Bàn tay khỉ

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






BÀN TAY KHỈ
(W.W. Jacobs)





I

Ngoài trời, đêm lạnh và ướt, nhưng trong biệt thự Lakesnam màn bỏ bốn bề, và lửa cháy sáng rực trong lò.
Hai cha con ông White đang say mê đánh cờ. Người cha thua hai bàn nên có hơi bực.
Bà vợ ngồi gần bên ôn tồn bảo:
— Ông đừng nóng, có thể bàn sau ông sẽ thắng.
Ông chồng vừa ngẩng đầu lên đúng lúc để nhìn thấy một cái nhìn đồng loã giữa hai mẹ con...
Ngay lúc đó có tiếng động cửa bên ngoài và có tiếng chân bước về phía cửa. Ông White đứng lên mở cửa. Chủ và khách chào hỏi nhau rồi bước vào trong.

Khách lạ là một người cao lớn vạm vỡ, mắt nhỏ và sáng, mặt đỏ gay. Ông tự giới thiệu:
— Trung sỹ Morris.
Khách bắt tay những người trong nhà rồi ngồi xuống bên cạnh lò sưởi trong khi chủ rót rượu mời khách.
Đến ly thứ ba, đôi mắt khách lạ bừng sáng và ông ta bắt đầu nói chuyện. Gia đình nhỏ bé của chủ nhà gồm có ba người, quây quần chung quanh để nghe ông khách lạ từ phương xa kể nhiều chuyện kỳ quái.
Ông White gật gù nói với bà vợ và cậu con:
— Hai mươi mốt năm qua, khi cậu này ra đi lưu lạc giang hồ, cậu chỉ là một thiếu niên giúp việc trong kho hàng của mình. Bây giờ nhìn xem, cậu đã trưởng thành tốt đẹp!
Bà vợ góp ý:
— Cậu Morris có vẻ nhàn lắm.
Ông chồng:
— Tôi cũng muốn đi chu du thiên hạ, muốn ghé qua Ấn Độ để cho biết với người ta.
Trung sỹ lắc đầu, bảo:
— Tôi nghĩ rằng ai ở đâu nên ở đó là tốt hơn hết.
Rồi đặt ly rượu xuống, ông khẽ thở dài rồi lại lắc đầu.
Ông White vẫn tiếp tục nói lên ý nghĩ của ông:
— Tôi muốn thấy những đền đài cổ, những ông phù thuỷ và những tay thuật sỹ. À, hôm trước cậu có nói sơ qua về câu chuyện bàn tay khỉ, cậu có thể kể thêm cho chúng tôi nghe không?
Trung sỹ vội gạt ngang:
— Thôi bỏ qua đi. Chuyện đó không đáng nói. Toàn nhảm nhí.
Nhưng bà White tò mò hỏi:
— Chuyện bàn tay khỉ? Chuyện đó ra sao?
Trung sỹ giải thích sơ qua:
— Đó là một câu chuyện có thể gọi là huyền bí.
Ba thính giả chồm tới lắng nghe. Ông khách mơ màng nốc cạn ly rượu rồi đặt xuống bàn. Ông White châm rượu vào ly.
Trung sỹ mò trong túi áo lấy một vật, đưa ra:
— Đây, bàn tay khỉ đây!
Nó cũng chẳng có gì lạ. Người ta đã phơi khô nó tự bao giờ.
Bà White ngả người ra sau, le lưỡi. Nhưng cậu con ngắm nghía cẩn thận. Ông White hỏi:
— Cái này có gì đặc biệt không?
Trung sỹ Morris tiếp tục nói:
— Bàn tay khỉ này có một phép màu do một vị phù thuỷ đại tài ban cho nó. Vị phù thuỷ này muốn chứng tỏ là con người ở đời ai cũng có số mệnh, và kẻ nào toan cải đổi số mệnh sẽ bị tai nạn buồn phiền. Bàn tay khỉ này có phép màu. Ba người ở đây có thể xin mỗi người một điều ước.
Thái độ của khách lạ rất trịnh trọng nên thính giả không cười nữa.
Cậu Herbert hỏi:
— Tại sao ông không xin ba điều ước đó?
Trung sỹ nhìn cậu thanh niên với đôi mắt của kẻ lớn tuổi dành cho kẻ hậu sinh. Rồi ôn tồn đáp, gương mặt tái hẳn:
— Tôi đã có xin rồi!
Rồi nâng ly rượu lên nốc cạn. Bà White hỏi thêm:
— Còn có ai khác xin nữa không?
Trung sỹ đáp:
— Người đầu tiên được cả ba điều ước. Tôi không rõ hai điều trước là gì. Nhưng điều thứ ba là chết. Nhờ người đó chết nên tôi mới có vật này.
Giọng nói của ông ta rất trầm buồn, nghiêm nghị thành thử mọi người trở nên im lặng.
Ông White nói:
— Nếu cậu đã được ba điều ước rồi thì vật này không còn giá trị đối với cậu nữa. Tại sao cậu lại giữ nó để làm gì?
Trung sỹ lắc đầu:
— Tôi có ý định bán nó, nhưng nghĩ lại tôi không muốn. Vì nó đã gây tai nạn cho biết bao người rồi. Vả lại không ai mua đâu, không ai tin chuyện tôi nói. Họ nghĩ thời buổi này làm gì có những chuyện hoang đường như thế. Vài người đòi thử trước rồi mới trả tiền sau.
Ông White lại hỏi:
— Nếu cậu được phép xin thêm ba điều khác, cậu có muốn không?
Trung sỹ lắc đầu:
— Tôi không biết, tôi không nghĩ tới vấn đề đó.
Y cầm bàn tay khỉ lên xoay qua xoay lại giữa mấy ngón tay rồi bỗng ném nó vào lửa.
Ông White kêu lên một tiếng, cúi xuống kéo nó ra thật nhanh.
Trung sỹ trịnh trọng:
— Nên đốt nó đi là hơn.
Ông White lắc đầu:
— Nếu cậu không muốn giữ nó thì cậu cho tôi.
Trung sỹ lắc đầu:
— Không được. Tôi ném vào lửa. Nếu ông tiếc mà giữ nó lại thì có chuyện gì xảy ra, ông đừng phiền tôi. Ông nên ném vào lửa đi cho được việc.
Ông White lắc đầu, chăm chú ngắm vật mà ông vừa làm chủ. Một lúc sau ông hỏi:
— Muốn ước, phải làm thế nào?
Trung sỹ:
— Nắm vật này trong tay mặt và lớn tiếng nói rõ những điều ước. Nhưng tôi khuyên ông hãy suy nghĩ cẩn thận lại. Nên thấy rõ những hậu quả của hành động của ông.
Bà White kêu lên:
— Giống như chuyện Ả Rập "Ngàn lẻ một đêm".
Bà đứng lên lo buổi ăn tối, nói đùa:
— Đâu, ông ước cho tôi có bốn tay để làm công việc nhà nhanh chóng.
Ông chồng lấy bảo vật trong túi ra, và cả ba người trong gia đình bật cười khi trung sỹ hốt hoảng nắm tay ông lại, dặn dò thêm:
— Nếu ông cương quyết xin ba điều ước thì nên xin sao cho hợp lý.
Ông White vỏ lại vật trong túi, kéo ghế mời trung sỹ ngồi xuống bàn.
Trong khi ăn, người ta quên câu chuyện bùa chú, nhưng sau lúc ăn cả ba người ngồi quây quần bên anh quân nhân để nghe chuyện kỳ thú ở Ấn Độ.
Ông khách cáo từ, Herbert tiễn ông ra cửa rồi quay vào ngay nói với cha mẹ cậu:
— Nếu câu chuyện huyền hoặc về cái bàn tay khỉ là chuyện bịa đặt cũng như các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà ông ta vừa kể cho mình nghe thì mình có bảo vật đó cũng chẳng ích gì.
Bà White nhìn chồng chăm chú rồi hỏi:
— Ông có trả cho cậu đó chút đỉnh gì không?
Ông chồng:
— Của chả đáng gì. Cậu ta không thèm nữa, ném vào lửa. Tôi lượm mót, cậu ta lại khuyên tôi vứt đi.
Cậu Herbert vẻ tin tưởng:
— Đâu mình thử ước xem. Nếu linh ứng thì gia đình mình sẽ giàu có, tên tuổi, hạnh phúc. Ba hãy ước được làm vua. Và trước khi làm vua, ba sẽ không... thờ bà.
Nói xong cậu chạy quanh bàn ăn vì mẹ cậu đuổi theo toan "ký" vào đầu cậu về câu nói phạm thượng đó.
Ông White lại móc túi lấy bùa ra, nhìn nó với vẻ bán tín bán nghi, lẩm bẩm:
— Tôi chưa biết phải ước gì đây? Kể ra thì đời tôi đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì.
Cậu con đến bên cạnh cha, nói:
— Bây giờ nếu có thêm một ít tiền xài chơi chắc ba thích lắm. Vậy ba nên ước có hai trăm bạc.
Người cha cười dễ dãi, như tự tha thứ tánh dễ tin của mình rồi cầm bàn tay khỉ đưa lên cao, vẻ trịnh trọng. Ông nheo mắt về phía bà vợ đang ngồi sau chiếc dương cầm. Bà đánh lên mấy nốt nhạc thật mạnh.
Ông chồng dõng dạ nói to lên:
— Tôi muốn có hai trăm bạc.
Bà White đánh thêm mấy nốt nhạc như để phụ họa với lời ước ao của chồng.
Nhưng liền sau đó ông White kêu lên:
— Ý trời đất ơi! Nó nhúc nhích!
Vừa lạ, ông vừa nhìn cái bàn tay khỉ đang cử động trên sàn. Ông nói tiếp:
— Khi nãy tôi có ước là trông thấy bàn tay này nhúc nhích trong bàn tay tôi như một con rắn. Rõ ràng là điều tôi ước đã được ứng nghiệm.
Cậu con cầm bàn tay khỉ lên, đặt trên bàn, nói:
— Nhưng con chưa thấy có tiền, và con cam đoan là số tiền đó sẽ không bao giờ đến với ta.
Bà vợ hoang mang bảo chồng:
— Ông ước chuyện không hay!
Ông chồng lắc đầu:
— Chỉ là trò đùa thôi. Bà đừng thắc mắc. Dù sao chuyện này cũng làm cho tôi kinh sợ.
Cả gia đình ngồi bên lò sưởi. Hai cha con ông White ngồi hút ống điếu.
Bên ngoài gió gào dữ dội hơn bao giờ hết, cánh cửa trên lầu bị gió đập kêu rầm rầm, tiếng động đó khiến ông White lo sợ không đâu.
Bầu không khí lạ thường bao trùm gia đình cho đến khi họ đi ngủ.
Cậu Herbert nói:
— Con hy vọng ba sẽ nhận được số tiền hai trăm bạc mà ba ước trong một túi lớn đặt trên giường của ba và sẽ có một cái gì ghê gớm ngồi trên nóc tủ chứng kiến lúc ba nhận số tiền đó.





