Cao Thiện Văn (Gao Shanwen 高善文)
Thu Thủy tổng thuật
VietTimes - TS Cao Thiện Văn vừa có bài nói chuyện gây chấn động thế giới mạng khi ông này phân tích về quan hệ Trung Quốc - Mỹ và phát biểu: "Chúng tôi thì đã già rồi, coi như không tính đến, nếu lần này xử lý không tốt quan hệ Trung - Mỹ thì những người trẻ 30 tuổi trở xuống hãy gội đầu cho tỉnh ngủ, chuẩn bị sống những ngày khốn khổ”.
TS Cao Thiện Văn
Giữa lúc cuộc Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra gay gắt, ngày 28/7 vừa qua, Tiến sỹ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” (Essence Securities) đã có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty “Sơn Tây Chứng khoán”.
Bài nói với chủ đề chính là quan hệ Trung - Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ này lập tức được đưa lên Youtube và tràn lan các trang mạng. Nhiều ý kiến đánh giá: mức độ bạo dạn của Cao Thiện Văn khiến người ta “há hốc miệng”, nội dung “kích thích” nhất là ông Văn cho rằng: “Chúng tôi thì đã già rồi, coi như không tính đến, nếu lần này xử lý không tốt quan hệ Trung - Mỹ thì những người trẻ 30 tuổi trở xuống hãy gội đầu cho tỉnh ngủ, chuẩn bị sống những ngày khốn khổ”.
Ngay sau khi buổi lễ này kết thúc, trên mạng lập tức xuất hiện các đoạn ghi âm cùng đủ loại bài tốc ký, phân tích về nội dung diễn thuyết của Cao Thiện Văn. Nhìn chung các ý kiến bình luận đều đánh giá Cao Thiện Văn đã nói ra những vấn đề mà mọi người đang lo ngại, hàm lượng thông tin rất cao...
Với việc D. Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi
Theo nhận xét của một người được nghe Cao Thiện Văn diễn thuyết hôm 28/7 thì bài nói của ông có thể tóm lại gồm mấy vấn đề chính:
Thứ nhất, tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” (phi nghĩa) với Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao khiến Mỹ chấp nhận Trung Quốc;
Thứ hai, mở cửa đối ngoại, bản chất cốt lõi là mở cửa với Mỹ; đó là quyết sách quan trọng của Đặng Tiểu Bình vào thời kỳ then chốt;
Thứ ba, sau khi Liên Xô giải thể, giá trị chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ giảm thấp, Đặng Tiểu Bình đề ra Phương châm 16 chữ “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu”; thực ra một lãnh tụ khác cũng đã đưa ra đề nghị tương tự “silence makes big money”.
Thứ tư, năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, Clinton khiến giới chủ chính trị Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do và quan niệm giá trị cũng tiếp cận tự do dân chủ kiểu Mỹ.
Thứ năm, 17 năm sau tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc liên tục gia tăng, hình thái ý thức cũng ngày càng xa dần sự kỳ vọng của người Mỹ; ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy Clinton lừa họ, Trung Quốc đã từ đối tác biến thành đối thủ của Mỹ.
Thứ sáu, giờ đây nước Mỹ khí thế cuồn cuộn, chúng ta (Trung Quốc) chuẩn bị không đủ, cuộc giao tranh Trung - Mỹ lần này sẽ gây nên hậu quả sâu xa cho Trung Quốc trong 30 tới 50 năm sau.
Thứ bảy, Nga - Mỹ gần đây ngày càng gần nhau, điều này phải hết sức cảnh giác.
Dưới đây, Viettimes xin trích dịch một số đoạn trong bài diễn thuyết dài 1 giờ 12 phút của ông Cao Thiện Văn:
Về quan hệ Trung - Mỹ trước kia và hiện nay
Cơ sở chính trị của việc duy trì mối giao lưu bình thường trong quan hệ Trung - Mỹ 40 năm qua nay đã không còn nữa. Quan hệ Trung - Mỹ sẽ bước vào thời kỳ vô cùng bất ổn, không xác định, đầy sự đối kháng trong thời gian dài, trung ương cần chuẩn bị tốt, đầy đủ cho điều này. Quay đầu lại xem xét thì thấy trung ương thực ra chưa chuẩn bị tốt, cho đến tận bây giờ có lẽ sự chuẩn bị của chúng ta vẫn chưa tốt. Ổn định Quan hệ Trung - Mỹ là ổn định đại cục cải cách mở cửa; khi Quan hệ Trung - Mỹ ổn định thì mọi việc khác trong nước khỏi lo.
