Vì rời khỏi quầy lễ tân, là tôi sẽ chỉ còn một mình.
Theo những gì tôi hiểu được về mình và về những người khác, thì tôi thuộc tuýp người có nhu cầu "ở riêng một mình" cao. Ở một lúc lâu hoặc nhiều lúc không lâu nhưng liên tục giữa những người khác, — không quan trọng số lượng, — trước sau gì tôi cũng sẽ bắt đầu thấy không được thoải mái. Tôi lờ mờ hình dung ra là luôn có những thứ gì đó ở trong tôi muốn được tôi ở riêng ra một chỗ, đủ lâu, với chúng, và chúng sẽ làm tôi khó chịu, nếu như chúng bị để dồn lại "không được quan tâm" đến một mức nào đó.
"Giang sơn dị cải, bản tính nan di." — "Núi sông dễ đổi, bản tính khó dời."
Không biết bản tính của tôi có thật "nan di" không, nhưng đầu tiên, là A-nhi-a đã rất không muốn để tôi "ở riêng một mình", rồi từ khi xa A-nhi-a, thì tự tôi bắt đầu rất sợ "ở riêng một mình".
Đã có lúc, liên quan đến chuyện "ở riêng một mình" của tôi, tôi đã nghĩ là ngay cả A-nhi-a, nếu tôi với A-nhi-a ở gần nhau đủ lâu, không biết liệu đến một lúc nào đấy tôi có — tôi đã tự xỉ vả mình hết sức thậm tệ ngay, vì đã để cho ý nghĩ này len vào đầu — thấy không thoải mái không?
Ở gần A-nhi-a lâu liệu có thoải mái hay không tôi không biết, tôi không bao giờ nghĩ tiếp chuyện này.
Còn chuyện bây giờ tôi đang biết rất rõ, biết rất cụ thể, là bất kể tôi "ở riêng một mình", hay ở một lúc lâu hoặc nhiều lúc không lâu nhưng liên tục giữa những người khác, — không quan trọng số lượng, — thì tôi cũng đang bị khổ sở ghê gớm, vì phải ở xa A-nhi-a.
Nhưng nếu không có ai khác xung quanh, thì cảm giác này còn thê thảm hơn nhiều lần!
Vả lại tôi còn có một nỗi sợ riêng, nỗi sợ mà chính vì nó A-nhi-a đã rất không muốn để tôi "ở riêng một mình". Thực ra cũng có một ít những người khác cùng sợ chung với tôi cái này, nhưng đây vẫn là một nỗi sợ cực kỳ riêng của tôi; vì những người khác sợ, nhưng không biết gì về nó, còn tôi thì bắt đầu biết, và còn cực độ muốn biết thêm nữa.
Chưa từng có cái gì mà tôi lại muốn biết đến mức như vậy!
Tôi chưa nói với A-nhi-a, nhưng quả thật, chưa bao giờ có bất kỳ cái gì lại hấp dẫn tôi đến nhường ấy!
Thậm chí, tôi còn bắt đầu hình dung tường minh ra là nỗi sợ của tôi thực ra là sợ cho những người khác, những người thân thiết với tôi, vì nỗi sợ của họ, chứ riêng bản thân tôi, thì hình như tôi lại chả sợ quái gì cả, — ngay cả tôi nói "hình như" cũng chỉ là tại tôi hiểu chả bao giờ lại có cái "riêng bản thân tôi" một cách tuyệt đối cả, thế thôi, chứ còn thì chuyện đấy tóm lại là rõ ràng rồi.
"Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ." — "Sáng nghe đạo lý, tối chết cũng được nhỉ."
Khổng Tử đã bảo thế. Và tôi bây giờ có vẻ cũng hình dung được, là quả thật có những thứ, mà mong muốn biết được nó là cao ghê lắm, cao đến mức — hầu như — không còn cần gì khác nữa!
Và đấy là một trạng thái rất nguy hiểm!
Nguy hiểm vẫn là nguy hiểm, bất kể có sợ hay không.