II

Sáng hôm sau trời trong sáng, Herbert mỉm cười trước những điều lo sợ hoang đường trong đêm. Bàn tay khỉ bỏ lăn lóc trên mặt bàn trong phòng. Điều này cho thấy là báu vật lúc này không được người ta tín nhiệm, tưng tiu như trong đêm.
Bà White nói:
— Tôi nghĩ ông quân nhân nào cũng vậy. Họ mê tín dị đoan lắm. Vậy mà chúng mình cũng chịu khó lắng nghe. Thật là vô lý. Vào thời buổi này làm gì có những chuyện ước nguyện như vậy! Và nếu như chuyện này có thật thì số bạc hai trăm đến tay ông bằng cách nào?
Cậu Herbert xen vào:
— Chắc là từ trên trời rơi xuống!
Ông White nói:
— Cậu Morris quả quyết là các điều ước ứng nghiệm một cách tự nhiên khiến người ta nghĩ đó là sự ngẫu nhiên.
Sau khi ăn xong, Herbert đứng lên:
— Nếu có tiền thật thì ba hãy giữ nguyên trước khi con về. Con chỉ sợ số bạc đó sẽ biến ba thành một người hà tiện và má với con phải giữ số tiền đó cho ba.
Bà mẹ cười trước câu nói đùa của con. Bà theo Herbert ra cửa rồi quay trở về bàn ăn. Bà có vẻ vui tươi trước thái độ dễ tin của ông chồng.
Dù vậy khi nghe người phát thư gõ cửa, bà cũng chạy nhanh ra hy vọng có tiền. Nhưng bà chỉ nhận được giấy đòi tiền Herbert may quần áo của ông thợ may.
Đến bữa ăn chiều, vẫn không có gì mới lạ. Bà mẹ lẩm bẩm:
— Chốc nữa đây thằng Herbert về, nó sẽ chế nhạo ông nhiều nữa cho mà coi!
Ông White rót bia vào ly nói:
— Có một chuyện lạ là bàn tay khỉ cử động khi tôi nắm nó trong tay.
Bà vợ cười:
— Đó là tại ông giàu óc tưởng tượng.
Ông chồng nhấn mạnh:
— Tôi không nghĩ mà tôi biết rõ ràng nó cử động...
Bà vợ không đáp, bà đang nhìn một người bên ngoài đang có những cử chỉ khác thường. Ông này nhìn đăm đăm vào nhà, nhưng do dự nửa muốn vào nửa muốn không.
Bà White thấy kẻ lạ ăn mặc đàng hoàng, đầu đội nón thật mới. Ba lần y đứng lại trước cổng rồi tiếp tục đi. Đến lần thứ tư y đứng lại, đặt tay lên cổng rồi bỗng nhiên cương quyết đẩy cửa cổng bước vào con đường đưa tới trước cửa nhà.
Bà White vội vàng cởi khăn choàng trước ngực giấu dưới nệm.
Bà đưa khách lạ vào phòng. Ông này có vẻ không được tự nhiên. Ông thường nhìn trộm bà và lơ đãng nghe bà giải thích vì sao phòng khách không được ngăn nắp như thường ngày.
Bà White không dám hỏi ngay lý do cuộc viếng thăm của khách lạ. Sau cùng ông khách mới nói:
— Thưa bà, tôi được người ta nhờ đến đây để...
Khách im lặng một lúc rồi tiếp:
— Tôi từ Maw và Meggins tới đây.
Bà White giật mình, hổn hển nói:
— Có việc gì không? Herbert có chuyện gì?
Ông chồng xen vào:
— Bà nên bình tĩnh. Mời ông ngồi. Chúng ta nên thong thả. Tôi nghĩ ông không mang tin dữ đến cho chúng tôi, phải vậy không?
Vừa nói ông vừa nháy mắt với khách lạ.
Ông khách ấp úng:
— Tôi rất tiếc...
Bà White vẫn không an tâm:
— Con tôi bị thương?
Khách lạ gật đầu, ôn tồn nói:
— Dạ phải, cậu Herbert bị thương nặng. Nhưng cậu cảm thấy không đau đớn gì hết!
Bà mẹ chắp hai tay lại kêu lên:
— Cám ơn Chúa đã giúp con tôi. Chúa đã...
Bà chưa dứt lời, bỗng thấy khuôn mặt buồn thảm của khách lạ, bà bấm bàn tay chồng để giữ bình tĩnh.
Im lặng một lúc thật lâu, khách lạ nói thật nhỏ:
— Cậu Herbert bị kẹt trong guồng máy!
Ông White lặp lại câu đó như một tiếng vang:
— Kẹt trong guồng máy!
Rồi ông nhìn ra ngoài cửa sổ, siết chặt bàn tay vợ.
Ông nói với khách lạ, giọng thật buồn:
— Herbert là đứa con duy nhất còn lại của chúng tôi. Nó chết rồi, chúng tôi thật là bơ vơ.
Khách lạ ho mấy tiếng, đứng lên từ từ bước về phía cửa sổ. Ông nói:
— Công ty phái tôi đến để tỏ lời phân ưu với ông bà về tai nạn đáng tiếc vừa qua.
Khách nói một hơi không nhìn đôi vợ chồng già, tiếp tục:
— Tôi chỉ là nhân viên của công ty, xin ông bà hiểu cho tình thế của tôi.
Không ai trả lời. Gương mặt bà vợ tái xanh, đứng tròng và hơi thở của bà chỉ còn thoi thóp. Còn ông thì có vẻ xa vắng.
Khách lạ nói tiếp:
— Công ty Maw và Meggins không nhận trách nhiệm trong tai nạn này. Nhưng vì cậu Herbert đã giúp việc lâu năm cho công ty nên công ty quyết định gửi đến cho ông bà món tiền gọi là...
Ông White buông bàn tay của bà vợ mà ông đang nắm, nhìn khách lạ với đôi mắt đầy kinh hãi:
— Bao nhiêu?
— Hai trăm bạc.





