Tan học, lúc ra đến ngoài vỉa hè phố lớn, trời đẹp, quần áo đang đẹp, lại thấy có vẻ có nhiều cảm xúc lộn xộn trong lòng, tôi định rủ Cla-ra ra bờ sông I-a-u-da dạo chơi, có thể sẽ hôn nhau, — quả thật tôi thấy trong cảm giác của tôi với Cla-ra ngày hôm nay có một số thứ có vẻ là lạ, — thì bỗng có một âm thanh quen thuộc vẳng đến bên tai, làm cho tôi bất giác giật thót cả mình, và chợt bàng hoàng khôn tả.
Tôi đưa mắt nhìn thì thấy ngay chiếc xe mẹc-xi-đít màu vàng cát, to, nặng, và khỏe ấy.
A-nhi-a thỉnh thoảng vẫn lái nó đến đón tôi như vậy.
Hẳn là không phải A-nhi-a rồi, nhưng tôi vẫn giật mình. Tôi hơi cúi người xuống, giơ tay chào cô Ma-ri-na, rồi bảo Cla-ra:
— Mẹ chị A-nhi-a. Mai gặp nhá!
Tôi hơi lưỡng lự, không biết có nên thơm nó một cái hay không, rồi thôi.
Cô Ma-ri-na cứ ngồi im, nhìn tôi bằng ánh mắt sâu thăm thẳm, một lát cười bảo:
— Đẹp trai ghê!
Rồi mới cho xe chạy.
Tôi hỏi:
— Chúng ta đi đâu?
Cô bảo:
— Đến phòng thu.
Cái mích-xơ trộn tiếng ở phòng thu phải to gấp mấy lần cái của anh Va-lô-đi-a ở nhà văn hóa. Tôi đứng sau một cái khung to đóng khung hai lượt kính trắng dày cách nhau tương đối xa, xem cô Ma-ri-na đánh đàn cùng với một bác béo tròn đầu hơi hói, chơi một cái đàn côn-tờ-ra-bát phải to gần bằng người bác ấy, và một bác nữa gày gò có mái tóc bạch kim chải gọn rất đẹp, đánh một cái ghi-ta điện có thùng và cùng màu cánh gián với cái đàn của bác béo, không biết có phải là cố tình "đồng phục" không; đánh đàn trong phòng thu, nên hai bác đều mặc thoải mái, sơ mi không cắm thùng và quần âu sẫm, — bác béo mặc áo trắng, bác kia áo màu ghi nhạt.
Bản nhạc nghe lạ tai, tôi thấy ngang ngang, chỉ hơi thích tiếng đàn bát một chút.
Xong việc ở phòng thu, cô Ma-ri-na đưa tôi đến một cái nhà hàng rất rộng rãi, có nhiều cột cao hình vuông, ở chân và gần đỉnh cột có những hoa văn cổ kính trang trí, các bàn ăn đều phủ khăn trắng muốt, những người phục vụ đều đi giày đen bóng lộn, mặc quần đen, áo vét trắng, và thắt nơ đen; nhưng chỗ này không toát lên vẻ sang trọng, mà lại tương đối nhốn nháo, có phần giống, mà còn vui vẻ hơn cả nhà ăn sinh viên; các bàn ăn đa phần đều được bày trong những khoang có vách ngăn thấp bọc giả da màu đỏ nâu, vừa là vách vừa là tựa ghế ngồi luôn; nhưng đồ ăn và tác phong phục vụ thì lại đúng là sang trọng.
Cô Ma-ri-na thì rõ là khách quen, không chỉ là quen nhà hàng, mà giống như quen với tất cả những người ở đây, — không chỉ khách hàng, mà cả những người phục vụ.
Có một bác tuổi chắc đã phải ngoài sáu mươi, tóc muối tiêu, chủ yếu là muối, nụ cười niềm nở và rất nhẹ nhàng dường như luôn nở trên môi, trông hết sức lịch lãm và khả kính, ra đón, thân mật chào hỏi, đưa chúng tôi đến bàn ăn, giới thiệu hôm nay có sò tươi và thịt nướng tác-ta, rồi đứng chờ cô Ma-ri-na gọi món; bác cười với tôi, gọi tôi là "chàng trai"; tôi thấy bác giống với một nghệ sĩ, một người đồng nghiệp của cô Ma-ri-na, hơn là một người bồi bàn; tôi muốn hỏi cô về chuyện này, nhưng tự nhiên lại cảm thấy ngại, nên thôi.
