Diễn biến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ Trên Không năm 1972

DIỄN BIẾN 12 NGÀY ĐÊM ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG NĂM 1972


— Những ngày giữa tháng chạp năm 1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương, sôi động. Ngày 13 tháng 12, do thái độ ngoan cố, lật lọng của chính quyền Mỹ, Kít-xinh-giơ, cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.
— Ngày 17/12, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng. Chiến dịch mang tên Lai-nờ-bách-cơ II.
Về phía ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho Quân chủng Phòng không Không quân chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng B-52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.
— 10 giờ 30 phút, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân trực tiếp chỉ thị cho các đơn vị toàn quân chủng, đặc biệt là hai khu vực Hà Nội — Hải Phòng: "Tình hình rất khẩn trương, các đơn vị cần thực sự chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có kế hoạch tiếp tế đạn cho tên lửa, bảo đảm vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu với hệ số kỹ thuật cao nhất; thông tin liên lạc phải thường xuyên thông suốt; tổ chức báo động kiểm tra các đơn vị".
— Toàn Quân chủng Phòng không Không quân cũng quân và dân miền Bắc đã làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, quyết đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ nếu chúng liều lĩnh leo thang ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.

Ngày 18/12/1972
— Sáng 18/12, Bộ Tổng Tham Mưu điện cho các đơn vị: cần đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng pháo cao xạ, tên lửa, ra-đa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, có kế hoạch sơ tán đào hầm hào, phối hợp với công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản...
— Phủ Thủ tướng cũng điện cho các Bộ và cơ quan: Địch có thể ném bom Hà Nội — Hải Phòng cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán của thành phố.
— 10 giờ 15 phút, một chiếc máy bay trinh sát không người lái của địch bay từ hướng Tây Bắc vào trinh sát Hà Nội. Các đơn vị ra-đa phát hiện báo cáo về Tổng trạm ra-đa và sở chỉ huy Quân chủ́ng Phòng Không.
— 16 giờ 30 phút Bộ Tổng Tham Mưu thông báo cho Quân chủng Phòng không Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô: Sẽ có đợt hoạt động lớn của máy bay chiến lược B-52 ra miền Bắc.
— 19 giờ 10 phút, các đài ra-đa cảnh giới của của binh chủng ra-đa báo cáo về sở chỉ huy trung tâm: "B-52 đang bay vào hướng Hà Nội".
— 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F4, F8, F111, A6, A7...). Cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở chỉ huy trung tâm: Máy bay F111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Thủ đô ra lệnh báo động toàn thành phố. Lập tức, còi báo động từ Nhà hát Lớn, Quảng trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ và nhiều nơi nội và ngoại thành nổi lên khẩn cấp.
— Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm... Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu, mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không".
— 20 giờ 18 phút, tiểu đoàn 59 trung đoàn tên lửa phòng không 261 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp hạ ngay 1 máy bay B-52 (máy bay rơi xuống cánh đồng thuộc Phủ Lỗ và Đông Xuân, giữa tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nội, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.
— 20 giờ 16 phút, tiểu đoàn tên lửa 52, trung đoàn 267, sư đoàn phòng không 365 từ một trận địa ở Nghệ An bắn bị thương nặng 1 máy bay B-52 khi chúng vừa gây tội ác ở Hà Nội về, buộc phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Đà Nẵng.

Đêm 18/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 8 lần chiếc F111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội. 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm chết 300 người.