III

Trong nghĩa địa mới lập, rộng thênh thang, cách nhà độ hơn dặm, hai vợ chồng già chôn cất đứa con duy nhất. Học trở về nhà sống âm thầm như hai chiếc bóng.
Chuyện xảy ra quá nhanh chóng khiến họ ý thức được tầm quan trọng của vấn đề. Họ vẫn ở trong tình trạng chờ đợi, hy vọng một cái gì xảy ra để cho họ nhẹ bớt được phần nào gánh nặng sầu đau, quá nặng đối với hai vợ chồng già.
Nhưng ngày lại ngày thấm thoát qua và niềm hy vọng mơ hồ của họ trở thành tuyệt vọng.
Họ sống âm thầm. Cả ngày không trao đổi với nhau một lời, vì họ chẳng còn gì để nói. Cho nên ngày tháng đối với họ thật dài, dài không chịu nổi.
Một tuần sau, ông White giật mình thức giấc vào lúc nửa đêm. Ông dang cánh tay ra và chỉ thấy một mình trên giường.
Gian phòng tối đen, chỉ có tiếng khóc nghẹn ngào bên cửa sổ. Ông ngồi dậy, lắng nghe một lúc rồi bảo:
— Bà ơi! Bà vào đây, ở đó coi chừng trúng sương, trúng gió.
Bà vợ khóc oà lên:
— Nhưng con tôi còn lạnh hơn tôi nhiều!
Ông chồng vẫn còn mê ngủ, ông nằm xuống chiếc giường ấm êm, nhắm mắt lại.
Ông đang mơ màng thì nghe tiếng bà vợ hét lên thật hãi hùng. Ông lồm cồm bò dậy thì nghe tiếng bà vợ la tiếp:
— Cái bàn tay khỉ! Cái bàn tay khỉ!
Ông chồng hỏi:
— Ở đâu? Để làm gì?
Bà vợ thất thểu tiến về phía ông nói:
— Tôi muốn thấy cái bàn tay khỉ! Ông đã thiêu hủy nó chưa?
— Chưa. Tôi để nó ở ngoài phòng khách, trên giá đàn. Nhưng để làm gì?
— Mình mới chỉ ước có một điều, còn hai điều nữa.
Ông chồng kêu lên giận dữ:
— Trời ơi! Bấy nhiêu đó còn chưa đủ sao?
Bà vợ cũng to tiếng không kém:
— Chưa! Tôi còn có thể ước thêm một điều nữa. Ông xuống dưới lấy lên đây. Nhanh, nghe không? Và ước cho thằng Herbert sống lại.
Ông White ngồi dậy, vứt mền sang một bên, hoảng hốt:
— Trời đất! Bà có điên không?
Nhưng bà vợ vẫn cương quyết:
— Ông đi lấy ngay đi. Và ước cho thằng Herbert sống lại.
Ông chồng quẹt lửa thắp ngọn nến, bảo:
— Bà nên đi ngủ đi, bà không biết bà đang nói gì.
Bà vợ vẫn không chịu thua:
— Chúng ta đã có điều ước thứ nhất, tại sao lại không có điều ước thứ hai?
Ông chồng lẩm bẩm:
— Đó là một sự ngẫu nhiên.
Bà cụ ré lên:
— Ông có đi nhanh không! Và ước y như tôi nói.
Ông chồng đành đi xuống lầu trong đêm tối, mò mẫm vào phòng khách. Đến bên lò sưởi ông thấy bảo vật vẫn nằm ở chỗ cũ. Một sự lo sợ xâm chiếm lấy hồn ông. Ông sợ ước cậu con sống lại, cậu sẽ bị tật nguyền suốt đời. Với sự lo sợ đó ông toát mồ hôi, lò mò mãi mà không trở lên lầu được.
Nét mặt của bà vợ đổi sắc khi ông White bước vào phòng ngủ. Ông cảm thấy sợ cả bà vợ của ông.
Bà vợ kêu lên:
— Ước đi!
Ông ấp úng nhưng bà vợ lại quát:
— Ước đi!
Ông White nắm tay đưa lên:
— Tôi ước con tôi sống lại!
Cái bàn tay khỉ rơi xuống sàn. Ông thấy nó nhúc nhích.
Hai vợ chồng già chăm chú nhìn bảo vật một lúc, tâm trí như đặt hết tin tưởng vào phép lạ. Một lúc sau bà vợ tiến đến bên cửa sổ, vén màn lên. Bà đứng đó, nhìn ra ngoài chờ đợi cậu Herrbert sống dậy trở về.
Ông chồng ngồi bất động trên ghế. Ông cảm thấy khí lạnh thấm vào cơ thể, nhưng vẫn ngồi yên, thỉnh thoảng liếc về phía bà vợ đang nhìn lom lom ra phía ngoài đường.
Ngọn nến đã tàn, ném những mảnh ánh sáng chập chờn lên trần, lên tường. Cuối cùng, khi tim nến đã lụi, đốm lửa bỗng loé lên lần chót rồi phụt tắt. Ông White thấy nhẹ người khi bảo vật không đem lại lời ước thứ hai của ông. Ông trở về giường nằm. Một hai phút sau bà cụ cũng đến ngồi bên ông.
Không ai nói với ai lời nào, cả hai nằm trong tiếng tích tắc của đồng hồ. Trong sự yên lặng của đêm, dường như có tiếng răng rắc xuất phát từ thang lầu, tiếng chuột chạy sát chân tường. Bóng tối như đè lên người khiến ông cụ ngột ngạt, khó chịu. Sau khi nằm ráng một chút để lấy can đảm, ông cụ lấy hộp quẹt, bật lửa lên, đi xuống lầu để tìm một cây nến khác.
Đúng vào lúc đó có tiếng gõ cửa thật nhẹ, lén lút cho nên tiếng động rất nhỏ, gần như đủ lớn để cho người nghe thấy.
Hộp quẹt rơi khỏi bàn tay ông White. Ông đến chết sững, hơi thở của ông ngưng lại cho đến khi tiếng gõ cửa lại vang lên lần nữa. Bấy giờ ông mới quay lưng lại để chạy về phòng ngủ, đóng cửa thật nhanh.
Một tiếng gõ cửa thứ ba vang động khắp nhà. Bà cụ giật mình kêu lên:
— Cái gì vậy?
Ông chồng run run đáp:
— Chuột, một con chuột chạy lên thang lầu, suýt dẫm lên chân tôi.
Bà cụ ngồi trên giường lắng nghe. Lại một tiếng động vang lên khắp nhà. Bà kêu lên:
— Herbert về! Chính Herbert về.
Bà chạy về phía cửa, nhưng chồng bà đã tới trước bà. Ông nắm tay níu bà lại, hỏi:
— Bà định làm gì?
Bà cụ kêu lên:
— Herbert về! Nó là con tôi. Ông phải để tôi mở cửa cho nó vào. Buông tôi ra!
Ông cụ run rẩy, van nài:
— Không! Bà không nên cho nó vào!
Bà cụ bất bình:
— Coi kìa! Ông sợ cả con ông nữa sao? Hãy buông tôi ra. Để tôi mở cửa cho nó vào.
Rồi bà nói to:
— Má đây! Herbert, chờ má một chút!
Lại thêm một tiếng, rồi hai tiếng gõ cửa. Bà vợ vùng khỏi tay chồng, chạy ra khỏi phòng. Ông chồng theo bà tới cầu thàng, dang tay bất lực gọi với theo, nhưng bà lao xuống đến tầng dưới.
Ông nghe tiếng mở khoá và tút chốt thật khó khăn. Thế rồi tiếng bà vợ hổn hển kêu to:
— Còn cái chốt! Ông mau xuống mở giùm đi!
Trên lầu, ông chồng đang quỳ xuống sàn mò kiếm cái bàn tay khỉ. Ông cố kiếm được nó trước khi kẻ gây ra tiếng gõ cửa bước vào nhà.
Trong khi đó tiếng gõ cửa vang dội liên tiếp như một loạt súng. Ông nghe tiếng kéo ghế mà bà vợ đặt ngay trước cửa. Ông nghe tiếng chốt cửa khua lên. Cũng trong lúc đó ông tìm được cái bàn tay khỉ.
Hổn hển, ông nắm nó vào bàn tay, đưa lên cao nói lên lời ước thứ ba và cũng là lời ước cuối cùng.
Đột nhiên tiếng gõ cửa ngưng ngay tức khắc, mặc dầu những tiếng động trước đó vẫn còn vọng dội vào trong nhà. Cùng lúc ông nghe tiếng ghế kéo ở phía cửa và cánh cửa mở toang. Gió lạnh lùa vào, thổi tạt lên tận cầu thang...
Tiếng rên đầy đau đớn thất vọng của bà vợ khiến ông White có thêm can đảm để chạy xuống bên cạnh bà. Rồi như còn quán tính, ông chạy thẳng ra cổng bên ngoài. Ngọn đèn đường lù mù đối diện với ngôi nhà tỏa ánh sáng yếu ớt xuống con đường im vắng, không một bóng người...

