Báo Tuổi Trẻ và nhiều bloggers, kể cả chính khách như ĐBQH Dương Trung Quốc, đã lên tiếng kịp thời về việc Công an Hà Nội vừa kết luận vụ Công an Đông Anh hành xử với phóng viên báo Tuổi Trẻ. Riêng BVN chúng tôi với đại đa số các anh chị em làm ngôn ngữ chỉ xin bổ sung một ý nhỏ như sau: chúng tôi hết sức tán thành ý kiến bạn Nguyen Son trên Facebook đề xuất cần tích lũy tư liệu để sớm sửa đổi Đại Từ điển của thời đại CS; bởi chúng tôi nhận thấy ngành công an cũng như nhiều quan chức lãnh đạo ở ta hiện nay đã thể hiện những sáng tạo tài tình trong nỗ lực bồi đắp phong phú hơn vốn từ vựng chuyên ngành, đồng thời vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn, khiến ngôn từ tiếng Việt của thời đại thấm đẫm sắc thái uyển ngữ và bội phần biểu cảm. Xin đơn cử vài thuật ngữ ngành công an phổ dụng và ý nghĩa: “Gạt tay = Thoi quyền vào mặt thường dân”; “Gạt tay hơi mạnh = Đấm toạc mồm chảy máu thường dân”; “Giơ chân hơi cao = Thi triển cước pháp trên mạng sườn thường dân”. Những thuật ngữ này, dĩ nhiên dấu nhẹm ý nghĩa thực vốn chỉ ngầm hiểu nội bộ, được thống nhất sử dụng khi bộ máy lãnh đạo công an các cấp phản hồi dân chúng về những trường hợp nhân viên dưới quyền thi hành lệnh trên hơi có chút “bạo tay”, nhằm khiến sự việc bức xúc trở nên nhã nhặn hơn, và những cái đầu của chúng dân đang xung thiên thịnh nộ có lẽ cũng nhờ đó “dịu mát” trở lại trong bầu không khí thấu hiểu một cách trào tiếu.
Dưới đây là một vài bài thơ, hình ảnh, bài viết có liên quan được BBT Bauxite Việt Nam chọn và chuyển tải đến độc giả.
Bauxite Việt Nam |
Công an giơ tay múa
Công an giơ tay múa
Phóng viên lao má vào
Mắt nhìn nhau âu yếm
Mồm bỗng đổ máu đào
Một đồng chí phối hợp
Giơ tay gạt máy quay
Đồng chí còn lại đá
Nhưng không ngã ra ngay
Sự tình là như thế
Không có chuyện đánh người
Thương nhau còn chả hết
Nói sai người ta cười
Sự nhạo báng niềm tin
Tôi tin ông Ngọc, người phát ngôn của CAHN, chẳng cảm thấy sung sướng gì khi phải chường mặt ra để thiên hạ rủa sả khi có cái phát ngôn để đời về vụ “gạt tay vào má“ của cảnh sát hình sự Đông Anh với phóng viên Tuổi Trẻ. Tôi cũng tin, hai cảnh sát hình sự giờ đây không vui vẻ gì với những chuyện đã xảy ra. Tôi càng tin, những người làm báo đều cảm thấy bị xúc phạm khi thấy đồng nghiệ0p mình bị đánh rồi còn bị phạt tiền.
Thế nhưng nếu có xảy ra một vụ tương tự thì ông Ngọc sẽ lại phát ngôn như vậy, các cảnh sát vẫn có thể ra tay như vậy và các nhà báo ngoài giận dữ trên Facebook cũng chẳng biết làm gì khác như vậy.
Không có gì sai khi nói rằng lực lượng công an là lực lượng được chiều chuộng nhất trong xã hội hiện nay. Họ đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, nhưng chế độ cần họ hơn trong vai trò “lá chắn” và “thanh kiếm” cho chính mình.
Nếu biết rằng mọi tổng biên tập đều là đảng viên thì không có gì ngạc nhiên khi các đảng viên phải chấp hành quyết định của cấp ủy Đảng cao hơn, ở đây là Ban Tuyên giáo. Vì vậy, họ xếp hàng đi dưới tấm bảng chỉ đường sau mỗi quyết định được thông tin cái nào, hay tránh né cái khác, là chuyện hợp lẽ.
