Xung quanh có nhiều tiếng cười, tiếng xì xầm, đa số “nội bộ” thôi, nhưng cũng có một số, có thể khó nén thật, có thể cố ý, chỏi hẳn lên, và ngay cả có không chỏi lên, không nghe thấy, thì cũng không khó đoán được nội dung: lởm, ra điều, thể hiện, hồng tím tàu, ngẫn, khoe hàng… dĩ rồi.
Đào Phò đã bặm môi lại, rồi vỗ bàn tay phải lên đùi, nhẹ nhưng dứt khoát. Nhưng lúc đấy Phi Long đã đặt nhẹ tay lên vai chàng ta, và đứng lên, từ tốn, vẫn nét cười ấy trên môi. Tất nhiên có nhiều ánh mắt sẽ tập trung vào anh, và anh quay ngay về phía họ, rồi thong thả đi tới chỗ một khoảng nền nhà bằng gỗ được làm hơi cao lên, ở chân bức tường phía đối diện: ở trên “sân khấu” đấy có mấy cái chân mi-cờ-rô, một số thiết bị trang âm, và một cây đàn dương cầm. Cả bọn - cả thằng bé, ai trái chiều thì khoác tay lên thành ghế, đều ngồi xoay cả về hướng đấy. Thằng bé tò mò và hớn hở; Đào Phò nhìn xuống đất, chân mày dướn lên, hai ngón tay bấu bấu vào đấy, miệng cười cười, có lẽ đang đoán già đoán non; Chim Xanh nhìn hút theo Phi Long, mắt đắm đuối; Đim-ma ngồi dựa hẳn về phía sau, cặp mắt điềm tĩnh chăm chú quan sát, “nghiên cứu” khắp cả gian quán, dừng lại ở Chim Xanh một lát, có vẻ rất muốn cười hẳn lên, nhưng kìm lại, nên mũi hơi phổng lên, rồi quay về phía Phi Long, chờ đợi; Nhật Linh loay hoay sửa lại chỗ ngồi cho mình với thằng bé để dễ xem hơn; Lan Cải ngước mắt mơ màng: “Ánh trăng đi Phi Long ơi!”
Những âm thanh thánh thót, rời rạc, vừa thong thả ngân lên thì Đào Phò đã quay lại nhìn khắp cả mọi người, cười nửa miệng, mắt long lanh, vẻ thích thú lắm; Đim-ma thì khẽ giơ hai tay lên; còn Lan Cải, cô dựa hẳn người vào bên cửa sổ, mắt ngước lên, đầu lắc lắc.
Lúc Lan Cải bảo “Ánh trăng đi…” thì một cách tự nhiên tất cả đều đã nghĩ đến Beethoven, Phi Long cũng hay thích chơi bản đấy.
Và đây đúng là “Ánh trăng”, nhưng lại là “Ánh trăng” Debussy, bản này chưa bao giờ thấy anh chơi.
Phải rồi, Phi Long có thể chơi “Ánh trăng” Beethoven, hay bất kỳ một bản cổ điển nào đó, Mozart, Chopin..; và nhiều trong số những người đang ngồi ở đây - nhiều trong đó chắc còn là những giọng ca hạt giống đã quật khởi từ các phong trào ka-ra-ô-pê-ra thính phòng có phụ đề vốn đã trở thành một điểm nhấn có chiều sâu trong đời sống văn hóa giữ gìn bản sắc giàu tính kế thừa và phát triển đi tắt đón đầu hòa nhập không hòa tan của các cơ quan - sẽ không biết là anh đang chơi cái gì; và nếu thế, có thể sẽ lại một lần nữa: lởm, ra điều, thể hiện, hồng tím tàu, ngẫn, khoe hàng... Còn “Clair de lune” mặc dù cũng thế, nhưng trong bối cảnh này thì khác. Bản này đã được viết đến trong những bối cảnh tương đối dễ nhớ ở trong một cuốn truyện ăn khách đã được dịch ra tiếng Việt, và đã được nói đến và chơi trong bộ phim cùng tên cùng nội dung còn được nhiều người biết đến hơn cả truyện, và nếu có ai đó vẫn còn chưa nhớ ra…
Đều đang chăm chú vào Phi Long, nên cả bọn đều hơi giật mình khi nhận ra Lan Cải tự nhiên xuất hiện ở trên sân khấu: Lan Cải và sân khấu, chuyện này hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì mọi người đã biết liên quan đến cô cho đến bây giờ. Cô đã ngồi lên chiếc ghế hơi cao, kiểu ghế quầy bar có một chân, ở cạnh cây đàn, phía bên trái Phi Long; cô cầm chiếc mích không dây, hơi giơ lên, lấy ngón tay trỏ vỗ vỗ, ra hiệu cho “nhà quán”; Phi Long ngoảnh nhìn cô, cô nhìn anh, cười tươi tắn. Ở dưới này, Đào Phò, thấy cô chuẩn bị hát, đã bắt đầu mỉm cười ranh mãnh, chắc đã loay hoay sắp sẵn một vài câu bình luận hài hước bỗ bã, có thể còn “định hướng” sẵn vài cốt truyện nhiều ý tứ để sử dụng “nội bộ” về sau.