HẾT

Lập Trình Viên II (36)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Một cảm giác ái ngại tương đối lủng củng, làm tôi thấy rất không thoải mái; vừa cười vừa nhăn mũi, tôi bảo anh Ngạn:

— Về chuyện ổ cứng, thì em nghĩ là không.



*
*     *


— Cảm ơn anh. — Bước qua bậu cửa, anh Ngạn nói với người đàn ông trung niên mặc bộ quần áo sẫm màu, giống như quần áo "âm lịch", nhưng trông dày dặn, ngay ngắn, và đĩnh đạc hơn, tôi đoán là y phục theo kiểu Tàu.

Trời đang đổ mưa lớn... là mưa "to", (tôi bắt đầu bị ảnh hưởng từ vựng ở đây, Mai Phương đã phải nhắc nhẹ tôi: "Để ý đấy!"), — đang là gần cuối mùa mưa ở Sài Gòn, — người đàn ông này đã vội vã chạy ra, cầm ô che cho chúng tôi, tôi thấy ông đang thật sự lo chúng tôi bị ướt, trong biểu hiện quan tâm của ông, tôi hoàn toàn không nhận thấy một chút khách sáo nào.

Chuyện này tương tác với hệ thống "để ý" của tôi ngay, có lẽ vì đây là nhà hàng, — những người phải làm đi làm lại những công việc mang tính chức năng, đa phần đều giống máy nhiều hơn giống người.

— Chú Phiên. Đường tới đây... — anh Ngạn gập qua gập lại bàn tay trong không khí, nhún vai, cười.

— Tới rồi hả? Mưa lớn quá ha! Ngồi đi! — Người đàn ông đang ngồi ở chiếc bàn tròn kê gần như đúng giữa gian quán vừa cẩn thận đậy lại chiếc vung nồi, vừa ngẩng lên, vui vẻ nhìn anh Ngạn theo kiểu gặp người quen, nhìn tôi theo kiểu gặp người chưa quen nhưng cũng không hẳn là lạ, và vui vẻ chìa tay mời chúng tôi.

Người này ăn mặc cũng giống người kia, nhưng mới và phẳng phiu hơn, — có thể là phẳng hơn thật, cũng có thể là do chất vải khác. Mái tóc ngắn nhưng vẫn rất đen, khuôn mặt tròn nhưng vẫn khúc chiết; đặc biệt, cặp mắt đen, trong, sinh động, cái nhìn rất nhanh, và sống mũi dọc dừa, với hai cánh mũi rõ nét, — những cái đấy cơ hồ dễ làm cho người khác chú ý. Người đứng tuổi mà mắt như thế thì xác định đúng tuổi là tương đối khó, chỉ ang áng được trong một khoảng tương đối rộng — từ bốn đến năm mươi.

Chú Phiên lại nhìn anh Ngạn, rồi quay sang tôi:

— Phi Long đây hả, nè, Long à, dê ở đây là ngon nhất Sài Gòn đó...

— Sao ở đây ít khách quá vậy? — Anh Ngạn tủm tỉm cười, ngoái cổ nhìn quanh, ngắt lời.

Thật ra ở đây không phải ít khách, mà đúng là không có khách: ngoài chúng tôi ra, chỉ có người cầm ô ban nãy, giờ đang lúi húi làm gì đó đằng sau quầy, và một người nữa ngồi ở góc trong cùng, quay lưng ra, nhưng hình như đang lúi húi tính toán sổ sách gì đó, chắc không phải thực khách, cũng không có vẻ lý gì đến chúng tôi. Gian quán rộng, ở diện tích trung tâm có một chiếc cột vuông to, — thân cột ốp gỗ sáng màu và có viết nhiều chữ Tàu màu đen, — và dăm chiếc bàn tròn cỡ bốn người ngồi; dọc theo — theo hướng cửa vào — hai bên tường, kê những bàn vuông nhỏ cho hai người ngồi. Đèn đóm tắt cả, chỉ có một bóng đèn công xuất khiêm tốn, có chụp tròn rộng bằng vải màu cổ vịt sẫm, treo cao quá đầu một người đứng, thẳng phía trên mặt bàn chỗ chúng tôi ngồi; và chiếc đèn bàn ở chỗ người đang ngồi "làm việc" ở phía trong.

Chú Phiên tuyệt không có vẻ lúng túng, chỉ khẽ nhún vai, đưa tay mở hé vung nồi — loại nồi đất có cán cầm hình ống tròn rỗng cũng bằng đất, đặt trên hỏa lò đất đang cháy đỏ, như ở mọi quán lẩu dê:

— Người đời đâu phải ai cũng biết ăn ngon. — Chú đưa tay cầm chai rượu ở trên bàn. — Nào, làm ly đi!

Chai cũ, — là vỏ chai cũ, đổ rượu khác vào, — chén cũ, rượu nặng, cũng là rượu trắng, nhưng hơi sốc so với vốt-ka, và vị có lẽ hơi nhạt so với quốc lủi.

Chú Phiên nhấc hẳn vung nồi, để qua một bên, trong ánh đèn sáng yếu, một làn hơi trắng dày đặc phả ngược lên từ miệng nồi, khoảng không trên mặt bàn tức thì tràn ngập một hương vị mặn mà; anh Ngạn nghển cổ, chăm chú nhòm vào nồi nước đang sôi lọc bọc, rồi gắp một nạm những cây trông giống như cây hành xanh (nhưng chắc không phải vì trông mập mạp hơn, nhất là lá dày dặn hơn, và bẹt dí, chứ không tròn ống như lá hành xanh), — được bày riêng trên một chiếc đĩa trắng tinh hình ô-van dài, đặt bên cạnh một chiếc đĩa rộng trên có vài thứ rau khác, — chắc để cho thêm vào; chú Phiên đã thò đũa, gắp ra một khúc thịt to, trông mềm mềm, bốc hơi nghi ngút, tiếp vào bát tôi:

— Nè, ăn luôn cho nóng.

Nóng thật, và thật may là tôi chỉ cắn một miếng nhỏ, nếu không, chắc tôi đã phải nhè hết ra!

Tôi rướn cổ, nuốt "khống" thêm một nuốt to, nhìn miếng thịt trong lòng bát:

— Đây... có phải thịt dê đâu ạ?!

Giọng chú Phiên giống như đang chủ trì hội thảo khoa học:

— Treo dê, nhưng bán chó! Ăn như vậy mới mang tính triết lý chớ.

Ban chiều, anh Ngạn tìm tôi ở văn phòng, bảo:

— Hết giờ làm đợi anh, đi ăn lẩu dê.

