NHỮNG LỐI ĐI TỐI
(I-van Bu-nhin)
Một cỗ xe bám đầy đất bẩn, phần trên được che kín một nửa, kéo xe là ba con ngựa có vẻ ngoài bình thường, lông đuôi dính bết vào nhau. Cỗ xe đang nặng nề lăn bánh giữa một chiều thu lạnh lẽo, ẩm ướt trên một trong những con đường lớn của vùng Tu-la ngập ngụa vì nước mưa đen xịt và bị cày nham nhở bởi rất nhiều các bánh xe qua lại. Cỗ xe tiến lại gần một dãy nhà tồi tàn khá dài, một đầu được dùng làm trạm bưu điện nhà nước, còn đầu kia là một quán trọ tư nhân, nơi khách có thể đến nghỉ ngủ qua đêm, ăn hoặc thuê ấm xa-mô-va để pha trà. Ngồi trước xe là một người đàn ông khoẻ mạnh mặc áo vải thô kiểu nông dân bó chặt lưng, khuôn mặt rám nắng và nghiêm nghị với bộ râu thưa đen bóng, trông giống một tên cướp thời cổ. Còn trong xe là một chiến binh già dáng người cân đối, đội mũ lưỡi trai to, mặc áo khoác màu xám kiểu thời Nga hoàng Nhi-ca-lai với cổ lông hải ly dựng đứng. Lông mày ông còn đen, nhưng bộ ria và chùm râu quai nón nối liền với nhau thì đã bạc trắng. Cằm ông cạo nhẵn, và như nhiều chiến binh khác cùng thời, ông có vẻ ngoài phảng phất giống vua A-lếch-xan-đrơ II. Cái nhìn của ông như dò hỏi, nghiêm khắc, nhưng đồng thời có vẻ mệt mỏi.
Khi ngựa dừng hẳn, ông thò một chân ra khỏi xe, — chân ông đi ủng nhà binh, với ống ủng tròn đều và cao, — hai tay đi găng da lộn vén vạt áo khoác, rồi nhảy xuống, chạy lên bậc hiên ngôi nhà.
— Phía bên trái, thưa ngài, — từ trên xe, gã xà ích kêu to, giọng thô lỗ; và ông, vì người cao, khẽ cúi đầu bước qua cửa vào hành lang rồi rẽ trái đi vào quán trọ.
Trong quán ấm áp, khô ráo và dễ chịu: bức ảnh Chúa viền vàng, còn mới treo trên tường trong góc phòng bên trái, phía dưới là mặt bàn phả vải sạch và ráp, sau bàn là chiếc ghế dài được lau chùi cẩn thận; chiếc lò sưởi kiêm luôn cả bếp nấu ăn đứng ở góc phải, mới quét vôi trắng lóa. Bên cạnh là một cái gì đấy giống như đi-văng, được bọc bằng vải yên ngựa, lưng tựa vào tường lò; từ lò sưởi bay ra mùi thơm dễ chịu của món súp nấu bằng cải bắp, thịt và lá nguyệt quế.
Ông khách quẳng chiếc áo khoác xuống ghế; và bây giờ chỉ mặc bộ quân phục và đi ủng, người ông trông càng cân đối hơn. Rồi ông cởi găng tay, cởi mũ; với vẻ mệt mỏi, ông đưa bàn tay trắng nhợt, gầy gò vuốt tóc — mái tóc bạc hai bên thái dương và gần khoé mắt hơi quăn. Khuôn mặt ông đẹp, dài, đôi mắt đen; trên gương mặt đây đó còn sót lại những dấu vết nhỏ của bệnh đậu mùa. Trong quán chẳng có ai, ông hé cánh cửa dẫn sang phòng bên, nói to, vẻ khó chịu:
— Này, có ai trong ấy không?
