Những ổ bánh mì mê hoặc






NHỮNG Ổ BÁNH MÌ MÊ HOẶC

(O. Henry)






Cô Mác-ta Mi-cham có một hiệu bánh mì nhỏ ở góc phố (cái cửa hiệu mà bạn bước lên ba bậc thang, và chiếc chuông kêu leng keng khi bạn mở cửa).


Cô Mác-ta đã bốn mươi tuổi, trong sổ tiết kiệm của cô có một khoản tiết kiệm hai nghìn đô-la, và cô có hai chiếc răng giả và một trái tim dễ xúc động. Nhiều người đã kết hôn, khi cơ hội của họ để làm thế còn kém hơn cô Mác-ta nhiều.


Hai hay ba lần một tuần có một khách hàng đến, người mà cô Mác-ta bắt đầu để ý đến. Ông ta là một người trung niên, đeo kính, và bộ râu màu nâu được xén tỉa thành một chòm nhọn chỉn chu.


Ông nói tiếng Anh với khẩu âm Đức nặng. Quần áo ông đã sờn cũ và bị vá ở vài chỗ, và nhăn nhúm và lùng thùng ở vài chỗ khác. Nhưng ông trông trang nhã, và lịch thiệp.


Ông luôn mua hai ổ bánh mì cũ. Bánh mì mới ra lò thì năm xu một ổ. Bánh cũ thì năm xu hai ổ. Ông chưa bao giờ yêu cầu thứ gì khác ngoài bánh mì cũ.


Một lần cô Mác-ta nhìn thấy những vết bẩn đỏ và nâu trên ngón tay ông. Từ đó cô tin chắc rằng ông là họa sĩ và rất nghèo. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông sống trên gác xép, chỗ mà ông vẽ tranh và ăn bánh mì cũ và nghĩ đến những đồ ăn tốt ở hiệu bánh của cô Mác-ta.


Thường khi cô Mác-ta ngồi với sườn lợn và bánh mì xốp và mứt và nước chè của mình cô hay thở dài, và mong người họa sĩ lịch thiệp ấy có thể chia sẻ với cô bữa ăn ngon lành thay vì ăn vỏ bánh mì khô của mình trên cái gác xép bị gió lùa ấy. Trái tim của cô Mác-ta, như đã nói với bạn, là một trái tim dễ xúc động.


Để quyết định kiểm tra lại điều phỏng đoán của mình về nghề nghiệp của ông khách, một hôm cô đem từ phòng mình ra một bức tranh cô đã mua ở chỗ bán đấu giá và đặt nó lên kệ phía sau quầy hàng.


Bức tranh vẽ một quang cảnh ở Vơ-ni-dơ. Một cung điện đá hoa nguy nga (trên bức tranh ghi như thế) đứng cận cảnh trên nền — hoặc đúng hơn: trên nước. Còn phần còn lại có những chiếc thuyền đáy bằng (với một quý cô kéo lê tay mình trong nước), những đám mây, bầu trời, và rất nhiều những khoảng tương phản. Không họa sĩ nào có thể bỏ qua không nhận thấy bức tranh đó.


Hai ngày sau ông khách bước vào.


— Hai ổ bánh mì cũ, nếu bà vui nòng.


— Bà cóa một pức tranh đẹp, thưa bà. — Ông nói khi cô gói bánh mì.


— Thật ạ? — Cô Mác-ta nói, thích thú vì sự mưu mẹo của chính mình. — Tôi rất mê nghệ thuật và (không, sẽ không nói "các nghệ sĩ" sớm như thế được)... và những bức tranh, — cô thay từ khác. — Ông cũng nghĩ đây là một bức tranh đẹp ạ?


— Kí sự cân xứng, — ông khách nói, — được vẽ không tốt. Kí phối cảnh xa gần của nó không đúng. Trào buổi sáng, thưa bà.


Ông cầm bánh mì của mình, cúi chào, và bước vội ra.


