I-u-li-a






I-U-LI-A






Buổi sáng tôi đang ở trường thì cô gọi điện, và chuyện lạ lùng là tôi nhận ra cô ngay. Cô bảo tôi đón cô ở Trường Đại học Tổng hợp, và chuyện lạ lùng là tôi bảo “Đa” — “Ừ”, tiếng Nga — ngay.


Và có lẽ chuyện lạ lùng nhất là tôi không hề thấy có gì là lạ lùng cả.


Đang là cuối Tháng Chín, mùa hè muộn.


Mùa này ở đây, cũng giống như mùa thu ở Hà Nội, là loại mùa có vấn đề. Và người ở đây, cũng giống như người ở Hà Nội, đều có xu hướng là thích loại vấn đề đó.


Mùa này, có một phần nào đó ở bên trong mỗi người, nhưng hình như không có ai biết là phần nào, không ai có một hình dung nào tương đối cụ thể cả, chỉ biết là vào mùa khác, — đa phần các mùa, — hình như phần này nó nhỏ, có khi nhỏ đến mức người ta không hề cảm thấy có nó ở đấy, còn vào mùa như mùa này, thì nó to ra, có khi to đến mức người ta cảm thấy là mình ở bên trong nó, và nó rất nhạy cảm với trời đất, nắng gió, cây cỏ, vạn vật, và những người khác ở chung quanh, nó làm người ta buồn, làm người ta có cảm giác man mác, hoài niệm, hoài vọng, nó làm người ta bâng khuâng... và tất cả những trạng thái đó, nói chung đều khó ai có thể xác định cho rõ được nguyên do tại sao chúng lại như thế, và mặc dù đa phần chúng đều có xu hướng hơi buồn buồn, — buồn nhiều hơn vui, — nhưng vì sao đó chúng đều mang lại cho người ta một cảm giác dễ chịu, dễ chịu một cách sâu xa.


Có một lần, vào đúng một lúc tôi đang dễ chịu như vậy, thì Đào Phò — một anh bạn của tôi — vỗ vai tôi:


— Một con người may mắn!


— Ai may mắn? — Tôi ngơ ngác.


— À, anh đang nói chú cũng là một trong số ít những người may mắn...


— ...


— Loại người ấy... Kiếp này Ông Trời cho chú khả năng có thể học, hiểu, và rung động được trước một bản nhạc hay, trước một bức tranh đẹp, trước câu từ chữ nghĩa của các bậc trí giả trên đời. Nếu không được may như vậy, chú đơn giản là sẽ đi qua cuộc đời lần này theo một cách... trơ trơ,.. không khác nhiều lắm so với khúc gỗ, hòn đá, cục đất...


— ...


— Có điều cái mùa hè... rớt này. Thấy chú bâng khuâng, anh chán!


— ...


— Có một bậc, bậc nào anh không nhớ, từng nói đây là “mùa, mà mặt trời mùa thu vẫn có thể sưởi ấm nữ nhân”...


— ...


— Cái mô tả này nó có phần... chua chát! Chỉ có nữ nhân mới có thể cảm thấy ấm áp như vậy... khi mà mọi thứ... thật sự coi như là đã hư hỏng hết rồi!


Chuyện này dường như có tác động đến tôi.


Như bây giờ, tôi đang cho xe chạy lên núi Va-ra-bi-ô-vưi... ý tôi là núi Lê-nin (Va-ra-bi-ô-vưi là tên cũ; càng về sau tôi càng hay thích đọc các thứ cổ văn, và vì thích nên nhiều lúc, nếu gặp trường hợp tương ứng, tôi hay chen cổ văn vào; có lần Đào Phò nhắc tôi: “Vừa thôi em, quá đi, nghe nó lởm”; và y nói thế tôi thừa nhận cũng không phải là không có lý), giữa trời nắng trong veo trong một ngày hè muộn, và trong lòng tôi quả thật có vẻ đúng là không có một chút bâng khuâng nào cả. Cũng giống như đi đâu đó ngoài đường vào một ngày trưởng hạ, hay là đông chí, mà thôi.


Nhưng có thật là như vậy không?


Chí ít, tôi ít nhiều vẫn cứ nghĩ về chuyện “có thật không” này. Tôi lại đang nghĩ như thế lúc nhìn thấy cái biển báo:


“Các đồng chí lái xe! Vận tốc chuyển động trên địa phận Trường Đại Học Tổng Hợp Quốc Gia Mát-xcơ-va không quá 40 km/h”


Địa phận Trường Đại Học Tổng Hợp Quốc Gia Mát-xcơ-va, thường gọi là Trường Lô-mô-nô-xốp, khu này rộng mênh mông và theo cách diễn đạt của tôi tôi sẽ gọi nó là khu công viên hàn lâm.


Tâm điểm là tòa nhà chính của nó, cũng là tòa nhà chính của cả Trường Tổng Hợp, — vì trường không chỉ có một khu này. Tòa nhà này có thể coi là một trong những biểu tượng của thành phố kỳ vĩ Mát-xcơ-va.


Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1949, cùng một đợt đồng loạt với bảy tòa tương tự khác, theo chỉ đạo của Xta-lin. Tòa này và sáu tòa nữa được xây xong, — bây giờ tôi cũng chỉ nhớ định danh được thêm ba tòa nữa, là tòa khách sạn U-cờ-rai-na, tòa Bộ Ngoại Giao, và tòa khách sạn Lê-nin-gờ-rát, — còn có một tòa đang xây dở thì bị gián đoạn lúc Xta-lin chết, về sau vẫn được xây cho xong, nhưng lại xây thành một khối chữ nhật bèn bẹt, là khách sạn Nước Nga.


