— Tiếng Chuông Đầu đấy, Đim-ma! — Thằng Giê-nhi-a nhìn tôi, mắt sáng lên, nghiêng ngón tay chỉ chỉ về phía cửa sổ.
Nó không nhắc, nhưng ở đấy thằng Phê-đi-a đã lấy lại cái ống nhòm từ tay thằng Mê-chi-a, và chìa nó về phía tôi. Tôi đón lấy cái ống nhòm thì nó nói, vẻ rất hài lòng:
— Là đại ca, anh Đim-ma đấy!
Ở dưới kia, chị Ai-đa đang nói:
— Quyền rung Tiếng Chuông Đầu Tiên của năm học mới được trao cho nam sinh lớp Mười Một "A" Đờ-ra-gun-nốp Đờ-mi-tờ-ri và nữ sinh lớp Một "B" Xam-mô-khin-na Na-ta-sa.
Anh Đim-ma — cùng tên với tôi — là một thần tượng của học sinh trường tôi. Ngoài chuyện học rất giỏi, anh còn là đội trưởng bóng đá, là một quán quân giải đấu võ xam-bô toàn Nga dành cho thanh thiếu niên, và tôi phải công nhận ở anh đúng là toát lên đầy đủ phong độ của một người anh lớn.
Cái ống nhòm này là ống nhòm quân sự hẳn hoi, nên lúc anh Đim-ma bước ra khỏi đội hình lớp Mười Một "A", thì tôi có thể quan sát rất rõ, thấy những ánh mắt ngưỡng mộ — nhất là của các chị lớn — đang hướng về phía anh.
Tóc ngắn như tóc bộ đội, người cao, cân đối, thẳng như một ngọn bút, bước đi trầm ổn của một người có võ công, anh Đim-ma mặc quần âu, vải quần hơi bóng, chững chạc, đứng li, màu xám rất sẫm; áo sơ-mi trắng tinh, vải áo bay bay, phẳng phiu, măng-sết cài trịnh trọng; cà-vạt lụa sọc chéo "xám nhạt — ngà ngà"; giày hơi giống giày tôi.
Đúng là một người đàn ông đẹp!
Ngay phía trước bậc tam cấp dẫn lên khoảnh thềm hẹp — bục chủ tọa hôm nay — ở cửa ra vào tòa nhà trường tôi đang có một cái giống như cái giá để đặt chậu cảnh trong nhà: cao gần đến hông, ba chân bằng ống sắt tròn thanh mảnh sơn màu hồng nhạt uốn cong cong cách điệu, mặt tròn phẳng, mỏng, to gần bằng đĩa xúp, trên phủ một tấm khăn đăng-ten nhỏ màu trắng, bên cạnh — chắc buộc vào gốc chân bàn — có một quả bóng bay màu hoa đào treo lủng lẳng. Trên mặt giá là một mớ vải lộn xộn, bù xù như xúp-lơ, một mớ nhưng chia làm hai nửa hai màu đỏ-trắng phân minh.
Không giống lắm, nhưng mớ xúp-lơ ấy vẫn gây được cảm giác "hoa", lại có cả đăng-ten trắng, nên anh Đim-ma, dù không mặc com-lê, nhưng vừa đến đứng bên cạnh cái giá thì lập tức trông rất giống chú rể. Anh đưa mắt nhìn, rồi nở một nụ cười rất là thân thiết, — có một cô bé xinh ơi là xinh tay trái cầm một kẹp sách vở, tay phải cầm một bó hoa rất to và rực rỡ nhiều màu, đang tung tăng chạy đến.
Em là Na-ta-sa, học lớp Một "B".
Na-ta-sa mặc một chiếc váy ca-rô, ca-rô to xám-tím-đen sẫm màu, váy ngắn trên đầu gối một ít, vải dày và mềm, xếp nhiều nếp rộng theo chiều dọc; quần tất trắng; áo dạ mỏng màu đen ngắn gấu và ngắn tay, cúc cài phía sau; trong mặc áo trắng, cổ áo bẻ rộng ra bên ngoài áo dạ; trên mái tóc vàng óng buộc hai bím vểnh lên vẫn dài quá vai của em thắt hai chiếc nơ to, rộng, trắng, trong, lượn sóng và xòe ra như hoa mẫu đơn, bềnh bồng; lúc chạy đến gần, em còn nhún chân nhảy lên một cái nhẹ, giống như đang nhảy chơi lò cò ở trong sân, đà thêm mấy bước, đưa hoa và sách vở cho chị Ai-đa cầm hộ, rồi mới đến đứng cạnh anh Đim-ma và cái giá để xúp-lơ.
Na-ta-sa đứng còn chưa đến ngực anh Đim-ma, nên lúc em đưa tay lên mặt cái giá, thì anh phải cúi người xuống để giúp em gỡ gỡ cái xúp-lơ. Đúng vào khoảnh khắc ấy, cái khuôn hình ấy, — giống như nó đột nhiên tự động dừng lại một mình, trên nền những cái khác vẫn tiếp tục trôi, nhấn một cái, rất rõ ràng trong tiêu điểm của chiếc ống nhòm quân sự, — đã khiến cho lòng tôi vô cùng xao xuyến.