Liền sau đó, bước vào quán là một phụ nữ tóc đen, lông mày cũng đen, dù không trẻ lắm nhưng vẫn còn xinh đẹp. Trông chị ta giống một phụ nữ di-gan đứng tuổi, có lớp lông tơ sẫm phía môi trên và dọc theo hai má, đi đứng nhẹ nhàng dù người đẫy đà, bộ ngực nhô cao dưới chiếc áo sơ mi màu đỏ...
— Xin chúc mừng ngài đến quán chúng tôi. — Chị nói. — Ngài muốn dùng thức ăn hay uống trà?
Ông khách đưa mắt nhìn nhanh đôi vai tròn trĩnh, đôi chân nhẹ nhàng đi dép kiểu Tác-ta màu đỏ đã sờn cũ, rồi lơ đãng nói nhát gừng từng tiếng một:
— Uống trà. Chị là chủ quán, hay giúp việc ở đây?
— Thưa ngài, chủ quán ạ.
— Nghĩa là tự làm lấy mọi việc?
— Đúng thế ạ, thưa ngài.
— Sao lại thế? Góa chồng hay sao mà phải tự mình lo tất cả?
— Không phải góa chồng, thưa ngài. Nhưng dù sao cũng phải kiếm nghề gì để sinh sống chứ ạ. Vả lại, tôi cũng thích công việc này.
— Ra thế. Tốt lắm. Quán của chị sạch sẽ và dễ chịu lắm.
Từ nãy đến giờ người đàn bà vẫn chăm chú nhìn ông khách, mắt hơi nheo lại.
— Tính tôi thích sạch sẽ. — Chị nói. — Tôi vốn lớn lên bên cạnh những người quyền quí, làm sao không sạch sẽ được, thưa ngài Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích!
Ông khách đứng thẳng người lên, mở to mắt, đỏ mặt rồi vội hỏi:
— Na-đê-giờ-đa! Cô đấy à?
— Vâng, tôi đây Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích,— chị đáp.
— Lạy Chúa! Lạy Chúa! — Ông vừa nói, vừa ngồi xuống ghế và chăm chú nhìn người nữ chủ quán. — Ai có thể ngờ được! Đã bao nhiêu năm chúng ta không gặp nhau rồi nhỉ? Dễ đến ba nhăm năm chưa?
— Ba mươi năm, Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích. Bây giờ tôi bốn mươi tám, còn ông thì đã gần sáu mươi phải không?
— Có lẽ thế... Kì lạ quá, lạy Chúa.
— Thưa ông, cái gì kì lạ ạ?
— Tất, tất cả... Sao cô không hiểu điều đó!
Vẻ mệt mỏi và lơ đãng biến mất, ông đứng dậy và bước từng bước dài trong phòng, mắt luôn nhìn xuống sàn nhà. Rồi ông dừng lại, lúng túng đến đỏ bừng cả mặt, ông nói:
— Từ dạo ấy đến nay tôi chẳng biết một tí gì về cô. Cô tới đây bằng cách nào? Tạo sao cô không ở lại với ông bà chủ?
— Chẳng bao lâu sau khi ông đi, người ta cho tôi được tự do.
— Rồi cô sống ở đâu?
— Kể ra thì dài lắm, thưa ông.
— Cô nói là không lấy chồng à?
— Không, không lấy chồng.
— Tại sao? Nhất là khi cô xinh đẹp như thế?
— Tôi không thể làm được điều đó.
— Nhưng vì sao lại không? Cô nói thế nghĩa là gì?
— Cũng chẳng có gì khó hiểu lắm. Chẳng lẽ ông không nhớ là tôi đã yêu ông như thế nào?
Ông lại lúng túng đến phát khóc, và khẽ nhíu mày, ông bước đi tiếp.
Cái gì cũng phải qua đi, cô bạn của tôi ạ. — Ông khẽ nói. — Tình yêu, tuổi trẻ... tất cả, tất cả! Cái xẩy ra giữa chúng ta là chuyện bình thường và chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Theo thời gian, tất cả sẽ qua đi. Như trong sách của thánh Gióp người ta nói thế nào ấy nhỉ? "Anh sẽ nhớ lại mọi chuyện như nhớ về dòng nước đã trôi qua".