Ngày và đêm 19/12/1972
— Sau cuộc chiến đấu ngày 18/12 các lực lượng chiến đấu đã kịp thời rút kinh nghiệm và hạ quyết tâm đánh mạnh hơn nữa lập thành tích chào mừng ngày toàn quốc kháng chiến 19/12.
— 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 19/12, địch ném bom đợt thứ 3 vào các khu vực Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (Mễ Trì), xã Nhân Chính, nhà máy Cao su Sao Vàng... Các trận địa tên lửa, pháo phòng không với các đơn vị dân quân tự vệ Thủ đô bắn hàng ngàn viên đạn các loại tiêu diệt một máy bay F4.
— Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Tên lửa 257 đánh một trận thật xuất sắc, bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52.
— Sáng 19/12, Bộ Chính trị họp biểu dương các lực lượng phòng không đã chiến đấu dũng cảm, đồng thời chỉ thị các đơn vị cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh chủ quan thỏa mãn, chuẩn bị đầy đủ hơn nữa để chiến đấu liên tục, bắn rơi nhiều máy bay B-52.
— Tổng tham mưu trưởng chỉ thị: Bộ đội tên lửa đêm chiến đấu, ngày nguỵ trang sơ tán. Bộ đội ra-đa phải thường xuyên theo dõi địch, quản lý vững chắc vùng trời cả ngày và đêm. Bộ đội pháo phòng không thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao và đánh thắng địch.
— Đêm 18 rạng ngày 19/12, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến ngay một số đơn vị Phòng không Không quân và khu vực Đông Anh, Yên Viên nơi vừa bị B-52 của giặc Mỹ ném bom, động vien thăm hỏi bộ đội và nhân dân Thủ đô.
— Nhiều nước trên thế giới ra tuyên bố hoặc điện tới Tổng thống Mỹ yêu cầu chấm dứt hành động dùng máy bay B-52 ném bom tàn phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam.
— 19 giờ 45 phút ngày 19 đến 5 giờ 20 phút ngày 20/12, máy bay B-52 tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Riêng ở Hà Nội 87 lần chiếc B-52 và hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội ngoại thành

Sau 2 đêm đầu chiến đấu tuy quân dân ta giành thắng lợi, nhưng lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô cũng gặp khó khăn. Nhiều trận địa bị trúng bom. Cơ số đạn tiêu thụ quá mức. Trận địa pháo 10 mm của tự vệ Đống Đa bắn hết đạn, nhiều tiểu đoàn tên lửa đạn dự trữ còn ít.

Ngày 20/12/1972
— 11 giờ 45 phút, Bộ Tổng tư lệnh điện cho các đơn vị: "Chiều và đêm nay địch sẽ đánh lớn bằng máy bay B-52 và máy bay cường kích vào thủ đô Hà Nội".
— 19 giờ ngày 20 đến sáng 21/12, địch huy động 78 lần chiếc B-52 ném bom Hà Nội và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào đánh phá nội, ngoại thành Hà Nội. Bộ đội ra-đa phát hiện nhanh, xa, đúng, đủ, kịp thời, mắc cho các loại máy bay địch phát nhiễu dày đặc.
— Khi B-52 địch cách Hà Nội 80 km, trực ban trưởng Sở chỉ huy phòng không đóng cầu dao, nổi còi báo động toàn thành phố sẵn sàng chiến đấu.
— 20 giờ 5 phút đến 20 giờ 7 phút, trận đánh xuất sắc trong 2 phút từ cự ly 22 km với 2 quả đạn, tiểu đoàn 93, trung đoàn tên lửa 261 bắn cháy 1 máy bay B-52 rơi tại chỗ ở khu vực ga Yên Viên, cách Hà Nội hơn 10 km.
— 20 giờ 34 phút, bằng cách đánh "mới", tiểu đoàn 77, trung đoàn tên lửa 257 bắn rơi chiếc B-52 thứ 2 ở ngoại thành.
— 20 giờ 29 phút đến 20 giờ 38 phút, 3 tiểu đoàn tên lửa (78, 79, 94) tập trung hỏa lực bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 3.
— Trong đợt chiến đấu này, các đại đội pháo 100 mm của dân quân tự vệ thủ đô đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội tên lửa cao xạ 57 mm, 14.5 mm, 12.7 mm bằng nhiều phương pháp bắn cản (bắn đón), bắn theo tiếng động... bảo vệ vững chắc cho các trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng khu vực nội, ngoại thành Hà Nội.

Đêm 20 rạng ngày 21/12 bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B-52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Tiêu biểu là trận đánh lúc 5 giờ 2 phút đến 5 giờ 11 phút các tiểu đoàn (57, 77, 79) chỉ trong 9 phút với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B-52 (3 chiếc rơi tại chỗ). Riêng tiểu đoàn 57 với 2 quả đạn cuối cùng trong 2 phút (từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 11 phút) bắn rơi 2 máy bay B-52 (1 chiếc rơi tại chỗ).

Cùng ngày, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội vừa qua đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Cuối cùng, Đại tướng nói: ''Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội.''