Nhưng với phát ngôn và quyết định phạt hôm qua thì khác. Sự nhạo báng công luận đã lên ở một tầm mức cao hơn. Công an cho thấy họ có thể đánh người xong mà vẫn được bao che, thậm chí tiếp tục trừng phạt người bị đánh. Nhà báo cho thấy số phận của họ không khác gì mọi thành viên trong xã hội này, cho dù mang vác trên vai trách nhiệm thông tin cho xã hội.
Thấy nhiều người kêu gọi 14.000 nhà báo ở Việt Nam góp mỗi người 1.000 đồng cho anh phóng viên đóng phạt. Tôi sẽ không góp. Tôi không đồng ý với quyết định xử phạt này. Báo Tuổi Trẻ, ngoài việc cố tỏ ra khách quan trên mặt báo, điều làm chua xót không ít người có lương tri, thì hãy bảo vệ phóng viên của mình bằng cách đệ đơn lên tòa phản đối quyết định xử phạt nói trên. Tôi không có mặt tại hiện trường nên không khẳng định được anh phóng viên Tuổi Trẻ có làm gì vi phạm pháp luật như kết luận xử phạt nêu, nhưng không ai có quyền đánh người.
Nếu im lặng, báo Tuổi Trẻ mới là người đang nhạo báng niềm tin của những ai đã dành cho tờ báo này.
T.B.
Nguồn: https://www.facebook.com/trung.bao/posts/10207400835754754?qsefr=1
Đó là cú đấm, thưa Đại tá Ngọc!
Trần Anh Tú
Mỗi cú đấm, cái đá từ nhân viên công lực không được phép, không bao giờ hướng về người dân lương thiện. Bởi đó là sự lạm quyền, sự vi phạm pháp luật.
Xem lại nhiều lần clip và ảnh về vụ “va chạm” giữa phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ TP.HCM) và anh cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, bằng mắt thường, có thể khẳng định đó là cú đấm của anh cảnh sát, không phải hành động “gạt tay trúng má” theo cách nói của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời báo chí chiều qua, 29.9.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, đây là hành động một cảnh sát Đông Anh “gạt tay trúng má” phóng viên Quang Thế. Ảnh: I.T
Trong cuộc đời làm báo, có lẽ tôi không thể nào quên cảm giác khi phải biên tập thông tin về một đồng nghiệp cùng tòa soạn với tôi bị một nhóm vệ sĩ hành hung khi đi chụp ảnh về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 995 năm Thăng Long- Hà Nội. Đó là một cảm giác vừa ghê sợ vừa căm uất.
Cảm giác đó có lẽ bắt nguồn từ khi tôi còn là cậu học trò cấp 3. Hôm đó, khi tôi đang đứng trước cổng công an phường chờ cậu bạn đang bị giữ trong đó về một hành vi xô xát thì một cảnh sát hình sự phường hằm hằm bước ra khỏi trụ sở giật khẩu súng nhựa đồ chơi trong tay tôi đập thẳng vào tường. Ông cảnh sát hình sự đã cưng cứng tuổi này còn giang tay tát thẳng cánh vào mặt tôi rồi bỏ vào nhiệm sở.
Cái cảm giác vừa đau đớn vừa phẫn uất, vừa ê chề vừa bất lực đó theo tôi dai dẳng và lại xuất hiện mỗi khi tôi đọc báo về những người thi hành công vụ hành hung người dân.
Vừa mới đây thôi, một phóng viên đã bị “một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, lao vào hành hung” khi đang tác nghiệp, theo tường thuật trên chính tờ báo nơi phóng viên này phục vụ.
Ngay chiều ngày xảy ra sự việc, vị Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đã đến tận tòa soạn và tỏ ý lấy làm tiếc cũng như xin lỗi tờ báo và cá nhân phóng viên bị đánh.
Cách vụ việc “hành xử không đúng” này 3 tuần, ở Hạ Long cũng xảy ra việc hai anh em đang công tác tại Công an TP Hạ Long đánh một cán bộ Công an tỉnh. Vị Đội trưởng này thừa nhận cán bộ dưới quyền đã có “thái độ không đúng”. “Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”.
