Tiếng vĩ (2)

Nụ cười chợt ngưng ngay lại trên môi Đào Phò, chính xác là không chỉ nụ cười mà cả khuôn mặt, nhưng nụ cười là đang chuyển động nhất nên thay đổi nhiều và gây cảm giác ngưng đọng nhất; bất giác, chàng ta quay nhìn Phi Long, thì vừa bắt gặp Phi Long cũng quay lại nhìn mình, miệng lẩm bẩm “Kojo no tsuki”: cả hai đang cùng có chung một ấn tượng.


Haru koro no, hana no en.
Meguru sakazuki, kage sashite;
Chiyo no matsu gae, wake ideshi,
Mukashi no hikari, ima izu ko?..


Họ nhìn Đim-ma, thì thấy chàng đã lặng lẽ đứng lên…


Đêm thẫm, hương xuân, hoa, tháp cổ,
Rượu nồng, tràn chén, rót liền tay,
Hằng nga lấp ló sau tùng bách,
Nét cũ huy hoàng, giờ vẫn đây?..


“Kojo no tsuki” - “Lâu đài trăng đổ nát” của Rentaro Taki. Cả bọn lục tục theo sau Đim-ma bước ra hè phố.


Lúc tiếng đàn ngân lên, thì nhiều người trong quán đã ngoảnh nhìn ra những khung cửa sổ phía mặt phố, rồi nhiều người chăm chú lắng nghe, một số trao đổi khe khẽ… Đến khi thấy có một nhóm kéo nhau ra, rồi một nhân viên phục vụ đứng giữ luôn cánh cửa mở, dường như muốn để cho tiếng đàn bay vào trong quán được nhiều hơn, thì một vài người đứng dậy, rồi quanh những người đấy, một vài nhóm đứng dậy… rồi gần như tất cả đều theo nhau, thậm chí hơi chen nhau, kéo ra hè phố.

Điện mất, nên nhìn thấy trăng loang lổ, lỗ chỗ trên hè, và ở một khoảng trăng sáng rộng: một cây đàn, một cây vĩ, một thằng bé, và một chiếc mũ. Cây đàn cũ trên vai, cây vĩ chăm chú chuyển động; thằng bé tầm tuổi học lớp sáu lớp bảy, có khi bé hơn, đầu tóc đen không dài nhưng bắt đầu cợp tai, mặc chiếc áo sơ mi cộc tay hơi sáng màu, có vẻ hơi chật so với tuổi của nó, bỏ ngoài quần, quần bò thụng, có một vệt rách ngang ở gần đầu gối bên trái, có vẻ hơi rộng so với tuổi của nó, nhưng không xắn lên, nên ở phía dưới cổ chân, gấu quần tự nhăn lên nhiều; chiếc mũ lưỡi trai kiểu mũ mềm của bộ đội để ngửa trên hè phố, hơi chênh chếch qua bên phải, cách chân một đoạn. Nhìn thằng bé không có cảm giác bẩn, hôi, bệ dạc, kinh kinh, như nhiều thằng ngửa mũ ở ngoài đường, hay như nhiều cặp bố con hoặc ông cháu ghi-ta điện phím lõm loa thùng sách tay cải lương Lan và Điệp hè phố khác; thậm chí bộ dạng của nó có thể khiến nhiều người nghĩ ngay đến một thằng sáng sủa, đĩnh ngộ; nhưng nếu phải mô tả tất cả chỉ bằng một từ, thì trông nó lam lũ.


Aki jinei no, shimo no iro,
Nakiyuku kari no, kazu misete;
Urutsurugi ni, terisoishi,
Mukashi no hikari, ima izu ko?


Lâu đài Okajyo đổ nát, điêu tàn dưới ánh trăng lạnh.


Lạnh lẽo, sương thu, trại lính đêm,
Ngỗng bay, gọi bạn, não nề thêm,
Trăng soi, kiếm tuốt trần, xanh, lạnh,
Gác tía, lầu son, mãi đắm chìm?


