Nhật ký ngày chủ nhật 17.7
Chu Thanh Nga
Chu Thanh Nga
Từ trong tuần đã thấy thông báo chủ nhật xuống đường phản đối cái lưỡi con bò. Vụ này làm tui rất tò mò, vì không đoán được chính quyền có đàn áp mạnh tay như các vụ khác không.
Đồng nghiệp nói: Chắc là không đâu! Chửi Tàu chứ có phải chửi chính quyền? Lý do nào mà đàn áp.
Thấy fb An ninh nhân dân đăng cái clip phản lưỡi bò đỏ loè loè, đến lúc có tiếng nói chung rồi sao?
Tui bắt đầu ngây thơ: Ừ nhỉ! Chặt cây, cá chết bị đàn áp vì chỉ mặt chính quyền làm ăn vớ vẩn, nên mới bị đàn áp từ trong trứng để "xấu xa đậy lại". Giờ nhân dân rủ nhau xuống đường ôn hoà phản đối Lưỡi bò, không chừng lại được an ninh bảo vệ cũng nên.
Tối thứ bảy, thấy mấy cụ thông báo Bờ Hồ thanh bình không rào dậu, cửa nhà không có phục kích, lần này tháo khoán rồi, đi vẽ tranh cắt lưỡi bò thôi.
Thế là tui tự tin xách hẳn cái máy ảnh to tướng lên đường. Nói thực lòng mục đích không phải đi biểu tình, mà là đi để kiểm chứng xem thái độ của chính quyền ra sao, nếu ok thì chụp mấy cái ảnh cắt lưỡi con bò thật hoành tráng.
Vừa bước xuống xe bus ở nhà hát Lớn, đập vào mắt vẫn là hình ảnh biểu tượng của Bờ Hồ ngày cuối tuần: áo vàng áo xanh băng đỏ xe loa dàn trận khắp nơi, không tính an ninh chìm vì chưa đủ trình để nhận mặt. Ơ, thế là thế nào?
Đi thêm một đoạn, thấy barie, dây nhợ chặn hết lối đi, cảnh sát chống hông đứng vặn vẹo khắp nơi. Mùi thuốc súng còn sặc sụa hơn cả hồi biểu tình cá chết.
Ra đến Bờ Hồ, thấy xa xa một hàng rào áo xanh đứng ngây như phỗng, xen kẽ những thường phục bặm trợn đang dồn một nhóm người dân vào giữa, xe loa bên đường oang oang gắt gỏng: "Giải tán ngay đê!"
Tới gần, thấy một thư sinh áo trắng đứng ngay trước hàng rào công an nghiêm nghị hỏi: "Các anh ăn cơm của dân, mặc áo của dân, các anh phải có nghĩa vụ bảo vệ người dân chúng tôi! Tại sao các anh lại mặc thường phục ra đây để bắt người dân?" Nhưng cái hàng rào ấy vẫn trơ như gỗ đá.
Một bà đi ra lên án thư sinh nói năng sao lại vung vẩy tay chân, rồi hoạnh hoẹ các kiểu. Dân hỏi: "Bà là người Trung Quốc à?" Bà đáp: "Tao là người Trung Quốc đấy!"
Tiếng dân rộ lên: "Thế thì biến về Trung Quốc đi! Đả đảo Trung Quốc xâm lược! Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam!..."
Ngay lập tức, sau lưng tui sôi lên ào ào như chợ vỡ. Ngoảnh đầu nhìn lại, thấy một đám thường phục đã ập vào xâu xé, lôi kéo, gô cổ từng người tống lên xe bus. Tiếng quát tháo hỗn loạn: "Kia nữa!" "Bắt lấy!" "Đưa lên!" Một tấm biến "Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam" đơn độc giơ lên và bị giật đánh roẹt chỉ sau một giây. Hình cắt lưỡi bò rơi tơi tả, bị giày đạp như giấy lộn trước những bước chân hung hãn.
Không phải lần đầu tiên thấy cảnh bắt bớ nhưng tui không khỏi ngỡ ngàng vì sự bạo liệt, nhanh gọn và hối hả. Tui giơ máy ảnh lên, đứng xa chụp, vòng sau chụp. Bỗng một tiếng quát vang lên: "Bắt luôn! Giật lấy máy ảnh! Lấy ngay máy ảnh!" Hai cánh tay đẩy thẳng tui lên xe! Hai cánh tay giằng lấy máy ảnh trên cổ. Tui hét lên: "Cướp! Cướp!" Những người dân đang uất ức vì bị bắt bớ vô lý và thô bạo trên xe lập tức chạy lại, bảo vệ cho tui và cái máy ảnh an toàn.
Tấm biểu ngữ "Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam" te tua vẫn kiên gan trên tay một bạn gái trên xe. Nhưng nó cũng chẳng thọ được lâu. Về đến đồn Hà Đông, ông sếp đội nhảy phắt lên xe, giật phăng tờ giấy vò nát. Đó là một cảm giác rất sửng sốt, nhất thời không biết mình đang ở nước nào.