Ngày 21/12/1972
— Tại Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng chiến sự vẫn diễn ra ác liệt.
— Ban ngày, 180 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ đánh phá các mục tiêu trọng yếu: Ga Hàng Cỏ và Sở công an Hà Nội, nhà máy điện yên Phụ, Bộ Giao thông, cầu Phủ Lý và 6 đợt đánh vào khu vực thị xã Thanh Hóa.
— Từ 11 giờ 15 phút đến 12 giờ 24 phút, địch cho 2 lần chiếc máy bay trinh sát Hà Nội và đường số 1 Bắc, nhằm thăm dò lực lượng của ta và chuẩn bị cho đợt tập kích tiếp theo.
— 21 giờ 37 phút đêm, rạng sáng 22, địch huy động 24 lần chiếc máy bay B-52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh sân bay và bệnh viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển... Ngoài ra, 30 lần chiếc F4, F105 vào đánh phá các khu vực Bắc Giang, ga Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi và An Lão (Kiến An).

Phát huy khí thế chiến thắng của 3 ngày đêm trước quân và dân ta đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó bắn rơi tại chỗ 3 B-52, 2 F4, 2 A7, 1 F111, 1 A6, 1 RA5C, 1 F105...

Ngày 22/12/1972
— 2 giờ 38 phút sáng 22/12, bộ đội ra-đa đã phát hiện chính xác các tốp B-52 và máy bay chiến thuật Mỹ ở hướng Tây Nam. Lần này địch sử dụng 24 chiếc B-52 và 36 máy bay chiến thuật vào đánh phá sân bay, bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Gia Lâm, Văn Điển... và các trận địa tên lửa, 18 lần chiếc F111 hoạt động xen kẽ ở độ cao thấp nhằm bất ngờ đánh phá vào các mục tiêu đã trinh sát.
— 3 giờ 42 phút, các kíp chiến đấu của tiểu đoàn 57 bộ đội phòng không Hà Nội đã bình tĩnh, dũng cảm vận dụng kinh nghiệm chiến đấu của các đêm trước, đồng loạt nổ súng bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 ở chợ Bến, Mỹ Đức, Hà Tây. Cùng thời điểm này, tiểu đoàn 71 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 ở Thanh Miện, Hải Hưng.
— 3 giờ 46 phút, tiểu đoàn tên lửa 93 lại bắn rơi 1 chiếc B-52 ở khu vực Quỳnh Côi, Thái Bình.
— Ban ngày, 56 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đánh phá các mục tiêu: Ga Kép, thị xã Bắc Giang, thành phố Việt Trì, thị trấn Vĩnh Yên. Ban đêm, 24 lần chiếc B-52 có 30 chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, 9 F111 tập trung đánh khu vực Hải Phòng gồm Sở Dầu, nhà máy xi măng, khu An Dương, Đông Anh (Hà Nội), Hòa Lạc, Đáp Cầu... Quân và dân ta bắn rơi 5 máy bay, trong đó bắn rơi tại chỗ 3 B-52, 1 F4.
— Ngày 21, 22/12, tại trận địa Vân Đồn (Hà Nội), các chiến sĩ tự vệ nhà máy Liên Cơ Hà Nội bằng 19 viên đạn 14.5 ly ngay loạt đạn đầu đã bắn rơi 1 máy bay F111 "cánh cụp cánh xòe" của Mỹ.
— Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội, 22/12, Bộ Tổng Tư lệnh gửi thư khen bộ đội tên lửa, cao xạ, không quân, ra-đa, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, đồng bào và cán bộ Thủ đô đã chiến đấu giỏi, đánh những trận xuất sắc tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ.

Ngày 23/12/1972
— Ban ngày, 54 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội, Mai Dịch, Trạm Trôi, Hoài Đức (Hà Tây). Ban đêm 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và khu vực Bắc Giang; 30 chiếc máy bay F4 và F105, 11 máy bay F111 đánh vào Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng biển, có 7 máy bay chiến thuật của Hải quân Mỹ vào đánh Uông Bí, Phà Rừng, Sở Dầu và sân bay Kiến An (Hải Phòng).
Ta bắn 4 máy bay trong đó có 2 B-52, 1 F4, 1 A7.
— Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng quân dân miền Bắc và cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt tuyên dương công trạng của quân và dân Hà Nội chiến đấu oanh liệt, giành thắng lợi to lớn, bắn rơi tại chỗ chiếc B-52.

