Động cơ vĩnh cửu (6)

Anh Tú thực sự là một người trí thức. Nghe tôi thong thả trình bày ý tưởng về một động cơ vĩnh cửu của “chúng tôi” xong, anh ngồi trầm ngâm, cùi tay tì lên bàn, bóp bóp cằm. Rồi anh đứng lên, đi đi lại lại, vẫn bóp bóp cằm, có vẻ suy nghĩ lung lắm.


Bỗng mắt anh sáng lên, anh nhanh nhẹn lại chỗ bàn làm việc lục ra một tờ giấy trắng to, chọn lấy một cái bút chì, tôi đã dẹp gọn ấm, chén, bánh lại, anh trải rộng tờ giấy lên mặt bàn.


Trên tờ giấy của anh Tuấn, đã có hình vẽ một cái bánh xe nằm ngang. Trên vành bánh có một cái như một đoạn ống máng, chắc là bằng tôn, được hàn cheo chéo. Một hòn bi, chắc là bi sắt, to được thả vào máng này, nên nó trôi xuống. Giữa đường, nó bị một thanh sắt chặn ngang lại. Thanh này nằm lửng lơ ngáng qua miệng ống máng, cách ra một tí, kéo dài đến tận tâm bánh xe, bẻ gập xuống và được gắn, chắc là hàn, cố định vào đấy.


Còn anh Tú bây giờ đang cặm cụi vẽ một cái bánh xe khác. Anh vẽ rất đẹp. Hoàn chỉnh cái bánh xe, anh hơi nhổm người, ngửa ngửa về phía sau, ngắm nghía, vẻ hài lòng lắm: “Bánh xe nhá.”


Rồi rất chăm chú, môi mím lại, anh vẽ tiếp một thanh sắt, cũng là thanh sắt bẻ gập, hàn cố định vào tâm bánh xe, và dài lửng lơ đến hết vành bánh xe, không khác gì thanh sắt ở trong hình của anh Tuấn, có điều được vẽ thẳng hơn — anh kẻ tay, không cần thước, mà thẳng ơi thẳng — và được đánh bóng, đẹp hơn.


Tôi ngồi nhíu hết cả mày lại, chăm chú ngó nghiêng. Tôi vẫn chả hiểu gì cả!


Rồi ở chỗ máng tôn, anh Tú vẽ một thanh sắt khác, chổng ngược lên, và được hàn cố định vào vành bánh xe ở chỗ ấy.


Cuối cùng, anh vẽ một cái lò xo mập mạp một đầu móc vào thanh nằm ngang, một đầu mắc vào thanh thẳng đứng.


Anh đang tô nốt cái lò xo thì tôi thấy anh Tuấn cười tủm tỉm, lắc lắc đầu bảo:


— Cái này tôi thấy trong sách rồi. Không chạy được.


Anh Tú ngớ ra, hai tay cầm hai hình vẽ, so so, rồi bảo:


— Chạy chứ anh...


— Không, trong sách đã giải thích rõ. Hai thanh đấy chỉ kéo lẫn nhau. Nó không chạy được.


Anh Tú lại ngớ ra, ngồi ngắm nghía hai bức vẽ, gãi gãi cằm, một lúc mới bảo:


— Nếu thế... nếu cái của em mà không chạy được, thì cái này của anh — anh chỉ cái bánh xe của anh Tuấn — cũng chả chạy được.


Anh Tuấn định cãi, thì anh Tú đã cặm cụi vẽ hai mũi tên đâm đầu vào nhau ở hai đầu lò xo trên hình của mình: “Nếu chỗ này kéo vào, lẫn nhau, nhá... thì chỗ này...” rồi anh lại cặm cụi vẽ hai mũi tên đâm đầu ra ở chỗ ống máng và thanh sắt hai bên hòn bi: “chẳng qua chỉ là đẩy ra, cũng chỉ đẩy lẫn nhau, thôi...”


— Của anh chỉ đổi chiều kéo thành đẩy thôi, chứ có khác gì của em đâu? — Anh Tú trông rất là máu cãi nhau, rất hiếu thắng.


— Hình như anh Tú nói đúng đấy... Thày giáo vật lý có khác! — Tôi trầm trồ thán phục.


Lúc về anh Tuấn vẫn có vẻ hậm hực.


Chiều hôm sau, tôi đang ngồi mải miết viết i-meo cho Nhật Linh thì bị giật mình.


— Thế mà nó vẫn chạy đấy.


Anh đang đứng trong khung cửa vẫn mở sẵn.


Thú thực là trong một nhoáng, trí óc tôi đã rất cẩn thận rà soát lại xem trước đây nó có bỏ sót gì trong bản vẽ của anh Tuấn hay không — nó đã không còn tin là không thể có động cơ vĩnh cửu. Rồi hết khoảnh khắc mất lòng tin đó, theo cách nhạt nhẽo và yên tâm thông thường, tôi đã đoán là anh đã nghĩ ra một mẹo gì đó để lòe tôi cho vui. Tôi vẫn thích những cái như thế, và tôi háo hức theo anh về nhà.


Anh dẫn tôi vào gian nhà kho nhỏ, và chỉ cho tôi xem cả cái động cơ vĩnh cửu đã được anh chế tạo thật sự, từ vật liệu chính là một cái bánh xe đạp cũ. Tôi bị cụt hứng, nhưng lại hết ngay, lúc nhìn anh đứng tần ngần đẩy đẩy cái bánh xe bằng bàn tay vẫn còn nhem nhuốc, trán nhăn lại, bảo tôi:


— Tại sao nó không quay... anh vẫn nghĩ không ra.


