Một người tôi chưa nhìn thấy bao giờ tự nhiên xuất hiện trước mắt tôi, nhìn tôi bằng cái nhìn thật sáng, thật trong, thật thân thiết, và nói với tôi bằng một thứ tiếng Việt Nam thật dễ nghe: — Có muốn anh dạy em nói tiếng Việt Nam không? Tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Tám, — tôi về ở với bố hai lần. Bố tôi vẫn sống lặng lẽ, và vẫn nấu món súp củ cải đỏ ngon nhất trong tất cả những món súp mà tôi từng ăn. Buổi chiều, bố tiễn tôi ở ga tàu điện đường dài ngoại ô, trông ông có vẻ yên tâm. Căn hộ ở trên phố bây giờ bác Di-na — bác Di-na là chị của mẹ anh An-tôn tôi — mỗi tuần đảo qua một, hai lần trông nom; anh A-li-ô-sa tìm cách giữ lại căn phòng của Phi Long trong ký túc xá, bây giờ tôi sống ở đây một mình là chính, chỉ có cuối tuần, một, hai ngày, tôi về nhà A-nhi-a để trình diện, và báo cáo tình hình với cô Ma-ri-na. Suốt mùa hè tôi làm bạn với cây đàn ghi-ta, — cây đàn ghi-ta Đức mà Phi Long đã để lại cho Vê-rôn-na. Nó là một tác phẩm nghệ thuật. Nó thật xinh xắn, hình như nó đã được làm thủ công, bằng các thứ gỗ chọn lọc, mặt trắng, thân và lưng màu vỏ bánh mỳ mới ra lò óng ả như còn được bôi thêm một lớp mật ong. Viền theo lỗ thoát âm, và dọc theo mặt cần đàn, có những họa tiết hình dây leo mảnh mai, có lẽ là dây nho, trông rất giản dị và tinh tế. Đặc biệt là trên cạnh thùng đàn, ở trên chỗ phình ra về phía trước, còn có thêm một cái lỗ thoát âm có hình dạng gần giống — có thể hơi méo hơn — nhưng to hơn quả trứng một chút. Mặc dầu ngoại hình dịu dàng thế...
(Đọc tiếp)