Một hiệp định sỉ nhục

Tâm Don

Hiệp định không tên mà ông Thể nêu ra được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngoài điều khoản Việt Nam không có quyền chỉ định thầu, chắc chắn sẽ có nhiều điều khoản khác gây bất lợi cho Việt Nam, chỉ có lợi cho phía Trung Quốc. Nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đã ký với Trung Quốc hiệp định không tên mà ông Thể nêu ra, chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và nguyền rủa.


Hôm qua, mồng 5-6, trả lời chất vấn của quốc hội, ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có tiết lộ: "Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định, theo đó, phía Trung Quốc có quyền chỉ định nhà thầu. Phía Việt Nam không có quyền chỉ định nhà thầu, đành phải chấp nhận". Thông tin ông Thể đưa ra đã nêu lên một sự thật cay đắng: các công trình giao thông mà Việt Nam vay tiền của Trung Quốc chỉ làm lợi cho phía Trung Quốc, gây thiệt hại cho Việt Nam dù ông Thể không cho biết đó là vốn vay thương mại hay vốn vay ODA. Tại sao lại thế?

Theo thông lệ quốc tế, nếu một quốc gia vay vốn từ các quốc gia khác hay từ các tổ chức tài chính theo hình thức vốn vay thương mại, quốc gia vay vốn đó hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nhà thiết kế, nhà tư vấn giám sát và nhà thầu xây dựng bằng hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu. Nếu vốn vay có nguồn gốc từ các quốc gia và tổ chức tài chính có trách nhiệm, có độ minh bạch và công khai cao, các quốc gia và tổ chức tài chính này sẽ yêu cầu nước vay vốn đấu thầu dự án công khai và minh bạch. Trong quá trình triển khai dự án, quốc gia và tổ chức tài chính cho vay sẽ tiến hành kiểm tra và giám sát dự án để dự án có tiến độ đúng cam kết và có chất lượng- hiệu quả cao. Có một thời gian dài, Việt Nam đã đi theo hướng này.

Nếu Việt Nam ký kết với Trung Quốc hiệp định mà theo đó Trung Quốc có quyền chỉ định nhà thầu, điều này có nghĩa Việt Nam đã đi ngược lại thông lệ quốc tế, phá bỏ con đường mà mình đã từng đi. Và điều này cũng có nghĩa, nhà thầu Trung Quốc chỉ có thu lợi, nhà nước Trung Quốc chỉ việc thu lợi, và người thiệt hại là nhân dân Việt Nam.

Từ lâu, Việt Nam đã nhận- vay vốn ODA ( vốn viện trợ phát triển) từ nhiều nước, và nhận- vay nhiều nhất là từ Nhật Bản. Khi Việt Nam nhận- vay ODA từ Nhật Bản, EU đều phải chấp nhận thông lệ quốc tế: Việt Nam phải có nguồn vốn đối ứng ít nhất là 30%; doanh nghiệp của nước cho vay sẽ thực hiện dự án nhưng theo cung cách đấu thầu rộng rãi và minh bạch; doanh nghiệp của nước cho vay ODA khi trúng thầu dự án phải liên danh với doanh nghiệp Việt Nam để tiến hành dự án. Một thời gian dài Việt Nam đã đi theo con đường này.

Nếu Việt Nam vay vốn của Trung Quốc theo hình thức ODA (vốn viện trợ phát triển) mà không có nguồn vốn đối ứng( vốn đối ứng nhằm bắt buộc nước nhận- vay ODA có trách nhiệm hơn đối với dự án, san sẻ rủi ro với nước cho vay ODA), Việt Nam đã đi ngược với thông lệ quốc tế, và đã xóa bỏ con đường mà mình đã đi. Không có nguồn vốn đối ứng, Việt Nam đã tự mình tách mình ra khỏi việc xây dựng và thi công dự án, hầu như không có quyền hành gì đối với dự án.

Nhưng nếu Việt Nam có nguồn vốn đối ứng trong các dự án có yếu tố ODA từ Trung Quốc mà Việt Nam không có quyền chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu, Việt Nam đã không thực hiện quyền quản trị trên đất nước mình, chủ động nhường sân chơi cho Trung Quốc. Và dĩ nhiên, phía Trung Quốc - phía được quản trị là kẻ thu lợi, và nhân dân Việt Nam là người gánh chịu hậu quả.

Hiệp định không tên mà ông Thể nói ra được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu không mau chóng thương lượng sửa đổi, hoặc thương lượng xóa bỏ sẽ gây đau thương đói nghèo cho nhân dân Việt Nam mãi mãi. Nếu hiệp định không tên này không được thảo luận sửa đổi để hai bên cùng lợi, nếu không được thương lượng xóa bỏ, các công trình ở Việt Nam có nguồn gốc vốn Trung Quốc sẽ có mức đầu tư cao ngút trời, có công nghệ và chất lượng thấp, có hiệu quả kinh tế và xã hội thấp, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Tất cả những điều này sẽ đẩy Việt Nam về phía bẫy nợ mà Trung Quốc giăng ra.

Hiệp định không tên mà ông Thể nêu ra được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngoài điều khoản Việt Nam không có quyền chỉ định thầu, chắc chắn sẽ có nhiều điều khoản khác gây bất lợi cho Việt Nam, chỉ có lợi cho phía Việt Nam. Nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đã ký với Trung Quốc hiệp định không tên mà ông Thể nêu ra, chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và nguyền rủa.

T.D.

VNTB gửi BVN


(Bài viết của tác giả bxvn)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...