A-rờ-bát

A-RỜ-BÁT


Мелькают Арбатом знакомые лица,

С аллеи цыганки заходят в дома...


Thấp thoáng A-rờ-bát những gương mặt quen,

Từ ngoài đường phố bọn con gái di-gan rẽ vào các ngôi nhà...


Hình như Chúa đã tạo ra các loài khác giống như những chương trình lành mạnh, và đã tạo ra con người giống như một loại vi-rút.


Vi-rút thường có những đặc điểm: lây lan, hủy hoại, và biến thái. — Đều là sự thiếu nền nếp.


Người, hình như là giống duy nhất biết lẹo nhau quanh năm. Là phúc hay là họa?


Chỉ biết là ngay cả một chuyện bản năng tự nhiên đơn giản như vậy mà cũng đã trở thành một sự rắc rối lớn mà không thể nào có thể dàn xếp ổn thỏa được. Và trong một nỗ lực dàn xếp, người ta đã nghĩ ra chuyện lẹo phải có giấy tờ, giống như phải có đăng ký xe máy, mà lại khổ hơn đăng ký xe máy ở chỗ: mỗi thời điểm chỉ được đăng ký một con duy nhất, và đăng ký con nào thì chỉ được đi đúng con đấy, — mượn xe người khác để đi, nếu bắt được, sẽ bị xử phạt hành chính hết sức đau thương.


Không còn ai được phép đi xe máy một cách trong sáng ở ngoài phố nữa.


Chuyện này, vì bản chất là biến thái của vi-rút, nên đương nhiên sẽ gây hậu quả.


Có những con xe, đúng là xe thật, theo chỉ số kỹ thuật thì hoàn toàn có thể đi được thật, nhưng chẳng biết làm sao lại chẳng làm sao có thể đăng ký được.


Đành phải xếp xó, hoặc lưu hành lén lút, — chứ biết làm sao?!


Còn những người — thực ra là mọi người, vì Chúa đã sinh ra thế — thích đi nhiều xe khác nhau thì sao?


Đành phải đi lén đi lút, đi xe mượn, lúc không mượn được thì phải thuê; rủi mà bị phát hiện, thì đành phải cắn răng chấp nhận đau thương; rủi nữa, có những người thích mẫu mã mới, thích tốc độ cao, đã mạo hiểm lái thử cả các loại xe còn chưa xuất xưởng, bị phát hiện, đã phải đi tù rất lâu.


Không nhiều lắm, nhưng cũng có những người không thể mua được xe, cũng không thể mượn, hay thuê được, không quẫn trí mới là lạ, bèn cướp xe để đi. Thực tế đã có trường hợp xem phim đua xe nhiều, mà lại chưa bao giờ được đi xe, một lần tình cờ lọt vào một nhà để xe, không kìm được, đã đi một lúc năm, sáu con xe liền.


Loại này, nếu bị phát hiện, còn bị đi tù lâu hơn, — như trường hợp kia, thì mọt gông.


Nhưng những trường hợp xử phạt như trên không phải là phổ biến, nên trong tổng thể mà nói, thì cũng không hẳn đã là quá đau thương.


Phổ biến nhất, và — một phần vì vậy — đau thương nhất, có lẽ lại là những trường hợp theo dàn xếp: một người, một xe, một lần và mãi mãi.


Một người, làm mãi một việc, kiểu gì cũng đến lúc chán.


Một người, làm mãi một việc, vả lại chất lượng công việc càng ngày càng sa sút, kiểu gì cũng đến lúc không thể không chán.


Cá nhân tôi, làm mãi một việc, và ngay cả chất lượng công việc càng ngày càng được nâng cao, tôi vẫn chán như thường.


Hồi đấy, tôi mới vào đại học được một ít, trong một lúc chán khoa học, chán nhạc nhẽo đàn đúm, tôi xin phép — và xin tiền — người lớn, đến thuê một chỗ ăn nghỉ nho nhỏ trên phố A-rờ-bát, và tìm thày để học vẽ.