Quả thực tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi "Tiếng Chuông Đầu Tiên" nào mà lại đẹp như hai người này.
Chính là Sự Ngây Thơ Trong Sáng với ánh mắt đầy tin tưởng đang ngước lên nhìn một người đàn ông thông minh và vững vàng!
Các "anh Đim-ma" Tiếng Chuông Đầu ở trường cũ của tôi, tôi nhớ là đều ít nhiều ẻo lả.
Cái xúp-lơ hóa ra là hai cái nơ to, — một đỏ, một trắng, có khi không rộng bằng, nhưng cánh ken dày hẳn hơn nơ trên tóc Na-ta-sa, — được buộc vào cuống của một cái chuông đồng nhỏ xinh.
Na-ta-sa hớn hở quay mặt về phía các bạn em, tay phải em giơ lên, chiếc chuông đồng lấp lánh trong ánh nắng; anh Đim-ma cúi xuống, bằng động tác rất đẹp chắc chỉ có thể gặp ở những vận động viên, nhẹ nhàng nâng bổng em lên, rồi đặt em ngồi trên một bờ vai mình; Na-ta-sa ngoan ngoãn quàng tay trái ôm lấy cổ anh, — chỉ thiếu chút nữa tôi đã vỗ tay.
Anh Đim-ma bước đi, chiếc chuông nhỏ trong tay Na-ta-sa ngân lên...
Đấy là Tiếng Chuông Đầu Tiên!
Sân trường tôi nhỏ, các lớp đứng viền theo ba cạnh của một hình chữ nhật hơi dài và bẹt, bục chủ tọa nằm ở giữa cạnh thứ tư — cạnh dài. Hai anh em họ đi vòng ngược chiều kim đồng hồ, duyệt theo đội hình các lớp, tiếng chuông trong trẻo, lập thể, vui vẻ chạy theo bước chân; tôi ít nhiều thấy tiếc vì mình đã không ở dưới ấy.
Đi một vòng, anh Đim-ma lại đứng lại cạnh cái giá ba chân, chị Ai-đa đã chạy đến, kiễng chân "hơi to", chĩa cái mi-crô tới gần quả chuông, phóng to những âm thanh ngân nga sau cùng.
Rồi anh Đim-ma lại nhẹ nhàng đặt Na-ta-sa xuống, đón lấy xúp-lơ từ tay em, để lại trên giá, rồi anh chìa tay về phía chị Ai-đa, chị lấy cho anh bó hoa và kẹp sách vở của Na-ta-sa, anh hơi nhún người xuống, động tác thật duyên dáng, giống như tặng lại hoa cho Na-ta-sa, em đón lấy hoa, cười và nhìn vào mắt anh, anh dắt tay em về lớp, đến chỗ em đứng ban nãy — ở hàng đầu, — anh mới đưa lại sách vở cho em.
Đẹp quá!
Lúc anh Đim-ma trở về hàng ngũ của lớp mình, tôi thấy có một chị tóc đen và dày, xõa đầy vai, đôi mắt to, lông mày sắc sảo, tay cầm một bông hồng nhung to như bông thược dược, ghé sát vào tai anh nói gì đó, cử chỉ rất là thân thiết, anh Đim-ma cười hiền lành.
Ở trường cũ của tôi, các anh "ẻo lả" toàn cắp nách các em, và đi đứng trong một tư thế vẹo vọ, hết vòng thì anh về chỗ anh, em về chỗ em. Trước đây tôi chả để ý chuyện này, nhưng giờ thì sự so sánh tự động phải xuất hiện.
Trong suốt "Giờ Học Hòa Bình" — giờ học đầu tiên của một năm học, — ý nghĩ của tôi cứ tiếp tục quẩn quanh với "Tiếng Chuông Đầu Tiên", với hình ảnh anh Đim-ma và em Na-ta-sa.
Tôi sẽ phải cố học nữa, nhất định phải tề danh được với cỡ như thằng Phê-đi-a mới được.
Anh An-tôn tôi hồi trước không đi thi đấu bao giờ, nhưng thi thoảng anh cho đi chơi cùng, thì tôi biết anh tôi thật sự là một võ lâm cao thủ. Nhưng anh không kịp — và hình như còn không muốn — dạy gì cho tôi. Nhưng cũng chính anh đã bảo với tôi là Phi Long cũng biết võ; tôi hỏi, thì Phi Long kể là hồi trước có theo học môn võ Vĩnh Xuân. Nhưng tôi thấy môn này động tác có phần ẻo lả, nên không mấy hứng thú, nghĩ là chắc nó chỉ phù hợp với tạng người thuần châu Á như Phi Long thôi.
Tan học, lúc ra đến ngoài vỉa hè phố lớn, trời đẹp, quần áo đang đẹp, lại thấy có vẻ có nhiều cảm xúc lộn xộn trong lòng, tôi định rủ Cla-ra ra bờ sông I-a-u-da dạo chơi, có thể sẽ hôn nhau, — quả thật tôi thấy trong cảm giác của tôi với Cla-ra ngày hôm nay có một số thứ có vẻ là lạ, — thì bỗng có một âm thanh quen thuộc vẳng đến bên tai, làm cho tôi bất giác giật thót cả mình, và chợt bàng hoàng khôn tả...
(Còn nữa)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...