Ngày 24/12/1972
— Ban ngày, địch huy động 44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên (Cao Ngạn và dọc đường số 1), Sen Hồ, Việt Yên (Hà Bắc).
— Ban đêm, từ 19 giờ 50 phút, địch dùng 33 lần chiếc B-52 đánh phá ác liệt ga Kép, Bắc Giang, phối hợp với 39 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ đánh phá các sân bay Yên Bái, ga Kép và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội).
Quân và dân miền Bắc chiến đấu giỏi đã bắn rơi 5 chiếc máy bay — trong đó có 1 B-52, 2 F4, 2 A7.
— Do bị thất bại nặng nề và lấy cớ nghỉ lễ Nô-en, 24 giờ ngày 24/12, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần bọn giặc lái, rút kinh nghiệm tìm thủ đoạn và cách đánh mới.

Ngày 25/12/1972
— Từ 0 giờ ngày 25/12/1972, không quân địch ngừng ném bom miền Bắc nhân dịp lễ Nô-en.
— Sáng 25, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân triệu tập Hội nghị quân chính tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu gai đoạn 1 và phổ biến tình hình nhiệm vụ giai đoạn tới.
— Qua 7 ngày chiến đấu ngoan cường dũng cảm, bộ đội tên lửa, pháo phòng không hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ cùng bộ đội ra-đa, không quân và các lực lượng phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 53 máy bay địch, có 18 B-52, 5 F111. Trong đó Quân chủng Phòng không Không quân bắn rơi 31 chiếc (tên lửa bắn rơi 23 chiếc có 17 chiếc B-52, không quân bắn rơi 1 chiếc F4, pháo phòng không bắn rơi 7 chiếc). Lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ bắn rơi 22 chiếc, trong đó có 4 chiếc F111 và pháo 100 mm được công nhận bắn rơi 1 chiếc B-52.
— Bộ Chính trị, Quân Ủy Trung ương nhận định: Địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân Thủ đô Hà Nội cần gấp rút chuẩn bị tốt lực lượng đánh địch trong những ngày tới.
— 15 giờ 25 phút ngày 25/12, Bộ Tổng Tham Mưu lệnh cho Quân chủng Phòng không Không quân từ 19 giờ ngày 25/12/1972, tất cả bộ đội, vũ khí, khí tài tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu 100%. Bộ đội ra-đa phải phân biệt chính xác mục tiêu thật, giả và thông báo kịp thời B-52 địch, chú ý máy bay bay thấp. Các loại pháo, súng máy phòng không tổ chức bố trí đón lõng tập trung đánh tiêu diệt F111 và bảo vệ tên lửa; pháo 100 mm tham gia đánh B-52.

Ngày 26/12/1972
— 13 giờ ngày 26, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh. Tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 285 đã bắn rơi 1 máy bay F4.
— Từ 22 giờ 5 phút ngày 26/12, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên (Mỹ tập trung 66 lần chiếc B-52 vào đánh phá Hà Nội, 21 lần chiếc B-52 đánh Thái Nguyên và 18 lần chiếc B-52 đánh Hải Phòng).
— 22 giờ 40 phút , máy bay B-52 ồ ạt đến ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội. Khu phố Khâm Thiên và Khu Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề gây khó khăn nhiều nhất cho nhân dân ta.
— Từ các trận địa ở khu vực ngoại thành, ba tiểu đoàn tên lửa (57, 76, 88) đã tập trung bắn rơi 1 máy bay B-52. Sau ít phút các tiểu đoàn (57, 58, 79, 85, 87, 94) lập tức bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52, một chiếc rơi xuống xã Định Công (Thanh Trì).
— Với kinh nghiệm dày dạn, các tiểu đoàn tên lửa Phòng không (59, 93, 78, 79) đã phân tích chính xác, mục tiêu B-52 trong dải nhiễu, bắn rơi thêm 2 chiếc B-52.
— Cùng thời gian này tại Hải Phòng, tiểu đoàn tên lửa 81 đã vận dụng tốt phương pháp điều khiển và bám sát mục tiêu trong dải nhiễu, bắn rơi 1 máy bay B-52 ngay trên đất cảng. Đại đội 74 pháo 100 mm, trung đoàn 252 cũng bắn rơi 1 B-52.