Tôi đã quyết định, lúc lên nhà, tôi bảo:


— Cứ thong thả, rồi em sẽ giải thích chi tiết với anh.


Nhà anh Tuấn khang trang, sân gạch rộng, lối ra cổng theo hướng đi ra thì viền theo mép sân bên trái, còn ở bên phải là một cái vườn rộng, còn rộng hơn phần sân gạch. Lúc anh Tuấn tiễn tôi ra cổng, ở trong vườn có một người đàn bà đang lúi húi bên những khóm hoa hồng, quay nửa lưng lại chúng tôi. Mắt tôi bị hút ngay vào thân thể khỏe mạnh, eo lưng tròn lẳn, bộ hông, đùi, đầy sức sống ấy. Tôi biết anh Tuấn không để ý đâu, nhưng tôi vẫn thấy tái mặt, vội vàng lấy giọng vui vẻ:


— Chị à anh?


— Ừ, bà xã đấy. Em ơi, nhà có khách quý này. — Anh gọi.


Chị quay lại, bộ hông, đùi ấy nhìn từ phía trước... rồi vầng ngực to, căng, mạnh mẽ, cổ cao trắng ngần, khuôn mặt cũng vậy với những nét đơn giản, đều đặn, hài hòa, tóc mai dài và xanh tươi, mũi, tôi không biết như thế có gọi là dọc dừa không, nhưng tôi thấy thẳng, và nhất là đôi mắt to mở to với cái nhìn trong veo, ướt, sâu và sáng đậm đà; tất cả những cái ấy làm tôi thấy mọi thứ ở mình bỗng trở nên gượng gạo. Tôi sợ trông mình lộ liễu, và tôi nghĩ là nên phải làm một cái gì đó ngay để mọi thứ có thể trở nên bình thường hơn. Hình như đúng lúc ấy chị định nói gì, thì tôi đã nói trước, cái đầu tiên có thể đến trong đầu thì tôi cho lên đầu lưỡi ngay:


— “Nhân diện hồng hoa tương ánh hồng”, hai bác có cái vườn hoa đẹp quá.


— Anh, — chị quay sang anh, — sao không mời khách ở lại xơi cơm?


— Mời rồi, cậu ấy bảo để lần khác. — Rồi bất ngờ anh quay sang tôi, nhăn trán một cách vất vả, anh đang cố nhớ lại một điều gì... — Này, cái câu cậu vừa đọc... tôi... hình như tôi đã đọc ở... ở đâu nhỉ? — Anh lấy đầu ngón tay gõ gõ đầu.


— Em xuyên tạc đấy. — Vô tình mà may đúng sở trường, tôi như thằng chết đuối vớ được cọc. — Còn đúng bài này là “Đề đô thành nam trang”, còn gọi là “Đề tích sở kiến xứ”, hoa ở trong đấy là đào chứ không phải hồng. Nguyên văn nó thế này...


“Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ?

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”


Là thơ của Thôi Hộ, từ đời Đường anh.


— Đúng rồi, đúng cái đấy rồi... — Tôi thấy trong mắt anh những tia phấn khởi, nhưng anh lại nhăn nhăn ngay, — còn có một cái tích, mới cả... có lời khác dễ hiểu hơn, gì mà... “hoa đào năm trước cười gió đông”...


— Đấy là Truyện Kiều. “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là đoạn Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du mượn cái điển cố này...


— Không... vẫn bài này cơ... có lời khác dễ hiểu hơn...


— À... thì lời em vừa đọc là phiên âm Hán-Việt, còn lời dịch thì... cũng tương đối nhiều, bác Tản Đà cũng dịch, mà em không nhớ nguyên văn cái nào...


— Cậu cố nhớ xem.


— Thôi, để em tự dịch vậy, em sẽ cố dịch sát nội dung... — Lúc đấy khóe mắt tôi thấy chị ngẩng lên, có vẻ chăm chú vào câu chuyện của chúng tôi. Tôi vội xếp chữ một tí, rồi bảo. — Đây, anh nghe thử xem...


“Ngày này, năm ngoái, ở vườn trong,

Má phấn, đào hoa, chen sắc hồng.

Má phấn chẳng hay đi đâu vắng?

Hoa đào, vẫn vậy, cười gió đông.”


Tôi thấy anh gật gù, có vẻ tấm tắc lắm, hình như anh đang định nói gì với tôi, thì tôi nghe chị hỏi:


— Nguyên văn là “đông phong” hay “xuân phong” hả em? Hoa đào... sao lại gió đông?


Bao nhiêu công phu để “bình thường hóa” của tôi, thậm chí dịch cả một bài thơ khó, thế là lập tức đổ sạch xuống sông. Tôi phải nhìn vào mắt chị một cách khó khăn, mọi thứ ở tôi lại trở nên gượng gạo. Tôi cố để giọng nói được tự nhiên:


— “Gió đông” này không phải là gió mùa đông, mà là gió thổi từ hướng đông. — Tôi líu lưỡi. — Thôi em về đây...


— Cậu... còn cái tích... — Anh níu tôi.


— Để lần sau em chép cho anh, cả thơ vừa dịch luôn...


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...