Người đưa tin
07.09.2016 | 10:13 AM
Quá trình đi tìm cây sứ trong Đại nội Huế chở đến “vườn ươm”, chúng tôi bắt gặp một khu “vườn thượng uyển”. Nơi đây, xuất hiện hàng trăm loại cây cảnh quý hiếm, có giá trị.
Tìm vườn ươm, gặp vườn… thượng uyển
Như chúng tôi đã đưa tin, gần đây dư luận tại Thừa Thiên - Huế cho rằng, có việc mang cây cổ thụ trong khu di sản biếu 'sếp' làm quà. Để làm rõ những đồn đoán này, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các cơ quan chức năng liên quan.
Với cách giải thích chưa thuyết phục từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về sự di chuyển cây sứ trăm tuổi trong khu vực Đại nội, chúng tôi quyết định đi tìm sự thật. Quá trình này, chúng tôi phát hiện, tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) xuất hiện một ngôi “biệt phủ” xây dựng không phép.
Biệt phủ này, nằm ngay trên đường Dạ Lê, thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy - con đường chính nối liền giữa đường tránh TP Huế với Quốc lộ 1A, giao thông đi lại khá thuận lợi.
Những bonsai độc đáo trong "vườn thượng uyển"
Một con đường bê tông độc đạo từ đường Dạ Lê vào khoảng 200m là cánh cổng chính của khu biệt phủ đang xây dựng, cho thấy tầm vóc tương lai của nó. Phía trong khu biệt phủ này là hệ thống ao hồ thông với nhau; cùng các cầu cống, nhà gỗ, tiểu cảnh hòn non bộ… Đặc biệt, nơi cây xuất hiện cơ man đủ loại cây cảnh quý với nhiều thế độc đáo, lạ. Tất cả khu này, đang trong quá trình hoàn thiện; ngổn ngang vật liệu và một tốp công nhân đang xây dựng.
Các tiểu cảnh, hòn non bộ được hình thành bài trí rất đẹp mắt.
Khuôn viên biệt phủ rộng khoảng 1ha. Bên cạnh hệ thống cây cảnh: Sưa, lộc vừng, mai vàng, tùng, sanh… là những chòi gỗ, nhà rường cổ, phản ngựa lớn… khiến cho nơi đây như một khu vườn thượng uyển dành cho bậc vua quan xưa.
Nhà gỗ, nhà rường cổ có giá trị.
Trong khu vườn thượng uyển này, có sự xuất hiện của 3 cây sứ. Qua quan sát gốc, cành thì 2 trong số 3 cây này, có dấu vết mới trồng cách đây không lâu khi còn phải có sự chống đỡ của các thanh gỗ.
Khu vườn có nhiều cây sứ mới trồng nhưng có tuổi thọ cao.
Biệt phủ không phép đứng tên mẹ của "sếp"
Qua trao đổi với tốp công nhân đang xây dựng ở đây, chủ nhân của khu vườn này là người đàn ông tên Sơn. Một công nhân cho biết, thi thoảng 3-4 ngày, người đàn ông tên Sơn lại về đây một lần thăm khu biệt phủ và chỉ đạo công tác xây dựng.
Để xác định chủ nhân thực của khu vườn, PV đã có buổi làm việc với ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng TN-MT Thị xã Hương Thủy. Qua kiểm tra sổ sách, ông Bình cho biết, khu đất trên hiện đứng tên bà Trương Thị Kim. “Tôi chỉ biết bà Kim là mẹ ông Huỳnh Ngọc Sơn (Giám đốc sở Tài chính - PV) chứ không rõ mẹ vợ hay mẹ ruột…”, ông Bình cho phóng viên hay.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, cán bộ địa chính phường Thủy Phương tiết lộ, diện tích khu đất này trong hồ sơ, rộng 6782.85 m2. Khi PV cho hay, trên khu đất đang diễn ra các hoạt động xây dựng quy mô hoành tráng, rầm rộ, ông này lại tỏ ra khá bất ngờ. Ông Hữu khẳng định: “Việc xây dựng này, chưa thấy báo cáo với phía phường”.
Khu vườn đang trong quá trình xây dựng.
Ông Lê Hữu Ngọc, Trưởng phòng Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng thuộc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế khi nhận được thông tin, đã thể hiện quan điểm: "Về phương diện phân cấp quản lý nhà nước thì việc này thuộc trách nhiệm của địa phương. Cụ thể là UBND phường Thuỷ Phương và thị xã Hương Thuỷ phải có trách nhiệm. Chúng tôi không thể quản lý hết các dự án xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh được. Trên đất mình quản lý mà phường không biết việc người ta xây dựng cả khu biệt phủ như thế thì hơi lạ, hơi vô lý và không đúng với trách nhiệm được giao”.
Câu chuyện về điểm đến của những cây cổ thụ trong khu di tích vẫn còn dài, ngôi biệt phủ trăm tỷ xây dựng không phép thực chất là của ai, chúng tôi tiếp tục điều tra, tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
(Còn nữa)
NHÓM PVMT
(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...