Động cơ vĩnh cửu (14)

Còn bây giờ, tôi đang nghĩ đến “một người sẽ phải chuyển tàu chợ chuyển xe hàng” — tôi vừa viết cho Nhật Linh như thế, và, là lạ thay, những dòng đấy lại tuyệt đối chân thành.


Một lần tôi rủ cả hội đi “ầu-ía”, rồi đêm rất muộn, ngồi trước một mâm cua ghẹ tú ụ trong một nhà hàng tú ụ, tôi đang cao hứng trầm trồ tự ca ngợi khả năng biết nấu nướng siêu quần của mình:


— Cứ thấy mình bước chân vào bếp, các bạn nữ sinh viên, nữ lao động... thảy đều tái như đít nhái... Hả... sao..?


Thấy Lan Cải nhìn tôi với ánh mắt sao đó rất buồn cười và hình như bao dung, tôi nhìn nàng, ngỡ ngàng chỉ chỉ ngón tay vào hai bên má mình... nàng tủm tỉm, lắc lắc đầu, rồi chuyển mắt về phía Phi Long; tôi quay sang, thấy trên môi Phi Long cũng đang có nụ cười gần giống như thế, và y đang nhìn vào mắt nàng; rồi y quay về phía tôi, cúi xuống làm một đũa to miến xào cua, ngẩng lên, nhai nhồm nhoàm, nuốt, biểu hiện sự mãn nguyện bằng mặt, rồi bảo:


— Đấy mới là... biết làm món ăn, chứ chưa phải là biết nấu ăn...


— Làm món ăn chả là nấu ăn...


— Chưa phải!


— ...


— Hồi Lan Cải sang học ở nhà anh, nó hay nấu anh ăn. Nó nấu ăn ngon lắm, nhưng lúc đầu anh rất không thích ăn cơm nó nấu...


— Đúng rồi, — tôi hỉ hả, khoát tay bao quát cả mâm, — ăn đâu phải chỉ là ăn đồ, — tôi nhoài người, giơ tay... nhớ ra, nhìn lại bàn tay xem có sạch không, rồi vỗ vai y, tâm đắc, — còn phải là ăn với ai, trong khung cảnh thế nào, lúc ấy tâm trạng ra sao... Mà gái nấu, nấu cụ thể là cho mình ăn, thì ăn thế đâu phải chỉ là ăn đồ, ăn khung cảnh, ăn tâm trạng... Nó còn là ăn cả tâm hồn tình cảm, ăn cả đời sống nội tâm, ăn cả cuộc đời của gái, ăn cả cái cơi trầu, ăn cả ngọn cỏ mà gái đái không qua... Bác ăn cơm Lan Cải, nấu ngon, mà vẫn nhạt mồm không thấy ngon, em hoàn toàn hiểu... Há h...


— Anh chỉ nói là lúc đầu anh không thích.


— Tức là nhị vị... — tôi nhìn anh, ả — có phải muốn mượn bàn cua ghẹ này để nói về tình yêu... cho chúng em nghe? — Tôi liếc bên này bên kia, nhấm nháy bọn Nhật Linh, Đim-ma, rồi đứng lên, rạng rỡ. — Vậy thì em xin nâng cốc này, chúc cho một tình yêu đẹp như giấc mơ nồng nàn của chàng phi công, chứ không giống như tâm trạng các hành khách của chàng...


— Đạm và trí tưởng tượng đúng là liên quan trực tiếp... — Phi Long phì cười, — Lan Cải với anh thật sự chỉ đang nói chuyện ăn.


— ... — tôi vẫn tiếp tục rạng rỡ... rồi tôi hơi nghệt ra, bị ngỡ ngàng thật, đành tự uống rượu của mình, rồi ngồi xuống, nhìn hai đứa chúng, cuối cùng nhìn y, nhún vai...