Tôi chưa kịp hỏi gì, anh đã vỗ vai tôi một cái, rồi đi ngay. Nhưng cuối giờ tôi không đợi anh, — anh đến hơi sớm nên phải chờ tôi tắt máy tính. Không thấy Mai Phương, rồi lại không thấy chiếc Tô-yô-ta màu nòng súng, tôi đã thấy lạ, nhưng cũng không hỏi; lúc đấy trời chưa mưa, hai anh em vẫy được chiếc tắc-xi ở đầu phố, đi vòng đi vèo mãi, đoạn cuối qua toàn những phố nhỏ và bẩn — một phần vì đang mưa, — mới đến được đây.

Tôi nhìn chú Phiên, rồi ngửa bàn tay trái ra, ngón trỏ tay phải lần lượt đếm từ trái sang phải:

— Chả, hấp, dồi, dựa mận, xáo,.. — hết ngón tay trái, tôi chuyển sang tay phải, — xào lăn,..

Tôi gõ gõ ngón trỏ trái lên ngón vô danh phải:

— Còn một món nữa, cháu chưa được ăn, cũng không biết đích xác là món gì... Nhưng khả năng là tiết canh, không thì là giò, chứ lẩu chó cháu chưa từng nghe.

— Ờ... — Chú Phiên cười. — Dân Bắc Kỳ thứ thiệt, vốn coi không ai hiểu chó bằng mình. — Chú phẩy tay. — Mà phải. Tôi đâu ráng cầm đèn chạy trước ô-tô, đây là lẩu chó Cao Ly.

Tôi hỏi, nhân thể:

— À, trong Nam mình có nấu giả cày không chú?

Nhưng chú Phiên đã ngồi ngửa vào tựa ghế, khoanh hai tay trước ngực, nhìn tôi, kiểu nhìn như đang đọc sách; rồi chú vừa cười một nụ mím môi, vừa nhướng mắt một cái:

— Giả cày!.. Bình sinh là lợn, bỗng làm việc như chó! Hà... — Chú nhìn mặt bàn, rồi lại nhìn tôi. — Hôm nay tôi nhờ cậu Ngạn mời cậu cất công tới đây, thiệt đúng là muốn thỉnh giáo một chuyện "lợn — chó" vậy đó. — Chú chìa bàn tay, cười xòa. — À, còn đây là cày thiệt, chuyện ngắn mà dài, mình vừa ăn vừa nói.

Cày này, có là không thiệt, thì cũng rất ngon, anh Ngạn và tôi cũng chẳng hề khách khí.

— Thiệt tình mà nói, tôi hỏi cậu một câu là đủ. — Ba chén rượu cùng cạn một lượt, chú Phiên vừa rót một vòng mới, vừa bắt đầu (chắc là) câu "chuyện ngắn mà dài" của chú. — Nhưng tôi không hỏi vậy được, dù là hỏi vậy, còn đỡ mất thời giờ của cậu.

— ...

— Nhưng mai này, lỡ như nhớ lại... thì cách hỏi độc lai độc vãng đó sẽ khiến cậu nhớ tôi như một gã khôn ngoan. — Chú cau mũi một cái. — Nên tôi sẽ kể từ đầu.

Chú đưa ngón tay trỏ vạch qua vạch lại về phía cửa vào:

— Thành phố này... Cậu hẳn nghe người ta nói, là hòn ngọc Viễn Đông?

— Cháu đọc thấy, nhưng mà...

— Hẳn rồi, — chú Thiên cười xòa ngay theo tôi, — không phải giờ. Vậy họ có kể... nó ra sao không?

— Cháu nhớ khái niệm thôi, chứ hoàn toàn không hình dung.

— Phải rồi. — Chú Thiên gật đầu. — Ngay cậu Ngạn cũng đâu biết. Khi nó còn là hòn ngọc Viễn Đông thiệt, thì tôi còn bé. Nơi lấp lánh nhất hòn ngọc khi đó là... ca-xi-nô gron-đơ mòn-đờ, sòng bạc Đại Thế Giới, một trong những sòng... mà có thể nói luôn là sòng bạc lớn nhất Đông Dương.

"Nó là một khu tổ hợp chơi bời, đủ mặt nhà hàng, sân khấu, vũ trường, quán xá... Còn đánh bạc thì khỏi nói: chơi kiểu Việt, Tây, Tàu... không gì không có. Chủ xị là các tay tổ từ Hồng-kông, Ma-cao qua. Cả ê-kíp từ phát hỏa, hồ lỳ, cắm sườn... À, phát hỏa là chia bài, hồ lỳ là chung chi, cắm sườn là quan sát..."

— Những người này... — Cứ ngắt nhỏ câu chuyện thế này, đúng không phải tác phong thông thường của tôi, nhưng chủ đề này mới bắt đầu, thì cảm nhận của tôi, tôi thấy ngay là đang giống y như lúc đọc chưởng Kim Dung; bất giác hai bàn tay tôi xòe rộng hết mười ngón, khom khom hướng vào nhau để tìm cách diễn tả. — Cơ cấu tổ chức của họ như thế nào ạ?

Chú Thiên nhìn tôi, tủm tỉm, chắc là giấu một nụ cười to hơn:

— Cả tiền lẫn cơ hội đút tiền vô túi đều công nhiên ra đó, cụ thể, sờ sờ trước mắt, ngay giữa đám đông; dễ hiểu là mọi bản năng bất chính đều được khơi dậy tới tối đa. Nên là phải coi lẫn nhau: phát hỏa coi khách chơi, hồ lỳ coi phát hỏa, cắm sườn coi hồ lỳ, cắm sườn lớn coi cắm sườn nhỏ... Lại còn... những điểm quan sát bí mật, ở đó những tay cựu lừa đảo, chuyên gia về các ngón gian lận, lương trả cao ngất, túc trực với ống nhòm quân sự trong tay.

Chú dừng lời, thấy tôi đã có vẻ hài lòng với đáp án, chú mới tiếp:

— Cả đám người đó đều được đào tạo chuyên nghiệp, có nghề, bài Tây thì có đầm Tây, bài Tàu thì có xẩm Tàu, thứ thiệt, tuyển từ chính quốc, để đứng bàn phục vụ khách chơi.

"Người ta, đói thì kiếm quán ăn, khát thì tìm quán uống, còn tham tiền thì tới sòng bạc; đói thì bỏ tiền mua đồ ăn, khát thì bỏ tiền mua đồ uống, còn tham tiền thì bỏ tiền ra để mua một cuộc đỏ đen. Nhưng không giống cơm ăn nước uống, cuộc đỏ đen là thứ đồ mà ăn uống vào sẽ chỉ khiến người ta thêm đói khát, — theo cả nghĩa đen. Vì một người bước vô sòng bạc, thì thứ nhất là sẽ đối đầu với một hệ thống những công thức toán học xác suất với các tỷ lệ hoàn toàn bất lợi với mình, thứ nhì là sẽ đối đầu với cả một bộ máy lừa đảo chuyên nghiệp và có tổ chức..."

Nhận thấy ngay biểu hiện của tôi, chú Phiên phẩy tay:

— Đâu có cờ bạc chuyên nghiệp lại không... bịp? Cậu tin tôi... Khơi dậy lòng tham ở người khác, là bắt đầu lừa đảo rồi; mọi chuyện lừa đảo đều bắt đầu như vậy. Nhưng dù biết không biết, một khi đã bước chân vô sòng, do đâu thì không rõ, nhưng ai ai cũng mang một niềm hy vọng tự kỷ ám thị lạ lùng hết nói về sự may mắn. Tham mà! Phật dạy chớ tham, sân, si, — cậu thấy, tham vẫn là đầu bảng.

Chú Thiên xòe hai tay, nhún vai một cái, cười xòa, rồi lại có bộ dạng nghiêm túc ngay:

— Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Con bạc có nỗi khổ của con bạc, thì sòng bạc cũng có nỗi khổ của sòng bạc. Nói như một chủ sòng ở Látx Vê-gátx: "Ngày nào cũng có cả triệu người tìm đủ mọi cách để lấy tiền của chúng ta!"