Trận chiến đấu đêm 26/12 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không 3 thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52, riêng Hà Nội Bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B-52 nhất trong 9 ngày qua. Trận đánh làm suy sụp tinh thần và ý chí của Nhà Trắng. Lầu Năm góc và bọn giặc lái Mỹ.

Ngày 27/12/1972
— Sáng ngày 27/12, địch điên cuồng cho 100 lần chiếc máy bay chiến thuật chia làm 3 đợt đánh phá dữ dội vào các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội như nhà máy dệt 8/3, ga và kho Văn Điển, cầu Đuống, Gia Lâm, đài phát thanh Mễ Trì, các trận địa tên lửa, ra-đa... Pháo phòng không các loại của quân dân Thủ đô đã phát huy hỏa lực, đánh trả mãnh liệt trên tất cả các hướng. Đại đội 61 tiểu đoàn 20 bắn rơi 1 máy bay F4. Cùng ngày 27, không quân ta cất cánh hai lần bắn rơi 2 chiếc máy bay F4 của Mỹ.
— Từ 19 giờ đến 22 giờ ngày 27/12, địch tăng cường huy động 36 lần chiếc máy bay B-52, có 66 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ, tập trung đánh phá các khu vực: Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nội, Cổ Loa; Xen kẽ giưa các đợt hoạt động của B-52 địch dùng 17 lần chiếc F111 tiếp tục thay nhau đánh phá, gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta.
— 22 giờ 20 phút ngày 27/12, Bộ Tư lệnh Không quân cho đồng chí Phạm Tuân lái máy bay MIG-21 cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái được Sở chỉ huy và ra-đa dẫn đường trực tiếp bảo đảm, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng đội hình B-52. Đến bầu trời khu vực Mộc Châu, Sơn La anh tiếp cận được mục tiêu, công kích bằng 2 quả tên lửa. Một chùm lửa bốc cháy trùm lên chiếc B-52 thứ 2. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội không quân ta bắn rơi trong chiến dich 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không".
— Ngay trong đêm 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Quân Ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khen bộ đội không quân đã lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B-52 của Mỹ.
— 23 giờ ngày 27/12, bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội đánh trả quyết liệt tốp B-52. Bằng 32 quả đạn, các đơn vị tên lửa phòng không của ta đã bắn tan xác 4 máy bay B-52 trong đó có 2 chiếc máy bay rơi tại chỗ.
— 23 giờ 2 phút ngày 27/12, hai tiểu đoàn tên lửa (71, 72) bắn tiêu diệt tốp máy bay B-52 từ hướng Tây lao vào đánh phá Hà Nội. Bằng 2 quả đạn theo phương pháp bám chính xác vào giữa nền dải nhiễu đậm, chiếc B-52 chưa kịp cắt bom đã bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống làng Ngọc Hà, đường Hòang Hoa Thám (Hà Nội). Đây là chiếc B-52 duy nhất chưa kịp cắt bom đã bị bắn rơi. Trong đó tiểu đoàn 59 và tiểu đoàn 77 cũng bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 lúc 23 giờ 4 phút và 24 giờ 6 phút ngày 27/12.

Trong ngày và đêm quân dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 5 B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 5 F4, 2 A7, 1 A6, 1 máy bay lên thẳng HH53 đến cứu giặc lái.

Ngày 28/12/1972
— Từ 10 giờ đến 17 giờ ngày 28/12, địch huy động 131 lần chiếc máy bay chiến thuật các loại đánh vào trận địa của bộ đội Phòng không Không quân ở khu vực nội, ngoại thành. Quân và dân Thủ đô đánh trả quyết liệt. Không quân ta cất cánh đánh một trận xuất sắc bắn rơi 1 máy bay RA5C.
— Cùng ngày Bộ Tổng Tham Mưu thông báo: Tổng thống Mỹ Níchxơn đã phải chấp thuận nối lại các phiên họp Hội nghị Pa-ri. Chính phủ ta chấp nhận.
— Tối 28/12, Trung đoàn 274 được lệnh cơ động tăng cường ra Thủ đô Hà Nội. Những quả đạn tên lửa từ Quân khu 4 được chuyển ra chi viện nhanh chóng cho mặt trận Hà Nội.
— Từ 20 giờ đến 22 giờ, địch sử dụng khoảng 60 lần chiếc máy bay chiến lược B-52 đánh phá khu vực Đông Anh, đa Phúc, Cầu Đuống, Yên Viên, Gia Lâm.
— 21 giờ 41 phút, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh của Sở chỉ huy Không quân, lái chiếc máy bay MIG-21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, do Sở chỉ huy sân bay Thọ Xuân và ra-đa dẫn đường vòng ra phía sau đội hình B-52 đuổi địch đến vùng trời Sơn La. Phát hiện được B-52 bám sát ở cự ly gần, Vũ Xuân Thiều xin công kích, quyết tiêu diệt địch. Sau khi bắn cháy máy bay địch, Vũ Xuân Thiều cũng anh dũng hy sinh.

