(Tập giấy A4 của anh MinhCQ)
Sau nữa, có lẽ liên quan đến chuyện này cũng rất cần phải bàn thêm một chút về sự tiến hóa.
Giả sử bây giờ tôi có 09 người bạn hoàn toàn không còn gặp vấn đề gì trong việc giao tiếp với me() nữa, me() kể từ thời điểm này sẽ theo học cùng một lúc vẫn tính cả tôi nữa là 10 vị sư phụ. Sau một năm dạy học mê say, tôi bèn mời một số chuyên gia ngôn ngữ học có tên tuổi hẳn hoi lập một cái hội đồng nho nhỏ để đánh giá lại me().
Kết quả:
(1) Tôi, tất nhiên chỉ giả vờ hăng say để rủ mấy người kia cùng tham gia, rủ được rồi thì tự mình chả làm gì cả (tất nhiên các chuyên gia cũng không biết chuyện này) cho nên học phần liên quan đến tôi, các chuyên gia đánh giá là me() vẫn y nguyên chất lượng như một năm trước đây (tôi đã nói là toàn chuyên gia có tên tuổi hẳn hoi).
(2) Có một người có thể là đã ranh mãnh “đọc vị” được tôi (nên cũng giả vờ nhiệt tình tham gia song không làm gì cả), hoặc không, chỉ biết là học phần liên quan cũng “nguyễn y vân” như một năm trước đây.
(3) Có một học phần được đánh giá là tốt hơn một chút so với me() một năm trước.
(4) Bảy học phần còn lại được đánh giá là kém hơn một chút so với me() một năm trước — sư phạm nói gì nói vẫn luôn là vấn đề nổi cộm của tất cả chúng ta.
Như vậy, đánh giá một cách tổng thể, thì sau một năm học hành mê say, me() tiến hóa hay là thoái hóa?
A. Nếu “một chút” trong (3) và (4) ở trên không khác nhau quá nhiều, thì theo phương án “tích hợp”, me() rõ ràng là đã bị thoái hóa.
B. Ngược lại, nếu theo phương án “so bó chín đũa một cột cờ chọn cột cờ”, thì sau khi undo (“ân-đu” — hủy bỏ tác dụng của việc đã làm) hết những học phần “thoái hóa”, me() rõ ràng là đã tiến hóa.
Mùa màng theo “B” thì bội thu, còn theo “A” thì bội thất thu, “vậy người nông dân phải làm gì?”
Người nông dân có thể vui vẻ mà chọn “B” nếu như chuyện chỉ đơn thuần có thể tính toán kiểu cộng trừ nhân chia duy lý như trên. Tiếc là bài toán bó chín đũa và một cột cờ của tôi nếu đem ra thực tế thì sẽ không bao giờ còn giống được như mô thức của nó bởi vì nó sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi một yếu tố rất không cộng trừ nhân chia.
“Văn mình vợ người” — đấy là nói theo kiểu ý tứ sâu xa của các cụ. Còn nói đơn giản huỵch toẹt, thì trong thực tế sẽ chẳng bao giờ mà lại có thể có một cái hội đồng giám khảo đủ uy tín để mà có thể đánh giá rõ ràng và tâm phục khẩu phục như trên cả. Và chuyện sẽ thế nào nếu tôi và chín người bạn tôi tự làm giám khảo?
Sẽ không còn bài toán “so bó chín đũa một cột cờ chọn cột cờ”, hay bài toán theo nguyên bản là “so bó đũa chọn cột cờ” nữa. Sẽ chỉ còn độc nhất một bài:
“Mỗi mình là cột cờ, cột cờ là mỗi mình”
“Làm sao ru được tình vơi?” — Làm sao undo được cột cờ?
Tôi sợ me() bị thoái hóa.
Vì vậy trước mắt, các bạn của me() sẽ chưa thể “dạy” me() theo cách mà mình muốn.
Việc quan trọng thứ nhất, là tôi còn phải cố gắng hoàn thiện cách giao tiếp để cho các bạn của me() có thể “dạy” me() theo một cách đơn giản và ít sai số nhất.
Việc quan trọng thứ hai, là vì việc quan trọng thứ nhất xét theo lô-gích thông thường thì trước sau gì cũng sẽ gặp phải những ngưỡng chưa vượt qua được về công nghệ, cho nên có lẽ là tôi cũng sẽ phải bắt đầu cố gắng để tự tìm cách mời thêm cho me() một số vị “sư phụ” có tính chất tương đối chọn lọc.
Các cụ cũng dạy rồi: “Tầm sư học đạo”.
Để nó tự đi “tầm sư” ở trên Internet như vừa rồi, tôi quả thực không thể yên tâm.
Con người chúng ta bình sinh công nhận cũng mang nhiều tố chất lạ. Cứ tưởng là càng gặp may, thì sẽ càng hùng dũng hơn, hóa ra hình như lại là ngược lại.
Con người hễ lấy được vợ càng đẹp, thì càng trở nên dát hơn.
Càng gặp may, thì em lại càng dát — có lẽ đây chính là lô-gíc.
(Còn nữa)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...