"Ở nhà băng cũng vô khối tiền, nhưng tiền giữ trong két, mở trộm két nhà băng là phạm pháp. Giả sử giờ nhà băng đem két tiền đặt ra giữa sảnh, khóa két bằng một cái khóa to, rồi mời mọi người mua vé để tìm cách mở khóa, mở được thì cứ việc lấy hết tiền, — thì đó chính là sòng bạc. Làm chủ nhân cái két như vậy thì có lo không? Trên đời liệu có loại khóa không thể mở được?"

Về chuyện này thì tôi có một hình dung tương đối rõ. Tôi đã được học về các thuật toán mã hóa dữ liệu: mọi dữ liệu mã hóa đều có thể giải mã được, chỉ là mất bao lâu. Nên tôi bất giác gật đầu, nhưng chú Thiên cũng nhận ra ngay đấy là gật đầu "tu từ", nên chú cũng gật đầu với tôi. Rồi trên khuôn mặt tuyệt không có nét mù mờ nào của chú thoáng một chút đăm chiêu. Tôi tranh thủ khoảng dừng, vội vàng trở lại với ý nghĩ của mình "tất cả những chuyện thú vị này có liên quan gì đến mình nhỉ?"; nhưng tôi vẫn tiếp tục chưa tìm được đường đi cho nó, thì lại phải dừng lại, để theo dõi tiếp "những chuyện thú vị":

— Sòng bạc Đại Thế Giới hôm đó, bàn Xì Phé có một con bạc thua đậm. Con bạc thua đậm thì khi nào không có, nhưng gã này đã thua tới hai mươi ngàn mà vẫn tưng tửng như không... à, vàng khi đó cỡ ba ngàn một lượng. Thua mà kiểu như vầy thì hiếm có. Nên sòng bài, các yếu nhân hữu trách, đều tập trung theo dõi cuộc đấu Xì Phé.

"Đến lúc tiền tố lên tới năm trăm ngàn, thì cả những người không có trách nhiệm cũng tự cảm thấy căng thẳng. Đại Thế Giới khi đó, ngày có tới vài ngàn người vô, thâu vào cỡ triệu, nộp thuế năm trăm, bỏ túi năm trăm.

"Con bạc quốc tịch Tân Gia Ba... à, là Sinh-ga-po, còn phát hỏa là một tay cứng cựa, cao thủ mời từ Hồng-kông. Cuộc chơi kết thúc khi con bạc Sinh-ga-po lật bài Thùng Phá Sảnh và hốt gọn của Đại Thế Giới hơn triệu đồng.

"Con bạc ung dung lên tắc-xi rời sòng.

"Xe chạy được một quãng, thì ách lại bên đường. Cửa sau mở, hai người vận đồ lính, đầu đội bê-rê, ập lên xe từ hai phía. Xe lại chạy, qua kênh; tới một địa điểm nằm sát dạ cầu chữ Y, về phía nam, xe quẹo trái, rẽ vào một cổng lớn có ba-ri-e và lính gác; ba-ri-e mở lên, xe vào khoảnh sân trước một ngôi nhà hai tầng nhưng rất cao, mái lợp khum khum, sảnh có hai cửa vòm cao rộng, nom bề thế ghê lắm.

"Con bạc bị lôi xềnh xệch ra khỏi xe. Trước mặt y là tay phát hỏa Hồng-kông, và một người nữa."

Người mà đã kể chuyện này cho chú Phiên nghe — vì chú Phiên bảo lúc ấy chú còn bé — hẳn phải là một người kể chuyện rất hay. Tôi thấy chú Phiên cũng bị cuốn hút vào câu chuyện mà chính mình đang kể, kể một cách say sưa:

— Người này vóc đậm và chắc nịch như tá điền, tóc rễ tre ủi cao bằng tông-đơ, lại đeo kính trắng, coi hệt một bác nông dân đang coi nhật trình thì khách tới vội chạy ra đón. Nhưng trên bản mặt chân chất, hơi cục mịch của y, không khó nhận ra những nét bặm trợn. Y lại vận đồ nhà binh và đeo lon đại tá.

"Chính là Lê Văn Viễn, Bảy Viễn, tướng rừng Sác chiêu hồi. Cậu có nghe chưa?"

— Chú nói thì cháu nhớ loáng thoáng là đã nghe tên thôi, mới cả... — Tôi thấy rụt rè, hơi ngượng; trong trường không dạy, ở miền Nam, cụ thể mọi người đã đánh Pháp đánh Mỹ thế nào, mặc dù là học sinh giỏi môn Sử, nhưng hình dung của tôi quả thực là chả đâu vào đâu cả. — Có phải ô...ng này trước là tướng... cướp?

— Chính thị. Y là giang hồ theo kháng chiến, rồi bỏ kháng chiến về thành đầu Tây, được phong tá, rồi phong tướng. Làm đại tá Tây rồi, y vẫn quen làm tướng cướp. Sòng Đại Thế Giới chính là y được vua Bảo Đại chống lưng, thầu lại, thiệt ra là ăn cướp, từ tay Lâm Giống, để làm con bò sữa nuôi bộ đội Bình Xuyên của y. Lâm Giống là xì thẩu Ma-cao, đã phát dương quang đại sòng Đại Thế Giới từ đầu, dưới tay y có cả trăm cao thủ Thiếu Lâm, nhưng đám Bình Xuyên của Bảy Viễn có tiểu liên, lựu đạn, lại được Pháp giao cai quản an ninh Sài Gòn — Chợ Lớn, tức là nắm quyền sinh sát.

"Tại tổng hành dinh ở chân cầu chữ Y của Bảy Viễn có một hồ nước, trồng tràm, đước, và nuôi cá sấu, — cá sấu hoa cà chính hiệu rừng Sác, là giống bò sát lớn nhất. Bảy Viễn đang hầm hầm lệnh cho lính thộp cổ gã Sinh-ga-po ném xuống hồ, thì tay cố vấn của y là Năm Tài tất tả chạy đến.

"Ra gã cao thủ Sinh-ga-po này là khách mời của đám lão bản Chợ Lớn. Ý họ là mâu thuẫn bài bạc thì nên giải quyết trên sới bạc.

"Chuyện này là phải lẽ, theo luật giang hồ.

"Bảy Viễn bá đạo nhưng rất trọng nghĩa khí giang hồ, nên chỉ rút súng ngắn, nhè ngay ót tay phát hỏa Hồng-kông nổ luôn một phát."

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Trái tim của Đan-kô

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TRÁI TIM CỦA ĐAN-KÔ
(Trích trong truyện "Bà lão I-de-rờ-ghin" của Mắc-xim Goóc-ki)

Tôi được nghe câu chuyện này ở gần Ác-kê-rờ-man, tại Bê-xa-ra-bi, trên bờ biển.

Một buổi tối, làm xong công việc hái nho thường ngày, toán thợ Môn-đa-vi, trong đó có tôi cùng làm, đi về phía bờ biển, còn tôi và bà lão I-de-rờ-ghin ở lại dưới bóng lá dày đặc của những gốc nho, ngả mình trên mặt đất, lẳng lặng nhìn bóng dáng những người đi về phía bờ biển đang tan dần trong sương đêm xanh thẳm.

Trên mặt biển nhô lên một đám mây đen nặng nề, có đường viền gân guốc, giống như một chỏm núi. Đám mây trườn vào thảo nguyên. Từ chỏm mây, có những mảng mây tách ra, bay vượt lên trước và lần lượt che tắt hết ngôi sao này đến ngôi sao khác. Biển động ầm ầm. Cách chúng tôi không xa, dưới những gốc nho, người ta hôn nhau, thì thầm, thở dài. Một con chó sủa rống lên ở một nơi nào xa tít trong thảo nguyên... Không khí đầy một mùi kỳ lạ, làm ngứa ngáy lỗ mũi, kích thích thần kinh. Bóng mây in xuống mặt đất từng đám dày đặc, trườn đi, trườn đi, biến mất rồi lại xuất hiện... Ở chỗ mặt trăng trước kia, chỉ còn lại một vệt trắng đục, đôi khi bị một mảng mây xanh nhạt hoàn toàn che khuất. Xa xa trên thảo nguyên lúc này đã trở nên đen ngòm và đáng sợ, như đang ẩn náu và thu giấu trong mình một cái gì bí ẩn, có những đốm lửa xanh lam bùng lên. Chúng xuất hiện trong giây lát, khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia rồi tắt đi, cứ như có mấy người tản mát trong thảo nguyên, ở cách xa nhau, đang tìm kiếm cái gì, xòe diêm lên những lại bị gió thổi tắt ngay. Đấy là những lưỡi lửa xanh rất kì dị, gợi nhớ tới một cái gì hoang đường.

