Tôi nghe thấy anh Ngạn thở ra một hơi, còn chú Phiên thì ngồi yên nhìn tôi, tôi hơi lúng túng, nhưng tôi nghĩ là tôi không để lộ ra ngoài. Cuối cùng chú Phiên cầm cái phong bì bưu kiện lên:
— Cậu coi đi.
Bức ảnh thứ nhất là một bức ảnh không có nội dung.
Thường thì sẽ chẳng có ai nâng máy ảnh lên chụp mà lại chẳng vì một lý do gì cả, — đã bấm máy, đại khái là phải có muốn chụp một cái gì đó. Thế nhưng tôi vẫn thường gặp nhiều bức ảnh không có nội dung, — người chụp chắc vẫn nghĩ là có, nhưng những người khác nếu xem thì không thể cảm nhận được nội dung mà người chụp muốn có ở trong ảnh ấy. Dù môn nhiếp ảnh là môn tôi không chơi, vì không thấy hứng thú lắm, nhưng với những gì tôi có biết về hội họa, thì có lẽ cũng sẽ không có gì là "tự sướng" cả, nếu tôi vẫn nghĩ mình là người biết xem ảnh. Nhìn một bức ảnh không có nội dung thì cũng kiểu như nghe một đoạn nhạc mà toàn nhạc đệm, chẳng phân biệt được thực ra là người ta muốn chơi giai điệu gì. Bức ảnh này là từ hè bên phải một con đường hai chiều chụp chéo cánh sẻ sang phía bên kia vào luồng xe chạy ngược lại, — tương đối đông và toàn xe máy, — trong khi ở luồng xe xuôi bên này không có chiếc nào chạy qua thị trường của máy ảnh cả.
Bức thứ hai cũng vậy.
Nhưng chéo cánh sẻ từ trái qua phải; và con đường chỉ là một lối đi thẳng tắp, tương đối rộng rãi và râm mát, lát gạch bê-tông tấm vuông và rộng, ở giữa một khu vườn có nhiều cây to, cao và thẳng, gốc quét vôi trắng, mọc tương đối thưa, trên một bãi cỏ rộng xanh rì, (theo hiểu biết ít ỏi của một kẻ dốt đường như tôi về thành phố này, tôi đoán đây chắc là trong công viên Tao Đàn, hoặc ở chỗ có nhiều cây cối cạnh Nhà thờ Đức Bà); còn thay vì những người đi xe máy thì ở đây là những người đang ngồi la liệt và thảnh thơi, ngồi bệt, dọc theo mép bên kia — đa phần là ngồi lên sống bê tông viền theo mép — lối đi, người đọc báo, người nói cười vui vẻ, và uống những cốc cà-phê, nước ngọt gì đó.
Trong bức ảnh thứ ba, tôi nhận ngay ra người quen: Tóc ngắn, áo sơ mi sọc, màu nước dưa, quần bò xanh công nhân; người ngồi bên phải khuôn hình, trên ghế nhựa thấp có tựa đúc liền, màu thiên thanh, bên chiếc bàn nhựa cùng loại nhựa đúc như ghế, nhưng màu đỏ hồng điều; trên bàn có chiếc cốc thủy tinh đựng — theo màu sắc thì chắc là — cà-phê sữa, và một chiếc siêu nhôm nhỏ, cao, sáng trắng, núm vung đậy và quai cầm bằng nhựa đen; người ngồi kiểu đùi phải vắt lên đùi trái, tay trái cầm thìa lơ đãng quấy cà-phê, cùi tay phải tì lên đầu gối, bàn tay chống cằm, ôm lấy má, mắt nhìn sang bên trái khuôn hình; hậu cảnh là những bàn cà phê khác, kê rộng rãi vì ở chỗ rộng rãi, đều có người ngồi; giữa đám bàn cà phê nhô lên một chiếc cọc cao, sơn màu xanh hòa bình, trên ngọn hơi giống như chiếc ô nhưng chỉ có gọng mà không có vải, và có những chiếc lồng chim móc vào các gọng ô.
Tôi vội lật lại hai bức ảnh trước, và lúc này mới nhìn ra: trong bức đầu tiên người này đeo khẩu trang và ngồi sau xe máy, còn trong bức thứ hai thì ngồi lẫn vào đám đông.
Nhìn ra người, nhưng tôi vẫn chả hiểu gì cả.
Nên tôi vội giở bức ảnh thứ tư.
