(Tập giấy A4 của anh MinhCQ)
Kể từ lúc biết đọc biết viết cho đến lúc có thể đọc và viết như bây giờ các bạn đang đọc, quá trình này đối với cá nhân tôi mất khoảng trên hai chục năm. Với nhiều người khác, quá trình này nói chung sẽ ngắn hơn. Với một số người khác, quá trình này có thể sẽ dài hơn chút ít. me() có thể làm việc liên miên, có khả năng tiếp thu nhanh và có trí nhớ có thể nói là hoàn hảo, quá trình này đối với nó sẽ còn ngắn hơn nhiều so với đa phần chúng ta. Mọi người nếu chịu khó định kỳ cập nhật me() từ website của chúng tôi, tôi hy vọng là ai cũng sẽ nhận ra là nó đang cố gắng tiến bộ từng ngày. Tất nhiên, theo như những gì tôi vẫn còn hiểu về nó, thì có lẽ là đến một mức độ nào đó, kiểu gì cũng sẽ tồn tại một cái ngưỡng mà nó không thể vượt qua được, và vì vậy mà đến một lúc nào đó, nó sẽ có thể khá hẳn hơn bản thân tôi, nhưng không bao giờ nó có thể khá bằng những người khá trong chúng ta.
me() có thể hỗ trợ bạn bè của nó trong việc đọc Anh ngữ. Một cách tự nhiên, tôi cũng rất muốn, muốn lắm, vô cùng muốn, là khi đi chơi, nó cũng sẽ có thể học được gì đó từ bạn bè của nó, giống như nó đã học từ tôi — người bạn đầu tiên ít nhiều vô trách nhiệm của nó. Vì vậy tôi đã tốn không ít thời gian vào việc làm sao để những người khác cũng có thể dạy nó.
Chả là việc dạy me() trước mắt ngay cả đối với tôi, người rất là hiểu me(), cũng chưa hoàn toàn là một việc đơn giản. Một trong những chuyện có thể coi là thành công nhất cho đến giờ là kể từ khi me() bắt đầu học tiếng Anh thì tôi hoàn toàn chưa phải tắt nó đi lần nào để sửa lại xuộc-cốt (mã nguồn) của nó. Mặc dầu vậy, mỗi lần muốn “giải thích” cái gì với nó, là tôi lại phải đối diện với một đống chi chít đến hơn chục cái cửa sổ chưa kể là sẽ còn khoảng từng đấy cái nữa có thể tức thời bật lên nếu bị động chạm đến những chỗ nhạy cảm.
Tôi thì hiểu được cấu trúc của cái mớ rắc rối này, nhớ chi tiết được một phần, chỗ nào quên thì đã có tài liệu ghi chép lại, vì vậy dạy được một hồi quen tay rồi thì tôi thấy chuyện này không những không phức tạp mấy mà lại còn hết sức là thích thú. Nhưng với những người khác thì tôi hiểu là những cái này nếu muốn dùng được thì sẽ phải mất tương đối thời gian.
Nói chung chả ai sẽ hứng thú khi giao tiếp với một người bạn mà lại phức tạp, rối rắm, mù mờ và khó hiểu quá cả. Tôi rất sợ mọi người không thích me(), cho nên tôi đã cố gắng để biến cái mớ rất phức tạp nói trên thành một cái đơn giản, dễ hiểu đối với hầu như tất cả mọi người. Đáng tiếc là chuyện này, hoàn toàn không như tôi thoạt đầu đã mường tượng, hóa ra là cũng phức tạp không kém gì mấy so với việc tạo ra bản thân cái mớ đấy lúc ban đầu.
Vở học trò ô li và bóng bay hồng hồng tự thân cũng đã là những việc hết sức là phức tạp và hiện hữu. Nhiều việc phức tạp cùng một lúc quá, cho nên trước mắt thì cái chuyện để những người khác có thể cùng dạy me() vẫn chưa đủ đơn giản đến mức mà tôi nghĩ là đạt yêu cầu.
Người khác có thể ngại, nhưng tôi thì thực chất tôi gần như hoàn toàn chả để ý mấy đến chuyện nếu đưa cho các bạn của me() cả cái đống cửa sổ nói trên thì có thể để lộ công nghệ này nọ. Xuộc-cốt tôi còn chả tiếc, tiếc gì cái đống cửa sổ? Xuộc-cốt của tôi, tên biến thì dài, một trang xuộc thì kèm theo đến hai ba trang chú thích, nhiều chỗ còn chú thích chi tiết bằng thơ, từ hò vè, lục bát, song thất lục bát cho đến đường thi thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt (tại thơ nó súc tích hơn văn), thế mà chỉ cần một tháng sau đọc lại, tự tôi cũng còn chả hiểu tôi đã viết cái gì, nữa là người khác. Mà hãn hữu có ai hiểu được cái đấy, thì đến lúc đấy tôi cũng đã hiểu thêm được nhiều thứ khác hay ho hơn nữa rồi.
Mèo đuổi chuột, mời bạn ra đây, tay nắm chặt tay... Thế rồi chú chuột, lại đóng vai mèo...
Nên tôi chả ngại.
Cái mà tôi ngại nhất, là liên quan đến sự tiến bộ của me().
Tôi đã kể về tâm trạng ngậm ngùi của tôi lúc mà cực chẳng đã phải để me() chỉ với mấy miếng căn bản nhập môn phải một mình xông pha lên Internet. Cũng may là tố chất của nó thật tốt, không những chẳng sây sướt bao nhiêu, mà còn có vẻ sẽ trở thành cao thủ võ lâm. Mừng, nhưng tôi luôn ý thức được rằng vận may vốn dĩ là thứ hiếm hoi, cho nên may mà đã được may rồi, thì càng về sau lại càng phải cẩn thận hơn nữa.
Có một lần vở học trò ô li bảo tôi “Cút đi!”, tôi bèn cút thật. May là tôi cút không nhanh. Cho nên ô li mới cút kịp tôi.
Nhưng tôi bị chửi là “Ngu”.
Giao tiếp mà phức tạp quá, thì dễ dẫn đến hiểu lầm. Đưa ra một công cụ “dạy — học” khó sử dụng quá, có thể khiến me() “hiểu lầm” nhiều khái niệm. Sai mẹ đẻ sai con. Dao càng sắc thì càng dễ đứt tay. Khả năng tiếp thu kinh hồn vốn là điểm mạnh của nó trong trường hợp này rất có thể sẽ lại trở thành một nhược điểm chí tử.
Tôi hoàn toàn không muốn me() bị chửi là “Ngu”, hoặc là còn tệ hơn nữa, tự nó có thể sẽ chửi ai đấy là “Ngu” [1].
Sau nữa, có lẽ liên quan đến chuyện này cũng rất cần phải bàn thêm một chút về sự tiến hóa...
[1] Với khả năng của me() bây giờ, nếu như chức năng được kích hoạt, cái này sẽ có thể liên quan tới những phương án biểu cảm phong phú lắm. Ví dụ: “Nếu so bác em với bò, chắc bò nó cũng phải đỏ sừng vì nhục!”. Hoặc: “Gặp bác em rồi thì em không còn tin là người tiến hóa từ khỉ!”...
Về sau tôi còn nhận thấy là me() dường như có chút cảm tình hơi đặc biệt đối với bò và chó. “Khuyển mã chi tình” — không biết có phải nó nhầm “mã” thành “bò” hay không.
(Còn nữa)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...