— Anh có thấy những tia lửa không? — Bà lão I-de-rờ-ghin hỏi tôi.

— Những tia lửa xanh kia phải không? — Tôi vừa nói vừa trỏ ra thảo nguyên.

— Tia lửa xanh hả? Ừ, đúng đấy... Vậy ra những tia lửa ấy vẫn còn bay lượn! Lạ thật... Nhưng mắt tôi bây giờ không còn thấy những tia lửa ấy nữa. Bây giờ có nhiều cái tôi không nhìn thấy được.

Trước đó tôi đã được nghe một đôi điều về nguồn gốc những tia lửa này, nhưng tôi muốn nghe bà lão I-de-rờ-ghin kể câu chuyện ấy.

— Những tia lửa ấy là từ trái tim cháy của Đan-kô. Thuở xưa, có một trái tim một hôm đã bốc cháy... Những tia lửa này là từ trái tim đó mà ra... Tôi sẽ kể cho anh câu chuyện ấy... cũng là một câu chuyện cổ tích cũ... Câu chuyện cũ kỹ, toàn những câu chuyện cũ kỹ cả thôi! Anh thấy không, thời xưa có biết bao nhiêu chuyện hay?.. Còn thời nay chẳng có gì hết: không có công việc, không có con người, cũng chẳng có những chuyện cổ tích như thời xưa nữa... Tại sao? Nào, nói đi... Anh không trả lời được đâu... Anh biết được những gì nào? Bọn trẻ các anh biết được những gì? Hà, hà!.. Nếu các người nhìn kỹ vào thời xưa thì sẽ giải đáp được hết... Nhưng các người không nhìn, và vì thế các người không biết sống... Tôi không nhìn thấy cuộc đời chăng? Ồ, tôi thấy hết, mặc dù mắt tôi kém! Tôi thấy thiên hạ không sống, mà chỉ đắn đo, suy tính và phí cả đời vào việc đắn đo suy tính đó. Rồi khi sống uổng hết một đời người vì hao phí thời gian thì lại bắt đầu khóc than cho số phận. Nhưng viện số phận ra mà làm gì? Số phận của mỗi người là ở chính bản thân người đó! Cho tới nay, tôi vẫn gặp đủ mọi loại người, nhưng không thấy những người dũng cảm! Họ đâu cả rồi?.. Người đẹp cũng mỗi ngày một ít đi...

Bà lão bắt đầu suy nghĩ về việc những người dũng cảm và đẹp biến đi đâu hết cả, vừa suy nghĩ vừa chăm chú nhìn thảo nguyên tối thẫm, như để tìm trong đó câu trả lời. Tôi chờ nghe câu chuyện của bà lão và im lặng, sợ rằng hỏi câu gì thì cụ sẽ lại xoay sang chuyện khác.

Và rồi bà lão bắt đầu kể.

"Thuở xưa, trên trái đất này, có một đám người sinh sống ở một khu vực nọ, xung quanh khu lều trại của họ ba bề là rừng rậm bao bọc, không thể len qua được, phía kia là thảo nguyên. Đó là những người vui vẻ khỏe mạnh và dũng cảm. Nhưng rồi thời buổi khó khăn đã tới: có những bộ lạc khác không hiểu từ đâu xuất hiện, xua đuổi những người vẫn ở đây từ trước vào tít trong rừng sâu. Ở đấy chỉ có đầm lầy và bóng tối vì rừng đã lâu đời lắm rồi, cành lá quấn quít dày rậm đến nỗi không còn nhìn thấy bầu trời nữa, và tia sáng mặt trời phải khó khăn lắm mới lọt qua đám lá um tùm để soi rọi chút ít xuống đầm lầy. Nhưng khi những tia nắng chiếu xuống mặt nước đầm lầy thì mùi hôi thối bốc lên đến nỗi họ lăn ra chết, hết người này đến người khác. Đàn bà trẻ con trong bộ lạc khóc lóc, còn các ông bố thì nghĩ ngợi và buồn rầu. Cần phải ra khỏi khu rừng này, và muốn vậy chỉ có hai con đường: con đường thứ nhất là trở lại phía sau thì có những kẻ thù mạnh và hung dữ, con đường thứ hai là tiến lên phía trước thì ở đó là những cây khổng lồ, cành to khỏe, ôm chặt lấy nhau, rễ ngoằn ngoèo đâm sâu xuống đất bùn dính chắc của đầm lầy. Những thân cây trơ trơ như đá ấy ban ngày đứng sừng sững, im lìm trong ánh sáng lờ mờ, xám xịt, và tối đến, khi đốt lửa lên thì cây cối càng dịch sát lại bao quanh đoàn người. Đêm cũng như ngày, xung quanh đoàn người bao giờ cũng có một vòng bóng tối vững chắc chỉ chực nghiến bẹp họ, mà họ thì đã quen với thảo nguyên bao la. Khi gió đập các ngọn cây và cả khu rừng gào thét như hăm dọa và hát bài ca đưa đám họ thì cảnh tượng càng ghê rợn hơn. Dù sao họ vẫn là những người dũng cảm, và họ có thể chọi nhau một mất một còn với những kẻ đã có lần đánh bại họ, nhưng họ không thể chết trong chiến đấu được, vì họ còn có những lời di chúc, nếu họ chết thì những lời di chúc sẽ mất theo. Bởi vậy, họ cứ ngồi đấy và suy nghĩ bao đêm ròng, giữa tiếng cây rừng xào xạc, trong hơi thối độc địa của đầm lầy. Họ ngồi đấy và ánh lửa tạo nên những bóng đen chập chờn nhảy nhót xung quanh họ trong một điệu vũ thầm lặng, mọi người đều có cảm giác như đấy không phải là những bóng đen nhảy múa, mà là ma quỷ của rừng và đầm lầy đang hân hoan đắc thắng... Họ vẫn ngồi đấy và nghĩ ngợi. Nhưng không có cái gì, cả công việc lẫn đàn bà, lại làm suy mòn thể xác và tâm hồn người ta bằng những ý nghĩ buồn rầu. Người ta suy yếu đi vì lo nghĩ... Nỗi khiếp sợ nảy nở trong bọn họ, làm tê liệt những cánh tay rắn chắc họ, đàn bà khóc lóc trước tử thi những người chết vì uế khí và khóc than cho số phận những người còn sống nhưng đã mất chí khí vì hoảng sợ, tiếng khóc của họ làm cho đoàn người hoang mang thêm. Trong rừng, người ta bắt đầu nghe thấy những câu nói hèn nhát, lúc đầu còn rụt rè, thì thầm, rồi càng về sau càng lớn tiếng hơn... Họ đã định đến nộp mình cho quân thù và dâng tự do của mình cho chúng. Vì kinh hoảng trước cái chết, không ai còn sợ sống nô lệ nữa... Nhưng đúng lúc đó, Đan-kô xuất hiện, và một mình anh, anh cứu thoát cả đoàn người."

Rõ ràng là bà cụ vẫn thường kể câu chuyện trái tim cháy của Đan-kô. Cụ nói như hát, và giọng nói xin xít, rè rè của cụ khiến tôi hình dung rõ mồn một tiếng ào ào của khu rừng có những con người bất hạnh, kiệt lực, chết dần vì hơi độc của đầm lầy...

"Đan-kô là một người trong bọn họ, một chàng trai trẻ đẹp. Những người đẹp bao giờ cũng can đảm. Và anh nói với các bạn anh như thế này:

— Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá trên con đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi sâu vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước!..

Họ nhìn anh và thấy anh hơn hẳn tất cả bọn họ, vì trong mắt anh ngời lên bao nhiêu sức mạnh và nhiệt tình sôi nổi.