TS Cao Thiện Văn: Đặng Tiểu Bình đem vận nước đánh bạc, rất mạo hiểm.
Từ đầu năm nay, xét về góc độ Chính phủ trung ương và kinh tế vĩ mô Trung Quốc thì thấy, chúng ta gặp phải vấn đề khá lớn trên hai mặt: một là Quan hệ Trung - Mỹ xuất hiện cục diện chưa bao giờ có từ khi hai nước bắt đầu giao lưu năm 1972 đến nay; hai là chống đỡ giữ thăng bằng, may mà trong 2-3 tuần qua, trên tầng chính sách đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ, tạm ổn định được thị trường, nhưng vẫn tồn tại tính không xác định rất lớn.
Năm nay là tròn 40 năm Trung Quốc cải cách mở cửa. Nhìn lại 40 năm qua, sự tiến bộ về phát triển kinh tế và kỹ thuật là điều ai cũng thấy rõ, nhưng rất ít người nghĩ kỹ lại cuối năm 1978 khi ông Đặng Tiểu Bình mới chủ trì công tác đã nghĩ gì, làm những gì ảnh hưởng đến quyết sách chiến lược lâu dài; những quyết sách đó đã đặt cơ sở quan trọng cho 40 năm phát triển tốc độ cao của chúng ta.
Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi đã làm một việc, đó là quyết định tấn công Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ; trong một thời gian dài quan hệ Trung - Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, chứ không với Liên Xô, không với châu Âu cũng không với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là để Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc?
Đặng Tiểu Bình gây chiến tranh biên giới 1979 chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam; sau đó Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để gây chiến. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc khi đó vượt quá đẳng cấp Mỹ dành cho các đồng minh của họ; Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.
Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù; hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô; Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới năm 1979 cho thấy sự cắt đứt của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc; vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định.
Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ năm 1979
Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung - Xô rất mỏng; kỳ thực Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung - Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước đánh bạc, rất mạo hiểm.
Việc khôi phục sự giao lưu Trung - Mỹ là sự lựa chọn được đưa ra dưới thời Mao Chủ tịch, nhưng Trung - Mỹ không bước vào thời kỳ trăng mật. Bàn tay của Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng thúc đẩy Quan hệ Trung - Mỹ tới mức độ rất cao. Nếu nhìn nhận lại 40 năm bang giao Trung - Mỹ, chúng ta có thể thấy có 2 bước ngoặt quan trọng đều liên quan chặt chẽ đến Đặng Tiểu Bình.
Bước ngoặt thứ nhất là lập quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc và thế giới phương Tây đều khôi phục được giao lưu, bao gồm cử lưu học sinh, mua kỹ thuật tiên tiến, Với sự giải thể Liên Xô, Mỹ giành được thắng lợi triệt để trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc là quân cờ của Mỹ để đối phó Liên Xô, tính chiến lược quan trọng nhanh chóng giảm đi, quan hệ Trung - Mỹ lại đứng trước sự lựa chọn mới, Trước sự tan vỡ của Liên Xô, Đặng Tiểu Bình đã đề ra chỉ thị 16 chữ quan trọng cho trung ương “Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu”.
Sách lược đó đã làm cho Trung Quốc trong suốt thời gian dài không bị trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ; nếu đặt 16 chữ đó vào tình thế hiện nay mà xem xét thì cũng đặc biệt có ý nghĩa. Bước ngoặt thứ hai là, năm 1992, Đặng Tiểu Bình tuần thị phía Nam đã mở ra chương mới cho cải cách mở cửa, công cuộc cải cách mở cửa này có tác dụng rất quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ.
Giở lại lịch sử nước Mỹ mà xem xét thì thấy, Mỹ có tình tiết truyền giáo thâm căn cố đế, nước Mỹ được lập nên bởi các tinh anh người da trắng. Mỹ hy vọng quảng bá quan niệm giá trị và lối sống của họ ra phạm vi toàn cầu; nếu quốc gia nào chấp nhận, ít nhất muốn tiếp cận hình thái ý thức của Mỹ, Mỹ sẽ vui lòng coi họ là bạn và giao lưu bình thường và giúp đỡ nước đó.
