Tôi giật mình ngước nhìn lên.
Chả thấy ai cả. Mắt mũi nhòe nhoẹt quá.
Phải đến lúc chùi hết nước mắt, thì tôi nhìn rõ có một người đang đứng gần phía trước mặt.
Bằng vào ngoại hình thì người này già hẳn hơn tôi. Nhưng tôi biết anh ta không già hơn mấy, nhờ vào ánh mắt đang nhìn tôi. Anh ta để đầu trần, tóc chải cẩn thận, mặc dầu vậy dễ thấy đấy không phải là mái tóc hay được gội chải; chiếc áo sơ mi màu xanh công nhân còn mới bỏ ngoài quần, tay xắn lỏng mấy nếp, cúc áo cài kín, chỉ trừ chiếc “bóp cổ” ở trên cùng; quần ka-ki màu hơi xam xám, tinh tươm, nhưng đùi và hai gối đã sáng màu hơn các chỗ khác; và đôi dép da không quai hậu, có đế dày, thô thô như cái bánh mì to, chắc lúc mới màu đen, còn bây giờ chỗ đen, chỗ mốc mốc ở những vết mặt da đã bong. Mắt anh ta hơi nhỏ, hai mí nhưng hơi cùm cụp như một mí, ánh mắt sáng, có những tia vui vẻ đang nhìn tôi chăm chú. Miệng anh ta đang có nụ cười dở chừng, giống như trẻ con lúc ngỡ ngàng: buồn cười nhưng lại không biết lúc này có nên cười không; chắc anh ta đang ngạc nhiên về bộ dạng của tôi.
Kỹ năng giao tiếp của tôi tốt, và tôi thường phải dùng, vì bản chất tôi không phải là người cởi mở. Tôi lấy gốc lòng bàn tay chùi kỹ quanh hai mắt, rồi đưa ngón trỏ và ngón cái vắt vắt mũi, xịt xịt mấy cái cho thông hẳn, rồi toe toét cười:
— Em đang tập hút thuốc lào, bị sặc quá!.. — Tôi thò tay tắt tiếng kèn sáo sầu thảm, xếp lại mấy thứ trên chõng. — Bác ngồi chơi.
Bất ngờ, anh ta bước nhanh lại gần, một tay đặt lên vai tôi, rồi cúi xuống vỗ vỗ nhẹ sau lưng tôi.
Có lần, có một người không quen biết, mới gặp lần đầu, đã thân mật vỗ vai tôi; lần sau, mặc lại chiếc áo bị vỗ ấy, không hiểu sao tôi có cảm giác rất không thoải mái, nên tôi vứt nó đi; tệ là đấy là chiếc áo rất đẹp, một trong những chiếc mà tôi thích nhất; còn tệ hơn nữa, là trông thấy nó trong sọt rác, người mua nó đã bỏ tôi mà đi, tôi đã phải lẽo đẽo, giải thích vòng vèo, thậm chí xin lỗi, năn nỉ, thề thốt... mất hẳn mấy hôm.
Nhưng lần này, bị đường đột thế, nhưng tôi lại thấy rất thoải mái. Hoàn toàn không khác gì như người này là Đim-ma, hay là Lan Cải; còn gần gũi hơn Phi Long — như tôi từng giải thích ở đâu đấy, Phi Long mặc dù mở toang, nhưng không bao giờ gây được cảm giác gần gũi.
— Bác sang trượt lúc. Cô giáo đi dạy rồi. — Tôi nhìn người khách.
— Em chủ ý sang thế đấy. — Giọng anh ta vui vẻ. Trên chõng có mỗi chiếc cốc tôi đang uống nước vối. Anh ta điềm nhiên rót thêm vào cho đầy, rồi bưng lên uống liền mấy ngụm to.
— ... — Không hiểu sao tôi không thấy khó chịu tí nào, mà cứ háo hức nhìn anh ta, trong bụng tự nhiên dậy lên một cảm giác sướng vui khó tả; cái này tôi lờ mờ mường tượng có lẽ nó là một trong những cảm giác từ hồi còn bé, mỗi lần tôi có bạn mới hay có đồ chơi mới.