Trận đánh ngày và đêm 28/12, quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Trong đó có 2 B-52, 1 RA5C.

Ngày 29/12/1972
— Ban ngày, địch sử dụng 36 chiếc máy bay của không quân chiến thuật Mỹ đánh phá nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và khu vực cây số 4 Bắc Thái Nguyên.
— 23 giờ 16 phút, địch huy động 60 lần chiếc B-52 đánh vào 3 khu vực: 30 B-52 đánh khu gang thép Thái Nguyên và khu Trại Cau, 18 B-52 đánh khu vực Đồng Mỏ (Lạng Sơn), 12 B-52 đánh Kim Anh (Vĩnh Phú).
— Ngoài ra 70 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ đánh xen kẽ các sân bay Thọ Xuân, Yên Bái, Hòa Lạc, Kép và khu vực Kim Anh (Vĩnh Phú), , Đông Anh (Hà Nội), ngoại vi Thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh.

Ta bắn rơi 2 máy bay, trong đó Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội chiến đấu anh dũng bắn rơi 1 máy bay B-52, 1 máy bay F4. đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng chạp năm 1972.

7 giờ sáng ngày 30/12, Níchxơn buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không Không quân.

Đã có 6 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Unknown bi bô...

— Những ngày giữa tháng chạp năm 1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương, sôi động. Ngày 13 tháng 12, do thái độ ngoan cố, lật lọng của chính quyền Mỹ, Kít-xinh-giơ, cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.
— Ngày 17/12, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng. Chiến dịch mang tên Lai-nờ-bách-cơ II.


Không hiểu các bác sẽ nói sao về quan điểm chính thống dưới đây?

Tôi đã đến Hà Nội để nghiên cứu cuốn sách thứ hai của tôi về chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam: câu chuyện về cuộc ném bom B52 Hà Nội Tháng Chạp năm 1972, được biết với cái tên "Người hỗ trợ phòng tuyến II". Tôi đã tới nơi cùng với cách hiểu theo chuẩn Mỹ về những cuộc đột kích:

Vào đầu Tháng Chạp, Tổng thống Ri-chát Ních-xơn và cố vấn an ninh quốc gia của ông ấy, Hen-ri Kít-xinh-giơ, đã đối mặt với một sự thất bại chính trị. Miền Bắc Việt Nam đã phá bỏ những cuộc thương lượng ở Pa-ri. Rõ ràng là họ chờ Quốc hội chống chiến tranh của Mỹ trở lại vào Tháng Một, cắt bỏ ngân sách giành cho cuộc chiến tranh, và đem lại cho họ một thắng lợi.
Để bắt ép Miền Bắc Việt Nam ký vào hiệp định, Ních-xơn đã quyết định ném bom Hà Nội. Sau những thiệt hại nặng nề ban đầu của Mỹ, B52 đã có khả năng tấn công với sự không thiệt hại một cách tương đối và, sau 11 ngày bị những cuộc đột kích, Miền Bắc Việt Nam đã trở lại Pa-ri để ký thỏa thuận mà họ đã bác bỏ vào tháng Chạp.

Nhưng giờ đây, sau vài ngày ở Hà Nội, tôi thấy là Miền Bắc Việt Nam đã có một nhận thức khác hẳn về cuộc ném bom. Họ đã coi "Người hỗ trợ phòng tuyến II" là chiến thắng quyết định của Việt Nam đối với Mỹ, một chiến thắng ở mức độ ngang với cuộc chiến đã buộc người Pháp phải rút khỏi Ấn-độ-Trung-hoa. Tôi đã tới viện bảo tàng để cố lý giải những hình dung hai mặt và tranh chấp lẫn nhau này về một cuộc chiến, và tôi đã rời khỏi bảo tàng cùng với những câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp của tôi."
- Nguồn Ném bom lễ Giáng Sinh

Đim-ma bi bô...

