Lập Trình Viên II (7)

Chỉ có mỗi mình tôi, nhưng căn phòng khách sạn mà Mai Phương và anh Ngạn đã thuê cho tôi ở thì rộng mênh mông.


Thực ra tuy nó rất rộng nhưng còn lâu mới rộng bằng gian phòng khách sạn mà tôi và A-nhi-a đã sống qua một đêm ấy ở Xanh Pê-téc-bua. Nhưng ở đây không có A-nhi-a, và tôi lại còn nghĩ đến chuyện đó, cho nên căn phòng này rộng đến chới với.


Hồi trước tôi thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội đạt điểm tốt, nên lọt được vào số sinh viên được nhà nước chọn cho đi học đại học không mất tiền ở nước ngoài, — dạo ấy mỗi năm sẽ có vài trăm sinh viên như thế, giờ thì hết rồi, không phải hết học sinh thi được điểm cao, mà hết tiền nước ngoài cho.


Tôi và các bạn sắp đi du học sẽ phải học thêm một năm ngoại ngữ ở nhà. Cho nên lúc tôi học xong về nước, thì các bạn cùng trang lứa phổ thông với tôi nhiều bạn đã bắt đầu ổn định công ăn việc làm, và có kế hoạch — hay là đã — lấy vợ lấy chồng; những bạn không học đại học, nhất là bạn gái, thì có bạn đã đẻ rồi.


Tôi thì vốn chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện ấy. Nhưng bây giờ trước những trực quan cụ thể như vậy, ý nghĩ của tôi cứ tự động đặt tôi — và A-nhi-a, đương nhiên — vào khung cảnh đó. Và cảm giác của tôi khi ngắm bức tranh "phong cảnh" này, vì sao đó, — cho dù có ngắm đi ngắm lại — cứ luôn hoàn toàn không được thoải mái.


Mặc dù có vẻ phong phú về sắc thái, nhưng luôn có cái gì đó — dù là cố xoay xở cách nào — không được ổn thỏa về bố cục.


Tất nhiên tôi không muốn, nhưng ý nghĩ của tôi theo một cách lô-gích cứ tiếp tục tự động đặt tôi và... "không phải A-nhi-a" vào tranh, nhưng nó cũng chỉ làm được đến thế, và đây cũng là một cố gắng vô nghĩa, vì khi mà một người xem tranh đã quá có định kiến, thì bức tranh thế nào mà chả thế?


Tôi và... "không phải A-nhi-a"... thì là cái quái gì?!


Tôi sẽ phải tự ghen tuông với chính mình? Hay là sao?!


Có lẽ tôi đã luôn có một hình dung khác về tình yêu.


Hình dung thế nào?


Tôi chắc chưa vẽ được thành một bức phong cảnh cụ thể kiểu kia đâu. Mà ai biết rốt cuộc liệu tôi có vẽ được một bức tường tận nào không? Nhưng ngay cả sẽ không biết vẽ cái gì, thì tôi vẫn biết sẽ không vẽ cái gì.


Và bất luận thế nào thì những gì tôi nghĩ về tình yêu cũng chưa bao giờ giống như cái kia.


"Nàng sắp xếp vài thứ tùy thân đi, ta sắp đốt nhà đây!"


Nếu là thằng Đim-ma em tôi, (Em ơi!..), chắc nó sẽ chốt lại bằng một câu như vậy, — nó ham đọc, tinh ý và thông minh lắm, lại rất giỏi xuyên tạc; nó có nhiều câu kiểu đấy.


Và khổ sở nhất là tôi nhớ A-nhi-a chỉ có hơn, chứ không kém chút nào so với những kiểu nhớ nhung mà tôi từng đọc được ở trong các tiểu thuyết và điển tích, mà trước giờ tôi vẫn đinh ninh là chúng hoàn toàn cường điệu.


Tôi nhớ A-nhi-a lắm!


Đến nỗi tôi đã thật sự hoang mang, — vì dĩ nhiên tôi cũng đọc rồi, không phải một lần, về những ai đó trong truyện đã bị chết vì căn bệnh tương tư.


Và tôi cố tìm cách để đối phó.


Trước đây tôi đọc sách thấy người xưa nói:


"Sĩ nhân tam nhật bất độc thư, tắc mục diện khả tăng, ngữ ngôn vô vị." — "Người trí thức ba ngày không đọc sách, thì mặt mũi khó coi, nói năng nhạt nhẽo."