Sau đó chúng ta tiếp tục tìm hiểu chuyến Nam tuần của Đặng Tiểu Bình, xác lập mục tiêu của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phóng tay phát triển và khuyến khích kinh tế phi công hữu, cho chủ thể kinh tế được sự tự do lựa chọn lớn hơn. Điểm này, xét từ phía các chiến lược gia nước Mỹ và các tinh anh người da trắng thì là sự tiếp cận hình thái ý thức của Mỹ. Điều này khiến quan hệ Trung - Mỹ bước vào thời kỳ trăng mật mới, đó là sự lựa chọn trọng đại do Đặng Tiểu Bình quyết định.
TS. Văn: Nếu hôm nay Mỹ không áp dụng biện pháp trừng phạt, thì sau này có lẽ Mỹ sẽ mất cả cơ hội lẫn năng lực kiềm chế Trung Quốc.
Năm 2001, khi Mỹ quyết định để cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Tổng thống Clinton nói: với việc Trung Quốc tiếp cận kinh tế thị trường, nhân dân Trung Quốc không những có quyền mơ ước mà còn có cơ hội và con đường để thực hiện ước mơ đó; sự thay đổi này tất sẽ mang lại kinh tế phồn vinh; sau khi kinh tế phồn vinh, về chính trị họ cũng sẽ đòi hỏi quyền phát ngôn lớn hơn; đó là mục tiêu mà Mỹ kiên định thúc đẩy.
Quan điểm đó của Clinton đại diện cho quan điểm của giới tinh anh da trắng Mỹ, quan hệ Trung - Mỹ ở vào thời kỳ hòa hợp chưa từng thấy. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, quan hệ thương mại với Mỹ mật thiết như thế, nhưng không xảy ra những va chạm, chủ yếu là vì giới tinh anh Mỹ vẫn có hy vọng đối với Trung Quốc; trong số hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ có rất nhiều thứ do các công ty Mỹ ở Trung Quốc sản xuất; các chiến lược gia Mỹ đều nói hãy cho Trung Quốc chút thời gian.
Thế nhưng hiện nay, nhận thức chung của giới tinh anh chính ở Mỹ là: khi xưa Clinton đã hứa hẹn và dao động quá nhiều. Đặc biệt là mấy năm qua, với sự chi phối của thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Dưới con mắt họ, những lời hứa của ông Clinton khi trước đã không thực hiện được, trái lại còn tạo nên một kẻ thù đáng sợ cho nước Mỹ; kẻ thù đáng sợ này về chính trị đang mạnh bước đi về hướng ngược lại với người Mỹ đã chọn; nếu hiện nay không áp dụng biện pháp, thì sau này có lẽ Mỹ sẽ mất cả cơ hội lẫn năng lực kiềm chế Trung Quốc.
Lúc này các thương gia Mỹ đang làm gì? Họ đều chú ý vào văn phòng đại diện đàm phán mậu dịch Mỹ, yêu cầu áp dụng biện pháp cứng rắn với Trung Quốc; họ đề xuất đòi thoát khỏi tình trạng cạnh tranh không công bằng, họ không được đối xử công bằng ở Trung Quốc, thậm chí các xí nghiệp 100% vốn cũng bị cưỡng chế yêu cầu thành lập tổ chức đảng, họ không có khả năng đối kháng chính phủ Trung Quốc.
Gây chiến tranh thương mại, lợi ích của Mỹ cũng bị thiệt hại, người phụ trách Hiệp hội đậu tương Mỹ nói có thể hiểu được sự lựa chọn của Tổng thống, có thể hy sinh vì lợi ích quốc gia. Ai nói dân chúng Mỹ đều là nhà buôn? Ai nói họ không có tình cảm? Ai nói họ không có trách nhiệm?
Cả Thượng và Hạ nghị viện Mỹ đều thông qua Luật Du lịch Đài Loan với 100% số phiếu thuận, khuyến khích Chính phủ Mỹ có sự giao lưu chính thức cấp cao với Đài Loan. Nghe nói, cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình dương của Mỹ đã nghiêm túc xem xét việc mời quân đội Đài Loan tham gia. Hiện nay Mỹ dùng Đài Loan để đánh ta mà ta không có cách gì.