— Anh dẫn chúng tôi đi! — Họ bảo anh.

Thế là anh dẫn họ đi..."

Bà lão im lặng và nhìn ra thảo nguyên, ở đó bóng tối mỗi lúc một dày đặc lại. Những tia lửa từ trái tim cháy của Đan-kô sáng bừng lên ở nơi nào phía xa, nom như những bông hoa xanh bay lượn trên không, chỉ nở ra trong giây lát.

"Đan-kô dẫn họ đi. Mọi người nhất loạt đi theo anh, — họ tin anh. Đường đi thật khó khăn! Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau; rễ bò lan khắp nơi như đàn rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại tốn bao nhiêu mồ hôi và máu. Họ đi lâu lắm... Rừng mỗi lúc một dày rậm, sức lực mỗi lúc một suy kiệt! Họ bắt đầu oán trách Đan-kô, trách anh trẻ người non dạ, đưa họ đi vào chỗ vu vơ. Nhưng anh vẫn dẫn đầu đoàn người, hăng hái và tươi tỉnh.

Rồi một hôm, dông bão gầm thét trên rừng, cây cối ào ào ghê rợn. Trong rừng bỗng tối mù tối mịt, tưởng chừng như bao nhiêu đêm tối trên đời kể từ khi có rừng đến nay đều tụ cả lại. Những con người nhỏ bé đi giữa những cây lớn, trong tiếng sấm đáng sợ. Họ đi, còn những cây khổng lồ lắc lư, nghiến ken két và gào lên bài ca thịnh nộ. Tia chớp bay trên các ngọn cây, ánh lửa xanh lạnh lẽo rọi sáng mọi vật trong khoảng khắc và biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện, làm mọi người kinh sợ. Cây cối được ánh chớp lạnh lẽo rọi sáng, nom như những vật sống, dang rộng những cánh tay dài ngoằn ngoèo, đan thành một mạng lưới dày xung quanh đoàn người, cố ngăn chặn họ. Từ trong đám cành tối tăm, có cái gì đáng sợ, hắc ám, lạnh lẽo nhìn đám người đang đi. Đường đi gian nan, đoàn người mệt lả, mất tinh thần. Nhưng họ xấu hổ, không dám thú nhận sự yếu hèn của mình, vì thế họ trút căm hờn và giận dữ vào Đan-kô, con người dẫn đầu họ. Họ trách anh không biết dẫn dắt họ, thế đấy!

Họ dừng lại và giữa tiếng gầm gào đắc thắng của rừng, trong bóng tối run rẩy, những con người mệt mỏi và dữ tợn ấy bắt đầu kết tội Đan-kô.

— Mi là kẻ hèn mọn làm hại chúng tao, — họ bảo anh. — Mi dẫn chúng tao đi và làm chúng tao kiệt lực, vì vậy mi phải chết!

— Các người bảo: "Dẫn chúng ta đi!", và tôi dẫn các người đi! — Đan-kô hét lên, hiên ngang đứng trước mặt họ. — Tôi có gan dẫn đường và tôi dẫn các người đi! Còn các người, các người đã làm gì để tự giúp mình? Các người chỉ cắm cổ đi và không biết giữ sức để đi được lâu dài hơn! Các người chỉ mải miết đi như đàn cừu!

Nhưng những lời đó làm họ càng điên tiết hơn.

— Mi phải chết! Mi phải chết! — Họ gầm lên.

Rừng cũng gầm lên, gầm mãi lên, hòa với tiếng hét của họ, và ánh chớp xé toang bóng tối thành từng mảnh. Đan-kô nhìn đám người mà anh đã ra công khó nhọc vì họ và thấy rằng họ là những con thú. Nhiều người xúm quanh anh, nhưng trên mặt họ không có chút gì là cao thượng và không thể mong họ tha thứ cho anh. Thế là trong tim anh cũng bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương người đã dập tắt ngọn lửa uất hận ấy. Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất. Trong tim anh bừng lên ngọn lửa nhiệt thành thiết tha muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường dễ dàng, và những tia lửa của niềm mong muốn mãnh liệt ấy lóe lên trong mắt anh... Còn họ thấy thế, lại tưởng anh nổi khùng nên mắt mới sáng quắc như vậy, họ liền giữ miếng như những con chó sói, chờ xem anh đánh lại họ, họ tiến sát đến, vây chặt lấy anh để dễ bề bắt và giết anh. Anh đã hiểu ý nghĩ của họ, do đó ngọn lửa trong trái tim anh càng cháy rực hơn nữa, vì ý nghĩ của họ làm anh buồn rầu.

Rừng vẫn hát bài ca thê lương, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước.

— Ta sẽ làm gì cho mọi người đây?! — Đan-kô gào to hơn sấm.

Bỗng nhiên, anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu.

Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người. Trước ánh sáng của trái tim Đan-kô, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, nhào xuống cái mõm hôi thối của đầm lầy nơi rừng sâu núi thắm. Đoàn người sửng sốt, đứng trơ ra như phỗng.

— Đi thôi! — Đan-kô thét lớn và xông lên phía trước, đến vị trí của mình, tay giơ cao trái tim sáng rực, soi đường cho mọi người.

Họ xông lên theo anh, mê man như bị chài. Rừng lại bắt đầu ồn ào, ngạc nhiên lắc lư các ngọn cây, nhưng tiếng ồn ào của rừng bị tiếng chân người rầm rập át đi. Họ chạy nhanh và mạnh bạo, cảnh tượng kỳ diệu của trái tim cháy lôi cuốn họ. Bây giờ vẫn có người chết, nhưng họ chết không than vãn và khóc lóc. Còn Đan-kô vẫn luôn luôn đi ở phía trước và trái tim anh vẫn cháy bùng bùng, sáng rực!

Bỗng nhiên, rừng giãn ra nhường lối cho anh, giãn ra và lùi lại ở phía sau, dày đặc và câm lặng, còn Đan-kô và tất cả đám người ấy lập tức chìm vào cái biển ánh sáng mặt trời và không khí trong lành được nước mưa gột sạch. Dông bão ở đằng kia, sau lưng họ, trên khu rừng, còn ở đây là mặt trời rực rỡ, thảo nguyên thở đều đều, cỏ ngời sáng vì những giọt mưa chói lọi như kim cương và sông lấp lánh ánh vàng... Trời đã về chiều, và dưới ánh hoàng hôn, sông đỏ như máu, như dòng máu nóng hổi tuôn ra từ bộ ngực bị xé rách của Đan-kô.

Chàng Đan-kô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống và — chết.

Đoàn người vui sướng và tràn đầy hy vọng, không nhận thấy Đan-kô đã chết và không nhìn thấy trái tim dũng cảm của Đan-kô vẫn cháy bừng bừng cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó và sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền dùng chân dẫm lên trái tim kiêu hãnh... Và trái tim ấy, tan ra thành những tia lửa, tắt dần..."

— Đấy, duyên do của những tia lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên vào lúc trước cơn dông là như vậy!

Bây giờ khi bà lão đã kể xong câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp của mình, thảo nguyên bỗng yên tĩnh lạ thường, như kinh ngạc về sức mạnh của chàng Đan-kô dũng cảm đã đốt cháy trái tim mình soi đường cho mọi người và chết mà không đòi hỏi gì cả.

Bà lão thiu thiu ngủ. Tôi nhìn bà cụ và nghĩ: "Trong trí nhớ cả bà lão còn lưu lại bao nhiêu truyện kỳ diệu và biết bao nhiêu hồi ức nữa?" Rồi tôi nghĩ về trái tim cháy hùng vĩ của Đan-kô và về trí tưởng tượng của nhân loại đã sáng tạo nên biết bao nhiêu truyền thuyết đẹp đẽ và đầy khí phách.

Gió thổi tung những manh áo rách và phơi trần bộ ngực khô đét của bà lão I-de-rờ-ghin đang thiếp đi mỗi lúc một say. Tôi kéo lại manh áo che cho tấm thân già lão và cũng nằm xuống cạnh bà. Thảo nguyên vắng lặng và tối om. Mây đen vẫn trôi trên trời, chầm chậm, tẻ ngắt... Biển ầm ì một điệu buồn bã.