Cũng may là họ không phải đi theo đường xá gì cả.
“Nếu không thì còn phải căn cho nó đi trúng đường.” Đầu gối vẫn còn rát, anh vừa gà gật nhìn hai mái bờm màu hung nâu chẻ ngôi giữa của con ngựa - không phải con khốn nạn hôm qua - với hai cái tai màu sậm hơn, nhú lên không đều nhau, meo méo, mộc nhĩ, ở đầu cùng phía trước - đã có lúc, chắc do nhịp điệu và cảnh vật cứ đều đều, và để mắt lâu ở chỗ hai cái tai ấy, anh đã nghĩ là mình đang cưỡi một con chó, rồi lại giật mình về chuyện cưỡi chó, rồi mới lại nhớ ra.
Thỉnh thoảng gặp chỗ có nhiều đá sỏi, anh có cảm giác như bốn chân con ngựa này làm bằng gỗ - loại gỗ vẫn dùng làm mõ, - và rỗng ở bên trong, vì tiếng vó ngựa đập xuống đất nó kêu “bóc bóc...” anh nghĩ là hệt như tiếng gõ vào “ống mõ” như thế; còn nói chung, thì địa hình họ đang đi qua không nhiều chỗ “gõ mõ” mà chủ yếu là đất màu be, bạc bạc, lớp đất mặt có nhiều bụi xốp, nên bụi mù mịt; cỏ, chủ yếu là cỏ túm, cỏ cao, mọc lác đác, thưa thớt; nhìn khắp tầm mắt về mọi phía đều thấy đường chân trời bị chắn bởi những dãy không thể gọi là đồi vì thành dãy, thành rặng, chứ không phải từng quả, mà cũng không thể gọi là núi vì chỉ thấp như đồi và căn cứ vào so sánh với bề mặt đang đi thì hình như chúng đều bằng đất cả, giống như đồi.
Họ đi theo kiểu định hướng, bằng cách nào đấy, của cô trinh sát. “Chắc giống như lái tàu trên biển”, anh nghĩ. Và cũng phải mất đến nửa ngày, họ mới có thể bắt đầu tăng tốc dần cho đến lúc đúng là đi ngựa thật chứ không phải giống như cưỡi bò - vì phải chờ cho anh “quen mông”.
Đầu tiên là không còn nhìn thấy mặt trời; thêm một lúc thì nhìn thấy ở trên “ngọn” những dãy núi đất bao quanh tầm mắt một lớp mờ mờ và có vẻ động đậy giống như sương phủ, cùng với cảm giác lạnh - có thể là lạnh thật, nhưng có thể hơn là do mọi thứ ngoại cảnh này có vẻ “lạnh”. Bầu trời bỗng như sà xuống thấp, rồi bóng tối chụp xuống, giống như có ai đậy xuống một cái vung. Những rặng núi đất hiền lành bỗng trở thành núi non trùng điệp, núi thật. Bóng tối đặc dần, anh chợt thấy trong lòng xuất hiện một cảm giác lạc lõng, đơn độc, yếu ớt, và chới với, níu kéo... không biết phải diễn tả thế nào cho chính xác.
Trước anh chưa bao giờ bị như vậy, và bắt đầu ngay từ hôm đầu tiên, chuyện này đã luôn như thế, ngày nào cũng như thế, không hề thay đổi, không hề thuyên giảm. Đúng vào một lúc anh đang nhăn nhó - không biết có biểu hiện ra ngoài mặt hay không - vì vừa khó chịu trực tiếp, vừa khó chịu vì khó hiểu, thì thấy chàng xạ thủ thúc ngựa vọt lên, thoáng cái đã đuổi kịp cô trinh sát, trao đổi nhanh một điều gì đó, rồi ghìm ngay ngựa lại.
Dừng lại thì nghe rõ tiếng những con ngựa thở phì phì.
Tay trái mở bao súng dài, tay phải rút súng, nhảy xuống, đưa súng lên vai, lăm lăm tiến hơi chênh chếch về phía bên trái so với hướng mà họ đang đi, thoáng cái đã hòa lẫn vào bóng tối - một loạt các động tác thuần thục, uyển chuyển, liên tục, và cả song song; anh có cảm giác rõ ràng chàng “Công tước” bộ đội là một con thú săn mồi, đã được sinh ra cùng với những chuyển động bản năng ấy.
“Gió thổi... có mùi bắn giết.” Cô trinh sát thì thào.
Chờ đợi lâu nhưng anh hiểu là thực sự không lâu lắm, rồi có tiếng huýt sáo không lanh lảnh nhưng rành mạch trong đêm tối. “Đi .” Cô trinh sát bảo.
Vượt qua một mỏm núi đất quành ra ở phía bên tay phải, thì họ nhìn thấy ở phía trước, sâu trong bóng tối đen kịt, có bốn, chính xác là năm, đốm lửa lập lòe: ba đốm là là dưới thấp, hai đốm lơ lửng trên cao, cách lên một quãng và hơi chếch sang phải, hai đốm trên cao gần như chập vào nhau.
Có một chiếc xe quân sự bị đổ, bụng chênh chếch hướng tám cái bánh xe lên trời, những chỗ còn cao su đang cháy. Lúc xuống ngựa và bước lại gần, chân anh vấp phải một thứ mềm mềm. Trong ánh sáng bập bùng leo lét, anh nhận thấy đấy là một cái xác, mặc quân phục giống như của cô trinh sát. “Công tước” đang lom khom trước một cái xác khác, màu đen đen, mặc dù ở gần ngọn lửa hơn.
Có tiếng rên khẽ.