— Chuyện... — nét đang hồn nhiên trên khuôn mặt anh ta bỗng trở nên rất băn khoăn, — là chuyện... vấn đề... động cơ vĩnh cửu bây giờ thế nào rồi hả bác?
Tôi đã hình dung ra lý do anh ta đến đây; thời gian là tương đối, nếu thực sự có cái gì đó đi nhanh hơn ánh sáng, thì tôi nghĩ nó là ý nghĩ; trong óc tôi thoáng hiện ngay hai gương mặt: mặt anh Cường và mặt anh Trí. Tôi được nhìn thấy mặt hai anh trên báo. Hai anh là những người Việt Nam vừa mới bóc trần những điểm mập mờ, ngộ nhận của Anh-xtanh. Anh Trí hình như là kiến trúc sư; nên tôi lại nghĩ ngay đến trường Đại Học Kiến Trúc ở Việt Nam. Đại Học Kiến Trúc ở Việt Nam, ngoài việc dạy ra thợ xây nhà ống, đã còn dạy thêm ra nào là văn sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, ca sĩ... Cho nên cùng với trào lưu lập trường đào tạo tài năng, đào tạo thần đồng, đào tạo tiến sĩ khoa học theo cô-ta... đang rôm rả trên khắp các diễn đàn giáo dục, tôi nghĩ Đại-Học-Kiến-Trúc-Việt-Nam trong một tương lai không xa có lẽ sẽ phải đổi tên thành Đài-Hóa-Kiếp-Trạng-Việt-Nam, thì mới thật xứng đáng với công năng kỳ vĩ của nó.
Nhưng lại một lần nữa, mặc dù lần này đã kèm theo một cảm giác ngạc nhiên tương đối về chính nó, tôi không thấy mình khó chịu, ngược lại, lại đang rất muốn tìm một cách tận tình để giải thích.
— Động cơ vĩnh cửu ạ... — Tôi cau mày, bóp trán: cái này là kỹ năng; kỹ năng giao tiếp có lẽ cũng không nên bị hiểu là một thứ luôn tuyệt đối không được dùng trong những giao tiếp chân thành; nhiều khi càng yêu tha thiết lại càng tốn bao cao su. — Người ta đã tìm cách chứng minh được là nó không thể có bác ạ.
— Thế... thế là... không còn ai thử làm?
— Vâng, có lẽ thế. Lâu rồi em cũng không còn nghe ai nói thêm về chuyện này nữa. — Tôi xòe hai bàn tay, xo vai. Và tôi đã cố gắng cười thế nào đó, có thể đã tạo ra một vẻ gì đó giống như chính tôi là kẻ có lỗi trong chuyện này, để không làm cho người đối thoại bị không thoải mái. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Có thể nó đã chả thành ra một cái nụ cười gì cả; cái này tự trong lòng, nó không liên quan đến những kỹ năng giao tiếp. Mà cũng có thể tôi đã thành công; nhưng nếu thế, thì cũng chỉ phần nào thôi.
Vì tôi vẫn thấy anh tần ngần.
Buổi chiều, chúng tôi vừa ngủ dậy, cô giáo đang vừa tíu tít bi bô chuyện gì đó, vừa thò tay tắt siêu nước kêu tu tu, để pha trà, còn tôi ngồi ở bàn, vừa xớp oép, vừa nhăn nhó nghe “Người ới... ới... ới...” — Đàm Hưng đang bật rất to; thì lại có khách đến.
Tôi hơi bất ngờ. Khách vẫn trang phục y như lúc sáng, nhưng tay trái xách cái mũ cối đã cũ, còn tay phải cầm một ống giấy vẽ, có quấn cái chun vòng.