Sở dĩ xây đồng loạt tám tòa nhà na ná như nhau, chứ không phải bảy, sáu, hay năm, là vì năm ký quyết định xây tám tòa này, — năm 1947, — là năm kỷ niệm 800 năm Mát-xcơ-va.


Nếu như vào năm 2003 người ta không chồng thêm một cái mũi nhọn và dài lên đỉnh một tòa nhà mới xây khác, — gọi là “Cung Khải Hoàn”, cũng phỏng theo dáng vẻ của bảy tòa kia, — làm cho nó cao đến xuýt xoát hai trăm sáu mươi lăm mét, trở thành tòa nhà cao nhất châu Âu và được ghi vào cuốn kỷ lục Ghi-nét, thì tòa nhà của Trường Đại Học Tổng Hợp cho đến giờ vẫn còn là tòa nhà cao nhất ở Mát-xcơ-va. Nhưng cũng chẳng vì thế mà ấm ức được, vì bản thân tòa này cũng phải có một cái mũi nhọn cao đến gần sáu mươi mét, thì cộng thêm với ba mươi sáu tầng ở dưới, nó mới cao được đến hai trăm bốn mươi mét.


Tòa nhà đứng quay mặt — hay là lưng (?), vì nó hầu như hoàn toàn đối xứng, và trung tâm thành phố thì nằm ở phía kia — về hướng tây nam, trước mặt nó là đường phố “Viện sĩ Khô-khờ-lốp”, băng qua đường là đến một khu “vườn — công viên” — vì nếu chỉ gọi là vườn thì người nghe có thể nghĩ là nó nhỏ, trong khi nó rất rộng, rộng hơn cả diện tích chân của cả tòa nhà, còn nếu gọi là công viên, thì người nghe lại có thể nghĩ là nó to lắm, và có cổng, rào chắn, bán vé... trong khi nó chỉ là một khu đất rộng hình chữ nhật chiều dài theo hướng tây nam bên trong được chia ngay ngắn thành năm phần, ở chính giữa là tượng đài Lô-mô-nô-xốp đứng quay lưng vào tòa nhà, còn bốn góc là bốn đài phun nước, những lối đi nhỏ được chia cách đối xứng ngay ngắn lát gạch đỏ chạy giữa những cây cao, cây thấp, hoa, cỏ, cũng được quy hoạch đối xứng ngay ngắn, và chắc là được chăm tỉa thường xuyên, vì trông bộ dạng thảy đều chỉn chu và tươi tỉnh.


Tôi thong thả cho xe vào đỗ ở khoảng trống phía trước tòa nhà của khoa Lý — tòa này, tính cả lối đi “nội bộ” và cây cối có quy hoạch chung quanh thì chiếm một khoảnh vuông vắn, hẹp hơn một chút, nhưng dài đúng bằng khu “vườn — công viên”, và nằm về phía bên trái khu này nếu cũng nhìn theo hướng nhìn của Lô-mô-nô-xốp, cách ra bằng một lối đi rải nhựa đường. Song song với lối đi này, ở về phía mặt bên kia của khu Vật Lý là phố Lê-bê-đép, — chắc là tên một nhà Vật Lý vĩ đại, tôi đoán thế, vì hoàn toàn đối xứng về mọi phương diện với tòa nhà của khoa Vật Lý, ở phía bên kia của “vườn — công viên” là tòa nhà của khoa Hóa, và đường phố hệt như đường phố này ở phía bên ấy là phố Men-đê-lê-ép; cả hai đường phố này đều đẹp mê hồn...


Nhà văn Nga — được giải Nô-ben — Bu-nhin có một truyện ngắn — một trong những truyện được coi là hay nhất của ông — đã được dịch và in ra tiếng Việt là “Những con đường rợp bóng cây xanh”, có một chị bạn rất giỏi ngôn ngữ của tôi là chị Yến Lan bảo dịch như thế hơi có phần “giải nghĩa lung tung”, và dịch lại là “Những lối đi tối”; còn nguyên bản là “chôm-nưi-e a-lây-i”, trong đó “chôm-nưi-e” là “tối” thì rõ rồi, còn “a-lây-i”, tôi nghĩ là dù có tra hết cả đống từ điển thì người không biết cũng không thể hiểu đúng được nghĩa của từ này... nhưng nếu đến phố Lê-bê-đép, hoặc phố Men-đê-lê-ép, là sẽ lập tức hiểu ngay.


Bãi trống chỗ tôi để xe nằm ở chính diện tòa nhà khoa Lý, nên từ đó đi qua lối đi nhựa đường là đã bước ngay lên một lối đi khác tương đối rộng rãi, lát gạch đỏ, lác đác lá vàng cái nằm im cái động đậy khe khẽ, hướng thẳng về phía trước mặt; và ở phía đó, — đứng ngay giữa đường, trên một cái trụ tròn cao phải hơn hai, còn bản thân thì phải hơn gấp rưỡi, người thường, tóc quăn phi dê, tay trái ôm bụng, — là nhà bác học vĩ đại, biểu tượng của nền khoa học Nga, Lô-mô-nô-xốp.


Cô bảo sẽ đợi tôi ở đó.


(Còn nữa)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Linh Hoàng bi bô...

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...