Giao lưu một lúc mới ngỡ ra có một cơ số bạn trẻ đơn thuần là đi chơi Bờ Hồ thấy thanh niên áo trắng lý sự hay hay đứng lại nghe, thế là hốt sạch. Một cậu nhóc mới 16 tuổi sợ hãi ngồi khóc, "phản động" lại phải làm anh bảo mẫu dỗ dành.
Đến nơi, mọi người bị đưa vào gian nhà ăn rộng thênh thang nhưng mịt mù bụi phủ cứ như lâu lắm không có con người lui tới.
Cậu an ninh "làm việc" với tui trẻ và khá lịch sự. Ok, tui cũng vui vẻ nói chuyện.
Một ông trung niên thường phục cứ lượn vè vè bên cạnh như để "hỗ trợ phá án", nhìn chằm chằm vào cái máy ảnh trên cổ tui:
- Chị ra Bờ Hồ làm gì?
- Tôi đi chơi.
- Đi chơi mang theo máy ảnh làm gì?
- Ơ thế luật nào quy định đi chơi không được mang theo máy ảnh?
- Mang máy ảnh đi chụp cái gì?
- Tôi chụp những cảnh tôi muốn chụp. Mà tôi đang làm việc với anh này cơ mà, anh là ai?
Tui kiên quyết từ chối cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu giải thích lý do bắt người vô cớ. Cậu an ninh trẻ liền bỏ đi méc sếp.
Sếp anh ta, tui liếc thấy biển tên là Lê Duy An, hằm hằm đi đến, mắt trợn trừng chỉ tay quát lác:
- Đây là cơ quan công quyền, chị phải phục tùng mệnh lệnh của chúng tôi. Tôi yêu cầu chị cung cấp thông tin bla bla.
Sau vài câu tranh luận, anh ta gọi thêm ba người nữa đưa tôi đi, lên tầng 2, vào một căn phòng trống trơn hoang tàn, đóng cửa lại, cưỡng chế tôi phải giao giấy tờ tuỳ thân, điện thoại, máy ảnh.
Tui phản đối, vì đó là tài sản của tui, các anh không có quyền xâm phạm.
Anh ta hô đồng nghiệp giữ tui lại, thô bạo giật túi của tui, giật không được thì kéo toạc khoá lôi đồ đạc ra tung toé, vừa giật vừa đe doạ, quát nạt đủ điều.
Máu lì của tui nổi lên. Tui nắm chặt lấy giấy tờ, điện thoại, máy ảnh, dứt khoát không buông.
Anh ta thẳng tay vặn ngược tay tui ra sau lưng, điên cuồng bẻ, xoắn.
Tui bình thản nói: "Đây là tài sản của tôi, anh không có quyền cướp giật!" Rồi mặc kệ anh ta hùng hục vặn xuôi vặn ngược cho đã đời, trong lòng thầm cảm tạ lợi ích của môn Yoga.
Tui cười nói với hai anh chị an ninh trẻ đứng trước cửa: "Các anh chị nhìn xem, đồng nghiệp của các anh chị đối xử với người dân như thế đấy!"
Lê Duy An thay đổi chiến thuật, đẩy tôi ngã xuống sàn. Rồi giơ chân giày da giẫm, đạp, day, nghiến lên bàn tay tui.
Tui nghe tiếng anh ta thở hồng hộc, tui thấy bộ mặt đỏ lừ với con mắt vằn vện những tia hằn học của anh ta, chợt nghĩ đến lời Phật dạy, cõi địa ngục đến từ sự sân hận của chúng sinh. Không cần đợi đến lúc chết đi, chỉ cần trong lòng sân nộ, sẽ lập tức hiện ra tướng địa ngục trên nét mặt.
Trong lòng phẳng lặng, không giận dữ, không đau đớn, tui nói: "Cầu Phật Bồ tát phù hộ cho tâm hồn anh!" rồi buông tay.
Anh ta phì phò đứng dậy, cầm giấy tờ, nhặt điện thoại, ném cho em cảnh sát gái đang nhăn mặt đứng bên cạnh, hét lên: "Mang đi, xoá hết, xoá sạch!"
Rồi quay sang túm dây máy ảnh trên cổ tui giật thẳng tay, không giật được, anh ta chụp lấy cái ống kính vặn như muốn phá. Tui buông tay cho anh ta lấy. Dù sao cũng chả còn thẻ nhớ.
Anh ta cầm máy ảnh tồng tộc chạy xuống như ôm một món chiến lợi phẩm, rồi chạy lên hò hét giải tui đi, Chìa bộ mặt hùng hổ ra trước mặt tui, anh ta đe nẹt: "Này, chị nhớ lấy cái mặt tôi nhé, nhớ cho kỹ vào, để tối về gặp ác mộng."