Hình như vẫn là chỗ giải khát ngồi bệt trong bức thứ hai, nhưng chụp từ một góc khác. Cận cảnh có hai người ngồi cạnh nhau: Người tôi quen giờ mặc quần bò bạc, áo thun màu cà phê, ngồi lên bờ viền lối đi, cạnh một chiếc ba-lô dày dặn màu xanh dương viền đen, hai chân hơi khoanh vào nhau, bạnh ra; ngồi kế bên — bên trái theo chiều ngồi — là một thanh niên tóc cợp gáy, rẽ rõ ngôi nhưng trông vẫn bờm xờm, khuôn mặt gầy sạm nắng, chắc hơn tôi vài tuổi, mặc áo phông xanh công nhân, trên ngực bên phải in hình lô-gô gì đó tròn tròn, màu trắng, quần ka-ki cộc đến đầu gối, có túi hộp phồng ra hai bên, ngồi duỗi thẳng hai chân song song nhau, cạnh chân trái cũng có một chiếc ba-lô, và một chiếc cặp, đều màu đen, và đều vứt lăn lóc ra đất.
Và trên đùi mỗi người họ đều đang ngất ngưởng một thứ đồ đen xì và xa xỉ vô độ: một chiếc... — cái lô-gô cheo chéo chổng ngược ba chữ ba màu sọc ngang kia — láp-tốp IBM ThinkPad.
Tôi giật mình.
Giật mình chắc không phải vì láp-tốp xịn quá, cũng không phải vì người quen của tôi trong ảnh là Tú, — cô gái đã tháo ổ cứng máy tính của tôi ở văn phòng, trong đoạn băng mà anh Ngạn đã cho tôi xem, — nhưng là vì lý do gì khác, thì tôi cũng không biết; chỉ hình như, rất mang máng, rất mơ hồ, tôi đã thoáng có một linh cảm gì đó, và theo chiều hướng không tốt...
Thế nào thì những dữ liệu trực quan này cũng làm cho trí não tôi tò mò lắm, và những lúc như vậy, tôi biết nó làm việc rất chăm chỉ và thật sự hiệu quả.
"Ổ đĩa cứng trong máy tính, máy tính của tôi.., Tú, người bạn trai có liên quan đến máy tính.., chú Phiên, trận đấu ở sòng bạc quận Tư..."
"Kỹ thuật cờ bạc bây giờ đã thay đổi nhiều"! — Câu nói này tự động vang lên trong đầu tôi, rành rọt như một lời khẳng định.
Trong phong bì không còn gì khác, ngoài bốn bức ảnh; để chúng lên bàn, lên trên chiếc vỏ phong bì, tôi nhìn thẳng vào mắt chú Phiên:
— Có gì liên quan đến máy tính ở sòng bạc quận bốn, phải không ạ?
Nụ cười của chú Phiên tôi nghĩ có thể gọi là "trìu mến" được, nhưng — hình như — chú đang định nói, thì bàn tay phải của tôi đã làm một điệu bộ ngăn lại, — phải rồi, ý nghĩ của tôi đang đi phải nói là nhanh, theo một mạch tương đối rõ ràng, và tôi chuyển nó thành ngôn ngữ:
— Họ, rất có thể là... dùng ca-mê-ra theo dõi... — tôi xòe lòng bàn tay trái trước mặt, dùng ngón trỏ phải vạch vạch ngang lên nó, đồng thời liếc mắt nhanh một cái qua vai, về phía sau, — và...
Đôi đồng tử trong mắt chú Phiên co lại; tôi nhíu mày, đập khẽ lưng mấy ngón tay phải lên lòng bàn tay trái, thở ra một hơi:
— Dùng phần mềm máy tính để hỗ trợ, nếu cần!
Chú Phiên khẽ nâng bàn tay trái một chút, chênh chếch ngửa lên, giống như hưởng ứng, cũng giống như tán thành; chú hít sâu vào một hơi, thở ra, chuyển ánh mắt qua anh Ngạn; anh Ngạn — ngước mắt chênh chếch — nhìn lại chú Phiên, gật gù.
Trong giọng nói của chú Phiên dường như có âm sắc nhẹ nhõm:
— Có thêm suy luận của chuyên gia, thì khả năng này coi như khẳng định. Cậu giai này, — chú Phiên gõ ngón trỏ tay trái lên xấp ảnh, — đúng là làm kỹ thuật ở sòng quận Tư. — Chú lắc đầu cười khổ. — Tôi đã hỏi kỹ cậu Ngạn về chuyện con gái anh Cao, với những gì liên quan tới cậu, vậy mà nghĩ ngợi lung lắm, sau cùng vẫn phải chấp nhận mức phỏng đoán năm ăn năm thua. Thành thử...
— Thế mà chú không hỏ... không bảo cháu ngay. — Tôi vui vẻ ngắt lời chú Phiên, đoán là chú lại sắp nói về chuyện phải "mời cậu cất công tới đây".
Chú Phiên nhìn tôi:
— Cảm ơn cậu nhiều. Những gì cậu đang làm ở trên máy tính, với chuyện này, nó sẽ hoạt động như thế nào?.. Nếu như... theo cậu thì người như tôi cũng có thể hiểu được.