Bố hai anh em công an kia - Phó trưởng Công an TP Hạ Long cũng đăng đàn trả lời báo chí rằng hai người con trai ông rất “hiền lành, không bao giờ uống rượu hay hút thuốc”. Và rằng, khi xảy ra vụ hai con trai ông “xử” đồng nghiệp ở cây xăng, họ không hề biết người bị đánh cũng là… công an.
Sau vụ việc, theo lời ông bố thì 2 “thủ phạm” đã khóc và “xin lỗi bố mẹ” còn Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng “nó cũng là việc nội bộ mà thôi”.
Không kể những “việc nội bộ” thì chuyện nhân viên công lực dùng chân tay nói chuyện diễn ra… hơi bị nhiều trên thực tế, ở ngoài đường cũng như trong trụ sở.
Lực lượng vũ trang sinh ra để bảo vệ người dân. Công an nhân dân được xác định là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong cuộc đấu tranh đó, lực lượng chức năng được sử dụng võ thuật cũng như các công cụ hỗ trợ, vũ khí để trấn áp tội phạm, những người có hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng giống như việc nổ súng, việc sử dụng võ thuật của lực lượng chức năng phải căn cứ vào tính huống, tính chất mức độ nguy hiểm của đối tượng và chỉ sử dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Suy cho cùng, dùng võ thuật hay nổ súng chỉ để trấn áp tội phạm, không để hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi gây nguy hiểm cho người khác xảy ra.
Trên thực tế việc huấn luyện võ thuật, bắn súng cho lực lượng công an được thừa nhận là “chưa được coi trọng”. Do vậy, cũng đã có nhiều trường hợp công an lúng túng, bị động, bị đối tượng tấn công gây thương tích, hi sinh.
Đồng thời việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân cho cán bộ chiến sĩ công an vẫn còn lỗ hổng nên vẫn còn có công an “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với người dân trong những trường hợp không đáng có.
Quyền lực của mỗi cú đấm phát ra từ một người thi hành công vụ không phải là kết quả của những năm tập luyện. Quyền lực của cú đấm đó do người dân ban cho.
Vậy nên, mỗi cú đấm, cái đá từ nhân viên công lực không được phép, không bao giờ hướng về người dân lương thiện. Bởi đó là sự lạm quyền, sự vi phạm pháp luật.
T.A.T.
Nguồn: http://m.danviet.vn/kinh-da-trong/do-la-cu-dam-thua-dai-ta-ngoc-712071.html
Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Công an Hà Nội không nên kỷ luật chiến sỹ ‘gạt tay vào má’ phóng viên
Phạm Thịnh
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng Công an Hà Nội không nên kỷ luật chiến sỹ cảnh sát hình sự đã ‘gạt tay vào má’ phóng viên trên cầu Nhật Tân.
Chiều 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời về vụ việc phóng viên Trần Quang Thế - Báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân.
Theo đó, ông Ngọc cho biết, cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ có hành vi “giơ tay gạt trúng má” và “giơ chân đá nhưng không trúng” vào người phóng viên Quang Thế.
Công an Hà Nội cho rằng đây chỉ là hành động giơ tay gạt trúng má chứ không phải đấm.
“Căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng CAND, chúng tôi đã giao Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm. Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với nhà báo Trần Quang Thế, căn cứ vào Nghị định 67 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đi vào khu vực hiện trường khi chưa được phép, tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép” - Đại tá Ngọc thông tin.
Bình luận về kết luận của công an Hà Nội về vụ việc trên, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng giám đốc VTV - cho rằng không ai có thể chấp nhận được kết luận này.
“Tôi chưa nói đến chuyện đúng sai trong câu chuyện trên. Cứ cho rằng hành vi phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ sai thì việc hành xử như vậy của cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường cũng là không thể chấp nhận được,” ông Tuấn nói.
“Đó là hành xử côn đồ đường chợ. Cảnh sát có quyền cưỡng chế người vào khu vực bảo hiện trường, nhưng không phải bằng cách đấm đá thiếu văn hoá tối thiểu như vậy”.
“Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ quan điểm.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
Theo ông Trần Đăng Tuấn, vụ việc phóng viên Quang Thế bị hành hung đã được ghi nhận bằng các hình ảnh, các đoạn clip rất rõ ràng. Trong khi đó, công an Hà Nội lại “định nghĩa lại hình ảnh”, cho rằng đây chỉ là hành động “gạt tay vào má”.