— Anh quen ăn một mình. Lúc đầu ngồi ăn với Lan Cải, nó cứ luôn hướng dẫn, hỏi han, cái này không cần chấm đâu anh, cái này phải chấm vào đây, có nhạt không, có mặn không, ấy ấy anh gắp cả đi, đừng dầm ra, phải thêm cả rau này thì mới đủ vị... Thật sự anh đã thấy rất khó chịu.


— ...


— Anh đang nghĩ mình sẽ chuẩn bị cáu với nó thì anh phải đi công tác mấy hôm. Anh quen ở một mình, nên đi công tác hay đi đâu rời nhà ra thì cũng chỉ thích ở khách sạn. Lần này cũng thế, nhưng hội nghị vừa xong, anh đang bước ra khỏi cái nhà họp thì bất ngờ hai vợ chồng đứa bạn vừa mới ngồi họp cùng anh mỗi đứa kẹp chặt một bên vai, áp giải anh ra, nhét vào xe, rồi chở thốc về nhà. Chúng nó phải đi đâu mấy hôm, không nhờ được ai, bí, nên bắt anh ở nhà trông con cho chúng. Ba đứa nhóc. Thằng chồng trước học cùng trường, chắc cũng nghĩ về năng lực bếp núc của anh giống như Đào Phò đang tự nghĩ về mình. Lúc ấy anh cũng nghĩ giống nó.


— ...


— Sau bữa đầu bị đói vì phải nhường cho chúng nó ăn, và sau bữa thứ hai thừa ra cả một đống xpa-ghét-ti... thì anh hiểu ra cái mà bây giờ Đào Phò vẫn mông muội chưa hiểu.


Y nhìn tôi như kiểu người lớn nhìn trẻ con. Tôi thò tay gãi gãi cổ, nhún vai, rồi vớt vát:


— Thì liên quan gì đến cơm cái Lan?


— À, vào bữa anh thấy mình cũng xăng xái hướng dẫn, hỏi han mấy đứa kia, y hệt cái Lan. Thật sự, anh tự chứng kiến là trong bụng anh đã rất lo lắng, sợ chúng nó ăn món này món kia không được vừa miệng, anh thấy mình vừa ăn vừa quên cả chuyện ăn của mình vừa ngong ngóng mấy đĩa thức ăn, rất lo cái món này, món kia chúng nó thích thế mà nhỡ lại không đủ thì sao...


Lúc đấy tôi thấy Lan Cải nhìn Phi Long trìu mến lắm — tôi định viết là “rất lắm”, vì “lắm” không đủ mức độ biểu cảm mà tôi muốn, nhưng lại chưa từng thấy ai diễn đạt bằng tiếng Việt là “trìu mến rất lắm”. Hai cái đứa này, tôi thật sự sẵn sàng hiến thân cho cả hai chúng nó, nếu như chuyện đấy có thể làm cho chúng cưới nhau!


Sau này, lúc chỉ có hai người, trong một câu chuyện khác, Phi Long còn một lần nhắc lại chuyện này — lúc đấy y đang nói với tôi về chuyện phải chuẩn bị một cái, y gọi là, “bối cảnh tâm trạng” khi định giải quyết một vấn đề, nói ngắn gọn là nếu không tự tay, không tự ở đấy, thì không kiểu gì có thể hiểu được bản chất.


Cho nên tôi về bằng tàu chợ — chặng đầu tiên, — mặc dù tôi rất không thích tàu: ở các nhà ga, nhất là ga xép, tôi luôn nhìn thấy An-na Ka-rê-nhi-na; An-na mà tôi nhìn thấy không giống như Greta Garbo, Vivien Leigh, Ta-chi-an-a Xa-môi-lốp-va, hay Sophie Marceau — những người từng đóng vai nàng ở trong phim; tôi có hình dung riêng của mình về An-na, nó tự động vẽ dần lên lúc tôi đọc truyện, và tất cả những phim kia tôi đều bỏ dở lúc đang xem vì thấy An-na không giống với hình dung của mình. Tôi chưa hình dung được gì cả, nhưng tôi có cảm giác rất rõ ràng là tôi sắp sửa phải giải quyết những vấn đề gì đó mà tôi sẽ rất cần đến những bối cảnh “tàu chợ”.