Nhưng nụ cười ranh mãnh ấy đã lập tức ngưng lại và chuyển ngay sang một nét ngạc nhiên, bất ngờ…
- Anh thật sự không định ăn gì? - Bất ngờ với Đào Phò, với cả bọn, và bất ngờ với tất cả những người khác, Lan Cải tự nhiên nói. Rồi cô chìa mi-cờ-rô về phía Phi Long.
- Không, anh đang ăn kiêng. - Không hiểu Lan Cải và Phi Long có tập trước ở nhà hay không, nhưng họ nói nghe rất giống trong phim, mặc dù lời thoại đang được nói bằng một ngôn ngữ khác.
- Anh phải cho em vài câu trả lời.
- Có, không. Để chuyển chủ đề. 1.77245...
- Em không muốn biết căn bậc hai của Pi là gì.
- Em đã biết cái đấy?
- Làm thế nào anh biết em đã ở đâu?
- Anh đã không biết.
- Được thôi… - Cô định tụt xuống khỏi ghế.
- Sao? Em đừng đi. Anh...
- Anh đã theo dõi em?
- Anh... Anh cảm thấy rất cần che chở cho em.
- Vậy anh đã đi theo em.
- Anh đã cố giữ một khoảng cách nếu em chưa cần sự giúp đỡ của anh, và rồi anh đã nghe thấy cái mà bọn hạ đẳng ấy đang nghĩ.
- Khoan đã. Anh nói anh đã nghe thấy cái họ đang nghĩ? Vậy là, anh... Anh đọc được những ý nghĩ?
- Anh có thể đọc được mọi ý nghĩ trong phòng này. Trừ ý nghĩ của em. Kia là tiền, tình dục, tiền, tình dục, mèo. Rồi đến em, không gì cả. Nó thật sự làm mất tác dụng.
- Có cái gì sai với em?
- Xem kìa, anh nói với em anh có thể đọc được những ý nghĩ, và em nghĩ có cái gì đó sai với em... - Anh vừa chơi đàn, vừa ngọ ngoạy trên ghế, thở dài thườn thượt.
- Gì thế?
- Anh không đủ sức để tránh xa em thêm nữa.
- Thế thì đừng tránh.
Tiếng vỗ tay chớm rộ lên, nhưng nhạc vẫn chơi tiếp, nên lại rộ xuống. Rồi đến lúc bàn tay trái Phi Long vắt qua phía bên trên bàn tay phải, chơi một nốt cao nhất trong một dãy ngắn các nốt nhạc cao và cao dần lên; rồi bàn tay ấy nâng lên, ngưng lại trong không khí một lát; rồi cả hai bàn tay thu về, anh hơi ngả ra phía sau một chút, rồi nhổm người đứng dậy, nét mặt vui vui, nụ cười nhẹ nhàng trên môi; thì tiếng vỗ tay mới rộ lên lại, lần này thì giòn, dày, và kéo dài hơn…
Sao lại vỗ tay?
Vì “Clair de lune” bây giờ được nhiều người biết, và biết nó là một bản nhạc hay? Vì người chơi trông có vẻ khá, nếu không chuyên, không con nhà nòi, thì chắc cũng phải là con nhà khá giả có điều kiện học hành tử tế? Vì đã có bối cảnh giống trong phim, bộ phim mà nhiều người đã xem? Vì vỗ tay đã trở thành một phản xạ có điều kiện, và trong những bối cảnh “chuông reo” như thế này thì nói chung chúng ta sẽ vỗ tay?..
Đặng Thái Sơn có lần tâm sự: “Tôi có ước mơ xây một trường học âm nhạc cho trẻ em Việt Nam, nhưng rõ ràng là tôi có đánh đến một nghìn buổi cũng không có đủ tiền xây trường.”