“Vụ việc đã rõ như ban ngày, đã được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được như thế thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng trong bất kỳ một xã hội nào cũng cần có sự bảo vệ hợp pháp của công an vì bình yên của cuộc sống. Tuy nhiên, những sự việc không hay vừa xảy ra đã khiến ông có nhiều suy nghĩ.
“Tôi thực sự thấy đau lòng vì những vụ việc như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của ngành công an”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ.
Bình luận về biện pháp xử lý vụ việc của công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng “không cần và không nên xử lý kỷ luật” đối với cán bộ công an “gạt tay trúng má” phóng viên.
“Tôi nghĩ rằng nếu định nghĩa là ‘gạt tay trúng má, ‘hất tay’, ‘đá không trúng’ như thế thì cũng không cần kỷ luật gì, kể cả khiển trách, kể cả phê bình. Nếu công an Hà Nội cho rằng đang làm đúng thì cũng không cần khiển trách, phê bình các chiến sỹ. Khiển trách làm sao được khi người ta chỉ ‘hất tay’, ‘gạt tay”, ông Tuấn nói.
Thông qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt ra vấn đề lớn hơn là cách ứng xử của các cơ quan công an với nhà báo và với nhân dân.
“Cứ cho đây không phải là phóng viên, nhà báo mà là một công dân bình thường. Nếu là một người dân bình thường thì liệu có bị đối xử như thế không. Đó là điều rất nghiêm túc phải đặt ra”, ông Tuấn băn khoăn.
Qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo cũng cần có sự thận trọng.
“Không vì do nhiệt tình quá, do cách tác nghiệp mà gây cho mình nguy hiểm. Vì vậy, cũng cần có sự điềm tĩnh cần thiết trong cách tác nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Đối với Công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng sự việc này đã ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an. Nghiêm khắc với những sự việc như thế này là việc cần thiết.
“Lãnh đạo công an Hà Nội nên lắng nghe ý kiến của dư luận, của người dân và nên có nhìn nhận, xem xét cho hợp lý, hợp tình hơn” - Ông Tuấn nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ rằng không chỉ công an Hà Nội mà ngành công an nói chung, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm về sự vững mạnh, trong sáng, uy tín của các lực lượng công an cũng phải xem xét một cách thỏa đáng của vụ việc này vì uy tín của ngành, vì lẽ phải mà chúng ta cần phải thượng tôn trong xã hội”.
P.T.
Sự thực về “cái gạt tay” trong biên bản giữa CAHN và Báo Tuổi Trẻ
V.P
Cảnh lộn xộn trên cầu Nhật Tân sáng 23/9
Công an TP Hà Nội đã có thông tin về kết quả điều tra, xác minh, xử lý vụ việc giữa phóng viên Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh với chiến sỹ Đội CSHS, CAH Đông Anh, trên cầu Nhật Tân sáng 23/9.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho hay, đơn của anh Trần Quang Thế - PV Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, về việc bị hành hung gây thương tích trên cầu Nhật Tân, đã được Công an xã Vĩnh Ngọc và CQĐT CAH Đông Anh tiếp nhận giải quyết kịp thời, đúng thủ tục, trình tự tố tụng.
Bên cạnh đó, ngày 27/9/2016, tại trụ sở CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc CATP đã mời, chủ trì buổi đối thoại với đại diện Báo Tuổi trẻ và Hội Nhà báo Việt Nam.
Dưới đây là Biên bản đối thoại:
Nguồn: http://ngaynay.vn/xa-hoi/su-thuc-ve-cai-gat-tay-trong-bien-ban-giua-cahn-va-bao-tuoi-tre-29048.html
Ờ, công an trị đấy, thì sao? - Thì “chửi” chứ sao!
Tìm trên mạng khái niệm “công an trị”, bạn sẽ thấy một định nghĩa có liên quan: “Nhà nước cảnh sát là từ được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân…”.
Nói chung, định nghĩa này khá dài dòng. Mình thì chỉ muốn nói đơn giản như sau: xã hội công an trị là xã hội mà trong đó công an đánh người, công an bắt người, công an điều tra, công an giám định, công an lên báo định hướng dư luận, công an chỉ đạo báo chí. Tới lúc người ta ra tòa, cũng là tòa án của công an xử, sau đấy người ta đi tù thì nhà tù cũng là do công an làm quản giáo, cai ngục nốt. Vòng tròn khép kín, trong đó mọi khâu, mọi công đoạn đều do công an nắm giữ, giật dây, chỉ đạo thực hiện.