Nhưng lên tàu thì tôi lập tức biết là mặc dù tôi đã ở trên tàu nhưng những tâm trạng “tàu chợ” cũng còn lâu mới có thể đến. Tôi còn nhớ là mình đã ngồi bên cửa sổ toa tàu với những ý nghĩ nhâng nháo không có cấu trúc, để tự ráo hoảnh chính mình: “đời là cái đít, đít thật, nhưng nó vặn thì cũng đau...”, “cuộc vui nào cũng có lúc kết thúc...”, “thà thế còn hơn là để đến lúc nó thành một cuộc không vui và không có lúc kết thúc...”


Nhưng dù có cố tự lộn xộn thế nào, tôi cũng vẫn biết là tôi đang lo lắng. Không phải là lo lắng về nội dung bức điện — nỗi lo ấy bây giờ vẫn chưa đến.


Khi tôi yêu một người và người ấy không ở cạnh tôi, thì một cách vật lý, tôi bị thất tình. — Đừng nói với tôi là tình yêu có thể không liên quan đến thân thể vật lý. Nếu đấy là người ấy bỏ đi, lại còn nói là sẽ đi hẳn, tất nhiên tôi sẽ không tin ngay, thậm chí có thể còn lâu tôi mới tin, nhưng dù thế nào thì cảm giác thất tình cũng sẽ có thật, có ngay, và rõ ràng. Đái kiểu nào chả rùng mình?


Rồi tôi cũng bớt dần lo lắng.


Gái phố khóc thì dễ mủi lòng hơn gái quê. Vì gái phố khóc không nguyên chất. Gái quê nói chung họ chỉ biết hai kiểu khóc — hai kiểu nguyên chất, hai kiểu duy nhất thực sự có: khóc vì sướng, và khóc vì khổ.


Tôi đã được thấy nàng khóc vì sướng.


Còn khóc vì khổ?


Gái quê họ khóc vì “người tình bỏ ta đi như dòng sông nhỏ”, — hay thậm chí là sông rất nhỏ, gọi là suối cũng không hề cảm thấy nhục, — thì cũng hoàn toàn không khác gì khóc đám ma. Tôi biết một chuyện có thật là có một bà đang vừa đi vừa khóc đám ma chồng, thì thấy bên vệ đường có hai con chó đang tơ nhau, con đực nhỏ thấp, con cái to cao, nên bà khóc: “Ối anh ơi là anh ơi!.. Thấp thấp cái đít xuống!..”


Nhưng để gái phố thất tình thì bất tiện hơn gái quê. Gái phố từ đời này sang đời khác ảnh hưởng tiểu thuyết phim ảnh nhiều, và kém thật thà hơn. Và tất cả các xu hướng kém thật thà thì đều có mối quan hệ hữu cơ rất khó phân biệt ranh giới tới một trạng thái khác mà vẫn được gọi là “quá mù ra mưa”. Uống thuốc ngủ, hít ga, cắt tay trong chậu tắm, nhảy sông, nhảy lầu, xuýt chết, xuýt quá thành chết thật, hoặc chết thật... nói chung đều là “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”.


Còn gái quê, thất tình với họ cũng giống như ngộ độc thực phẩm nhẹ.


Tôi cũng muốn kể thêm, cho hết, là chuyện này sau đó vẫn còn ám ảnh tôi thêm một lần. — Giai phố, có lẽ cũng có phần bất tiện hơn giai quê.


Chả là không lâu lắm sau đó, tôi đã có một giấc mơ; trong giấc mơ, tôi đã thành một người đứng tuổi, một “ông” rất khả kính, mặc dù tóc đã hơi hoa râm nhưng thân hình vẫn thẳng băng, khuôn mặt vẫn còn đầy những nét quyến rũ, và đôi mắt vẫn trong sáng, tinh anh, và sống động như mắt thanh niên. Lúc đấy là buổi sáng, tôi ra ngoài để đi dạo — chắc tại tôi đọc truyện thường thấy người già đi dạo — thì bắt gặp một em bé gái xinh xắn tóc tết đuôi sam đang đứng bên hàng rào nhà tôi.