Hôm sau, nghe Nhật Linh kể thêm về thằng bé, Phi Long đã gật gù bảo Đào Phò: “Thảo nào, người dạy nó chơi đàn là một người làm đàn vĩ cầm, trước học ở nhạc viện Trai-kốp-xki, và đã từng đi lưu diễn khắp thế giới.” Rồi anh cúi xuống, xoay xoay, lật trước, lật sau, ngắm nghía bàn tay mình: ngón tay vô danh đeo chiếc nhẫn bằng kim loại sáng trắng, trông lạnh lạnh, mặt nhẫn có hình thù gì đấy cổ quái với những đường gân đen đen; ngắm nghía, và cười nụ.
Sao lại kéo nhau ra hè phố nghe đàn?
“Kojo no tsuki” không được nhiều người biết. Người chơi là một thằng bé đường phố lam lũ. Cũng không có bối cảnh phim ảnh mà nhiều người đã xem. Và có lẽ cũng không hề có yếu tố nào liên quan đến phản xạ có điều kiện, và “chuông reo”.
Theo ý kiến của Đào Phò thì “cái này giống như cây cối tự động hướng về ánh sáng.”
Mọi thứ đều có thể đổi thay. Tiến hóa là một quá trình phức tạp. Cây cối liệu có còn hướng về ánh sáng mãi?
L'Enfant Plaza, Washington. Lúc đấy là 7 giờ 51 phút sáng Thứ Sáu, ngày 12, tháng Một, năm 2007, giữa giờ cao điểm buổi sáng. Trong 43 phút tiếp theo, trong khi người chơi vĩ cầm đã chơi sáu khúc nhạc cổ điển, 1097 người đã đi qua. Hầu như tất cả họ đều đang trên đường đi làm…
Vậy, bạn nghĩ cái gì đã xảy ra?
Leonard Slatkin, chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, đã được hỏi cùng một câu hỏi như vậy. Cái gì ông ấy nghĩ sẽ xảy ra, theo giả thuyết, nếu một trong những nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nhất thế giới đã biểu diễn một cách ẩn danh trước khoảng 1000 có lẻ khán thính giả đang đi qua đi lại trong giờ cao điểm?
- Hãy cho rằng, - Slatkin đã nói, - là người ấy không bị nhận ra và được nhìn nhận, cho là, như một nhạc công đường phố… Mà, tôi không nghĩ là nếu người ấy thực sự giỏi, người ấy lại sẽ đi mà không bị ai để ý. Người ấy sẽ có được một lượng khán giả lớn hơn ở Châu âu… Nhưng mà, ô kê, từ 1000 người, phỏng đoán của tôi là có thể có 35 hoặc 40 người sẽ nhận ra chất lượng như nó đúng là như thế. Có thể 75 tới 100 sẽ dừng lại và bỏ một chút thời gian để nghe."
- Vậy, một đám đông sẽ tụ tập lại?
- Ồ, đúng thế.
- Và người ấy sẽ kiếm được bao nhiêu?
- Khoảng 150 đô.
- Cảm ơn ngài, Nhạc trưởng. Như nó xảy ra, chuyện này không phải là giả thuyết. Nó thật sự đã xảy ra.
- Tôi đã đoán thế nào?
- Chúng tôi sẽ nói với ngài ngay đây.
- Ờ, ai đã là nhạc công?
- Joshue Bell.
- KHÔNG!!!
Trong ba phần tư giờ mà Joshua Bell đã chơi đàn, bảy người đã dừng việc họ đang làm để nán lại gần đấy và xem biểu diễn, ít ra là trong một phút. Hai mươi bảy người đã bỏ tiền, đa phần là trong lúc đang đi - với tổng số là 32 đô có lẻ. Vậy là còn lại 1070 người đã vội vã đi ngang qua, không để ý, nhiều người chỉ cách ba bước chân, ít người ngay cả ngoái nhìn.
Không, Ngài Slatkin, đã chưa hề có một đám đông, không có dù chỉ trong một giây.
Chúa nói: “Các người là ánh sáng của thế giới. Một thành phố được đặt trên một quả đồi không thể bị che khuất. Đừng để mọi người thắp lên ngọn nến, và giấu nó vào trong bồ, mà hãy đặt nó lên chân nến; và nó sẽ đem ánh sáng cho tất cả những ai ở trong căn nhà.” (Phúc Âm, chương 5, câu 14 - 15)
Rồi Người lại nói: “Đừng đưa cái mà là thần thánh cho những con chó, các người cũng đừng quẳng những viên ngọc trai của các người trước con lợn, kẻo chúng giẫm đạp nó dưới chân chúng, và quay lại và cắn xé các người.” (Phúc Âm, chương 7, câu 6)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...