Vừa rồi, mấy đồng chí công an huyện Đông Anh đấm đá phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ đến hộc máu, sau đó một sếp công an nhơn nhơn nói với báo chí rằng đấy chỉ là “gạt tay trúng má” thôi, rồi đè Quang Thế ra phạt tiền.
Một số ý kiến cho rằng Tuổi Trẻ nên đưa vụ việc ra tòa, phản đối quyết định xử phạt của công an đối với Quang Thế. Cá nhân mình thì nghĩ, ở xứ công an trị, nơi tòa án vận hành theo sự chỉ đạo của ngành công an, dẫu có kiện ra tòa thì cũng sẽ thua lũ mọi mà thôi.
Thế nhưng, khác với tất cả các trường hợp là nạn nhân của công an khác, Tuổi Trẻ có trong tay một công cụ tuyệt vời là truyền thông, và bản thân họ là một tờ báo có tới hàng trăm ngàn độc giả. Không cần Tuổi Trẻ phải chiến thắng vang dội ở tòa án - nơi mà các thẩm phán trước khi ngồi vào ghế xét xử thì thường đã được an ninh đến gặp tận mặt để “quán triệt” trước mọi điều. Chỉ cần Tuổi Trẻ quyết tâm không để vụ việc chìm xuồng, cứ kiện, và cứ duy trì bài vở, thông tin, ý kiến hàng ngày liên quan đến vụ hành hung này và mọi sai phạm khác của ngành công an, xem hiệu quả ra sao. Mình tin chắc, không an ninh, tuyên giáo nào dám đến tòa soạn còng tay Tổng biên tập hay xử lý tờ báo, chỉ dám “bỏ nhỏ”, “nhắc nhở”, “vận động thông cảm” là cùng.
Đồng thời với đó, các nhà báo hãy lên tiếng - dù chỉ là trên facebook - ủng hộ đồng nghiệp, lên án bạo lực. Cũng mong các bạn lưu ý giùm, rằng bạo lực là cái phải bị lên án quyết liệt, chứ không phải với thái độ “xin các đồng chí đừng để người dân mất niềm tin”, “xin các cấp lãnh đạo xem xét”... giống như kiểu “xin cụ trông lại”, “mong quan lớn đèn giời soi xét” vậy.
‘TOÀN DÂN VẠCH TRẦN CÔNG AN’
Và tất cả chúng ta, nhà báo và blogger, hãy thử thực hiện điều này xem: kể từ nay, mọi sai phạm, mọi hành động vô luật, vô văn hóa, vô đạo đức của ngành công an nói chung và từng chiến sĩ công an nói riêng, đều sẽ được phản ánh trên báo chí, trên mạng xã hội, trên cả lề phải lẫn lề trái, cả công khai lẫn khuyết danh (như cách các dư luận viên nặc danh vẫn làm)…
Nếu bạn nghĩ một chiến dịch “toàn dân vạch trần công an” như vậy là một lối hành xử thấp, thì hãy nghĩ đến cách hành xử của công an bao nhiêu năm qua và đến ví dụ mới nhất là những gì họ làm với phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ. Khi làm như vậy, họ có coi báo chí, coi dư luận xã hội ra gì không?
Thêm nữa, chúng ta không đánh công an như họ đã đánh, thậm chí đánh chết, hàng chục, hàng trăm người dân. Chúng ta chỉ đơn giản là lột trần họ ra thôi.
Ta cứ thử áp dụng như thế, xem có thay đổi được gì không nhé.
Cá nhân mình thì mình cảm thấy vui vẻ khi có thể hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày viết ra những điều vạch trần, bóc mẽ những cái sai, cái xấu, cái lố bịch của ngành công an ở xứ công an trị này.
* * *
(PS. Tất nhiên, mình sẽ càng vui hơn nếu một ngày nào đó, không ai còn phải viết những điều ấy nữa. Nhưng để tới được ngày đó thì chúng ta phải trải qua giai đoạn hiện nay trước đã.)
Nguồn: https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10154804776373322
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...