Đúng rồi, ông ấy phải là một họa sĩ. Cô Mác-ta đem bức tranh trở lại phòng mình.


Ánh mắt ông sau cặp kính mới dịu dàng nhân hậu làm sao! Vầng trán ông mới cao chứ! Nhìn bức tranh một cái đã nhận xét được ngay về phối cảnh, — vậy mà phải sống bằng bánh mì khô! Nhưng các thiên tài hay phải vật lộn để sinh tồn trước khi thế giới công nhận họ chứ!


Nghệ thuật và kĩ thuật phối cảnh sẽ được lợi biết bao nhiêu nếu con người tài năng này được sự hỗ trợ của hai nghìn đô-la tài khoản ngân hàng, một cửa hiệu bánh mì, và một trái tim dễ xúc động... Nhưng cô Mác-ta ơi, cô lại bắt đầu mơ mộng hão huyền rồi!


Bây giờ mỗi lần đến hiệu bánh mì, ông khách thường đứng lại vài phút ở quầy hàng để nói chuyện với bà chủ. Rõ ràng sự niềm nở của cô Mác-ta làm ông vui lòng.


Ông vẫn tiếp tục mua bánh mì cũ, không hề mua gì khác ngoài bánh mì cũ, không bánh ngọt, không bánh rán, cũng chẳng hề mua bánh quy đường ngon tuyệt vời của cô.


Cô Mác-ta cảm thấy gần đây ông gầy đi và trở nên rầu rĩ. Cô rất muốn giúi thêm cái gì đó ngon lành vào cái gói nghèo nàn của ông, nhưng lần nào cô cũng không đủ can đảm làm điều đó. Cô không dám xúc phạm đến ông. Các họa sĩ vốn rất kiêu hãnh mà.


Cô Mác-ta bắt đầu xuất hiện sau quầy hàng trong chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời. Ở phòng trong, cô điều chế một hợp chất bí ẩn từ hạt mộc qua và hàn the. Nhiều người hay sử dụng chất này để làm trắng da.


Vào một ngày đẹp trời, ông khách lại ghé vào hiệu bánh như thường lệ, đặt đồng năm xu lên quầy hàng và mua hai ổ bánh mì cũ muôn thuở của mình. Lúc cô Mác-ta vừa đưa tay lên giá lấy bánh thì ngoài phố chợt vang lên tiếng còi rú, tiếng bánh xe, và một chiếc xe cứu hỏa phóng vụt qua cửa hiệu bánh mì.


Ông khách vội ra cửa để xem, như bất kỳ ai sẽ làm. Trong đầu cô Mác-ta bỗng loé lên một ý nghĩ tuyệt diệu và cô đã lợi dụng ngay được sự việc này.


Trên kệ phía sau quầy hàng có một miếng bơ người bán sữa vừa mang đến cho cô mười phút trước đây. Cô lấy dao cắt đôi những chiếc bánh mì khô và đặt vào trong mỗi cái bánh một lát bơ khá lớn, rồi cô kẹp chặt hai nửa lại.


Khi ông khách quay vào thì cô Mác-ta đã kịp gói bánh mì vào giấy.


Sau vài phút chuyện trò ngắn ngủi nhưng đặc biệt thú vị, ông rời cửa hiệu, và cô Mác-ta im lặng mỉm cười, mặc dù lúc đó trái tim cô đang đập bồn chồn.


Cô liều lĩnh quá chăng? Ông ấy mếch lòng thì sao? Nhưng chắc là không đâu. Không có ngôn ngữ của thức ăn. Bơ không phải biểu tượng của sự sốt sắng thiếu nữ tính.


Hôm đó cô Mác-ta suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Cô hình dung thấy ông khách phát hiện ra cái mưu mẹo láu lỉnh vô tội của cô như thế nào.