Có khi càng không sợ, thì lại càng nguy hiểm.
Nhưng tôi vừa dợm bước định đi vào khách sạn thì dường như đang có cái gì đó vương vướng ở khóe mắt tôi, bên trái.
Ở phía ấy, cách tôi một — và thập thò ở mép — bãi xe máy xếp dài úp thìa dọc theo vỉa hè, có một người đang đứng vẫy tay tới tấp.
Theo như bối cảnh thì đấy là vẫy tôi, vả lại không phải một người, mà là một cô gái; cho nên tôi bỏ tay ra khỏi túi quần, rồi thong thả tới gần.
Trời cao đất thấp, nhưng ban ngày thì trời và đất phân biệt nhau rõ ràng, còn buổi tối thì trời đất lẫn vào nhau hơn. Là do thị giác, nhưng chắc chỉ một phần là do thị giác.
Đường phố đông, nhưng ban ngày chủ yếu đông vì mưu sinh, còn buổi tối chủ yếu đông vì giải trí.
Đường phố ồn, nhưng cùng một chiếc xe, cùng một tiếng máy nổ, nhưng ban ngày chủ yếu nổ vì mưu sinh, còn buổi tối chủ yếu nổ vì giải trí, nên tiếng ồn đường phố vào buổi tối lại dễ nghe hơn.
Con gái đẹp và ồn, nhưng ban ngày chủ yếu đẹp và ồn vì mưu sinh, còn buổi tối chủ yếu đẹp và ồn vì giải trí, nên con gái vào buổi tổi lại dễ nhìn và nghe hơn.
Nhưng cô gái này khó nhìn, và còn khó nghe hơn.
Vì cô đứng khuất sáng, và vẫy tay, không nói.
Nhưng quần cô mặc thì thật đẹp.
Quần bó đều đặn vào chân, loang lổ rằn ri; nếu bớt màu trắng và màu trắng bớt trắng và nếu màu xanh lục tươi lên, thì sẽ hệt như quân phục lính.
Nói chung quần kiểu thế thì không thật đẹp.
Nhưng chân thì thật đẹp!
Trên quần có thắt lưng to.
Trên thắt lưng to có áo, áo màu xanh công nhân, ngắn vừa chạm thắt lưng, gọi là áo may ô, hay áo bơi một mảnh bị cắt mất chỗ dưới, thì sẽ khó xác định gọi thế nào đúng hơn.
Nói chung áo kiểu thế thì không thật đẹp.
Nhưng thân người thì thật đẹp!
Đã dễ nhìn hơn, vì khoảng cách gần hơn, cô này có bộ hông thật khỏe; và dễ nghe hẳn, vì cô nói, dù nói giọng ở đây:
— Anh... ở trong này à anh? — Cô chỉ về phía khách sạn.
— Ừ, ở đấy.
Cô cười, răng cô hình như trắng:
— Em biết ngay anh là người Bắc vô đây công tác.
— ...
Cô bước ra khỏi chỗ khuất sáng, cô cao phải gần bằng tôi nhưng còn rất trẻ, và có khuôn mặt tương đối dễ nhìn, mái tóc cắt gần như tóc con trai — nhưng trông mượt hơn, chắc tại tóc cô mềm, — nên trông có vẻ nghịch nghịch.
Cô ghé lại gần tôi, mùi cô lộn xộn hơi khó xác định, tôi chỉ phân biệt được là không "nhã" lắm; cô vừa nói vừa cười, kiểu như thẹn:
— Nhờ anh giúp cho em một chuyện... có được không à anh?
Tôi nhún vai, giương mắt, nhưng môi tôi — không mở ra nhưng — chắc trông giống nụ cười.
Nên cô lại chỉ chỉ tay về phía khách sạn:
— Anh mở giùm em cái cửa sổ ở đằng kia.