Điêu tàn, đổ nát, lam lũ... Nhưng sở dĩ có thể cảm nhận được Okajyo điêu tàn dưới ánh trăng, thì chính là vì âm thanh cất lên từ cây vĩ cầm và người nhạc công bé nhỏ lam lũ dưới ánh trăng đã hoàn toàn không điêu tàn và lam lũ.

Từ đám đông cửa quán, có một cô gái xinh đẹp tách ra, lại gần, cúi bỏ vào chiếc mũ lưỡi trai để ngửa trên hè mấy đồng giấy lẻ, và mấy đồng tiền xu. Đấy là Nhật Linh. Có tiếng ai nói gì đấy. Ở chỗ mặt đường sát bên hè phố lúc đấy cũng đã tụ tập lại thêm một đám “đường phố”, có thể là cả thẻ cào, vé số dạo, xe ôm vắng khách, vô công rồi nghề… Cùng một giai điệu, được chơi vút lên một quãng tám so với lúc bắt đầu. Những âm thanh cuối cùng đã tắt, nhưng một cảm giác lặng lẽ, hoài cổ, buồn bã, nuối tiếc vẫn tiếp tục ngân nga trong tâm tưởng nhiều người nghe. Có thể là nuối tiếc thành cổ, có thể là nuối tiếc âm nhạc, có thể là nuối tiếc âm thanh, có thể là nuối tiếc một bối cảnh nhiều ngẫu nhiên bất ngờ nhưng hình như đẹp đẽ và đáng nhớ… Nhưng dù có nuối tiếc thế nào, thì có lẽ với nhiều người đang đứng ở đây, đấy cũng chỉ là một cảm giác gì đó từ rất bên trong, có thể còn có chút lạ lùng, và rất hiếm hoi, đã được gợi lên. Thằng bé đã cúi xuống cầm chiếc mũ lên, hơi chìa ra, và đi một lượt qua chỗ những khán thính giả của mình. Những người đứng ở “mặt tiền”, có người nhìn cái mũ cười cười, có người nhìn đi chỗ khác; có tiếng cười khẽ cất lên từ chỗ những người đứng sau lưng, một vài người ở đấy đã lục tục quay trở vào trong quán; thằng bé chỉ ngước mắt lên, hơi nhoẻn cười, bước nhanh qua chỗ Đào Phò, Phi Long: nó nhớ những người nghe đầu tiên, và nó nhớ Nhật Linh. Không có ai bỏ thêm gì vào chiếc mũ của thằng bé, và đám “đường phố”, có vẻ khoái chí với việc này, cùng cười rộ lên, ném về phía nó những lời trêu chọc.

Thằng bé đã trở về chỗ ban nãy, nó bỏ chiếc mũ xuống hè như cũ, rồi tay cầm đàn, tay cầm vĩ, tự nhiên nó cứ đứng im. Nó là trẻ con, và trẻ con thì trong nhiều bối cảnh thường phân vân lâu hơn những người lớn nhanh nhẹn và khôn ngoan. Rồi nó cúi xuống, lóng ngóng bỏ tiền vào túi, đội mũ lên, rồi với một vẻ buồn buồn và bẽn lẽn, nó quay người rảo bước trên hè phố về phía ngược với hướng quảng trường.

Bề ngoài, mọi thứ lại vẫn giống như lúc mới mất điện và chưa có ai chơi đàn, nhưng trong mỗi người và giữa mấy người đã ngồi trở lại bên chiếc bàn ở cạnh khuông cửa sổ to nhất, cách ra một khuông về phía bên phải cửa ra vào, dường như đang lơ lửng một khoảng yên lặng thiếu tự nhiên. Người đầu tiên đã phá vỡ nó là Nhật Linh. Cô khẽ ngọ ngoạy trên ghế, hai tay như bị thừa, mấy ngón tay bứt rứt co vào duỗi ra; rồi cô đứng dậy, kéo ghế, và vùng chạy ra cửa.

Đào Phò khẽ thở dài, quay người ngó quanh, rồi đứng dậy kéo một chiếc ghế chưa có ai ngồi ở một bàn gần đấy lại, mấy người đang ngồi tự động xích ghế dồn lại, rồi Đào Phò xếp chiếc ghế vào giữa ghế của mình và của Nhật Linh. Lúc chàng ta chuẩn bị ngồi xuống thì điện đột ngột bật sáng lên, gần như đồng loạt với những tiếng cảm thán xung quanh.