— Cái ấy thì tùy người, Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích ạ. Tuổi trẻ thì đúng, chẳng có ai giữ mãi được, nhưng tình yêu thì khác.
Ông đứng lại, ngẩng đầu và nhếch mép cười một cách khổ sở:
— Nhưng không có nghĩa rằng cô có thể yêu suốt đời được!
— Thế mà tôi có thể đấy, Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích ạ. Đã bao nhiêu năm trôi qua, mà tôi vẫn chỉ sống với những ý nghĩ về ông. Tôi biết rằng từ lâu ông đã chẳng còn như xưa, rằng đối với ông hầu như chẳng có gì xảy ra, thế mà... Giờ có trách ông điều gì cũng quá muộn, nhưng dù sao cũng phải nói rằng ngày ấy ông đã bỏ rơi tôi một cách không đẹp đẽ gì — biết bao lần tôi định tự tử chỉ vì tủi nhục, chứ chưa nói đến chuyện khác. Đã có một thời, Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích, tôi từng gọi ông là Nhi-cô-len-ca thân yêu, còn ông thì, ông nhớ không, ông đã đọc cho tôi nghe bài thơ về "Những lối đi tối" nào đó, — chị nói với nụ cười không lấy gì làm thân thiện lắm.
— Vâng, ngày ấy đúng là cô đẹp, đẹp thật! — Ông vừa nói vừa lắc đầu. — Cô sôi nổi, cô tuyệt vời làm sao! Rồi dáng người, rồi đôi mắt! Cô còn nhớ người ta chú ý tới cô thế nào không chứ?
— Có nhớ, thưa ông. Còn ông, ông cũng là một người điển trai vô cùng. Và tôi đã dành trọn vẹn cho ông tất cả cái đẹp và cái sôi nổi của mình. Làm sao tôi có thể quên được một điều như thế?
— Ồ, mọi cái đều sẽ qua đi. Mọi cái sẽ bị lãng quên.
— Cái gì cũng sẽ trôi qua, vâng, nhưng chưa hẳn sẽ bị lãng quên tất cả.
— Thôi, cô đi đi. — Ông nói, và quay người bước lại gần cửa sổ. — Cô đi đi, tôi van cô. — Rồi rút chiếc khăn mùi xoa chấm vào mắt, ông nói nhanh. — Chỉ mong Chúa tha lỗi cho tôi. Còn cô, có lẽ cô cũng đã tha thứ cho tôi rồi chứ?
Chị bước gần đến cửa và quay lại:
— Không, Nhi-ca-lai A-lếch-xây-ê-vích, tôi không tha thứ. Một khi chúng ta đã nói đến tình cảm của mình, thì tôi nói thẳng với ông rằng, tôi sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho ông được. Cả trước kia, cả lúc này, đối với tôi chẳng có gì thân thiết hơn ông. Chính vì thế mà tôi không thể tha thứ. Thôi, chẳng cần gì phải nhắc lại, cái gì đã chết đi thì không thể làm sống lại!
— Phải, phải, chẳng để làm gì nữa. Cô hãy cho người chuẩn bị xe ngựa giúp, — ông nói rồi dời khỏi cửa sổ, nét mặt lúc này đã nghiêm khắc trở lại. — Tôi muốn nói với cô một điều thế này: Trong đời mình, tôi chưa bao giờ được nếm mùi hạnh phúc, quả đúng như thế. Xin lỗi, nếu tôi làm cô chạm lòng tự ái, nhưng tôi yêu vợ tôi đến điên cuồng, mê mẩn. Thế mà cô ta đã phản bội, đã bỏ tôi còn nhục nhã hơn nhiều so với tôi bỏ cô. Tôi cũng vô cùng yêu mến, chiều chuộng con trai, và đã từng hy vọng biết bao điều tốt đẹp ở nó, thế mà lớn lên, hoá ra nó lại là một thằng mất dạy, trâng tráo, tàn nhẫn, bất lương, vô liêm sỉ, một thằng phá của. Ừ, mà rồi đó cũng là chuyện bình thường và đốn mạt. Chào cô, cô bạn thân mến ạ. Tôi nghĩ rằng mất cô, tôi đã để mất một cái gì đấy đáng quý nhất mà tôi có trong đời.