Tôi nghĩ cảm giác không thoải mái nhất của tôi từ trước tới giờ có lẽ là những lúc tôi cảm thấy mình dốt nát trước một chuyện gì đó mà tôi rất muốn biết. Những lúc ấy, đúng là nhìn vào gương tôi thấy mặt mình thật đần độn. A-nhi-a vẫn cười tôi về chuyện này, nhưng không nhận xét hay ý kiến gì.


Cho nên một cách hoàn toàn máy móc, — vì cũng chẳng biết phải làm sao hơn, — tôi cố tìm cách để hình dung rõ hơn về "nỗi nhớ".


Mà ở khu vực nước tôi, thì nói về chuyện này không gì nhiều bằng sách Phật. Tất nhiên, tôi cũng mang máng hình dung ra là Phật cho đến bây giờ, cho đến nước tôi, thì tam sao thất bản cũng là lẽ dĩ ngẫu. Nhưng tôi không có ý định ôm đồm.


Còn không ôm đồm, thì Phật đã liệt kê rất chi tiết là con người ta sống ở trên đời có cả thảy tám nỗi khổ:


"Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm thịnh."


Là: "Sống, già, ốm, chết, yêu (mà) chia lìa, oán ghét (mà) gặp, cầu chẳng được, ngũ uẩn thịnh."


Sống, già, ốm, chết, — là "thân khổ", tức là khổ về thân xác.


Yêu mà chia lìa, oán ghét mà gặp, cầu chẳng được, — là "tâm khổ", tức là khổ về tâm tưởng.


Còn ngũ uẩn thịnh, — là "hành khổ", tức là khổ vì cái chuyện ta là ta ở đây (và phải ngụp lặn trong bảy cái khổ kia) là chuyện mà ta không thể kiểm soát được.


Nhìn thấy cái "Ái biệt ly", tôi mừng đến hoa mắt!


Nhưng mừng, để rồi thất vọng.


Tôi cứ tưởng là Phật biết cách nhớ nhung như thế nào đó để mà sẽ không bị khổ. Nhưng tìm được bao nhiêu tài liệu thì tôi đều đã bới kỹ cả lên, thế nhưng vẫn chẳng tìm được một cách nào hết. Mà hình như — tôi cũng chưa thể tham thấu — Phật lại khuyên là đừng có yêu thì sẽ không bị khổ vì chia lìa.


Thế thì thà khổ còn hơn!


Thày Đét-lam yêu quý của tôi đã dạy tôi cách làm khoa học. Cho nên không tìm được kết quả nghiên cứu đã có, thì tôi tìm cách để tự nghiên cứu.


Có vẻ khó ghê lắm, nhưng dù không hiểu được hết, thì vẫn có thể hiểu được nhiều hơn. Để dễ hình dung, tôi bèn tìm cách so sánh.


Trước đây vào một lúc thể lực quá tệ hại vì ăn ngủ thiếu điều độ, tôi đã bỏ thuốc lá được hơn một tháng. Thường lệ tôi hút khoảng ngày một bao, lúc nhiều là bao rưỡi. Bỏ thuốc, tôi bị nhạt mồm, bứt rứt chân tay (nhất là nếu thấy cà-phê), thèm và ăn tương đối nhiều sô-cô-la, mật ong, kẹo ngọt...


Thế thôi, và không thể khổ bằng cái chuyện nhớ nhung này.


So sánh với thuốc lá vậy là không có gì rõ thêm, rượu thì có lúc tôi uống nhiều, nhưng không nghiện, nên lâu lâu không uống đại để cũng không sao, cà-phê thì chắc còn đơn giản hơn; hết sạch "ví dụ", tôi bèn tìm cách giấu Mai Phương, bắt chước các "bần tăng" nhịn ăn thịt một tuần xem sao.


Hóa ra cái này lại chả có gì là ghê gớm cả, so với bỏ thuốc lá còn thoải mái hơn nhiều.


Thế là hết cách!


Nhưng có vẻ sau một hồi loay hoay như vậy, thì cái sự "ái biệt ly" dường như cũng phần nào trở nên dễ chịu đựng hơn.


Nhưng ngay cả đúng là có dễ đi được chút nào thật, thì cũng ít lắm.