Tôi thấy mình sôi nổi:
— Cái này cũng đơn giản thôi mà chú. Đại khái... thứ mà cái ca-mê-ra nhìn thấy... tức là dữ liệu hình ảnh ấy ạ, nó sẽ được cho đi qua một cái lưới có rất nhiều nút phân bổ theo cả chiều rộng và chiều sâu. — Tôi đã cân nhắc nhanh, trước khi dùng hình dung trực quan này, vì thật ra nó không chính xác lắm về nguyên tắc, nhưng nó dễ mường tượng, và có thể dựa vào nó để mô tả phần nội dung chính, quan trọng hơn. Trong ánh mắt chú Phiên, tôi không nhận ra những gì có thể liên quan đến cảm giác bối rối, nên tôi yên tâm trình bày tiếp. — Dựa theo một kho dữ liệu có sẵn, ở trên cái lưới này, đã hình thành sẵn những vệt đường đi, mỗi vệt sẽ dẫn tới một cái đích là một đối tượng đã có tên, đã có mô tả bằng những thuộc tính đặc trưng. Dữ liệu đang được cho đi qua lưới, sẽ tự tìm đường để đi theo một vệt có sẵn mà gần giống với mình nhất. — Tôi thấy chú Phiên nhíu mày, nhưng lại gật gật đầu, có vẻ rất hứng thú. — Nguyên tắc chính, về cơ bản... thì chỉ thế.
— Vậy... những dữ liệu có sẵn thì thế nào?
— Dạ, cấu trúc cũng tương đối phức tạp...
— Ý tôi muốn hỏi là chúng... có sẵn, tức là từ đâu mà chúng lại có sẵn được?
— À vâng... — Tôi cười, thấy thích, vì chú Phiên đã tự động định hướng về phía nội dung chính. Nhưng chưa chuẩn bị đến phần này ngay, nên tôi phải tìm nhanh một cách diễn đạt. — Chẳng hạn như bây giờ chú muốn nó nhìn được cái chén này, — tôi nhấc chén rượu lên một chút, lúc đầu là định nhấc lên đặt xuống, nhưng vì trong lòng đang thấy thích thú, nên tôi lưỡng lự một tí, rồi đưa nhanh lên môi, đổ hết rượu vào miệng. Anh Ngạn phì cười, cầm chai rượu, lại rót đầy chén, — chú phải có vài mẫu... chụp ảnh cái chén từ vài góc độ, rồi đưa ra trước ca-mê-ra cho nó xem, và điền cho nó những tham số cần thiết. Đấy là mình dạy nó, còn nó học. Học xong, thì trên cái lưới của nó sẽ có một vết đường đi mới... vâng, dẫn tới đối tượng mới, là cái chén này. Từ đây về sau, nếu nhìn thấy cái gì na ná như cái chén này, nó sẽ bảo đấy là cái chén.
— Na ná tới mức nào?
— Cái đấy phụ thuộc vào việc mình dạy nó đến đâu. Mình cho nó xem nhiều ảnh hơn, điền cho nó nhiều tham số hơn, thì nó nhìn sẽ chính xác hơn.
— Nhưng... — Chú Phiên nhíu mày, ngón trỏ tay trái nhịp nhịp mấy cái. — Rốt lại, nó vẫn chỉ là cái máy.
Tôi giải thích tiếp (dù không hình dung rõ lắm, đấy là chú Phiên hỏi tôi, hay đang tự nói với mình):
— Tất nhiên... cũng chỉ có thể tới một mức nào đó, — tôi cười, nụ cười chắc sẽ có vẻ hơi ngượng nghịu, — mà cũng chưa thể gần lắm so với mức một trăm phần trăm đâu ạ. Hơn nữa... lúc nó nhìn, để chính xác thêm được một ít, thì lại phải lâu hơn nhiều. Ở máy tính, chuyện lâu này là rất đáng kể. Mà độ chính xác càng cao, thì tỉ lệ này sẽ càng... nghịch. — Tôi cố diễn đạt cho đơn giản, vừa nói vừa nhìn chú Phiên, và theo tôi thì chú đã hình dung được.
Nhưng tôi mới nghĩ thế, thì chú lại có vẻ bối rối:
— Có điều... giờ tôi đưa nó hình cái ly, — chú đưa tay phải, ngón cái và ngón trỏ làm giống như đang cầm một tấm ảnh vuông, và gí vào một chỗ tưởng tượng, — nếu nó lại lầm ngay đó là một thứ na ná mà nó đã học rồi, thì làm sao nó học thứ mới?
— À vâng, — chuyện này nếu chú Phiên không hỏi, chắc tôi cũng không nhớ ra là cần giải thích, — học và nhìn là hai chế độ làm việc khác nhau... mà cứ coi là hai chương trình khác nhau cũng được.
Chú Phiên gật đầu, nâng chén rượu nhấp một ngụm nhỏ, mím môi thở sâu một hơi, rồi cố định ánh mắt vào tôi, chú hỏi:
— Vậy người khác có thể dạy được không?
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...