Này nhé, ông ấy xếp bút vẽ và bảng pha màu lại. Trên giá vẽ là một bức tranh được phối cảnh rất hoàn hảo. Ông chuẩn bị bữa sáng bằng bánh mì cũ và nước lã. Ông cắt bánh mì ra và... ái chà!


Hai má cô Mác-ta ửng hồng. Ông có nghĩ đến bàn tay người đã cho bơ vào bánh mì không nhỉ? Ông có muốn...


Chuông cửa bỗng réo lên giận dữ. Có ai đó bước vào, và nói gì đó rất ầm ĩ.


Cô Mác-ta vội ra ngoài. Có hai người đàn ông ở đó. Một người trẻ tuổi đang hút tẩu — người cô chưa từng nhìn thấy trước đây. Người kia là ông họa sĩ của cô.


Mặt ông rất đỏ, mũ ông lật về sau đầu, tóc ông bù xù. Ông siết chặt hai nắm tay và rung chúng một cách giận dữ về phía cô Mác-ta. Ngay vào cô Mác-ta.


— Dummkopf! — ông quát cực to; rồi quát tiếp, — Tausendonfer! — Hoặc cái gì đó như vậy bằng tiếng Đức.


Người trẻ tuổi cố kéo ông đi.


— Tôi xẽ không đi, — ông nói giận dữ, — nếu tôi chưa bảo cô ta.


Ông đã biến quầy hàng của cô Mác-ta thành một chiếc trống cái.


— Bà đá nàm hại tôi, — ông hét, cặp mắt xanh của ông long lên sau cặp kính. — Tôi xé nói với bà. Bà là đồ mèo già... ế chồng!


Cô Mác-ta yếu ớt tựa lưng vào ngăn để bánh mì và đặt một tay lên chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời của mình. Người trẻ tuổi túm lấy cổ áo người kia.


— Thôi nào, — anh bảo, — ông nói đủ rồi. — Anh lôi kẻ đang nổi giận từ cửa ra ngoài vỉa hè, rồi anh trở lại.


— Chắc là bà nên được biết, thưa bà, — anh nói, — chuyện om sòm này là về việc gì. Đấy là ông Blum-bơ-gơ. Ông ấy là người vẽ đồ án kiến trúc. Tôi làm việc cùng văn phòng với ông ấy.


"Ông ấy đã làm việc vất vả trong ba tháng để vẽ đồ án cho tòa thị chính của thành phố. Đấy là một cuộc thi để tranh giải. Ông ấy đã hoàn thành bản vẽ đường nét vào hôm qua. Bà biết đấy, một người vẽ thiết kế luôn làm bản vẽ của mình bằng bút chì trước. Khi đã hoàn thành anh ta sẽ tẩy những nét chì bằng một nắm ruột bánh mì cũ. Nó tốt hơn tẩy cao su.


"Ông Blum-bơ-gơ thường mua bánh mì ở đây. Vâng, hôm nay... vâng, bà biết đấy, thưa bà, chỗ bơ ấy không... vâng, bản đồ án của ông Blum-bơ-gơ giờ không còn dùng làm gì được nữa ngoại trừ cắt ra để lót bánh xăng-đuých."


Cô Mác-ta trở lại phòng trong. Cô cởi chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời ra và mặc chiếc vải xéc nâu đã cũ cô vẫn thường mặc vào. Rồi cô hắt hỗn hợp hạt mộc qua và hàn the qua cửa sổ vào thùng rác.

Đã có 3 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Nhật Linh bi bô...

Chú ý: Nhật Linh tự dịch nhiều chỗ.

VT bi bô...

Hay lắm!Muốn giúp người ta thì cũng phải xem người ta cần gì nhỉ,chừ như cô Macta thì hỏng việc...hehehe...

Unknown bi bô...

Cô Mác-ta chẳng làm gì sai hết, ông kia người Đức, là giống người kém lịch thiệp, nên xử sự rất kém và xấu!

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...