Vào tuần trước, các ông Donald Trump và Putin đã có cuộc hội đàm bí mật, sau khi kết thúc thì nhanh chóng lan truyền tin nói Mỹ rất có thể sẽ “Liên Nga chế Trung”. Các tinh anh của Nga khi suy nghĩ về việc vì sao Liên Xô tan rã đều có một nhận thức chung rất quan trọng là: sở dĩ Liên Xô tan vỡ là do Trung Quốc phản bội, Trung Quốc đã đâm sau lưng Liên Xô, nhận thức chung này là rất chính xác; tổng lượng kinh tế của Nga chỉ có 1 ngàn tỷ USD, không bằng tỉnh Quảng Đông.
Quan hệ Trung - Mỹ là vấn đề toàn cục, e rằng sẽ ảnh hưởng tới 30 - 50 năm sau. Mỹ đã dùng khoảng 50 năm từ 1945 tới 1991 để đánh sụp Liên Xô, giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ cũng có quyết tâm dành ra 50 năm để dìm Trung Quốc khi ta chưa có đủ năng lực thách thức Mỹ. Lúc này không dìm Trung Quốc thì sau này Mỹ chẳng còn có cơ hội; 20 năm sau tổng lượng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ gấp Mỹ 1,5 lần; đến 2028, tổng lượng kinh tế Trung - Mỹ khoảng 30 ngàn tỷ USD; theo quy hoạch “Made in China 2025”, rất nhiều kỹ thuật của chúng ta sẽ rất tiếp cận Mỹ; cho nên Mỹ phải nhân lúc này để dìm Trung Quốc.
Cao Thiện Văn: Đối với những người trẻ từ 30 tuổi trở xuống, nếu lần này sai thì chỉ còn cách gội đầu cho tỉnh ngủ rồi chuẩn bị sống những ngày khốn khổ.
Các chiến lược gia của lãnh đạo Trung Quốc lúc này cần thể hiện được đảm lược, kiến thức và bàn tay của Đặng Tiểu Bình 40 năm trước. Trung Quốc có lựa chọn đúng đắn hay không cần phải chờ đợi. Nhớ lại từ Chiến tranh Thuốc phiện tới nay, các bước ngoặt lịch sử liên tiếp xuất hiện, Trung Quốc toàn lựa chọn sai lầm (năm 1949 cùng Liên Xô hay Phong trào theo Tây thời Mãn Thanh), ngoại trừ 2 lần đúng do Đặng Tiểu Bình lựa chọn (tức đề ra Phương châm 16 chữ và Cải cách mở cửa). Đối với những người trẻ từ 30 tuổi trở xuống, nếu lần này sai thì chỉ còn cách gội đầu cho tỉnh ngủ rồi chuẩn bị sống những ngày khốn khổ.
Trong lịch sử lâu dài của mình, Trung Quốc từng sáng tạo nền văn minh cổ đại xán lạn; cho đến 1842 khi tiếp xúc toàn diện với thế giới phương Tây và định du nhập hiện đại hóa thế giới phương Tây thì con đường này vô cùng gian nan. Vì sao vậy? Tôi cho rằng có một điểm liên quan đến phương thức tư duy của người Trung Quốc và cách nhìn nhận thế giới của người Trung Quốc không giống như cách nhìn nhận thế giới của người phương Tây.