Ngoài tầng một ra, khách sạn này còn có bảy tầng nữa; ở phía này, quay ra đường, từ tầng hai lên, có bốn "vệt" cửa sổ dọc, đều là cửa sổ rộng, mỗi cửa có đến bốn năm ô kính đứng dàn hàng ngang; cô chỉ tay từ đây như thế và nghĩ là tôi sẽ nhìn theo tay cô đến đúng cái khung cửa sổ mà cô muốn mở; hơn nữa cửa sổ là cửa sổ phòng...
— Kia, đấy, cửa ở tầng hai, chỗ khuất nhất kia kìa.
Tôi hình dung ra.
Có những biển quảng cáo, và những mái gì đó hình tròn vồng vồng, nhô lên từ mặt tầng một, nên che khuất mất một phần những cửa sổ ở tầng hai, cửa cô chỉ chắc là cửa mở ra từ khoảng trống hành lang của khách sạn...
— Cửa chỗ đấy chỉ có cái chốt sắt, anh mở giùm em, một cánh là được, rồi để hé ra một chút...
— ...
— Anh à... — Chắc cô thấy tôi vẫn chăm chú nhìn khách sạn. — Có được không anh?
Tôi lại cho tay vào túi quần, nhún vai, hai mép chắc nhíu lại một chút.
— Dạ... — Cô có vẻ lúng túng.
— Được... được thôi. — Tôi nói.
Tôi thấy cô hơi bước lên, một tay đưa ra, có lẽ định chạm vào tôi, tự nhiên tôi thấy rất không thoải mái, nên tôi vội đưa tay trái lên trước ngực, bàn tay hướng ra, nhịp nhịp:
— Không sao... để anh mở cho. — Tôi vừa nói vừa quay người rời đi, lại có cảm giác hơi bất tiện thế nào đó, nên vừa đi tôi vừa ngoái lại, cười, lại đưa tay trái lên một chút, giống như chào.
Nhưng nhận và trao một nụ cười và cầm chiếc chìa khóa cô lễ tân mặc áo dài và bôi môi đều màu cánh sen vui vẻ đặt xuống mặt quầy xong, thì tôi lại nghĩ tiếp chuyện "sáng nghe đạo lý", nên đến lúc đã đứng ngay trước cửa phòng, tôi mới sực nhớ đến cái chốt cửa sổ.
"Cửa chỗ đấy" đúng là "chỉ có cái chốt sắt", và vắng tanh, nên tôi mở "một cánh là được, rồi để hé ra một chút".
Tất nhiên đã có phần miễn cưỡng, nhưng thật tình tôi cũng hứng thú đôi chút với chuyện này. Một cánh cửa sổ cố ý để hé mở, — khó phủ nhận không phải là không có chút phong vị của một bối cảnh yêu đương.
A-nhi-a bảo tôi lãng mạn lắm, tôi hình như không thích hình dung mình thế đâu, nhưng A-nhi-a thì lại rất thích.
Chỉ có mỗi mình tôi, nhưng căn phòng khách sạn mà Mai Phương và anh Ngạn đã thuê cho tôi ở thì rộng mênh mông...
(Còn nữa)
Đã có 5 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),
PS: Hay, công nhận không?!
@Phi Long: Theo chỉ số thì cơ chế Google Friend Connect ở blog mình làm việc không mấy hiệu quả, Phi Long xem có cách nào cải thiện không?
"A-nhi-a ngồi cạnh tôi, ngắm lũ vịt bơi dưới hồ, thỉnh thoảng lại vuốt nhẹ tóc tôi; một lát thì Phi Long đến, ngồi ngược lại với chúng tôi, dựa vào lưng A-nhi-a; rồi tôi ngủ. Lúc tôi thức dậy - nhưng vẫn nằm yên - thì hai người họ vẫn ngồi nguyên như cũ. Không biết họ vừa nói chuyện gì, không biết có dỗi nhau không nữa, nhưng tôi nghe giọng A-nhi-a dường như không được thoải mái..."
Ps: Cá nhân em cũng thích những thứ kiểu tenor-based hơn.
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...