Công việc của chú Mi-khai-in dạo này phải đi đi về về nhiều; lần này phải cuối tuần chú mới về. Cả buổi tối, cô Ma-ri-na có vẻ vui, cười nhiều, nhưng lúc tôi đã lôi cái giường xếp vào ngủ trong phòng A-nhi-a, thì cô gõ cửa, rồi vào ngồi xuống bên cạnh tôi.
Im lặng một lát, cô mới bảo:
— Cháu không hỏi gì về nhạc.
Tôi lúng túng, phần thì không thật hiểu ý cô, phần thì vì nếu hiểu theo cách tôi đang hiểu, thì đúng là tôi sẽ lúng túng thật; cô cười vẻ không được vui, nói tiếp:
— Không giống như lúc đến Nhà Hát Lớn.
Thỉnh thoảng tôi được đến Nhà Hát Lớn — và A-nhi-a, và Phi Long — xem cô Ma-ri-na biểu diễn cùng dàn nhạc; tôi chợt nhớ, là lúc về tôi vẫn luôn hỏi cô nhiều thứ về dàn nhạc, về tác phẩm, về nhạc sĩ...
Tôi cảm thấy như có lỗi, nhưng chưa kịp nghĩ ra gì để nói, thì cô Ma-ri-na đã thở dài:
— Cháu còn nhớ bản công-xéc-tô của Phê-lích Men-đen-dôn không?
Tôi gật đầu, — tất nhiên là tôi nhớ.
Tôi nhớ như in hình ảnh cô Ma-ri-na đứng một mình trước cả dàn nhạc, chiếc váy dài tím thẫm như màu trời đêm, mái tóc đen mượt mà xõa xuống trên hai bờ vai trần trắng mịn màng; bác nhạc trưởng ngẩng mái đầu bạc phơ khẽ nâng hai bàn tay lên, nhún nhẹ một cái, dàn nhạc dây mở đầu bằng một hợp âm trong và mềm mại nhưng hơi âm u; cô Ma-ri-na nâng cây vĩ, và giai điệu ngân lên da diết...
Bỗng tôi rất sợ cô Ma-ri-na sẽ nghĩ là tôi gật đầu nhưng thật sự lại không nhớ, hoặc không nhớ lắm bản công-xéc-tô cung Mi Thứ này, nên tôi vội vàng giơ một tay lên, ngón cái cầm vào ngón trỏ, vẽ lên vẽ xuống, và khẽ ngân nga đúng đoạn mở đầu da diết ấy.
Cô Ma-ri-na nhìn tôi, mỉm cười, nhưng lại thở dài ngay:
— Hôm nay là bài hát ru của Xtờ-rau... Ri-chát Xtờ-rau. Nhưng chơi theo kiể... phong cách... — cô nhìn xuống sàn, cắn môi, — Viêu lông Jazz Cổ điển Cờ-rox-âu-vờ.
— ...
— Họ bảo nhạc đấy dễ bán. Và... còn quảng bá được nhạc cổ điển đến với đông đảo mọi người.
— Cháu đã đọc về chuyện này, hình như viết là "nghệ thuật vị nhân sinh".
— Cô nghĩ "nhân sinh" thì nên tiến hóa, không nên... ngược lại.
— Nhưng nhiều người biết thêm, thì là "tiến" mà cô.
— Nhưng đấy không phải là nhạc cổ điển.
Tôi thấy ái ngại lắm, nhưng như tôi bây giờ, thì biết gì mà ý kiến đây?
Chúc tôi ngủ ngon, ra đến cửa, cô Ma-ri-na còn quay lại, bảo:
— Nếu có Phi Long ở đây, những chuyện như thế này, nó sẽ diễn đạt lại cho cô cháu mình nghe bằng một cách rất đơn giản đấy.
Vừa nói, cô vừa đưa mắt nhìn nhanh khắp căn phòng; tôi vội vàng nhắm tịt mắt lại.
Đúng như chủ định ngủ giường xếp của tôi, tôi lại mơ thấy họ. Nhưng chỉ mới một ngày, mà Phi Long không hiểu sao trông bộ dạng lại có vẻ như đang rất là mệt mỏi; anh nói với tôi những chuyện gì đó về "con người vị con người" và "con người vị nhân sinh", giữa chừng tôi đã hoảng hốt nhắc lại — gần đúng — lời cô Ma-ri-na:
— Nhưng đấy không phải là con người.
Và giật mình tỉnh giấc.
Buổi sáng, tôi đi học, cô Ma-ri-na còn dặn với theo:
— Đim-mớt-trờ-ka, nhớ không được gọi thày Ra-đi-ôn là "giai chuyên ngữ" đấy!
Thày Ra-đi-ôn dạy chúng tôi môn tiếng Anh...
(Còn nữa)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...