “để hội nhập và phát triển”. Tôi không nhịn được nên đã đứng lên phản bác thẳng thừng. Tôi bảo đó là sự hồ đồ, thiếu hiểu biết của không ít “chuyên gia” ngôn ngữ học ở Việt Nam.
Một là, ngôn ngữ, dù là âm thanh hay chữ viết, đều là khế ước của cộng đồng, không cá nhân, thậm chí là nhóm người thiểu số nào, có thể áp đặt một cách duy ý chí. Đến mức quyền lực to như cụ Hồ cũng không thể áp đặt. Bằng chứng: cách viết gi thành j, c thành k, ph thành f, d thành z… của cụ thời đó cũng không ai học tập và làm theo. Ngay cả yêu cầu thuần Việt hóa từ Hán Việt như “nữ ca sĩ” thành “người hát gái”, “nhà hộ sinh” thành “xưởng đẻ”, “phi công” thành “giặc lái”… của cụ cũng chỉ là trò cho thiên hạ mua vui.
Hai là, vì ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng và ký hiệu tồn tại có tính hệ thống, cho nên mọi sự thay đổi, dù nhỏ nhất, đều có thể gây rối loạn cả hệ thống và khó có thể được cộng đồng chấp nhận. Sự thực là chỉ thay mỗi y với i mà gần nửa thế kỷ nay vẫn không thống nhất được. Cho nên, đối với ngôn ngữ, một cải tiến dù hợp lý cũng có thể gây khó khăn trong giao tiếp, đặc biệt là tạo ra sự đứt gãy về tri thức và văn hóa. Đó là lý do, mọi nỗ lực của cha ông ta từ chữ Hán chuyển sang chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ như hiện nay phải trải qua hàng thế kỷ và phải trả giá rất đắt. Các văn bản chữ Hán và chữ Nôm cả ngàn năm của cha ông đã và đang trở thành kho tàng bí mật và mai một không thể cứu vãn. Sự thay thế chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ là tình thế bất đắc dĩ với nhu cầu thoát Hán triệt để để có được độc lập, nhu cầu đại chúng hóa giáo dục để nâng cao dân trí, kể cả nhu cầu hội nhập để phát triển.