Người phương Tây nhìn nhận thế giới có hai công cụ cơ bản. Một là, quan sát và đánh giá thế giới một cách khách quan; hai là, trên cơ sở đó suy ra để hiểu thế giới một cách nghiêm cẩn và logic. Còn người Trung Quốc hiểu thế giới, bao gồm cả tầng lớp tinh anh được giáo dục, thì nhận thức thế giới qua hai cột trụ: một là thuyết âm mưu, không tĩnh tâm bình khí xem xét thế giới một cách khách quan; thứ hai là dùng so sánh để lý giải thế giới, giống như cân đo. Các quan chức thị trường thì hiểu như nhận nước và xả nước, dùng cách đó để lý giải thế giới có vấn đề rất lớn là rất không chính xác, bỏ qua nhiều tình tiết phức tạp, nhiều lúc chắp vá, râu ông nọ cắm cằm bà kia…
(Còn nữa)
Tư liệu công khai cho thấy, ông Cao Thiện Văn sinh năm 1971, người Lâm Phần, Sơn Tây, Tiến sỹ, nhà kinh tế hàng đầu của An Tín Chứng khoán kiêm Đổng sự độc lập của Tập đoàn bảo hiểm Thái Bình dương, Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban học thuật Diễn đàn Tiền tệ Trung Quốc, quản trị viên Diễn đàn kinh tế Trung Quốc… Ông được cho là người có học thức uyên bác, khả năng truyền cảm khi diễn thuyết rất tốt nên thường xuyên được mời đăng đàn tại các cuộc hội thảo hay diễn đàn quan trọng.
T.T.
Đọc thêm
Chiến tranh thương mại phơi bày tử huyệt của Trung Quốc như thế nào?
Graeme Maxton, “The trade war shows China’s economic dream is dying“, South China Morning Post, 11/06/2019.
Phan Nguyên dịch
Trong nhiều thập niên, con đường phát triển của Trung Quốc đã có vẻ rõ ràng. Quản lý nhà nước trong các ngành công nghiệp chủ chốt cùng với tự do hóa thị trường ở một mức độ nhất định trong các ngành khác đã khiến người ta dễ hình dung rằng đất nước này sẽ sớm trở lại ánh hào quang của một siêu cường.
Nhưng điều đó bây giờ sẽ không xảy ra nữa. Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới do Mỹ thống trị hoặc bước vào làn đường chậm. Sẽ không có thế kỷ Thái Bình Dương và tất cả những sai trái lịch sử đó sẽ không được sửa chữa, chắc chắn là không phải lúc này.
Mỹ đã tận dụng lợi thế của mình rất tốt. Những gì Trung Quốc đã đạt được về mặt xã hội và kinh tế trong 40 năm qua là đáng kinh ngạc dù so với bất kỳ tiêu chuẩn nào. Từ một quốc gia nghèo dựa vào nông nghiệp vào cuối Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ đã chuyển đổi cơ sở hạ tầng của mình bằng cách xây dựng một mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng và sân bay.
Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử loài người, và chỉ trong vòng chưa đầy một thế hệ. Nước này đã xây dựng những thành phố mới rộng lớn, thu hút hàng nghìn tỷ đô la đầu tư nước ngoài và mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, gần đây nhất là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Mặc dù có thể một số người tại Đồi Capitol đã nhìn thấy trước những gì sắp diễn ra từ hơn một thập niên trước, nhưng người dân Trung Quốc, đặc biệt giới lãnh đạo nước này, vẫn thật khó chấp nhận thực tế rằng con đường dẫn đến vinh quang của họ sắp kết thúc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tự huyễn hoặc mình, khi hy vọng của họ được hun đúc bởi các nhà đầu tư nước ngoài nhiệt tình, luận điệu của các học giả địa phương và giấc mơ của chính người dân Trung Quốc.
Chính cuộc chiến thương mại đã phơi bày những điểm yếu của Trung Quốc. Giờ thì đã rõ rằng Huawei, hy vọng lớn của Trung Quốc về công nghệ cao, cùng với ZTE và một số công ty công nghệ thông tin khác, không phải là những thế lực thực sự đáng gờm. Không có phần cứng, giấy phép hoạt động và phần mềm của Hoa Kỳ, các công ty này đã rơi vào khó khăn.
Họ chậm hơn ít nhất 10 năm về mặt công nghệ và không thể phát triển các kỹ năng cần thiết để tồn tại trong hình thức hiện tại. Mối liên kết với Nga không giải quyết được vấn đề này. Hai quốc gia đều không có các công nghệ tiên tiến nên không thể bổ sung cho nhau nhiều.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong ngành quốc phòng, công nghiệp ô tô, hàng không và nhiều lĩnh vực khác. Bất chấp nhiều thập niên nỗ lực và rất nhiều kế hoạch của nhà nước, Trung Quốc thiếu chiều sâu về kỹ năng kỹ thuật, bằng sáng chế và công nghệ cần thiết để sản xuất các sản phẩm cao cấp có thể cạnh tranh toàn cầu. Việc mổ ruột một hệ thống quản lý chuyến bay, hệ thống phanh ô tô hoặc điện thoại thông minh và chế tạo lại các bộ phận không giúp Trung Quốc có thể phát triển các sản phẩm đó từ con số không.