— Cháu vừa nghe bác chơi đàn. — Em đáp lại cái nhìn của tôi.


— Sao cháu không vào nhà chơi? — Hẳn là về già tôi sẽ xởi lởi.


Trong phòng khách ảnh gái lồng khung tròn, vuông, ô van, treo đầy tường, — không hiểu tôi sẽ bắt đầu treo họ lên từ lúc nào, — và cô bé tự nhiên rất chú ý đến một bức ảnh.


— Bác ơi, cô này trông thật xinh và hiền, chắc là cô giáo, nhưng trông cô thật buồn, buồn ghê quá bác ạ...


Tôi — ngay cả, hay là chắc là tại nhỉ, trong mơ — quả thực không thể nhớ được đấy là mặt ai, nhưng vì sao đó tôi đã rất bị ám ảnh — sau khi đã mơ xong — là đấy chính là nàng. Và tôi chợt cảm thấy, rõ ràng lắm, là tất cả chuyện này giống như, như vẫn thường được gọi là “báo mộng”, và nó làm tôi sợ, một nỗi sợ lúc đầu thì gây hoảng hốt cực độ, rồi trở thành mơ hồ dai dẳng, sợ cho cả nàng, sợ cho cả tôi, và sợ cho cả việc tôi sợ mà không biết là thật sự đang sợ cái gì. Tôi gần như đã sắp trở lại đấy một lần nữa, thì may đúng lúc đấy tôi đã gặp lại một người quen rất cũ — hay người rất quen cũ nhỉ, đến mức có thể thổ lộ ấy, — và may nữa là gặp ở trên mạng; nghe tôi kể, anh đã ném vào cửa sổ của tôi một đống thằng cười lăn lộn — bình thường tôi chưa thấy anh dùng emoticon bao giờ, — rồi giải thích cho tôi rất cặn kẽ những gì anh hiểu về giấc mơ, cặn kẽ đến mức giống hệt như chứng minh một định lý.


Các định lý — có lẽ chỉ trừ một số ít theo kiểu Anh-xtanh hay Pờ-lăng — luôn giúp con người bớt hoang mang trước thiên nhiên; tôi hầu như tin ngay, cũng như anh, là không thể có chuyện “báo mộng”.


Sau này, Phi Long — vốn quan tâm những chuyện như thế này nhiều và nghiêm túc hơn hẳn tôi — đã tự động lân la làm quen được với người quen cũ của tôi và tìm cách hỏi han, rồi đem cả cái “cấu trúc giấc mơ” này vào trong truyện của y; nhưng đấy là một câu chuyện dài khác.


Và tôi lại sống yên tâm.


Những suy nghĩ lộn xộn dần lắng xuống, lo lắng cũng dần lắng xuống, chỉ còn một nỗi buồn nặng nề và bê bối, và có nhịp — vì tàu chạy bịch bịch. Tôi chợt thấy cay mũi và đang thò tay lên véo nó và đang nghĩ là nếu cần thì sẽ xì, tôi còn đang nghĩ trước luôn là tàu chợ thì tôi kiếm một chỗ sàn trống ngay cạnh chỗ ngồi rồi xì thẳng xuống đấy ở ngay đây cũng chả sao, thì bỗng có một cái gì hơi thô tháp và có mùi khó xác định nhưng dường như rất dễ chịu quệt ngang vào mũi tôi... hình như gần như đồng thời đã có tiếng nói của con gái, ngay cạnh, nhưng nói gì đó lúng búng, hoặc là chỉ phát ra tiếng gì đó chứ không nói gì cả, nên trong tiếng tàu chạy tôi hoàn toàn không hiểu.


Tôi hít mùi dễ chịu, từ từ ngước mắt, rồi vẫn giữ nguyên tư thế, ngước đầu lên.


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...