Ban đêm, tôi vẫn phải nằm nghiêng về bên trái, co quắp chân lên. Nằm như vậy thì thở rất phì phò, nhưng hình như đằn lên ngực bên trái nhiều nhiều thì trong lòng nó cũng có vẻ đỡ hẫng hụt hơn thật. Lúc nào nhớ quá thì tôi nhắm tịt mắt lại và tưởng tượng là A-nhi-a đang nằm ở ngay trước mặt tôi, chỉ là tôi không đụng vào thôi.


Làm thế cũng tốt phết, nhưng nếu không ngủ thiếp đi được thì lại rất kinh.


Vì không ngủ được thì trước sau gì sẽ phải mở mắt ra. Và cảm giác lúc đó mới cực kỳ thê thảm! Muốn khóc kinh khủng, nhưng lại không thể nào khóc được!..


Những khung cửa sổ kính đều đóng kín, nhưng chắc chúng quay ra đường, nên ở trong phòng vẫn nghe rõ tiếng trống bụp bụp từ chỗ "ca nhạc", dù không to lắm. Thò tay tìm thuốc lá, đã mở bao định cắn một điếu, tôi mới giật mình buột miệng:


— Chết cha!


Hồi ở nước ngoài, thuốc ba số hút nhạt phèo, tôi toàn hút Marlboro đỏ; về nhà, khí hậu khác, thuốc Marlboro tự nhiên không thơm như trước, nhưng ba số thì lại rất đượm, nên giờ tôi hút ba số.


Nhưng lúc nào tôi cũng có Marlboro bên mình.


Những lúc một mình nhớ A-nhi-a, tôi hút Marlboro.


Hôm qua tôi đã hút hết sạch Marlboro, và đây là khách sạn, lại đêm rồi.


Tôi đã xuýt mừng rỡ, tưởng bộ bài thằng bé Nhất Phi đưa cho tôi ban nãy là bao thuốc; nếu là lúc khác, chắc tôi đã mở bài ra xem, nhưng giờ tôi chán nản quẳng nó lên mặt bàn nước.


Tôi bực bội nhìn loanh quanh.


Trên sàn, ở dưới chân giường, có cái va-li du lịch con con, — đồ Mai Phương sắp xếp cho tôi để đi "công tác" ở khách sạn. Tôi dùng luôn đồ của khách sạn, tối về thì tôi cứ để nguyên cả quần áo, nằm co trên giường rồi ngủ luôn, nên vẫn chưa đụng đến cái va-li.


Đúng như tôi đoán và mong, (muốn thơm Mai Phương một cái quá), ở trong va-li ngoài ít quần áo, quyển truyện ngắn của Bu-nhin bìa cứng màu nâu sồng, dày bằng khúc giò lụa hai lạng, xà phòng tắm, dầu gội, bàn chải, thuốc đánh răng, bọt và dao cạo râu, nước hoa... còn có hai bao ba số và... ba bao Marlboro đỏ!


Bây giờ mở va-li rồi, và nhìn thấy những thứ mà Mai Phương đã chuẩn bị cho, tôi tự thấy mình phải đi tắm. Hút thuốc xong, tôi sẽ đi tắm. Mai tôi sẽ mặc quần áo mới.


Tôi tắt bớt đèn, chỉ để đèn tường vàng vàng, không bỏ giày, độn hai cái gối đầu giường làm một, rồi nửa nằm nửa ngồi dựa vào đấy, cheo chéo, cổ chân trái gác lên cổ chân phải, giày thò ra khỏi giường, cái gạt tàn thủy tinh để trên nệm, bên cạnh.


Tôi hút liền tù tì ba điếu, nửa điếu cuối cùng tôi hút theo kiểu hút xì-gà mà anh An-tôn đã có lần dạy tôi, không rít khói sâu vào phổi.


Phòng như phòng này thì có bồn tắm, nhưng tôi không quen tắm bồn; tôi phun hoa xen ào ào và tắm tương đối kỹ; lúc sắp xong thì hình như tôi nghe thấy có tiếng động trong phòng.


Hé cửa buồng tắm, thò đầu ngó nghiêng, thấy mọi thứ có vẻ vẫn thế, tôi định khép cửa tắm nốt, thì tiếng động vang lên, — đúng là có tiếng động thật...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...