Cuộc chiến thương mại không chỉ phơi bày tất cả những điều này, nó còn khiến Trung Quốc phải đối mặt với một sự lựa chọn khắt khe và khó chịu. Trung Quốc phải mở cửa ra, như Mỹ yêu cầu, hoặc chấp nhận đi một mình mà không có các kỹ năng cần thiết để giành chiến thắng.
Mỹ hiện đang đưa ra các đòi hỏi mà lợi thế chiến lược của nó cho phép. Mỹ muốn Trung Quốc chấm dứt trợ cấp nhà nước. Mỹ cũng muốn Trung Quốc chấm dứt việc làm hàng nhái và xóa bỏ các quy định buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Mỹ muốn tiếp cận thị trường nông sản Trung Quốc. Và Mỹ cũng muốn tiếp cận dữ liệu, để những gã khổng lồ công nghệ Mỹ có thể cạnh tranh mà không bị hạn chế. Họ muốn Trung Quốc chơi theo luật của Mỹ, vì biết rằng các đối thủ nội địa của Trung Quốc không thể thắng.
Cuối cùng, Mỹ muốn Trung Quốc tuân theo hệ thống thị trường tự do của phương Tây cùng sự chấm dứt chế độ độc đảng. “Hãy làm theo cách của chúng tôi” chính là thông điệp ở đây, và hãy nhớ rằng nước Mỹ là siêu cường toàn cầu vô song.
Trong một thời gian dài, dường như Trung Quốc đã có thể chống lại những áp lực như vậy. Trung Quốc có thể cảm thấy yên tâm khi nắm giữ rất nhiều trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, kiểm soát các mỏ đất hiếm, cùng các công ty lớn đang lên, cơ sở hạ tầng hiện đại, 1,4 tỷ dân, 5.000 năm lịch sử và ảnh hưởng ngày càng tăng ở châu Á. Nhưng vấn đề của Huawei đã cho thấy sự trống rỗng của những hy vọng này.
Vậy điều gì sẽ đến tiếp theo? Chấp nhận các điều khoản thương mại của Mỹ sẽ khó khăn. Trung Quốc có thể tiếp tục giữ vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu nhưng chỉ khi họ chịu trả tiền cho đặc quyền đó. Họ sẽ được phép phát triển các công ty công nghệ cao như Huawei nhưng chìa khóa cho công nghệ sẽ ở lại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc sẽ có thể gửi những đội quân du khách và đồng nhân dân tệ của mình ra nước ngoài để tìm bạn. Nhưng Trung Quốc sẽ chỉ có thể mua nguyên liệu thô nếu Mỹ đồng ý. Trung Quốc sẽ phải dần dần mở cửa thị trường và ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp, đồng thời chấp nhận nhịp đập chậm của tiếng trống dân chủ.
Đi một mình cũng sẽ khó khăn như vậy. Từ chối Mỹ có nghĩa là chấp nhận rằng Trung Quốc không thể cạnh tranh được trong các lĩnh vực kinh tế mang lại sức mạnh toàn cầu vì Trung Quốc không thể bắt kịp được về mặt công nghệ. Trung Quốc sẽ chỉ có thể cung cấp hàng hóa quốc phòng, ô tô, viễn thông và các sản phẩm cao cấp khác cho các quốc gia không có khả năng mua được những sản phẩm tốt nhất, và chỉ nếu như được Mỹ và các đồng minh cho phép.
Đi một mình có nghĩa là làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ dần dần chảy ra, và Trung Quốc sẽ trở nên đóng cửa hơn với thế giới, có lẽ sẽ như một Liên Xô của thế kỷ 21.
Dù Trung Quốc lựa chọn chấp nhận sự sỉ nhục nào đi chăng nữa thì nó đều sẽ gây ra các hệ quả cho xã hội Trung Quốc trong nhiều thập niên tới, cũng như cho phần còn lại của thế giới.
P.N.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/06/12/chien-tranh-thuong-mai-phoi-bay-tu-huyet-cua-trung-quoc/
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...