Nhưng điện sáng làm cho thằng bé càng thêm lúng túng. Lúc Nhật Linh dẫn nó vào quán, trước nụ cười nhếch môi và ánh mắt kẻ cả của chàng nhân viên phục vụ mặc sơ mi trắng gi-lê xanh lá cây sẫm đứng mở cửa cho khách, trước những ánh mắt đang đổ dồn lại của những người đang ngồi ở đây, không giống như nó và đã đều biết nó, nó gần như dúm người, giằng tay cô lại. Nhưng lúc đấy có một bàn tay khác đã vui vẻ vỗ vào vai nó: Đào Phò đã ở đấy; rồi cả hai người đưa nó lại bàn mình.

Nó ngồi xuống thì Đim-ma đã cẩn thận đón lấy cây đàn, còn Chim Xanh thì nhoài người ra, xoay xoay ra trước mặt nó một quyển mỏng có bìa cứng, chỉ vào một cái hình món ăn xanh đỏ với một dòng chữ có cả tiếng ta lẫn tiếng tây ở bên cạnh, bảo: “Ăn cái này với bọn chị nhá, ngon lắm.” Nó lúng túng, hơi tần ngần, cười ngượng nghịu, rồi máy móc gật đầu. Nhật Linh đã bỏ cái mũ lưỡi trai của nó ra, đang vuốt lại tóc và chỉnh lại cổ áo cho nó. Cô đang vui lắm, ngoảnh nhìn Đào Phò, tưởng anh cũng thế, nhưng hơi giật mình vì thấy anh đang nhíu mày, môi trên hơi nhếch nhếch phía bên trái, và quai hàm gân lên: cô biết những biểu hiện này, và cô thấy lo lắng.


(Còn tiếp)

Đã có 3 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Anonymous bi bô...

Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một ố cung.
Nguyễn Du

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Một tòa sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi như rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.
Bà Huyện Thanh Quan

Tạo hóa gây chi cuộc Lý Trường?
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Bà Huyện Thanh Quan

Anonymous bi bô...

Năm 1802, sau khi thống nhất cả nước, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa. Thậm chí, chữ "Long" trong tên gọi Thăng Long vốn là "Rồng", biểu tượng vương quyền và lý do chọn đô của Lý Thái Tổ, cũng bị đổi thành chữ long là "Thịnh".

Sự hạ thấp này hẳn làm đau lòng dân chúng Bắc Hà, nhất là các sĩ phu, những người từng ăn lộc nhà Lê như Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, thầy học của Nguyễn Lý, thân sinh Bà Huyện Thanh Quan. Nỗi đau ấy, về sau, hẳn còn gia tăng khi cố đô Thăng Long bị đổi thành tỉnh Hà Nội vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831): Kinh thành ngày ấy tỉnh bây giờ!

Sưu tầm

Anonymous bi bô...

Em sửa giúp bác Anonymous chỗ "năm Minh Mệnh thứ 12" từ "1931" thành "1831", và cóp-bết luôn cái này:

Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Trong suốt thời kỳ của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc.

Khi Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng.

Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua các cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc, rồi của nước Việt Nam thống nhất, và giữ vai trò này cho tới ngày nay.[1] Năm 1999, Thủ đô Hà Nội đã được UNESCO phong tặng danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình. ...[2]...

Sau khi mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội có diện tích 3.324,92 km², gồm một thị xã, 10 quận và 18 huyện.


PS: Trong lúc cóp-bết, em sửa 02 chỗ

[1] "Trải qua các cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc, rồi nước Việt Nam thống nhất và giữ vai trò này cho tới ngày nay." - Câu này, như em đã đề cập trong "Tiếng vĩ", tiếng Việt rất lủng củng.

[2] "Ngoài ra, Hà Nội cũng là một trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước." - Câu này, do dùng liên từ không hợp lý, nên thành nhố nhăng.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...