Vậy là, mùa đông, tuyết trắng, tôi ở A-rờ-bát, chăm chỉ theo những buổi học vẽ ở xưởng của một họa sĩ già, không thành công, nhưng đủ nổi tiếng trong giới họa sĩ ở đấy, — một ông lão phúc hậu, béo, quần áo tóc tai hơi lôi thôi nhưng phải thừa nhận là ở ông có những nét đẹp đẽ, quý phái, mà chỉ ở những người có gốc văn hóa, nghệ thuật xịn, tức là "con nòi" mới có.


Bỏ bê việc học ở trường ngay từ đầu để chạy theo một thứ mà bản thân tôi cũng không xác định được là thú vui hay đam mê, và dù có là thế nào thì khả năng lớn cũng chỉ là một thứ nhất thời; lý trí mà nói, thì quả thật là vô tổ chức. Tôi cũng ý thức rất rõ như thế, nhưng tôi không khác được, — lúc ấy, đây gần như đã là việc duy nhất mà tôi kịp nghĩ ra và phải làm ngay để không cảm thấy chán.


Tất nhiên, tôi cũng thỉnh thoảng tự nhủ về đam mê, về tiếng gọi trái tim... — đại khái là những thứ vẫn thường hay được kể lể trong các loại sách mà mong muốn lớn nhất của người viết là tìm cách dỗ dành, vỗ về các xu hướng tâm lý yếu đuối, lười nhác, lệch lạc của người đọc để có thể bán được nhiều sách; nhưng nhủ là nhủ thế thôi, chứ tôi lúc đấy đã suy nghĩ rõ ràng thông suốt được là nếu một người mà đã có được "Tiếng gọi trái tim" thật sự, thì đơn giản là sẽ tự nhiên đi theo thôi, chứ không thể, và cũng không biết cách nghĩ về nó nữa, đừng nói lại còn có thể "bình tĩnh sáng suốt" lựa chọn có đi theo nó hay không, — như bọn tác giả "vạn sự thông" mất dạy kia vẫn tìm cách vỗ về người ta.


Người, chỉ cần lú lên vì gái, thì đã chả còn lựa chọn nào, nữa là "Tiếng gọi trái tim".


Chuyện này thì tôi rất biết.


Vậy là tôi ở A-rờ-bát, gần nhà hàng Pờ-ra-ga và khách sạn Xta-lít-xa cũ. Ngoài những giờ ở lớp học vẽ, tôi lê la ngoài phố, làm quen với các họa sĩ và nghệ sĩ khác ở đấy, cứng tay một chút thì lân la vác giá vẽ đến để xin phép được bắt chước. Các buổi tối thì chủ yếu trôi qua trong các nhà hàng không đắt lắm, với một đám bạn bè ngày càng đông hơn, ồn ã, bát nháo, vui vẻ, và phưng phức hơi men.


Tóc tôi đã mặc kệ dài đến vai, bụi bặm; ria tôi đã thành vệt đậm đà trên khuôn mặt hốc hác; mắt tôi trông to hơn, long lanh hơn, nhưng bắt đầu ngơ ngác; móng tay tôi dài, gãy vỡ, bẩn và nhem nhuốc. Có một đêm tôi đã nằm mơ thấy đang nằm dài trên ghế ở cuối giảng đường, gối đầu lên đùi Ta-nhi-a, — cô đang mải miết vừa cắn hột hướng dương, vừa chép bài (cả cho tôi — kê giấy than), vừa thỉnh thoảng lùa những ngón tay mềm mại, man mát, vuốt tóc tôi.


Tôi biết "Tiếng gọi trái tim" sắp đến hồi hụt hơi, và việc về đi học chỉ còn là chuyện thời điểm, và tính bằng ngày.


Nhưng đúng lúc ấy đã bất ngờ xuất hiện một "Tiếng gọi trái tim" khác.


Tuyết đã tan được một ít, bây giờ tôi về đi học thì cũng là vừa đẹp, — vừa kịp để không phải bỏ năm học này.


Nhưng tôi vẫn chưa về. Tôi vẫn vẽ.


Sáng hôm ấy tôi đang ngồi vẽ, và nhìn nước chảy thành dòng trên kính cửa sổ, thì có người gõ cửa nơi ăn ngủ của tôi.


(Còn nữa)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Linh Hoàng bi bô...

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...