Xã hội hóa nguồn tiền bắt đầu từ những chủ trương "nhà nước và nhân dân cùng làm". Chủ trương này ban đầu nhằm cải thiện hệ thống đường sá ở nông thôn. Người dân góp tiền, công sức cùng làm với nhà nước. Ở nhiều nơi người dân thực hiện giám sát chặt chẽ việc thi công. Kết quả chất lượng công trình tương đối tốt. Nhiều ngõ ngách ở làng quê đã được bê tông hóa, sạch sẽ, thuận tiện cho việc sinh hoạt của bà con. Lợi ích thiết thực và trông thấy rõ ràng.
Trong một đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động đóng góp của người dân để cải tạo hạ tầng cơ sở, đường sá là việc bất đắc dĩ. Càng làm những công trình phải huy động [dân chúng càng thấu hiểu họ bỏ tiền ra đem lại được lợi ích gì thiết rthực cho chính mình]. Cho nên chủ trương chỉ dành cho những việc mang lợi ích thực tế.
Gần đây một số địa phương đã lợi dụng "xã hội hóa" để dùng cho những việc tổ chức lễ hội, kỷ niêm, tượng đài...
Đặc biệt là thành phố Hà Nội dưới thời của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Việc huy động nguồn tiền xã hội hóa dành cho các chương trình lễ hội hoành tráng diễn ra rất nhiều lần, rất tốn kém, như việc bắn pháo hoa hết 30 tỷ đồng, tiếp đến vụ thay thế hàng ngàn cây xanh rồi lại đến vụ bắn 21 pháo đại bác ở ngày Quốc khánh [sắp] tới đây.
Có phải cứ tiền xã hội hóa là muốn làm gì cũng được không?
Chả lẽ các quan chức có thể tuỳ tiện dùng tiền huy động từ các doanh nghiệp để tổ chức lễ hội, không cần phải chịu sự kiểm soát nào, miễn là tiền không lấy từ ngân sách nhà nước thì có thể tự do làm gì thì làm?
Đất nước ta còn đang đói nghèo. Báo cáo năm 2010 Việt Nam đã thoát đói nghèo, nhưng thực tế thì tháng 7 năm 2015 này, Chính phủ đã phải nói khó để Ngân hàng Thế giới tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục được vay nguồn vốn IDA, tức nguồn vốn lãi suất ưu đãi cho các nước nghèo đói.
Không cần thiết phải liệt kê những nơi còn khó khăn đến từng bữa ăn, từng đàn trẻ đu dây qua cầu. Không cần phải đọc những trường hợp đau thương của bọn phản động lề trái đưa ra để nhằm mục đích xuyên tạc hình ảnh đất nước.
Hãy cứ nhìn vào những chương trình từ thiện của báo Dân trí, “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, diễn đàn “Mẹ và Bé”, “webtretho”... sẽ thấy trên khắp đất nước này, cái nghèo đói, không tiền chữa bệnh, không tiền đóng học khiến nước mắt đang rơi khắp chiều diện tích đất nước từ vùng cao đến miền duyên hải.
Thế nhưng thành phố Hà Nội liên tục tổ chức những lễ hội tốn kém để làm gì?
Như họ giải thích là tiền từ xã hội hóa. Mục đich là cho dân vui, dân nghèo cần thấy pháo hoa để ấm lòng.
Xã hội hóa nguồn tiền, nói trắng ra là tiền từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp lấy tiền ở đâu, lấy tiền từ dân, từ người lao động. Tiền ở giá thành, tiền ở mức lương chi trả cho người lao động. Tiền từ trốn thuế, từ việc giảm bớt những chất lượng sản phẩm, bỏ qua những công đoạn bảo vệ vệ sinh, môi trường để giảm chi phí giá thành.... Chỉ có những doanh nghiệp như thế mới sẵn sàng đóng tiền để thành phố Hà Nội tổ chức những việc vô bổ như vậy. Hay đây là hình thức biến thái của việc hối lộ.
Doanh nghiệp có tiền bằng mồ hồi, trí óc, lành mạnh ngày nay hiếm lắm. Và nếu có những người có tâm như vậy, lẽ nào họ bỏ đồng tiền xương máu để làm những việc phù phiếm, xa hoa. Trừ khi họ bị ép buộc như dạng tống tiền. Không đóng góp sẽ bị gây khó khăn, cản trở.
Dân nghèo, người lao động họ có cần xem một buổi bắn pháo hoa để xua tan được nỗi cực nhọc, khốn khổ suốt kiếp đeo đuổi họ không. Dân nghèo, người lao động có cần phải chặt đi hàng cây xanh để thay thế loại cây mới mà hàng [mấy] chục năm nữa mới biết nó có mang bóng mát hay bầu không khí trong lành lại cho họ hay không?
Chưa kể đến yếu tố chính trị, trong khi Chính phủ [còn đang] vật lộn để điều chỉnh bội thu ngân sách, giảm mức thuế cho doanh nghiệp, gắng duy trì quỹ bảo hiểm xã hội, cân nhắc từng đồng tiền. Mặt khác lo trả lãi hàng năm cho khoản nợ đến hơn trăm tỷ USD. Phải muối mặt vật nài vay mọi khoản có thể vay được, thậm chí là cả vốn IDA dành cho các nước nghèo đói nữa.
Vây thì xã hội hóa lấy nguồn tiền của nhân dân để tổ chức lễ hội xa hoa là nhằm mục đích gì?
Muốn vả cái tát vào những đề nghị vay tiền từ WB, IMF của Chính phủ, rằng đồng tiền chúng mày cho tao vay đói nghèo, nhưng đất nước tao vẫn thừa tiền để xa hoa, lãng phí đấy.
Hay muốn chứng tỏ rằng, dù đất nước này nghèo đói, đi vay từng đồng, nhưng riêng lãnh đạo Hà Nội lúc nào cũng sẵn tiền, lúc nào cũng có nguồn tiền riêng rất phong phú, đa dạng, cần lúc nào cũng có.
Đến lúc Chính phủ cần phải làm rõ việc huy động nguồn tiền xã hội hóa của thành phố Hà Nội, xem xét việc tổ chức lễ hội hoành tráng có cần thiết hay không. Những doanh nghiệp đóng góp làm ăn có lành mạnh hay không. Tâm lý của người đóng góp có thực sự vui vẻ hay không. Việc xã hội hóa nguồn tiền vào lễ hội có làm ảnh hưởng đến việc huy động tiền xã hội hóa vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở hay không. Đặc biệt là ý đồ chính trị của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức lễ hội hoành tráng, tốn kém quá mức là gì.
Người Buôn Gió
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...