Lũ chiến bại tìm cách lấp liếm trận thua nhục nhã, chứ quan điểm gì đâu?

Yến Lan bi bô...

Thanh Thư, chị đã xem bản gốc:
"I had arrived with the standard U.S. understanding of the raids."

Chẳng phải thế đâu, đấy có lẽ chỉ là cách hiểu của một cựu chiến binh già thôi, còn những người Mỹ khác, bây giờ, họ đâu có nghĩ như thế.

Unknown bi bô...

@Yến Lan - Không phải thế à em? Tiếc quá đi!
Đấy mà lại đúng là "cách hiểu theo chuẩn Mỹ" thật, thì anh thích hẳn hơn, - có thể thưởng thức độ ngu xuẩn của họ.

Unknown bi bô...

Bác Đào Phò, vụ B52 này chi tiết (nét chính) thực ra thế nào?

Unknown bi bô...

Chuyện này bản chất như sau:

Đại khái, đánh nhau với Việt Nam đến lúc ấy thì Mỹ đã biết sẽ thua. Ông Cụ nhà mình bèn dạy bạn Ních-xơn: Đem quân đánh Việt Nam thì rõ là ngu rồi, bây giờ thua là chắc. Nếu muốn thua mà không đến nỗi bị nhục quá thì phải tự chấm dứt chiến tranh và rút khỏi Miền Nam Việt Nam.

Các bạn Mỹ đã hiểu, nhưng còn cố mặc cả: Nếu mà Mỹ rút, thì Bắc Việt cũng phải rút khỏi Miền Nam, và để cho Việt Nam cộng hòa của Thiệu được tồn tại, mà không tẩn bạn.

Bên mình bảo: Bắc Việt sẽ ở lại Miền Nam, và sẽ tẩn Thiệu nhừ xương.

Cãi nhau, căng nhất là chuyện Bắc Việt cứ ở lại Miền Nam. Sau cùng Mỹ yếu thế, phải chấp nhận ở mức là Bắc Việt cứ ở lại, và Việt Nam là một nước chỉ đang bị chia cắt tạm thời, nhưng nếu có giải quyết Việt Nam cộng hòa thì cũng theo một cách hòa bình nào đấy, chứ không tẩn bạn.

Bắc Việt và Mỹ thống nhất như thế.

Nhưng đến lúc Kít-xinh-giơ tới Sài Gòn để trao đổi với Thiệu, thì Thiệu khóc, bảo đây là Mỹ quyết định thí Việt Nam cộng hòa, để mặc cho Bắc Việt muốn chém muốn mổ tùy ý, Thiệu nằng nặc đòi phải đặt điều kiện Bắc Việt rút khỏi Miền Nam, Thiệu lên đài tuyên bố: "Bắc Việt là Bắc Việt, Nam Việt là Nam Việt, phải chấp nhận thực tế là tồn tại hai nước Việt Nam, không được xâm lược nhau."

Thiệu khóc to quá, Mỹ sợ mang tiếng đem con bỏ chợ... đại khái vì những chuyện bầy hầy này mà việc ký kết bị đình lại. Bị áp lực từ nhiều phía, quẫn trí, Mỹ quyết định ném bom Hà Nội để ép Bắc Việt phải theo một số điều kiện của Mỹ, nhưng rơi đến chiếc B-52 thứ 34 thì Mỹ chịu không thấu, đành phải bỏ Thiệu, và ký hiệp định theo điều kiện của Bắc Việt, - việc ký kết gồm 04 bên, cả Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa, lúc đầu Thiệu vẫn không chịu ký, nhưng Mỹ dọa nếu không ký thì Mỹ sẽ ký riêng với Bắc Việt, và không còn liên quan gì với Việt Nam cộng hòa nữa, Thiệu đành phải ký.

Tiếp theo, Việt Nam cộng hòa bị Bắc Việt tẩn nhừ xương, như chúng ta đã biết.

Như vậy, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có tội rất lớn trong việc B-52 ném bom Hà Nội.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...