Chị bước lại gần và khẽ hôn lên tay ông, ông cũng hôn tay chị.
— Xin cô cho chuẩn bị xe ngựa...
Khi đã đi được khá xa, ông buồn bã nghĩ: "Phải, cô ta đúng là một người tuyệt diệu, tuyệt diệu đến mức khó lòng tin nổi!" Ông xấu hổ nhớ lại những lời nói của mình, nhớ cả việc ông hôn tay chị, nhưng liền ngay lúc ấy, ông lại bỗng xấu hổ vì mình đã xấu hổ "Thì chẳng đúng là chính cô ta đã cho mình những giây phút hạnh phúc nhất trong đời đấy ư?"
Khi đã gần tối, mặt trời mới nhợt nhạt ló ra. Người đánh xe vẫn cho ngựa chạy nước kiệu, luôn phải thay đổi luồng đi để chọn những chỗ ít bẩn nhất, và cũng như đang suy nghĩ về điều gì đó. Cuối cùng, với giọng nghiêm khắc một cách thô lỗ, anh ta nói:
— Cái bà ấy vẫn đứng bên cửa sổ, nhìn mãi theo chúng ta, thưa ngài. Chắc ngài quen biết bà ta đã lâu?
— Vâng, đã lâu, Cờ-lim ạ.
— Bà ta thông minh lắm đấy. Lại nghe nói càng ngày càng giàu thêm. Còn cho vay lấy lãi nữa.
— Điều ấy không có ý nghĩa gì hết.
— Sao lại không? Ai mà chẳng muốn sung sướng? Cho vay mà có lương tâm thì cũng không có gì đáng trách lắm. Mà nghe nói bà ta thuộc loại người rất sòng phẳng về chuyện này. Nghiêm khắc lắm. Ai mà không trả nợ đúng hẹn thì sau này chỉ tự trách mình.
— Vâng, vâng, chỉ tự trách bản thân mình thôi... Nào, cho đi nhanh thêm tí nữa, kẻo không nhỡ tàu đấy.
Mặt trời xuống thấp phía chân trời, treo lơ lửng, vàng vọt trên những cánh đồng trơ trọi. Tiếng chân ngựa lội bì bõm giữa những vũng nước nông. Nhi-ca-lai Alêchxâyêvich lơ đãng nhìn những móng chân ngựa đang chạy, khẽ nhíu cặp lông màu đen, và nghĩ:
"Phải, hãy tự trách mình. Phải, những giây phút hạnh phúc nhất, tất nhiên! Không chỉ là hạnh phúc mà là kì diệu! "Bốn xung quanh là màu hoa đỏ tươi. Những lối đi tối..." Ôi, lạy Chúa, cái gì sẽ xảy ra với mình, nếu mình không bỏ rơi cô ấy? Buồn cười thật! Sẽ thế nào, nếu Na-đê-giờ-đa không phải là chủ quán trọ, mà là vợ mình, bà chủ ngôi nhà ở Pê-téc-bua của mình, mẹ của những đứa con của mình?"
Rồi nhắm mắt, ông khẽ lắc đầu.
20 tháng Mười 1938
Bản "Những lối đi tối" song ngữ "Việt — Nga" cho tủ sách của me():
http://www.megaupload.com/?d=QS2VDKXB
http://www.mediafire.com/?6nyntvd2xk5wtt8
Hướng dẫn sử dụng phòng đọc của me():
http://philong58.blogspot.com/2010/08/lac-giua-am-dieu-hanh.html
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...