Chúng tôi đã quen nhau, nhưng có cô giáo ở nhà, anh lại có vẻ như giữ ý. Tôi thấy anh chắc là nóng ruột lắm, nhưng cố ngồi trao đổi những câu xã giao, chờ cho đủ trà, bánh quy, người. Tôi mới bắt đầu kể nàng nghe vắn tắt chuyện ban sáng, thì đã thấy anh vội vàng giở tờ giấy vẽ ra.
Tôi ngồi sáp lại cạnh anh, như kiểu đôi bạn cùng tiến, thò ngón tay rờ rờ theo đường vẽ bút chì... mắt nhìn mông lung, ngẫm nghĩ, bóp trán, rồi ngồi thừ người ra.
Anh ngồi nhìn tôi với ánh mắt và dáng vẻ mà tôi nghĩ là rất giống ánh mắt và dáng vẻ “bạn mới, đồ chơi mới” của tôi lúc sáng. Và lúc ấy, tôi chợt nảy ra một ý.
Tôi quay sang nàng, nghiêm túc:
— Trường em, ở gần đây, có ai dạy Vật lý không?
— Anh Tú ở ngay đây. — Nàng vui vẻ. Thấy hai ngón tay tôi chạy lon ton trên mặt bàn, nàng nói luôn. — Đi bộ có một đoạn.
Tôi đứng dậy, đậy hộp bánh quy lại, rồi cầm cả lên, khoát khoát tay; tôi thấy mắt anh Tuấn — tên anh là Tuấn — sáng lên, anh vội xếp lại mấy chiếc chén vào khay, rồi bưng lấy khay; nàng thấy thế, cười tươi ơi tươi, hàm răng trắng ơi trắng, chạy vào nhấc thử hai cái phích, rồi xách một cái theo. Nhìn nụ cười hồn nhiên của nàng, bụng tôi cứ tự nhiên đau như cắt.
Anh Tuấn ít học, nhưng đầu óc anh rõ ràng. Tôi nghĩ anh là người thông minh, dựa theo cách anh nói chuyện.
Học, trừ phi là trường thật to, môn thật hẹp, giáo thật hoành, thì nói chung không phải là việc khó; cho nên mặc dù người có tố chất thông minh nhưng ít học thì cũng khó có thể coi là thông minh, nhưng người không có tố chất đấy, thì dù có bằng này, chứng nhận kia, thì cũng không bao giờ có thể giống như người thông minh cả. Một trong những cách phân biệt đơn giản và hiệu quả nhất là quan sát khả năng diễn đạt.
Khả năng diễn đạt là một đặc điểm tôi nghĩ là hết sức quan trọng để phân biệt giữa người và động vật. Mỗi lần gặp phải cách diễn đạt ú ớ, lùng bùng, lờ mờ, lủng củng, lòng vòng, viện dẫn nhiều mà không có suy nghĩ tự thân, càng không hiểu thì lại càng cố làm cho mọi thứ trở nên phức tạp để dấu dốt, của một ai đó, tôi luôn tự động bị liên tưởng ngay đến ánh mắt im lặng câm nín của chó, của bò...
Anh Tú trông giống như giai chuyên ngữ, hai đùi anh còn hơi quệt vào nhau sột soạt lúc đi, nhưng anh lại thông minh. Ở nhà, cửa mở ngay, nhưng anh ăn mặc chỉnh tề, áo sơ mi mới, quần âu là cháy li — tôi nghĩ là may hơi bó, xơ vin; y như là đang chờ đón chúng tôi. Mái tóc mượt mà, mai chải cong cong, mái hơi gợn sóng, anh rất ngạc nhiên khi nhìn thấy đám “trà đạo” chúng tôi, nhưng một nụ cười mà với tôi là một trong những nụ dễ mến nhất mà tôi từng gặp đã rạng rỡ trên khuôn mặt tưởng như sẽ dễ bĩu môi của anh, và mở rộng cánh cửa hết cỡ, anh đứng hẳn qua một bên, dang tay mời đám khách không mời.
(Còn tiếp)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...