- Vẫn còn sống? - Anh giật mình. Hóa ra cái xác của “Công tước” còn chưa phải là xác. Tối và sấp bóng nên lúc lại gần anh cũng chỉ nhận thấy một lùm vải đen đen, chắc có một ít sọc hơi sáng màu hơn, quấn kín ở trên đầu, hình như phủ cả phía sau gáy, rồi liền luôn với cổ áo van vát trông như quàng khăn phu la, nhưng dày hơn; sống mũi gân guốc, hàm râu quai nón vệt đen rậm rì.
“Công tước” vừa làm gì đó với “cái xác”, vừa chỉ con ngựa, bảo cô trinh sát: “Gỡ đồ ra.”
Hình như cô gái định phản đối, rồi lại thôi, nhưng có vẻ rất khó chịu, nhưng chỉ làm một động tác giống như là phẩy tay. Cũng tự tay cô cẩn thận buộc con ngựa vào chỗ đầu chiếc xe tám bánh.
Các cô - cô trinh sát có vẻ rất khoái ngủ trong chiếc túi ngủ giống như cái kén tằm của dân leo núi - hình như đều đã ngủ yên cả. Đêm ở đây giống như yên lặng tuyệt đối, có thể vì đất đai cằn cỗi, lại nhuốm mùi chiến sự, nên côn trùng không sống. Và chắc phải còn có điều gì đấy cộng thêm vào nữa, cho nên kiểu im lặng này rất lạ, và anh đã nhận ra ngay từ chặng nghỉ đêm từ hôm đầu tiên.
- Địch quân đấy. Khó sống, nhưng mà... không thể không làm thế. - Dường như đoán được ý nghĩ của anh, mặc dù ý nghĩ đấy đã không hề được nói, hay là biểu hiện ra, “Công tước” chợt nói, vẫn ngồi bất động, đăm đăm nhìn vào ngọn lửa.
- Nhưng tự tay y chắc chắn cũng đã giết... - anh hơi lưỡng lự, rồi quyết định “huỵch toẹt” ra một thứ cụ thể trọc lóc nhất, thoáng liên tưởng đến một tình tiết đã đọc, của Kim Dung hoặc Cổ Long, - và chỉ cần y bò được lên lưng ngựa, y có thể nhờ đó mà sống sót, rồi, ai biết, một hôm nào đó như bao hôm nào, có thể chính tay y sẽ... - anh lóng ngóng xòe xòe hai bàn tay, - y sẽ...
- Hoàn toàn có thể thế. - “Công tước” vẫn nhìn ngọn lửa, hơi dướn mày, giơ bàn tay phải làm thành hình khẩu súng lục, để bất động, rồi khẽ giật nhẹ một cái, rồi tự mình nhắm mắt, ngật đầu xuống trong một cử chỉ kịch tính, rồi lại nhìn vào ngọn lửa như cũ. - Nhưng ngay cả thế, thì cũng không phải vì thế... bản chất không phải vì thế.
- ...
- Như người ta hay nói con người hủy hoại thiên nhiên. Nói thế là sai. Người cũng là một phần của thiên nhiên, sao lại tách ra? Trong thiên nhiên có người, nên người có làm gì thì bản chất cũng là thiên nhiên đang tự vận hành theo những quy luật của nó.
- ...
- Người chặt cây, người bắn người... Cháy rừng, chiến trận... - Vẫn ngồi nguyên như cũ, “Công tước” chỉ chỉ ngón trỏ tay phải lên trời - Có những quy luật nào đó chi phối tất cả.
- ...
- Chẳng biết là quy luật gì. Nhưng quy luật, thì sẽ dựa trên những thứ đúng. Chiến trường, thì phải giết. Người chết, thì phải cứu.
- Nhưng ở chỗ đấy...
- Nếu y có súng trong tay, và còn đủ sức bắn, thì sẽ giết nhau. Nhưng y như thế... không phải chiến trường...
“Ở chỗ đánh nhau, ngoài bãi chiến trường ngoài kia, chúng tôi đã thấy đủ cả: dằn vặt, bộc phát, hỉ, nộ, gào khóc, thậm chí nhiều người gần như phát điên; chỉ riêng cậu ta, lúc nào cũng nhẹ nhàng... không phải lạnh lùng, lì lợm đâu: loại đấy cũng có, nhưng rồi cũng đều có lúc bùng nổ cả; còn cậu ta lúc nào cũng nhẹ nhàng như không.”
“Ừ, chiến trường cũng chỉ là một trong những hình thức của cuộc sống. Trong cuộc sống thường nhật có những người mòn mỏi, bất an, mâu thuẫn, bấn loạn, có những người sâu sắc, tự tại, thì ở chiến trường cũng thế thôi. Có điều cái hình thức này... Không hiểu sao có mấy thằng nổ công đốt đít cứ hay lảm nhảm: “Thương trường là chiến trường”... Có ai mê mải ra chiến trường với niềm đam mê giống như Henry Ford đi làm ô-tô không? Con người bình sinh dường như đều sợ nhất là cái chết vật lý. Mà ở đây là điều kiện cảm nhận cái đấy một cách hiện hữu nhất...”
“Tiếc... mà có thể ngược lại - mừng, là mọi người nói chung chỉ nhìn thấy thân thể vật lý, nên không nhìn thấy được những cái chết khác. Họ không giống như...” Anh khẽ thở dài, nhưng có thể không khẽ, có thể là ở đây im lặng quá, cũng có thể không chỉ mắt mà cả tai lính bắn tỉa cũng tinh quá, nên ánh mắt “Công tước” đột ngột dứt khỏi ngọn lửa mà tưởng nó đã bị buộc vào đấy, quay về phía anh, một thoáng.
- Nếu là anh, anh có để con ngựa lại không?
(Còn nữa)
Đã có 2 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...