Tui bật cười phá lên, nói: "Anh nghĩ ai cũng hằn học như anh à? Tôi thấy tội nghiệp anh, nên tôi sẽ tha thứ cho anh!"
Anh ta hằm hằm dẫn tui sang khu nhà hoang phế bên cạnh, để một người thẩm vấn, một người canh cửa.
Thế là tui và cậu an ninh trẻ kia tiếp tục lan man đủ thứ chuyện trên đời. Cậu em thật là ngây thơ ghê gớm:
- Chị biết không, chúng tôi đưa chị về đây là để bảo vệ chị, ở đấy có nhiều trộm cắp móc túi nguy hiểm bla bla...
- Thế sao anh không bắt trộm cắp móc túi mà bắt tôi về đây làm gì? Các anh bỏ việc không làm rồi đi bắt dân.
- Các chị muốn giống như tư bản chứ gì? Ở đâu cũng thế cả thôi chị ạ!
- Ừ, trước đây tôi cũng tin là thế đấy anh ạ. Cùng chung nền giáo dục tẩy não mà. Cho đến khi tôi sống ở nước ngoài mấy năm, mới tỉnh ra thấy dân mình khổ quá. Nhưng đấy là thời tôi mông muội không có mạng, giờ Internet công khai, ai cũng biết nghe biết đọc, có mắt có đầu, phải tự nghe tự nghĩ để phân biệt đúng sai phải trái. Tôi thấy anh là cũng khá là tử tế, anh cũng biết suy nghĩ mà.
Cứ thế lan man một hồi đủ chuyện chính trị, tôn giáo, biển đảo, thi từ ca phú vân vân. Cậu ấy vẫn nhớ nhiệm vụ nên thi hoảng lại hỏi dò, nhưng cũng tạm coi là vui vẻ.
Thi thoảng lại có mấy ông lớn tuổi lượn vào trả cái này trả cái kia, hỏi cái này hỏi cái khác. Giấy tờ đã nhàu như dưa. Điện thoại đã bị reset trắng trơn. Máy ảnh may còn nguyên vẹn.
Cậu kia viết một hồi rồi hỏi: "Chắc chị không ký phải không?" Tui lắc đầu.
Cậu dẫn tui về nhà ăn. Vừa đến cửa lại đụng đầu Lê Duy An. Anh ta trợn trừng mắt bảo cậu dẫn tôi quay về chỗ cũ. Không biết là thù tui, hay là sợ tui vào rêu rao với mọi người chuyện anh ta thô bạo.
Trở về căn phòng bụi bặm và lở lói, tui lôi sách ra đọc. Chuẩn bị rồi, có nhốt đến mai cũng không sợ nhàn cư vi bất thiện.
Lúc sau, cậu an ninh canh cửa chạy vào: "Chị ơi, em đưa chị sang phòng khác mát hơn, chị dọn đồ đi nhé! Em cầm đồ giúp chị!"
Tui rời khỏi gian phòng nóng bức ẩm mốc, lên phòng quạt trần vù vù, thấy Duy Nguyễn đang ngồi trong đó.
Được một lát, Lê Duy An lại xuất hiện ngoài cửa, quát ầm lên sao lại để hai người một phòng, chúng mày làm ăn vớ vẩn, rồi đưa Duy Nguyễn đi.
Từ lúc đó, tui cắm đầu đọc sách, ai ra ai vào mặc kệ.
Bỗng dưng, như có tiếng sóng biển từ ngoài đường vọng vào, nghe không rõ tiếng, nhưng giai điệu rất thân quen.
Tui bỏ sách, chạy ra cửa hóng. Và tui nghe thấy:
"Phản đối công an bắt người trái phép! Phản đối! Phản đối!"
"Thả người! Thả người! Thả người!"
Tim tui bỗng run lên. Mũi tui cay, mắt tui cay...
Lúc sau, một cậu an ninh chạy vào dẫn tui ra.
Tui bước qua sân, thấy anh chị em đứng kín cổng, vẫn tiếp tục hô như không biết mệt. Ngoài trời nắng chang chang, nóng hầm hập. Phải cố gắng lắm tui mới không bật khóc.
Đón tui là những nụ cười lạ nhưng thân thương. Tui ngạc nhiên khi biết tui là người ra cuối cùng. Tui chỉ là một đứa lơ ngơ thôi mà. Chả nhẽ chỉ vì cái máy ảnh?
Cảm ơn tất cả các anh chị em trong ngày chủ nhật 17/7 ấy, tui lại nợ mọi người một món ân tình.
Không phải lúc nào tôi cũng tán đồng hoàn toàn mọi cuộc xuống đường, nhưng tôi phản đối bạo lực, đàn áp, bưng bít, chuyên chế. Đó không bao giờ là lẽ phải.
Và lần này, vỡ mộng ngây thơ, coi như tôi đã tận mắt kiểm chứng được thái độ của chính quyền.
Tôi sẽ tự đi để thấy nhiều hơn nữa.
(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...